16/11/2024

Hy vọng mới cho nam giới hiếm muộn

Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra chuột đực trong phòng thí nghiệm với năng lực duy trì nòi giống mà không cần nhiễm sắc thể giới tính Y.

  

Hy vọng mới cho nam giới hiếm muộn

 

Các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra chuột đực trong phòng thí nghiệm với năng lực duy trì nòi giống mà không cần nhiễm sắc thể giới tính Y.





Ảnh: Shutterstock

 

 

Ảnh: Shutterstock

 


Tinh hoa tạo nên giống đực được cho là dồn vào nhiễm sắc thể giới tính Y, và truyền trực hệ từ cha đến con trai. Nhưng giờ đây giới khoa học gia đã tạo được chuột đực mà không cần nhiễm sắc thể Y vẫn có thể cho ra đời thế hệ kế tiếp. Lâu nay, giới tính ở động vật có vú, bao gồm con người, là sự kết hợp giữa các nhiễm sắc thể giới tính được di truyền. Phụ nữ có hai nhiễm sắc thể X, với mỗi nhiễm sắc thể truyền từ cha mẹ, trong khi đàn ông có một nhiễm sắc thể Y từ cha và một X từ mẹ. Chính nhờ các gien trên nhiễm sắc thể Y giúp kích hoạt sự phát triển của phôi đực trong bào thai. Không có nhóm này, bào thai sẽ tượng hình thành giới tính “mặc định”, có nghĩa là con cái trong trường hợp loài người và hầu hết động vật có vú.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia do Giáo sư Monika Ward của Đại học Hawaii (Mỹ) cho thấy có thể tạo ra chuột đực không mang theo nhiễm sắc thể Y mà vẫn phát triển thành con đực có năng lực di truyền. Để có thể làm được điều này, con đực được trang bị hai gien chức năng khác, gọi là gien Sry quyết định tinh hoàn và gien chịu trách nhiệm hình thành nguyên bào tinh Eif2s3y. Trong báo cáo đăng trên chuyên san Science, nhóm Giáo sư Ward chứng tỏ những con đực “vô Y” vẫn đủ sức tạo ra tinh trùng hữu dụng. Khi được dùng để tạo ra các bào thai thông qua kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (IVF), tinh trùng từ con đực này đã tạo ra một thế hệ khoẻ mạnh. Dù đời con và đời cháu cũng thiếu nhiễm sắc thể Y, chúng vẫn có khả năng di truyền nòi giống mà không cần thông qua liệu pháp IVF, theo các nhà khoa học.
“Hầu hết các gien trên nhiễm sắc thể giới tính Y ở chuột đều cần thiết cho quá trình phát triển tinh trùng trưởng thành và quá trình thụ tinh bình thường. Tuy nhiên, khi được hỗ trợ sinh sản, giờ đây chúng tôi đã chứng minh được ở chuột, sự đóng góp nhiễm sắc thể Y là không còn cần thiết”, theo Giáo sư Ward. Các nhà khoa học đã khai thác những gien tương đồng như Sry và Eif2s3y trên các nhiễm sắc thể khác để chúng đảm nhiệm các chức năng bị thiếu hụt do không có nhiễm sắc thể Y. Họ cho rằng đây là phát hiện quan trọng mà về lâu dài có thể giúp những người đàn ông mắc chứng vô sinh có thể thoả mãn ước mơ kéo dài dòng giống.
“Thật sự là tin tức tốt lành vì nó cho thấy vẫn có những chiến lược hỗ trợ khác ẩn giấu bên trong bộ gien di truyền, trong hầu hết các trường hợp đều bảo trì trạng thái bất động nhưng khi cần thiết rất hữu dụng trong việc đảm đương trách nhiệm ở những trường hợp cụ thể”, theo Giáo sư Ward. Vẫn chưa rõ liệu có chiến lược khác cho trường hợp người hay không, nhưng ít nhất ở 2 loài chuột, chiến lược thao tác trên gien di truyền đã chứng minh tác dụng.

Tụ Yên