23/12/2024

Chúa Nhật I MC – C – 2016: Các cám dỗ chống lại lòng Chúa thương xót

Giáo Hội luôn mời gọi ta suy niệm về những cơn cám dỗ của quỷ dữ đối với Chúa Giêsu để nhắc nhở ta về cuộc chiến đấu thiêng liêng. Đặc biệt trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta muốn suy tư đôi chút về những cơn cám dỗ chống lại Lòng Thương Xót của Chúa trong đời sống con người

 

 Các cám dỗ chống lại lòng Chúa thương xót 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong Chúa Nhật thứ I đầu Mùa Chay, Giáo Hội luôn mời gọi ta suy niệm về những cơn cám dỗ của quỷ dữ đối với Chúa Giêsu để nhắc nhở ta về cuộc chiến đấu thiêng liêng. Đặc biệt trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta muốn suy tư đôi chút về những cơn cám dỗ chống lại Lòng Thương Xót của Chúa trong đời sống con người. Chúng ta thường gặp ba loại cám dỗ sau đây:
– Cám dỗ về cơn đói vật chất mà quên lòng Cha yêu thương quan phòng mọi sự.
– Cám dỗ về cơn khát quyền lực đến độ chối bỏ sự hiện diện của Cha Trên Trời.
– Cám dỗ về lòng cuồng tín đến độ đòi hỏi Cha Trên Trời phải lo liệu mọi thứ cho ta như một người đấy tớ.

1. Cám dỗ về cơn đói vật chất

Ai đã từng nhịn ăn một hai ngày sẽ cảm nghiệm cơn đói này đáng sợ như thế nào. Nó làm ta bủn rủn tay chân, không còn sức làm việc, chỉ muốn ăn thật nhiều cho khỏi chết. Ai đã từng phải ngủ ngoài hiên nhà người khác trong đêm giá lạnh như một số khách du lịch Đà Lạt trong mấy ngày Tết Nguyên Đán vừa qua mới thấy được ngủ trong căn nhà có bếp sưởi là một hạnh phúc. Rồi nếu còn được ăn những bữa tiệc linh đình, sống trong căn hộ đầy đủ tiện nghi, có tủ lạnh, có máy điều hoà, có bếp điện từ, và được đi những chiếc xe đời mới, thay vì chen chúc trên xe buýt, thì mới thấy cơn đói vật chất này càng giày vò con người hơn nữa. Họ sẽ thấy lời đề nghị của quỷ dữ với Chúa Giêsu trong con đói của Người rất tự nhiên và đúng lúc: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” (Lc 4,3).

Lúc bấy giờ con người chúng ta bị cám dỗ phải làm ra thật nhiều của cải vật chất bằng trí óc và bàn tay của mình để đừng bị đói, đừng bị khổ, để sống xứng đáng là con người và là con Thiên Chúa. Nhưng khi miệt mài làm việc, thu tích thật nhiều vật chất để đề phòng đói khổ trong tương lai, con người dần dần quên Chúa, “Đấng ban cho họ hôm nay lương thực hàng ngày” vì họ đã dự trữ dư thừa cho ngày mai. Họ tưởng rằng tất cả những thứ đó là do mình làm ra chứ không phải do ai khác và mình muốn chia sẻ cho ai là tuỳ ý mình.

Họ không nghĩ rằng Cha Trên Trời đã yêu thương họ, đã cho mặt trời mọc lên trên người tốt cũng như kẻ xấu, cho mưa xuống trên người công chính cũng như người gian ác để mọi người được sống trên trái đất như ngôi nhà chung. Tất cả những gì họ có trong trái đất này đều bắt nguồn từ lòng thương xót của Cha Trên Trời: cây cối toả dưỡng khí cho họ thở, những động vật, thực vật đã giúp cho họ sống, những suy tư trong đầu óc họ, những tình cảm trong trái tim họ đều do Chúa ban cho họ mà thôi. Tất cả đều là hư không nếu Cha Trên Trời không thương xót họ.

Thế  nhưng, cơn cám dỗ về vật chất ấy làm cho con người cắm đầu làm việc như một con vật và quên rằng “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” mà còn nhờ tri thức, tình yêu và bao giá trị nhân linh cao cả khác. Con người cứ bo bo giữ kỹ những của mình kiếm được trong những két sắt an toàn, những tài khoản ngân hàng, mua những bất động sản cho tiền khỏi mất giá mà quên chia sẻ cho những người nghèo đói quanh mình vì không nhận ra họ là anh em của cùng một Cha Trên Trời. Chúng ta thấy hiện giờ 80% nguồn lực của thế giới thuộc về thiểu số khoảng 20% người giàu. 20% nguồn lực còn lại của thế giới lại chia sẻ cho đám đông người nghèo chiếm khoảng 80% dân số. Vì thế chúng ta mới thấy những cảnh trái ngược thương tâm là có những người ăn thừa mứa trong những ngày Tết đến nỗi phải đổ đi; trong khi những người nghèo không kiếm được một miếng bánh, một túi gạo trong ngày Tết.

Cơn cám dỗ về cơn đói vật chất ấy xúc phạm đến lòng thương xót của Chúa Cha nhân từ vì không tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Cha đối với con cái  mình và nó cũng đóng kín cửa lòng con người chúng ta lại để không chia sẻ cho nhau.

2. Cám dỗ về cơn khát quyền lực

Cám dỗ tiếp theo về cơn khát quyền lực và những vinh quang, danh dự đến độ chối bỏ sự hiện diện của Cha Trên Trời.

