24/01/2025

Vì sao anh em gom rác bán đổ bán tháo xe rác?

Tốn hàng trăm triệu đồng “lên đời” chiếc xe tải đi thu gom rác, nhưng những chiếc xe này lại bị xem là vi phạm trong khi không có quy định nào về mẫu xe đạt chuẩn.

 

Vì sao anh em gom rác bán đổ bán tháo xe rác?

 

 

Tốn hàng trăm triệu đồng “lên đời” chiếc xe tải đi thu gom rác, nhưng những chiếc xe này lại bị xem là vi phạm trong khi không có quy định nào về mẫu xe đạt chuẩn.

 

 

 

 

 

Vì sao anh em gom rác bán đổ bán tháo xe rác?
Ông Nga bên chiếc xe tải chở rác mua từ năm 2010. Thùng xe được cơi nới cao gấp ba lần thiết kế ban đầu, thêm mái che phía trên để nước thải không chảy xuống đầu xe. Hiện nhiều đồng nghiệp của ông đã phải bán xe tải để mua lại xe tự chế, hoặc xe ba bánh – Ảnh: M.Hoa

Đó là tình trạng khó khăn mà người thu gom rác dân lập trên địa bàn TP.HCM muốn nâng cấp xe thu gom rác gặp phải.

Sau 10 năm làm nghề gom rác, đến năm 2010 tôi mới dành dụm mua được chiếc xe tải nhỏ với giá 130 triệu đồng. Trước đó, tôi cùng hàng trăm anh em trong nghiệp đoàn dùng xe cải tiến, xe tự chế.

Chấp hành chủ trương của Nhà nước về cấm xe cũ nát và xe 3-4 bánh tự chế, chúng tôi cố gắng chuyển đổi phương tiện và rất vui mừng vì xe mới sạch sẽ, lịch sự, an toàn hơn.

Tuy nhiên, đến nay nước ta vẫn chưa sản xuất được và cũng chưa có quy định nào về loại xe chuyên dùng, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của chúng tôi.

Do đó, khi mua xe về chúng tôi phải mang đến xưởng cơ khí đóng lại thùng kín để không chảy nước dơ khi chở rác, đóng thùng xe cao hơn thùng ban đầu nhằm chở được nhiều rác hơn, bởi nếu theo thiết kế ban đầu thùng xe rất thấp, chỉ chở được ít rác.

Nước thải sẽ chảy ra đường gây mất vệ sinh. Mỗi ngày tôi được giao nhiệm vụ gom rác ở một phường, với năm chuyến xe. Nếu chở ít thì buộc lòng phải tăng số chuyến lên. Như vậy có phải là góp phần làm tăng kẹt xe hay không?

Thời gian gần đây, ngành giao thông siết chặt tiêu chuẩn những mẫu ôtô đang lưu hành, các mẫu không đúng với thiết kế ban đầu đều bị bắt và phạt rất nặng. Thù lao của chúng tôi được bao nhiêu mà mỗi lần bị dừng xe đều phải nộp phạt 1-2 triệu đồng, ai chịu cho thấu?

Nói thiệt, nhiều khi tôi phải nhờ người canh cảnh sát giao thông, đợi mấy anh đi rồi mới dám chạy qua. Mà cái xe đầy rác như vậy, dừng ở đâu người ta cũng khó chịu, lại gây ô nhiễm thêm.

Đứng trước nguy cơ đó, anh em đành bán đổ bán tháo phương tiện, đóng lại xe ba gác làm phương tiện mưu sinh, với suy nghĩ là xe ba gác thì bị phạt nhẹ hơn, dù có bị tịch thu thì thiệt hại cũng nhẹ hơn.

Từ cuối năm 2014 trở lại đây, số xe tải chở rác trong nghiệp đoàn giảm hẳn xuống, chỉ còn khoảng 25% so với trước. Những anh em còn trụ lại thì ngày này sang ngày khác phải trốn tránh. Chúng tôi không biết phải trốn tránh tới bao giờ, thật là mệt mỏi.

Chủ trương của Nhà nước về bỏ các loại xe cũ nát, tự chế, chúng tôi hết sức ủng hộ. Nhưng cấm đường này thì phải mở lối thoát khác cho chúng tôi tiếp tục làm việc. Anh em chúng tôi mong muốn có một hướng dẫn rõ ràng cụ thể, quy định mẫu xe nào được sử dụng để chúng tôi được đường hoàng lưu thông khi làm công tác bảo vệ môi trường TP.

LÊ VĂN NGA (phó chủ tịch Nghiệp đoàn rác dân lập Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Phải chấp hành quy định

Đại tá Trần Thanh Trà, trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, khẳng định: các xe chở rác 3, 4 bánh tự chế, cải tạo hoặc ngay cả xe tải cơi nới thùng, thay đổi kết cấu… theo quy định hiện hành đều là vi phạm giao thông khi lưu thông.

PC67 tiếp nhận nhiều phản ảnh và đề nghị xử lý của người dân TP về tình trạng nhiều xe tải, xe 3, 4 bánh cơi nới, tự chế chở rác gây cản trở giao thông, gây ô nhiễm, gây tai nạn giao thông tại nhiều khu vực, tuyến đường (ví dụ như quốc lộ 50 xảy ra rất nhiều).

Với chức năng nhiệm vụ của mình, lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phải căn cứ các quy định pháp luật chứ không thể làm khác quy định. Vì vậy, việc các xe chở rác vi phạm thì phải xử phạt.

Các tổ chức, cá nhân hoạt động trong việc thu gom rác vẫn đang thiếu xe chuyên dụng, đúng chuẩn, đúng quy định, bảo đảm thuận lợi cho công việc là thực trạng chung.

Thực trạng đó cần có giải pháp từ ngành giao thông vận tải và các cơ quan liên quan. Khi chưa có phương tiện (xe chuyên dụng), các cá nhân, tổ chức hoạt động thu gom rác cũng như cảnh sát giao thông đều phải chấp hành quy định hiện hành.

Trong khi đó, theo lãnh đạo một trạm đăng kiểm tại TP.HCM, chủ xe phải thực hiện đúng thiết kế của nhà sản xuất. Trường hợp muốn cơi nới xe thì phải làm hồ sơ xin phép Sở Giao thông vận tải TP xem xét phê duyệt, nếu được duyệt thì chủ xe mới được cơi nới. Nếu không sẽ bị phạt.

ÁI NHÂN - N.ẨN ghi

MAI HOA ghi