Sáng chế bạc tỉ của anh Hai Lúa
Đang lội đồng thăm ruộng, nhận được điện thoại, ông Phạm Hoàng Thắng quày quả trở vô nhà chuẩn bị hành lý đi Hà Nội thực hiện thoả thuận nhượng quyền sáng chế.
Sáng chế bạc tỉ của anh Hai Lúa
Đang lội đồng thăm ruộng, nhận được điện thoại, ông Phạm Hoàng Thắng quày quả trở vô nhà chuẩn bị hành lý đi Hà Nội thực hiện thoả thuận nhượng quyền sáng chế.
Những lần thử nghiệm trên đồng của ông Thắng để hoàn thiện chiếc máy gặt đập liên hợp – Ảnh tư liệu |
Tôi nghĩ Nhà nước nên có chính sách khuyến khích những người như anh Thắng tham gia nghiên cứu, chế tạo, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất |
PGS.TS DƯƠNG VĂN CHÍN (nguyên phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL) |
Chuyến đi này ông Thắng (54 tuổi, ở P.Tân Hưng, Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) sẽ mang theo một số trang thiết bị mẫu, đồng thời tư vấn cho phía đối tác là Công ty CP Holding Vĩnh Phát (TP Hà Nội) những điều kiện cần thiết để triển khai sản xuất các sản phẩm: thiết bị gieo hạt, máy phun xịt dung dịch và máy gặt đập liên hợp theo thoả thuận nhượng quyền sáng chế lên tới 8,5 tỉ đồng vừa được ký kết.
Có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi sáng chế của một nông dân chính hiệu được bán – mua với số tiền không nhỏ.
“Tui phải hao tốn biết bao công sức, tiền của mới làm ra được những sản phẩm ấy. Bây giờ có người dám bỏ vốn ra đầu tư sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường thì thật là vui hết cỡ” – ông Thắng bày tỏ.
Chiếc mền và thiết bị gieo hạt
Câu chuyện bắt đầu hơn 15 năm trước khi ông Thắng về thăm nhà ngay thời điểm xuống giống, thấy những người dân trong xóm ai cũng lặc lè thúng lúa giống to đùng trên vai, vừa đi vừa vung tay vãi.
Sau bao năm tạm xa đồng ruộng lên TP.HCM bươn chải mưu sinh, giờ trở về ông vẫn thấy nông dân quá vất vả. “Gieo sạ cách ấy hạt giống khó rơi đều, tới chừng lúa lên sẽ phải cấy giặm mỏi xương sống luôn” – ông Thắng trầm tư.
Tìm hiểu qua mấy ông bạn nông dân, ông mới hay trước đây cán bộ khuyến nông ở địa phương đã giới thiệu thiết bị kéo hàng nhưng làm bằng sắt thép rất nặng nề, khó xoay trở nên sau vài bận dùng thử nông dân đã bỏ phế ngoài vườn.
Quan sát, ghi nhận ý kiến của nông dân, kết hợp những gợi ý của cán bộ kỹ thuật ở Viện Lúa ĐBSCL, về lại TP.HCM ông Thắng tìm cách cải tiến toàn bộ thiết bị gieo hạt.
Đầu tiên ông làm khuôn đúc, đổ nhựa toàn bộ các chi tiết như cần trục, bánh xe, hộc chứa hạt giống…, đồng thời thiết kế thêm các vòng nhựa bao quanh lỗ rơi của hộc chứa để người sử dụng có thể điều chỉnh mật độ gieo hạt.
Làm xong, ông đem thiết bị ra vỉa hè trước nhà ở Bình Thới, Q.11, TP.HCM gieo thử nghiệm. Tình huống phát sinh là khi hạt lúa rơi xuống nền ximăng, đường nhựa thì nẩy lên văng khỏi vị trí chứ không bám được như khi rơi xuống mặt ruộng.
Để khắc phục, ông đã nghĩ ra cách… gom hết chăn mền trong nhà trải ra sân để gieo thử. Lúa rớt xuống mền đâu nằm yên đó, đều ran.
Ông Thắng mừng quýnh, tỉ mỉ đo, đếm khoảng cách của từng hạt rồi liên tục chỉnh sửa thiết bị sao cho mật độ hạt phân bổ đúng như khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp.
“Nhà tui từ trong ra tới ngõ có lúc biến thành “ruộng” hết! Má ở quê lên chơi thấy tui cứ ngày đêm gieo lúa trên mền rồi bò ra đo đếm như một người điên đã kêu trời: Thôi đi con ơi, làm chi mà cực dữ vậy, đói thì về quê má nuôi!”, ông Thắng nhớ lại.
Lần mò rồi ông cũng làm xong thiết bị gieo hạt bằng nhựa, trọng lượng chỉ bằng 1/3 so với bằng sắt, nhẹ nhàng, dễ sử dụng, lại có thể điều chỉnh được mật độ gieo.
Lần đầu tiên đem thiết bị về quê trình diễn trên đồng ruộng, thiết bị gieo hạt của ông Thắng đã cho thấy những ưu điểm vượt trội cũng như hiệu quả mang lại.
Kết quả là sản phẩm đầu tay của người nông dân đam mê sáng chế đã được chính quyền địa phương đặt mua ngay gần 300 cái phục vụ công tác khuyến nông.
Cũng trong năm đó (năm 2000) ông được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế đối với thiết bị này.
“Tui bạo gan thử nghiệm trên mền, nhưng sản phẩm đầu tiên làm ra đã không bị “trùm mền” mà còn có mặt khắp trong Nam ngoài Bắc” – ông Thắng hào hứng.
