24/12/2024

Đại ngàn qua 10 thế kỷ

Rừng nghiến Cốc Ly trải dài trên diện tích hơn 400 ha thuộc 7 thôn của xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). Với số lượng 898 cây nghiến và trai trên dưới 1.000 năm tuổi, khu rừng được xếp vào hàng ‘độc nhất vô nhị’ tại Việt Nam.

 

Đại ngàn qua 10 thế kỷ

 

Rừng nghiến Cốc Ly trải dài trên diện tích hơn 400 ha thuộc 7 thôn của xã Cốc Ly, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai). Với số lượng 898 cây nghiến và trai trên dưới 1.000 năm tuổi, khu rừng được xếp vào hàng ‘độc nhất vô nhị’ tại Việt Nam.





Rễ cây nghiến vươn xa hàng chục mét 	- Ảnh: Nam Anh

 

Rễ cây nghiến vươn xa hàng chục mét – Ảnh: Nam Anh


Ông Hồ Văn Xanh (73 tuổi), một người dân xã Cốc Ly, kể rằng từ lúc cha sinh mẹ đẻ, ông đã thấy rừng nghiến. Nhiều cổ thụ mà ông nhìn thấy hồi nhỏ giờ vẫn sừng sững. “Dân chúng tôi đã qua mấy đời người rồi mà bóng cổ thụ vẫn còn đó, xanh tươi như biểu tượng trường tồn của vùng đất cao nguyên ngàn năm gió núi”, ông Xanh tự hào.

Tuổi cây từ 700 đến 1.000


Đại ngàn qua 10 thế kỷ - ảnh 1
Dân chúng tôi đã qua mấy đời người rồi mà bóng cổ thụ vẫn còn đó, xanh tươi như biểu tượng trường tồn của vùng đất cao nguyên ngàn năm gió núi

Đại ngàn qua 10 thế kỷ - ảnh 2

Ông Hồ Văn Xanh (73 tuổi, một người dân xã Cốc Ly)

Theo tài liệu nghiên cứu của Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam thì cây nghiến cổ lớn nhất tại rừng Cốc Ly nằm ở địa phận thôn Cốc Sâm, với đường kính lên đến 3,1 m, chu vi 9,6 m và cao 46 m. Sau khi làm các bước kiểm tra như khoan tăng trưởng, so sánh đối chứng với những cây nghiến đồng dạng mọc liền kề, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận cây nghiến này sống ở đại ngàn Cốc Ly đã trên 10 thế kỷ. Ngoài ra, một số cây khác có đường kính nhỏ hơn cũng có độ tuổi 700 – 1.000 năm.

Ông Xanh tiết lộ: Thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, rừng Cốc Ly không chỉ có nghiến ngàn tuổi mà còn có cả cây lát hoa cổ thụ, đồ sộ đến 15 người ôm không xuể. Không những thế, rừng còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài động vật quý hiếm như hổ, báo, cầy hương, rắn hổ chúa… và đó cũng là nguồn sống của cư dân ven rừng. Nhiều người đến Cốc Ly đã không khỏi trầm trồ, thích thú với những cây nghiến to đến nỗi gần 10 người ôm không xuể. Rễ của một số cây nghiến ở thôn Cốc Sâm vươn xa đến 30 m, 3 người ôm không hết, quanh thân cây có các bìu nghiến lớn sùi ra. Theo tính toán của người dân địa phương thì chỉ riêng bìu nghiến của một cây đại thụ đã có giá trị hàng tỉ đồng.
Đại ngàn qua 10 thế kỷ - ảnh 3

