24/01/2025

Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Trại Tập trung Auschwitz

Cách đây 60 năm ngày 27 tháng giêng năm 1945, các binh sĩ của Hồng quân Nga dã tiến vào trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan. Các hình ảnh phổ biến sau đó đã phơi bầy chính sách diệt chủng kinh hoàng của Adolf Hitler và chế độ độc tài Đức Quốc xã.

 Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Trại Tập trung Auschwitz

 

 
Cách đây 60 năm ngày 27 tháng giêng năm 1945, các binh sĩ của Hồng quân Nga dã tiến vào trại tập trung Auschwitz bên Ba Lan. Các hình ảnh phổ biến sau đó đã phơi bầy chính sách diệt chủng kinh hoàng của Adolf Hitler và chế độ độc tài Đức Quốc xã.

Trong khi hồng quân Nga tiến tới gần Auschwitz ở mạn tây thành phố Cracovia, miền nam Ba Lan, các lực lượng mật vụ Đức đã vội vã tìm cách giải toả các tù binh bằng cách đưa họ đi xa hơn, nhằm dấu nhẹm các chứng cớ của cuộc diệt chủng. 60.000 ngàn tù binh, đa số là người Do Thái, đã bị cuỡng bách di chuyển về mạn tây, hướng về thành phố Wodzizlaw trong vùng đông Slesia Thượng. Họ ra đi với manh áo tù mong manh, giữa trời tuyết giá buốt của Ba Lan. Trong các ngày trước đó quân Đức Quốc xã đã vội vã sát hại hàng ngàn người, nhiều bao nhiêu có thể. Trong cuộc di chuyển ấy các lực lượng mật vụ bắn những tù nhân quá mệt mỏi và kiệt lực không bước đi được nữa. Tuyết lạnh và đói khát đã khiến cho hơn 15.000 người chết.

Khi Hồng quân Nga tiến vào Auschwitz họ đã giải thoát 7.000 tù binh còn sống sót, bệnh tật và hấp hối, người gầy đét chỉ còn da bọc xương, mắt lồi to trên gương mặt hốc hác. Có hàng ngàn xác chết khác chưa kịp  đốt trong các lò hoả thiêu còn chất đống rải rác khắp nơi. Đã có khoảng 1,3 triệu người bị đày tới Auschwitz giữa các năm 1940-1945 và đã có 1,1 triệu người bị sát hại, bị đánh đập, đối xử tàn tệ, bị tra tấn, bị bắn chết hay bị giết trong các phòng hơi ngạt và bị thiêu sau đó.

Thật ra tên gọi Auschwitz là cả một tổng thể các trại tập trung và lao động cưỡng bách có hệ thống được dựng lên gần Oswiecim, là thành phố ở miền nam Ba Lan. Ngoài trại tập trung ban đầu gọi là Auschwitz I trong thời kỳ Diệt chủng đã có thêm nhiều trại khác thành hình, trong đó có trại tàn sát Brzezinka, hay Birkenau trong tiếng Đức, là Auschwitz II, trại lao động Monowitz hay Auschwitz III, và 45 trại khác được xây dựng trong thời Đức Quốc xã chiếm Ba Lan, trong đó các tù nhân làm việc không công cho nhiều kỹ nghệ khác nhau của Đức.

Tổng thể các trại Auschwitz là hệ thống lớn và quy mô nhất mà chế độ Đức Quốc xã chưa từng thực hiện cho dự án “giải pháp chung kết cho vấn đề Do Thái”, là kiểu nói hoa mỹ để ám chỉ cuộc diệt chủng Do Thái và tàn sát đủ mọi thành phần khác. Auschwitz nhanh chóng trở thành trung tâm tàn sát hữu hiệu nhất của Đức Quốc xã, và đã trở thành biểu tượng đại đồng của trại tập trung đồng nghĩa với “nhà máy của sự chết”, được thực hiện ngay giữa lòng Đông Âu của thế kỷ XX.

Năm 1947, Quốc hội Ba Lan quyết định thành lập một viện bảo tàng bao gồm Trại Tập trung Auschwitz I và Auschwitz II. Năm 1979 khu vực này được Liên Hiêp Quốc tuyên bố là gia tài của nhân loại. Do yêu cầu của chính quyền Ba Lan từ năm 2007 tên gọi “Trại Tập trung Auschwitz” được đổi thành “Auschwitz Birkenau – Trại Tập trung và Diệt chủng Đức Quốc xã 1940-1945”.

Tổng thể 3 trại tập trung chính và 45 trại phụ được xây trên đất tước đoạt của dân chúng các vùng này rộng hơn 40 cây số vuông. Bên trong có vài hãng xưởng kỹ nghệ kiểu mẫu nông nghiệp và chăn nuôi, do ý muốn của Hitler, trong đó các tù nhân bị bóc lột sức lao động như nô lệ.