Ai đã từng bị cảnh sát giao thông phạt một cách vô lý thì mới thấy rằng nếu mình có quyền lực, đi xe biển số xanh thì chẳng ai dám phạt mình! Ai đã từng cầm đơn đến các cơ quan chính quyền để khiếu nại, đòi công lý và chờ mãi mà không được giải quyết mới hiểu được niềm khao khát có quyền lực dày vò con người như thế nào. Lúc đó người ta mong muốn có một chức vụ cao cấp nào đó để cho những người kia phải phục vụ mình; muốn làm giám đốc, tổng giám đốc hay chủ tịch để được tôn trọng, được vinh quang.

Ma quỷ lúc bấy giờ sẽ đề nghị: “Tôi sẽ cho ông tất cả những vinh dự và vinh quang trần thế này nếu ông sấp mình thờ lạy tôi” (x.Lc4, 6-7). Có một số người đã chối bỏ Thiên Chúa để thờ những ông thần tài, thần khoa học, tận tâm tận lực phục vụ những tổ chức, đảng phái, hội đoàn đến độ bỏ ngày lễ, bỏ giờ kinh, thậm chí chối bỏ cả gia đình và lương tâm con người. Người ta nghĩ rằng những loại thần tượng ấy có thể cho họ những vinh hoa, phú quý trong khi chúng chỉ là quỷ dữ đã từng nhận được quyền năng Chúa trao bây giờ chúng dùng quyền năng ấy để lừa bịp người khác. Chúng ta thấy rất nhiều người bán linh hồn cho ma quỷ để đạt được những điều đó. Những tổ chức, những hội Satan hay hội Tam Điểm đều theo phương hướng ấy.

Cơn cám dỗ này xúc phạm nặng nề đến Cha Trên Trời vì Ngài cho chúng ta tước hiệu làm con Thiên Chúa, được chia sẻ thần tính cùng với Chúa Giêsu. Danh dự cao quý ấy làm sao chúng ta  có thể có được nếu không nhờ lòng thương xót của Ngài. Nhiều khi chúng ta quên mình là con Thiên Chúa để chỉ còn biết mình là con, là thành viên của một tổ chức nào đó và chối bỏ sự hiện diện của Cha Trên Trời trong đời sống của mình.

3. Cám dỗ về lòng cuồng tín

Cơn cám dỗ thứ ba là lòng cuồng tín đến độ đòi hỏi Cha Trên Trời phải hành động, phải làm phép lạ theo ý mình như quỷ dữ đưa Đức Giêsu lên nóc đền thờ Giêrusalem và cám dỗ Người gieo mình xuống vì tin rằng Cha Trên Trời sẽ gìn giữ cho mình an toàn.

Có thể nhiều người chúng ta đã từng gặp cơn cám dỗ này. Lòng cuồng tín vào Thiên Chúa khiến ta nghĩ rằng cứ đi hành hương chỗ này chỗ kia, cứ đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót hay lần hạt và dự lễ đều đặn thì thế nào Chúa cũng chữa khỏi bệnh ung thư cho ta, kiếm được việc làm cho ta, đưa được người chồng phản bội, người con hư đốn về với gia đình. Chúng ta đang thử thách Thiên Chúa khi dùng những việc đạo đức, bác ái hay ăn chay hãm mình để mua sự an toàn cho con người thay vì hành động theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu nhắc nhở ta: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12).

Cha Trên Trời ban cho chúng ta lý trí, ý chí và mọi khả năng tinh thần để chúng ta trở thành những con người khôn ngoan biết hành động theo những luật lệ mà Cha đã đặt trong thiên nhiên, trong vũ trụ, xã hội và trong mỗi con người. Những phép lạ tuy vẫn có thể xảy ra, nhưng chúng cần có đủ lý do để Cha Trên Trời can thiệp trong đời sống con người, còn mỗi người chúng ta phải sử dụng những tất cả phương tiện Cha ban để tổ chức đời sống cho tốt đẹp. Làm sao ta có thể yêu cầu Cha làm phép lạ chữa bệnh ung thư của ta mà trong khi chúng ta cứ ăn những thực phẩm đầy hoá chất hoặc buôn bán những thực phẩm độc hại cho người.

Người tín hữu không phải đi tìm sự bảo vệ an toàn của Cha Trên Trời nhưng được mời gọi dấn thân, liều lĩnh vào cuộc Vượt Qua cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Người đã chấp nhận chịu tất cả những nhục nhã, đau đớn của cái chết trên thập giá để chứng tỏ tình yêu đối với Cha và để cứu độ anh chị em mình.

Có thể nói rằng lòng cuồng tín về một đời sống an vui, hạnh phúc của người tín hữu đang biến Cha Trên Trời thành người nô lệ phục vụ cho những nhu cầu ích kỷ của con người. Đúng ra, họ phải biết phó dâng tất cả cho Cha, trong niềm kính yêu vô hạn đối với Cha và sẵn sàng chấp nhận cái chết nhục nhã trên thập giá như Đức Giêsu. Từ đó mới sống lại, mới cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Cha trong cuộc đời của mỗi người.

Lời kết

Hôm nay, suy nghĩ về các cơn cám dỗ xúc phạm đến lòng thương xót của Cha Trên Trời, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới, khi bước vào Mùa Chay Thánh, cảm nghiệm được lòng thương xót ấy một cách sống động, cụ thể để chúng ta trở thành dung mạo của lòng thương xót cho mọi người, mọi vật quanh ta.