25/12/2024

Người có duyên hai lần nhìn thấy sao la

Nhiều người ví việc nhìn thấy sao la hay “kỳ lân châu Á” còn khó hơn cả nhìn thấy sao băng trên trời. Vậy mà có một người từng hai lần thấy sao la.

 

Người có duyên hai lần nhìn thấy sao la 

 

 

Nhiều người ví việc nhìn thấy sao la hay “kỳ lân châu Á” còn khó hơn cả nhìn thấy sao băng trên trời. Vậy mà có một người từng hai lần thấy sao la.

 

 

 

 

Người có duyên hai lần nhìn thấy sao la 

Ông Lương Viết Hùng (đứng) cùng thành viên đội bảo vệ rừng lắp đặt bẫy ảnh tại “toạ độ mật” ở huyện Tây Giang, Quảng Nam – Ảnh: TR.Trung

Tấm hình “kỳ lân châu Á” được nhìn thấy năm 2013 do Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam ghi nhận tại khu vực rừng thuộc huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã làm sống lại hi vọng bảo tồn loài thú quý hiếm bậc nhất này.

Góp công vào những thành quả ấy có một người đã trèo đèo, lội suối cùng lắp đặt bẫy ảnh ngay từ khi đồng bào Cơ Tu ở vùng đất “thánh địa” sao la còn xa lạ với loài vật này. Ông là Lương Viết Hùng, quản lý Hợp phần các khu bảo tồn sao la ở Trung Trường Sơn, 
dự án CarBi WWF.

Công việc thì vô hình lắm nhưng kết quả thật tuyệt vời. Chỉ cần mỗi năm số bẫy thú ít đi còn bẫy ảnh chụp được nhiều thú hơn, nhất là sao la thì còn gì bằng

LƯƠNG VIẾT HÙNG

Hai kỷ niệm buồn với sao la

Chúng tôi cùng một nhóm tình nguyện viên tham gia chuyến tuần rừng tại vùng lõi của Khu bảo tồn sao la Quảng Nam ở huyện Tây Giang vào ngày cuối năm. Thời tiết cận tết vùng cao cứ như đứa trẻ khóc nhè, hết ẩm ướt rồi lại mưa phùn dai dẳng.

Buổi tối trước ngày vào rừng, các cán bộ ở đây tổ chức buổi giới thiệu về khu bảo tồn, hướng dẫn một số kỹ năng đi rừng khi thời tiết xấu và một số quy định cấm khi vào vùng lõi. Cả nhóm đều biết rằng cơ hội được tận mắt nhìn thấy sao la trong chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” lần này gần như bằng không nhưng vẫn nuôi hi vọng.

Một tình nguyện viên hỏi rằng có ai trong số các cán bộ kiểm lâm và nhân viên bảo vệ rừng ở đây đã nhìn thấy sao la hay chưa, mọi người lắc đầu.

Bất ngờ ông Hùng lên tiếng, giọng đậm chất Huế: “Thật ra tôi đã được nhìn thấy sao la hai lần, một lần được chạm vào và một lần nhìn từ xa, nhưng cả hai đều là kỷ niệm buồn mà chẳng người làm bảo tồn nào 
muốn nhắc đến cả”.

Ông Hùng kể lần đầu được gặp sao la vào năm 1998, khi vừa mới ra trường về công tác tại Vườn quốc gia Bạch Mã.

“Năm đó người ta bắt được một con sao la non rồi giao cho vườn chăm sóc. Tôi nhớ thông tin về sao la hồi đó mới được nhà khoa học Đỗ Tước công bố năm 1993 nên ít người biết lắm. Thông tin bắt được sao la khiến cả vùng xôn xao, nhiều người kéo lên xem đông kín.

Tôi cũng như các anh em chỉ biết loài thú này quý hiếm bậc nhất nhưng nó ăn lá gì, ăn ra sao, sinh hoạt thế nào thì không ai rõ. Chưa biết sao la ăn gì nên mấy anh mới phân công “lính trẻ” là tôi đi hái các loại rau về để trước mặt để xem con sao la này ăn gì.

Tôi mới ra trường nên “rất máu”, ở cả tuần để lo ăn cho con sao la nhưng cũng không quan sát được gì. Vì con sao la này còn quá nhỏ, lại rất nhát nên không ăn được gì và chết sau đó ít 
lâu…” – ông Hùng nhớ lại.

Thời gian này, những thông tin về sao la liên tục mắc bẫy được người dân bắt giữ đã giúp các nhà khoa học có thêm thông tin về loài thú bên bờ tuyệt chủng này. Cùng với đó, sao la cũng “nổi như cồn” trong danh mục cần được bảo tồn bởi các nhà khoa học quốc tế đã gắn cho nó tên gọi “kỳ lân châu Á”.