Trại Auschwitz I bắt đầu hoạt động từ ngày 14 tháng 6 năm 1940, và là trung tâm điều hành tổng thể các trại tập trung. Số tù nhân bị giam giữ tại đây linh động từ 15.000 tới 20.000 người. Nhóm tù đầu tiên tới đây là 728 chính trị gia Ba Lan từ Tarnow tới, và làm việc để trùng tu trại lính cũ bị bỏ bom hư hại thành trại tù. Ban đầu chỉ có các nhà trí thức và thành viên kháng chiến Ba Lan, sau đó có thêm cả các tù nhân chiến tranh Nga, các tội phạm người Đức, các tù nhân chính trị và các thành phần không xã hội như ngưòi ăn mày, đĩ điếm, người đồng tính, các chứng nhân Giêhôva và người Do Thái. Bình thường số tù nhân xê xích giữa 13.000 -16.000, nhưng năm 1942 lên tới 20.000 người.

Trên cổng vào có tấm bảng đề “Lao động khiến tự do”. Các tù nhân rời trại để đi lao động hay khi về phải đi qua cổng này với tiếng nhạc đệm quân hành của một ban nhạc tù nhân. Rất thường khi các tay tội phạm người Đức được chọn làm giám thị các tù nhân. Họ lạm dụng quyền bính và đối xử rất tàn bạo với các tù nhân. Người tù sống chen chúc nhau trong các dẫy nhà bằng gỗ với các giường 3 tầng, và thường có gấp đôi số người có thể chứa, nên rất chật chội, không có vệ sinh và dễ lây bệnh của nhau. Người gốc Do Thái thuộc nấc thang thấp nhất trong xã hội, nên bị đối xử tàn tệ nhất. Tù nhân nào cũng phài lao động. Khi tới nơi các người không thích hợp cho lao động bị giết ngay sau đó. Thời gian lao động thay đổi theo mùa nhưng trung bình 10-11 giờ mỗi ngày. Trừ những người làm việc tại các hãng xưởng chế tạo vũ khí chiến tranh phải thay phiên nhau làm việc liên tục, cứ hai Chúa Nhật một lần tù nhân được tắm rửa giặt giũ và quét dọn trại. Các điều kiện làm việc vất vả, thiếu thốn thực phẩm và không có vệ sinh khiến cho nhiều người chết rất mau chóng.

Các tù nhân bị giết trong phòng hơi độc lấy từ lò hoả thiêu số 1, hay chết vì các điều kiện lao động cưỡng bách, bị xử bắn, đánh đập, tra tấn, hay vì bệnh tật, đói khát, bị đưa ra làm vật thí nghiệm khoa học, tất cả là 70.000, đa số là giói trí thức Ba Lan và tù bính chiến tranh Liên Xô. Dưới hầm khu 11, là nhà tù của trại, ngày mồng 3 tháng 9 năm 1941, lần đầu tiên quân Đức dùng hơi Zyklon B, là loại thuốc trừ sâu bọ để giết 850 tù nhân. Sau này loại hơi độc này sẽ được dùng rộng rãi để tiêu diệt người Do Thái.

Auschwitz II, tức trại Birkenau, là trại tiêu diệt, nơi đã có 1,1 triệu người bị tàn sát, đa số là người Do Thái, Nga, Ba Lan, các tù binh chiến tranh, các người đồng tính luyến ái, các nhà chính trị chống đối, các chứng nhân Giêhôva và các người du mục. Đây là trại tập trung rộng lớn nhất có tới hơn 100.000 tù nhân. Nó cách xa trại I khoảng 3 cây số, và bắt đầu hoạt động ngày mùng 8 tháng 10 năm 1941. Trại bao gồm 4 lò hoả thiêu lớn và các hố đốt đêm ngày các phần còn lại của các xác chết. Các tù nhân nam nữ bị nhốt trong các khu vực khác nhau phải lao động và tạm trú trước khi được chuyển đi các trại khác.

Trại Birkenau rộng hơn 4 cây số vuông chung quanh có hàng rào thép gai có điện cao thế. Hằng ngày đều có rất nhiều tù nhân tuyệt vọng vì các điều kiện sống khốn khổ nhục nhã, tự tử bằng cách lao đầu vào hàng rào để cho điện giật chết. Các tù nhân gọi đó là “cái chết nhanh chóng và êm dịu”.