Không những vậy, chuyên gia, DN các nước trong khu vực khi sang VN tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng lúa khi thấy sản phẩm đã đặt mua về thử nghiệm. Đến nay, hàng chục ngàn sản phẩm đã đến tay nông dân các nước Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Campuchia…
“Bây giờ thiết bị gieo hạt theo hàng đã trở nên phổ biến nhưng đặt trong bối cảnh cách đây hơn chục năm, việc ra đời của thiết bị này với lượng giống giảm 10-15kg/1.000m2 mới thấy giá trị thực tiễn từ sáng chế của anh Thắng” – kỹ sư Trần Thành Khen (TP Cần Thơ) nói.
“Nhà sáng chế” không chuyên
Nước da ngăm đen, thân hình vạm vỡ, nói chuyện mộc mạc như nông dân, dù bây giờ ông Thắng đã là giám đốc doanh nghiệp khoa học công nghệ hiếm hoi ở miền Tây, điều hành cả xưởng sản xuất khá quy mô, mỗi năm làm ra hàng chục máy gặt đập lúa chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập.
Đó là kết quả một cuộc “chạy đua” về kỹ thuật với các kỹ sư chế tạo máy.
PGS.TS Dương Văn Chín, nguyên phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhớ lại: “Sau khi anh Thắng sáng chế thiết bị gieo hạt bằng nhựa rất hữu dụng, chúng tôi đã tin tưởng, hỗ trợ anh tiếp tục nghiên cứu, sản xuất máy gặt đập lúa mang thương hiệu VN.
Bộ môn cơ cấu cây trồng (Viện Lúa ĐBSCL) lúc đó do tôi phụ trách đã đầu tư khoảng 45 triệu đồng mua hẳn một máy gặt đập ngoại nhập để anh Thắng nghiên cứu. Và anh ấy đã làm một cuộc chạy đua ngoạn mục với khả năng sáng tạo tuyệt vời”.
Năm 2007, chiếc máy gặt đập lúa đầu tiên do ông Thắng làm ra, trong đó ngoài động cơ và hộp số chuyên dụng là hàng nhập, hầu hết bộ phận còn lại của máy đều do ông tự thiết kế và chế tạo.
Sau nhiều lần cải tiến, nâng công suất, năm 2010 thế hệ máy gặt đập thứ hai đã ra đời với nhiều ưu điểm vượt trội.
Chiếc máy này đã giành giải nhất tại hội thi máy thu hoạch lúa các tỉnh phía Nam do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của 15 máy, trong đó có cả năm máy nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc.
Nhiều người không khỏi thắc mắc: một nông dân chưa hề qua trường lớp chuyên môn sao có thể chế tạo máy gặt đập đòi hỏi phải có sự đóng góp của cả một đội ngũ kỹ sư chế tạo lành nghề, chưa kể khả năng cạnh tranh với các loại máy nhập ngoại?
Ông Thắng thẳng thắn nhìn nhận: “Phần lớn máy gặt đập của các nước người ta làm ra để sử dụng đại trà, đưa về từng địa phương với những đặc thù về nền đất, thời tiết, khí hậu sẽ có những trở ngại khó tránh trong di chuyển, vận hành cũng như tỉ lệ hao hụt.
Mình có lợi thế là xuất thân từ nông dân, bám sát thực tế đồng ruộng nên biết cách chế tác sao cho máy hoạt động hiệu quả mà giá thành chỉ bằng nửa của họ thì sẽ thắng”.
Ông Thắng nói đơn giản vậy, nhưng đó là cả chuỗi ngày vật vã cùng ăn cùng ngủ với nông dân để thiết kế, lắp ráp, vận hành rồi điều chỉnh dần các chi tiết sao cho máy đạt hiệu suất cao nhất, phù hợp với đặc thù đồng ruộng từng vùng.
Ruộng gần nhà cắt hết, ông Thắng lại đưa máy lên xe tải chở qua Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, xuống tận Cà Mau thử nghiệm trên những nền đất, giống lúa khác nhau. Mấy bận hết tiền thử nghiệm, ông phải đem cả căn nhà ở Cần Thơ thế chấp ngân hàng, vay tiền làm tiếp.
Nỗ lực không mệt mỏi của ông đã được ghi nhận.
Tháng 11-2013, chiếc máy gặt do ông chế tạo tiếp tục giành giải nhất cuộc thi sáng chế do Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với một số tổ chức quốc tế và trong nước tổ chức, phần thưởng 100 triệu đồng kèm theo những đánh giá đầy khích lệ từ ban tổ chức:
“Đây là chiếc máy gặt đập dễ sử dụng, có thể cắt được ruộng lúa nghiêng ngả, ít bị ngập lún, tỉ lệ hạt hư hỏng sau thu hoạch thấp hơn và hạt lúa sạch hơn…”.
Tôi hỏi ông sẽ sử dụng số tiền nhượng quyền sáng chế 8,5 tỉ đồng để làm gì, nhà sáng chế không chuyên này nói: “Sẽ nghiên cứu nữa. Tui đang nghĩ tới thiết bị sấy lúa sử dụng năng lượng mặt trời và nhiều thứ khác nữa”.
Dường như ông đang mở ra một “cuộc chơi” khác cho bản thân mình…
Ngoài hai sản phẩm thiết bị gieo hạt và máy gặt đập liên hợp, ông Thắng còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế xe phun xịt dung dịch (năm 2003). Từ những sáng chế hữu dụng này, tháng 7-2015 một trường đại học ở Anh đã trao bằng tiến sĩ danh dự cho ông Thắng. |