24/12/2024

Bí ẩn cuộc chạy đua vũ trang không gian

Liên Xô và Mỹ từng đua nhau chế tạo vũ khí không gian để kiềm chế lẫn nhau từ thời chiến tranh lạnh nhưng bất thành.

 Bí ẩn cuộc chạy đua vũ trang không gian

 

 

Liên Xô và Mỹ từng đua nhau chế tạo vũ khí không gian để kiềm chế lẫn nhau từ thời chiến tranh lạnh nhưng bất thành.





Tên lửa đẩy Energia của Liên Xô - Ảnh: Corbis

Tên lửa đẩy Energia của Liên Xô – Ảnh: Corbis


Vào thời nay, câu chuyện về tham vọng đưa vũ khí khổng lồ lên không gian của Liên Xô và Mỹ nghe qua chẳng khác nào chuyện mơ mộng hão huyền. Tuy nhiên, ít người biết rằng hai kình địch thời đó đã nghiêm túc như thế nào trong nỗ lực theo đuổi giấc mộng sở hữu cái gọi là “Ngôi sao chết” hoặc “Mắt thần vũ trụ”.

Siêu “mắt thần”
Tài liệu vừa được giải mật của Mỹ đã tiết lộ những chi tiết chưa từng được biết đến về dự án không gian bí mật vào thời chiến tranh lạnh.
Theo Newsmax, Cơ quan Trinh sát quốc gia Mỹ (NRO) đã công khai một số thông tin về chương trình Phòng thí nghiệm có người trên quỹ đạo (MOL), khởi động từ tháng 12.1963 cho đến khi bị xếp xó vào tháng 6.1969. Tổng cộng chương trình đã ngốn đến 1,56 tỉ USD, một con số khổng lồ vào thời đó, theo ước tính của một số chuyên gia. Mục tiêu ban đầu của nó được không quân Mỹ xác định là nghiên cứu về vai trò quân sự của các phi hành gia trong không gian.
Trong khi MOL chưa bao giờ thực sự đưa được một trạm không gian với phi hành gia lên quỹ đạo, nhiều sự kiện đã xảy ra trong gần 6 năm tồn tại, với việc tuyển chọn 17 phi hành gia, thiết kế lại tàu không gian 2 chỗ ngồi Gemini của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), phát triển thiết bị phóng Titan-3C và thậm chí xây dựng bãi phóng dành cho chương trình tại căn cứ không quân Vandenberg ở California.
Chương trình này được giữ bí mật đến nỗi vào buổi đầu khởi động, các kỹ sư Mỹ cũng không rõ họ đang xây dựng cái gì: một dạng phòng thí nghiệm, một phi thuyền làm công tác trinh sát hoặc một oanh tạc cơ. Thậm chí đến nay nhiều thông tin về sáng kiến MOL vẫn được giữ bí mật.
Tuy nhiên, NRO cho hay một trong những nhiệm vụ chủ chốt của phi hành đoàn MOL là thực hiện các hoạt động do thám được triển khai theo chương trình Dorian.
Đây là hệ thống camera cực mạnh có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Liên Xô cũng như các địa điểm khác vào tầm quan sát với độ phân giải số 1 vào thời đó, hơn hẳn vệ tinh Gambit thế hệ đầu của NRO. Một nội dung khác cũng được thảo luận là dùng MOL mang theo các tên lửa đánh chặn, kiểm tra tình trạng các vệ tinh, quăng lưới tóm các phi thuyền địch. Thế nhưng, dự án không thu được kết quả như mong muốn và bị huỷ bỏ trước sự phát triển vượt bậc của các chương trình vệ tinh do thám không người lái.
Ngôi sao tử thần
Ở bên kia chiến tuyến, sau khi Mỹ quyết định huỷ chương trình MOL và chuyển sang các dự án khác, Liên Xô tiếp tục đẩy mạnh công cuộc nghiên cứu tên lửa đánh chặn trong thập niên 1970, bất chấp thực tế hai bên đã ký kết vào thoả ước chống tên lửa đạn đạo vào năm 1972. Khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan công bố khái niệm “Chiến tranh giữa các vì sao” vào tháng 3.1983, Moscow đã sẵn sàng đáp trả.
Tàu Gemini được thiết kế lại cho dự án MOL - Ảnh: NASA