Trại Birkenau có nhiều khu vực hoàn toàn biệt lập với nhau, nên tù nhân không có cách nào liên lạc với nhau. Khu vực B 1 a là trại tù phụ nữ, nơi phụ nữ bị giam với con cái họ. Khu B 2 b là nơi giam giữ nam giới Do Thái và không Do Thái. Năm 1943, họ được di chuyển sang khu  B 2 d, để nhường chỗ cho nữ giới. Khu B 2 a dành cho những người bị nghi ngờ có bệnh truyền nhiễm, và cũng là nơi tù nhân được huấn nhục để biết vâng lời tuyệt đối. Khu B 2 b dành cho các gia đình Do thái đến từ Theresienstadt, sau đó được dành cho phụ nữ Ba Lan bị bắt trong các cuộc truy lùng sau vụ dân chúng thủ đô Varsava nổi loạn. Khu B 2 c dành cho phụ nữ Do Thái đến từ Hungaria, trước khi bị gửi đi các trại khác hay bị giết. Khu B 2 d dành cho nam giới Do Thái và không Do Thái. Khu B 2 e là trại của các người du mục. Họ mau chóng chết vì các bệnh dịch, vì thiếu thốn thực phẩm và thuốc men. Những người cuối cùng bị gửi vào các phòng hơi ngạt năm 1944. Khu B 2 f là nhà thương của các tù nhân nam. Đây cũng là nơi các bác sĩ Đức Quốc xã dùng các tù nhân để thử nghiệm nhiều thứ thuốc. Khu B 2 g là nhà kho nơi đóng các kiện hàng của cải tịch thu của các tù nhân để gửi về Đức. Khu B 3 là trại chuyển tiếp. Có ít nhất 10.000 phụ nữ Do Thái đã bị nhốt tại đây trước khi bị giết trong các nhà hơi ngạt hay gửi đi các nơi khác.

Auschwitz III, tức Monowitz, là trại lao động nằm gần hãng chế cao su tổng hợp của hãng I.G. Farben, cách Auschwitz I 7 cây số. Nó bắt đầu hoạt động ngày 31 tháng 10 năm 1942 và có khoảng 12.000 tù nhân. Các tù nhân làm việc không công cho hãng hoá học Buna Werke thuộc hãng IG Farben, chế tạo cao su tổng hợp, xăng tổng hợp, và nhiều sản phẩm khác bằng carbon. Tuy đã giết chết 25 trên 35.000 tù nhân nhân công, hãng Buna Werke đã không đi tới việc sản xuất quy mô nào, tuy nó là hãng hoá học lớn nhất thời đó.

Trong các dự án của Đức Quốc xã phát triển giữa các năm 1930-1940 có chương trình đày ải và tàn sát 90% dân Ba Lan. Sau khi tàn sát người Do Thái, các trại tập trung sẽ được dùng để giết người Ba Lan. Sau đó Ba Lan sẽ bị chia xé và khai thác, số người còn lại sẽ là nô lệ cho các gia đình Đức tới sinh sống tại đây. Chương trình này đã bẳt đầu được thực hiện ngay sau khi Đức Quốc xã xâm lăng Ba Lan ngày mồng 1 tháng 9 năm 1939. Lực lượng đặc biệt đã bắt đầu tàn sát người Do Thái và các nhân vật chính trị, văn hoá Ba lan. Thời gian đầu đã có các vụ xử bắn tập thể người Do Thái, người du mục và các chính trị gia đối kháng. Quân đội Đức phải làm nhiệm vụ này. Đã xảy ra nhiều vụ bính sĩ Đức đào ngũ hay tử tử vì họ không thể chấp hành các lệnh bắn giết người già, phụ nữ và trẻ em. Từ nó nảy sinh ra các trại tập trung đáp ứng 3 nhu cầu: giữ bí mật cho các vụ tàn sát, tàn sát hữu hiệu trên mức độ kỹ nghệ, và sự độc lập của quân đội, vì việc bắn giết do các lực lượng đặc biệt đảm trách.

Ngày 14 tháng 6 năm 1940, tuy việc xây cất Trại Tập trung Auschwitz chưa xong, nhưng đã có 728 tù nhân được sĩ quan trại trưởng tiếp đón với các lời lẽ sau đây: “Các người không đến trong một dưỡng viện, nhưng trong một trại tập trung Đức. Ở đây chỉ có đường vào mà không có đường ra nào khác ngoài lò thiêu xác. Nếu có ai đó không thích, thì có thể đi lao mình ngay vào dây thép điện cao thế. Các người đến đây để chết: người Do Thái không có quyền sống hơn 2 tuần, các linh mục hơn 1 tháng và những người khác hơn 3 tháng.”

Các người tù sống sót kể lại: “Một ngày kia người ta đưa cho tôi một miếng xà phòng hình chữ Nhật bên trên có in 3 chữ RJF viết tắt của “Rein Juden Fett”, có nghĩa là “làm bằng mỡ tinh tuyền của người Do Thái”. Họ đã cho chúng tôi cơ hội tắm rửa với các xác chết của các người anh em Do Thái chúng tôi.”


 
 

Linh Tiến Khải