23/01/2025

Tây Ban Nha: cử hành Thánh lễ bằng thủ ngữ

Trong Phụng vụ, dân Chúa dùng lời kinh tiếng hát để cầu nguyện, ca tụng Chúa; nhưng đối với các tín hữu khiếm thính hay bị điếc thì sao?

Tây Ban Nha: cử hành Thánh lễ bằng thủ ngữ
 
WHĐ (04.02.2016) – Trong Phụng vụ, dân Chúa dùng lời kinh tiếng hát để cầu nguyện, ca tụng Chúa; nhưng đối với các tín hữu khiếm thính hay bị điếc thì sao?

Cha Sergio Buiza, Giám đốc quốc gia “Văn phòng đặc trách người khiếm thính” thuộc Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, cho biết mục tiêu của các ngài là “mang Tin Mừng đến cho càng nhiều người càng tốt”, tất nhiên bao gồm cả những người khiếm thính và người điếc.

Tại Tây Ban Nha, cha Buiza chỉ là một trong nhiều linh mục cử hành Thánh lễ bằng thủ ngữ*, hằng tuần tại Nhà thờ Chính toà Santiago ở Bilboa.

Có khoảng một triệu người ở Tây Ban Nha bị khiếm thính theo nhiều mức độ. Khoảng 1.250 người trong số đó tham dự Thánh lễ cử hành bằng thủ ngữ mỗi tuần tại một trong 24 nhà thờ có tổ chức Thánh lễ này.

Trong các giáo xứ thực hiện việc chăm sóc mục vụ cho người khiếm thính, có đầy đủ các hình thức cử hành và sinh hoạt bằng thủ ngữ: từ Thánh lễ đến các lớp giáo lý, học hỏi Kinh Thánh theo nhóm, lễ cưới, và bí tích Giải tội…

Tuy nhiên, cha Buiza giải thích, vấn đề lớn nhất là mỗi giáo phận chỉ có một giáo xứ chăm sóc mục vụ cho người điếc và người khiếm thính, buộc họ phải đi xa mỗi tuần để tham dự các cử hành phụng vụ: “Có những người lớn tuổi từ xa đến. Trong giáo phận của tôi, chúng tôi cử hành Thánh lễ ở Nhà thờ chính toà vào mỗi chiều thứ Bảy và họ đến từ nhiều thị trấn bằng xe lửa và xe buýt”.

Tháng Mười Hai năm ngoái, Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha đã công bố một sáng kiến mới, hợp tác với Tổ chức ONCE để giúp đỡ người khiếm thính bằng cách lắp đặt các “vòng cảm ứng từ” tại ít nhất 12 nhà thờ trên khắp Tây Ban Nha.

Vòng cảm ứng từ là một hệ thống biến đổi âm thanh trong một từ trường và được máy trợ thính tiếp nhận. Kỹ thuật này không có tác dụng với những người bị điếc hoàn toàn, nhưng ít nhất cũng giúp cho những người có máy trợ thính có thể tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn hơn.

Giáo hội tại Tây Ban Nha đã lo cho người khiếm thính từ hơn 50 năm nay và vẫn tiếp tục công việc này theo cách ngày càng có nhiều hợp tác, đặc biệt từ khi Hội đồng Giám mục thiết lập “Văn phòng đặc trách người khiếm thính” vào năm 1990.
Tại Tây Ban Nha có khoảng 173 người, trong đó có 21 linh mục, tham gia chăm sóc mục vụ cho người khiếm thính, chính nhiều người trong số này cũng bị điếc hoặc khiếm thính.

(Theo CNA)



–––––––––––––––
* Thủ ngữ: ngôn ngữ giao tiếp của người khiếm thính bằng cách dùng tay để ra ký hiệu.
 
 

Minh Đức