Chiếc xe đạp tre… không đụng hàng
Những chiếc xe đạp được chế tạo bằng tre với vẻ ngoài độc lạ đang là sản phẩm được du khách quan tâm đặc biệt khi đến Hội An.
Chiếc xe đạp tre… không đụng hàng
Những chiếc xe đạp được chế tạo bằng tre với vẻ ngoài độc lạ đang là sản phẩm được du khách quan tâm đặc biệt khi đến Hội An.
Kỹ sư Tân trong nhà xưởng xe đạp tre của mình – Ảnh: Tấn Lực |
Đó là thiết kế “không đụng hàng” của chàng kỹ sư Võ Tấn Tân (38 tuổi), trú thôn 2, xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam. Qua bàn tay anh, những thân tre gai góc đã lột xác thành một tác phẩm nghệ thuật và đầy tính thực tế.
Cận cảnh lò sản xuất xe đạp tre
Dẫn người xem vào một nhà xưởng đang bày la liệt các sản phẩm từ tre cạnh chân cầu Cửa Đại, Tân hào hứng giới thiệu nơi ra đời những chiếc xe đạp tre của mình. Ngoài những dụng cụ chế tác, căn xưởng nổi bật với nhiều bộ ghiđông và khung xe đạp bên cạnh một vài chiếc xe đạp đã hoàn thiện dựng vào một góc, tất nhiên mọi thứ đều được làm bằng tre.
Tân bảo: “Mấy chiếc xe đạp tre nhìn giống đồ chơi vậy mà bền không thua gì đồ thép, dư sức chở mấy ông Tây lên bờ xuống ruộng đó nghen!”.
Nói đoạn, anh với tay lên trần nhà dỡ xuống một khung xe đạp mới khô keo, vừa lấy giấy nhám chà bóng bộ khung vừa kể cái ý tưởng lạ đời của mình: “Cha tui hồi trước là thợ tre chánh cống ở vùng này nên tui nhiễm luôn cái nghề của ông từ nhỏ. Hồi đó, thấy trong nhà có vật dụng gì là tui đều nghiên cứu chế lại bằng tre cho kỳ được. Từ bộ ấm chén, bát đĩa đến cái giường hay bàn ghế tui làm được hết. Sau này Hội An phát triển mạnh du lịch rồi cấm đi xe máy vào phố cổ, chỉ cho khách đi xe đạp hoặc đi bộ tham quan nên tui mới nảy ra ý nghĩ chế cái xe đạp tre. Thử nghĩ mà coi, xài cái xe đạp tre thì bảo vệ môi trường chấp mấy cái xe đạp bằng thép nhiều lần chớ”.
Ý tưởng là vậy nhưng Tân nói anh đã nhiều phen “trầy vi tróc vảy” mới chế được chiếc xe đạp tre chỉn chu như hôm nay. Anh nhớ lại những chiếc xe đầu tiên, không những có hình dáng thô kệch mà còn rất… yếu đuối. “Dùng làm cảnh là chủ yếu chứ không mong sử dụng được vì hễ gặp chấn động mạnh là các chi tiết lại rơi ra, bánh đi đường bánh, khung đi đường khung” – Tân nói.
Sau những thất bại liên tiếp, anh lại mày mò từ đầu để tìm hiểu cấu tạo của xe đạp, từ đó học cách thiết kế khung sườn sao cho sức nặng người ngồi trên xe được phân bố tối ưu. Nhưng theo anh, cái khó nhất vẫn là làm cách nào để liên kết chặt những điểm nối ở các trục mà không dùng tới đai ốc hay keo dán công nghiệp.
Tân “bật mí” bí quyết thành công hôm nay chính nhờ loại keo dán mà anh tự sáng chế sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu. Nhìn bề ngoài, lớp keo có màu vàng hổ phách, bên trong có vài sợi giống như dăm gỗ, sờ khá bóng bẩy.
Tân tự hào gọi đó là một dạng vật liệu “composite đặc biệt” của riêng anh và xin không chia sẻ chi tiết thành phần để giữ gìn bí quyết. Như chứng minh cho sự vững chắc của lớp keo, anh nhanh nhảu nhảy lên chiếc xe vừa hoàn thiện, mời khách ngồi sau rồi đạp luôn vài vòng ra con đường bêtông trước ngõ. Chiếc xe không hề có dấu hiệu suy suyển!
Ngắm nghía bó ống tre gai còi thẳng tắp gác trên nóc nhà xưởng, Tân khoe đây là số nguyên liệu do chính tay anh tuyển chọn từ những bụi tre khắp các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn. Suốt cuộc trò chuyện, không ít lần anh dành lời khen ngợi đặc tính tốt của cây tre quê nhà.
“Tui thấy không có loại cây nào thích hợp làm xe đạp hơn tre vì cấu tạo của nó rất đặc biệt. Thân tre rỗng rất nhẹ, trong khi cứ cách một đoạn lại có mắc tre gia tăng độ bền. Hình dáng cây tre tròn lại có sợi bện dọc là kết cấu chịu lực tuyệt vời của tự nhiên” – anh giải thích.
Giá “chát” vẫn cháy hàng
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước mức giá anh đưa ra cho một chiếc xe đạp tre: trung bình từ 10 – 40 triệu đồng, với những khách đặt theo yêu cầu riêng, trị giá chiếc xe có thể lên đến cả trăm triệu đồng!
Tân cho biết khách của anh đa số đến từ các nước phát triển tại châu Âu và châu Úc. Tầng lớp này không đặt nặng chuyện tiền nong, miễn sao sản phẩm đến tay họ phải đẹp, độc và thuần thiên nhiên là sẵn sàng móc hầu bao chi bộn.
Tân chia sẻ theo quan điểm của anh, xu hướng sử dụng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường đang dần phổ biến rộng rãi tại các nước phát triển. Bởi vậy không chỉ xe đạp tre mà bất cứ sản phẩm nào đáp ứng tiêu chí này đều có cơ hội thành công cao.
Tân tiết lộ hiện tại mỗi năm tại xưởng anh cho ra lò khoảng 50 sản phẩm và chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường. Anh cho biết dự tính sắp tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hoá mã bên cạnh các mẫu đang chế tạo như xe địa hình, xe đô thị hay xe đặc biệt dành cho trẻ em và người khuyết tật để thoả nhu cầu khách hàng.
Một sản phẩm du lịch ý nghĩa Ông Đinh Hài, giám đốc Sở Văn hoá hể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam, cho hay bản thân khá thích thú với ý tưởng chế tạo xe đạp bằng tre của kỹ sư Tân. Theo ông Hài, cây tre vốn là hình ảnh quen thuộc đã ăn sâu bén rễ trong đời sống người Việt Nam qua nhiều thế hệ. Người Việt xưa sống trong căn nhà tre, dùng vật dụng và công cụ lao động từ tre, vì thế cây tre trở thành một biểu tượng đặc biệt. Không chỉ có vậy, chiếc xe đạp tre cực kỳ thân thiện với môi trường, rất phù hợp với tiêu chí phát triển du lịch xanh của phố cổ Hội An hiện nay. Ông Hài nhận định đây là một sản phẩm du lịch rất có triển vọng, giúp đa dạng hoá lịch Hội An. |