Cây nghiến 1.000 năm tuổi nhiều người ôm không xuể – Ảnh: Hà An

Đổi gạo lấy rừng
Để rừng nghiến ngàn năm tuổi tồn tại cho đến ngày nay, chính quyền địa phương đã mất rất nhiều công sức trong việc ngăn chặn nạn chặt phá rừng. Bà Hồ Thị Đảm
(70 tuổi), ở xã Cốc Ly, kể lại thời điểm cách đây chừng 35 năm, dân địa phương đua nhau vào rừng chặt phá, ai có sức thì chặt cây to, yếu sức thì chặt cây nhỏ… Lúc bấy giờ, loại gỗ lát hoa đang được ưa chuộng, vì thế cây này bị khai thác đến cạn kiệt. Có những cây lát hoa cưa đến 6 ngày mới đổ. Dân lập lán trại, đi săn, nấu nướng trong rừng ồn ào như lễ hội. Được một thời gian, lát hoa dần vắng bóng, dân lại chuyển qua chặt nghiến.
Khoảng năm 1980, khi nhà nước cấm cửa rừng, người dân xã Cốc Ly được chính quyền địa phương hướng dẫn trồng lúa nước và bảo vệ rừng, đồng thời được trợ cấp gạo, tiền, đảm bảo cái ăn hằng ngày thì việc chặt phá rừng giảm hẳn. Nhiều người trước đó còn là lâm tặc thì nay trở thành bảo vệ rừng, được hưởng lương, gạo hằng tháng. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Ly, kể: “Ban đầu, chúng tôi huy động người dân 7 thôn tham gia bảo vệ rừng. Giải thích cho họ thấy lợi ích của việc giữ rừng là sau này làm du lịch, có khách về thì dân sẽ bán được lúa gạo, bán được con gà, con lợn… và làm đường bê tông vào tận thôn, bản. Dần dần người dân cũng hiểu ra. Khách du lịch hiện nay tuy chưa nhiều nhưng điều đó khẳng định lời thuyết phục của chính quyền địa phương với người dân là đúng đắn. Dân thấy có lý, kiếm ra tiền nên tự khuyên nhau bảo vệ rừng”.
Đại ngàn qua 10 thế kỷ - ảnh 4

Một chính sách khác đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ rừng tại Cốc Ly, đó là ưu tiên hộ nghèo vào đội bảo vệ rừng. Ông Tuấn giải thích, từ trước đến nay, đối tượng tham gia chặt phá rừng chủ yếu là các hộ nghèo. Vì thiếu ăn nên họ phải vào rừng, chặt gỗ đem bán đổi lấy gạo khiến việc ngăn chặn rất khó khăn. Chính quyền địa phương đã nghĩ ra cách thu nhận những người thuộc diện hộ nghèo vào đội bảo vệ rừng. Đổi lại, gia đình nào có người tham gia đội bảo vệ sẽ được trả công bằng gạo. Theo đó, mỗi khẩu trong gia đình có người tham gia bảo vệ được hưởng 15 kg gạo/tháng, gia đình nào 2 người thì 30 kg gạo, 4 người thì 60 kg…
Hiện 7 thôn có rừng nghiến ngàn tuổi tại xã Cốc Ly đều có một đội bảo vệ với lực lượng lên đến hơn 100 người, đó là chưa kể nhân viên kiểm lâm, công an địa phương thường xuyên tuần tra xung quanh và trong rừng.
Lễ đền tội… phá rừng
Nắm bắt phong tục cúng rừng của người dân địa phương, tỉnh Lào Cai cùng các cơ quan bảo vệ môi trường đã họp với dân làng quanh đại ngàn Cốc Ly để khoanh vùng rừng cấm. Theo đó, những khoảnh rừng nào, cây gỗ nào được coi là cấm thì sẽ không một ai được phép chặt phá, dù chỉ là hái một chiếc lá. Bởi dân địa phương cho rằng, sau khi làm lễ cúng rừng, khu rừng đó sẽ là của thần linh, nếu ai xâm phạm thì sẽ bị trừng phạt.
Ông Hồ Chuẩn Vần, một cán bộ bảo vệ rừng tại thôn Cốc Sâm, cho biết nếu người nào cố tình vào rừng chặt cành nghiến thì người đó sẽ bị bắt đền theo hương ước làng. Lễ đền tội phải cúng thần rừng bằng mâm cỗ là một con lợn 60 – 70 kg, 100 con gà. Nếu vi phạm nghiêm trọng thì phải cúng trâu, bò và phải làm lễ mời cả làng đến khu rừng ăn uống. Ngoài những hình phạt trên, người vi phạm còn bị xử phạt tiền gấp đôi giá trị cành gỗ ăn cắp được. Về mặt pháp luật còn phải chịu sự trừng phạt của nhà nước, nếu chặt trộm gỗ với khối lượng lớn thì có thể bị hình phạt tù.


Hà An – Nam Anh