Ông Hùng nhớ lại thời điểm đó loài thú này liên tục được ghi nhận về dấu vết và hình ảnh ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. “Thú quý hiếm, ai cũng mơ ước được nhìn thấy nên hồi đó hễ nghe thông tin có sao la là tôi lại xin anh em cho “bu càng” đi theo, riết cũng không gặp.

Chừng hai năm sau, người dân trên huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế) báo về có một con sao la mắc bẫy vẫn ở dưới bờ suối. Lúc này tôi đi theo một đoàn đến vào thời điểm người ta thả thú nên không vào vòng trong được mà chỉ nhìn thấy từ xa” – đưa cao tấm apphich, ông Hùng kể về lần thứ hai được nhìn thấy loài thú mà 
ông đang kêu gọi bảo tồn.

Người yêu của rừng xanh

Việc chứng minh được sao la còn tồn tại là thành quả nhiều tháng ngày ăn ngủ với rừng của anh em bảo vệ rừng. Còn người khai sinh các đội nhóm bảo vệ rừng và tạo ra mô hình hoạt động hiệu quả là ông Hùng.

Theo ông Hùng, ở các nước, việc ra đời các nhóm này là không mới. Thậm chí tại các nước trong khu vực Đông Dương đã từng có trước mình.

“Ở Lào mô hình hoạt động này đã có nhưng thất bại vì họ có bộ đội biên phòng, cảnh sát và người dân đi kèm với lực lượng kiểm lâm. Ban đầu hoạt động tốt nhưng sau thời gian thì xáo trộn lực lượng vì họ chuyển công tác, người mới rất khó nắm địa bàn. Khi được các chuyên gia khác giao nhiệm vụ, tôi rút kinh nghiệm điều này.

Ở đây chúng tôi chọn người đi cùng lực lượng kiểm lâm phải đặt tiêu chí địa phương lên hàng đầu, đương nhiên các ứng viên phải đảm bảo các yêu cầu sức khoẻ và yêu nghề. Nhiều anh em trong đội là đồng bào trước đây từng vào phá rừng, nay họ lại là những người hăng hái nhất, họ hiểu từng cánh rừng, từng lối khai thác bẫy thú nên nghiệp vụ phát hiện thì không ai bằng” – 
ông Hùng cho biết.

Nói thì đơn giản nhưng để đưa vào hoạt động nhóm này, ông Hùng cùng một số thành viên “ăn nằm” cắm chốt để làm nhiệm vụ phỏng vấn, thực địa khắp các cánh rừng trong tiểu khu để xây dựng các kế hoạch đi tuần rừng, vẽ các đường thoát nạn, đặt các điểm báo tin trong rừng khi có sự cố…

“Bây giờ khi làm nhiệm vụ quản lý, ngoài việc đi kiểm tra các đội theo định kỳ, anh Hùng vẫn phăng phăng lội rừng cả tuần liền mỗi khi có đoàn tình nguyện hoặc nghe thông tin ai hứng thú với sao la ghé qua. Tuổi 42 rồi nhưng tình yêu rừng và bước chân anh không mỏi” – ông Dương Văn Dành, cộng sự của ông Hùng, nói.

Còn với ông Hùng, việc mà ông và cộng sự làm được ông ví von là “đi tìm vô vọng” vì tìm thấy được sao la đòi hỏi quá trình bền bỉ, không biết mệt mỏi với không ít mồ hôi lẫn máu.

Người có duyên hai lần nhìn thấy sao la 
Hình ảnh kêu gọi bảo tồn “kỳ lân châu Á” – Ảnh: Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới cung cấp

Tám đội bảo vệ rừng của dự án Khu bảo tồn sao la Quảng Nam chính là mô hình xã hội hoá nhân lực bảo vệ rừng (cùng hoạt động bên cạnh lực lượng kiểm lâm) đầu tiên trong cả nước có từ năm 2011.

Mỗi đội tuần tra bảo vệ rừng có nhiệm vụ cùng một kiểm lâm làm nhiệm vụ truy quét, tháo dỡ bẫy, ngăn chặn các hành vi vi phạm tài nguyên rừng trong khu bảo tồn sao la và kiêm thêm các nhiệm vụ bẫy ảnh, thu mẫu vắt rừng để tìm sao la… Việc xây dựng đội này dựa trên ý tưởng lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm, lấy tính chuyên trách làm hiệu quả.

TRƯỜNG TRUNG