Tàu Gemini được thiết kế lại cho dự án MOL – Ảnh: NASA

Theo tạp chí The National Interest, một năm sau cái bắt tay trên quỹ đạo giữa Mỹ và Liên Xô trong Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz vào tháng 7.1975, Moscow bắt đầu nghiên cứu đưa vào quỹ đạo các vũ khí chống tên lửa đạn đạo (ABM) như tia laser Skif-D và tên lửa đánh chặn Kaskad.
Phương tiện khổng lồ được thiết kế để làm bệ đỡ cho những loại vũ khí này được gọi là Polyus. Giống như MOL và chương trình trạm không gian Salyut, chương trình được thiết kế có người lái. Và kế hoạch chỉ thay đổi sau khi những thất bại trong các sứ mệnh Salyut chứng tỏ rằng việc thêm người vào phi thuyền chỉ khiến dự án càng trở nên phức tạp, nguy hiểm và đắt đỏ hơn.
Bài phát biểu của Tổng thống Reagan đề cập đến chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” đã đánh động giới lãnh đạo Liên Xô. Tháng 6.1984, Điện Kremlin quyết định phải chạy đua với người Mỹ thông qua dự án Polyus-Skif. Vào năm 1986, thời điểm nỗ lực nghiên cứu và phát triển của Mỹ đã vượt hơn 3 tỉ USD, Liên Xô cũng gấp rút chuẩn bị cho việc phóng căn cứ vào quỹ đạo.
Thoạt đầu, Polyus khá giống sáng kiến “Chiến tranh giữa các vì sao” của chính quyền Reagan: một dạng vũ khí bắn hạ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) từ quỹ đạo. Tuy nhiên, Moscow sau đó đã đổi ý và thế là chương trình trở thành một dạng vũ khí huỷ diệt được trang bị tận răng, mệnh danh là “Ngôi sao tử thần”. Mục tiêu của vũ khí mới là các căn cứ chiến đấu của Mỹ mà phía Liên Xô cho rằng sẽ sớm được phóng lên quỹ đạo.
Trong giai đoạn này, Tổng bí thư Mikhail Gorbachev luôn công khai kêu gọi ngừng quân sự hóa không gian và liên tục chỉ trích chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” của Mỹ. Vì thế, bí mật về Polyus phải được bảo vệ tuyệt đối để không bị phía Mỹ “bắt thóp”.
Theo Yuri Kornilov, cựu tổng công trình sư của Ban thiết kế Salyut, ông Gorbachev tin rằng Polyus trên thực tế là một “Ngôi sao tử thần” đúng nghĩa, tức một nền tảng vũ khí trên quỹ đạo có khả năng thả đầu đạn hạt nhân xuống bất cứ nơi đâu trên trái đất. Viễn cảnh trang bị bom nhiệt hạch cho Polyus đã làm cả Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ớn lạnh.
Liên Xô đã che giấu dự án Polyus trong chương trình xây dựng trạm không gian, nhờ vào thực tế Polyus là trạm vũ trụ được chuyển đổi công năng. Kích thước của Polyus khá kềnh càng, với chiều dài 57 m, đường kính hơn 5 m và nặng khoảng 80 tấn, tương đương kích cỡ của trạm không gian Skylab của Mỹ. Khoang chứa “hàng nóng” của Polyus, chính là lõi dự phòng của trạm không gian Mir-2, chứa rốc két, các bảng điện mặt trời và hệ thống năng lượng, và quan trọng nhất thiết bị laser hồng ngoại công suất 1 megawatt, kèm theo bồn chứa năng lượng cùng máy phát điện tuabin.
Rõ ràng là trọng lượng của thiết bị laser này quá tải so với các tên lửa đẩy, ngay cả tên lửa Proton cũng đành chào thua, nhưng tên lửa đẩy mới của Liên Xô là Energia hứa hẹn có thể đưa cả vũ khí lẫn trạm không gian chứa nó lên quỹ đạo. Dự án thử nghiệm “Ngôi sao tử thần” gần như đã lục tung mọi chương trình không gian của Liên Xô để lấy linh kiện.
Ngày 15.5.1987, tên lửa Energia đưa Polyus khỏi bệ phóng, nhưng cảm biến bị lỗi và phần mềm gặp trục trặc đã đẩy phi thuyền lộn nhào 2 vòng trước khi quay hướng về mặt đất. Hậu quả là Polyus rơi xuống nam Thái Bình Dương. Cái chết tức tưởi của “Ngôi sao tử thần” cũng đặt dấu chấm hết cho chương trình vũ khí không gian của Liên Xô lúc bấy giờ.
Hợp tác hay cạnh tranh ?
Những ngày đầu của thời hoàng kim trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ, cả Liên Xô và Mỹ đều vắt óc chế tạo những phi thuyền quân sự để tấn công các đối phương trên quỹ đạo.
Đến năm 1975, khi các phi hành gia Liên Xô và Mỹ lần đầu tiên gặp nhau trên quỹ đạo trong Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz, trạm không gian có vẻ như trải ra con đường dẫn đến hợp tác thay vì cạnh tranh trên không gian. Tuy nhiên, Liên Xô lại xem trạm không gian là cơ hội để vượt mặt người Mỹ trong lĩnh vực quân sự. Các trạm không gian Salyut đầu tiên trên thực tế là các vệ tinh quân sự trá hình.

Thuỵ Miên