25/01/2025

Chúa Nhật 2 TN – C – 2016: Tinh trạng thiếu rượu trong tiệc cưới của con người

Khi con người cắt đứt quan hệ với Thiên Chúa, tình yêu của họ bị giới hạn, dù có cố gắng đến mấy họ vẫn không thể vượt qua giới hạn của chình mình và vạn vật. Đó chính là tình trạng thiếu rượu ở tiệc cưới Cana. Dù vợ chồng yêu thương nhau đến mấy thì gia đình vẫn có những hiểu lầm, xung đột, căng thẳng, có khi đến độ tan vỡ, ly hôn.

Tinh trạng thiếu rượu trong tiệc cưới của con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong những Chúa Nhật đầu tiên của mùa Thường Niên, Giáo Hội luôn giới thiệu cho chúng ta những định hướng căn bản cho suốt năm sống. Chúa Nhật thứ II hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy nghĩ về tình yêu vì nó là động lực nền tảng cho mọi hoạt động của con người và cũng là mục tiêu cuối cùng cho mọi hoạt động của Giáo Hội nơi trần thế khi cổ vũ xây dựng nền văn minh tình yêu (x. Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 582,103, 391).

1. Tình yêu tự nhiên của con người

Trước hết, chúng ta bàn về tình yêu tự nhiên của con người.

Khi dựng nên con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã đặt tình yêu vào lòng con người để con người có thể yêu mọi loài mọi vật bằng một tình yêu trong sáng, quảng đại, tốt đẹp giống như Thiên Chúa. Ngài là người cha nhân từ cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ và cho mưa xuống trên người tốt cũng như kẻ xấu. Tình yêu ấy thúc đẩy mọi con người gắn bó với nhau để làm thành một cộng đồng yêu thương là toàn thể gia đình nhân loại. Tình yêu cụ thể cũng kết hợp 2 người nam nữ gắn bó với nhau để thành 1 gia đình, để sinh ra những đứa con, đứa cháu làm  cho gia đình nhân loại được trường tồn.

Nhưng, tình yêu cao cả ban đầu ấy đã bị huỷ hoại khi con người cắt đứt mối quan hệ với Thiên Chúa vì nghĩ rằng mình có thể yêu mà không cần đến Thiên Chúa. Thật ra, Chúa đã cho con người tình yêu và đã không đòi lại, nên con người vẫn có thể yêu nhau mà không cần tin vào Chúa như ta thấy nơi rất nhiều người trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên khi con người cắt đứt với nguồn tình yêu là Thiên Chúa Chân Thiện Mỹ, thì con người không còn có thể yêu trong sáng, quảng đại, tốt đẹp mãi mãi như Thiên Chúa. Tình yêu của con người từ đó bị giới hạn trong không gian, thời gian, vật chất và cả những dục vọng, tội lỗi, nên chỉ dành cho một vài người, vài vật nào đó chứ không thể toả rộng ra cho tất cả như xưa. Đáng lẽ tình yêu phải làm cho con người vui sống mãi như Thiên Chúa, nhưng nhiều người lại cảm nghiệm nỗi buồn và cái chết như thi sĩ Xuân Diệu than thở: “Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu…”

Thứ Tư tuần rồi, ngày 13/1/2016, tôi đến thăm mộ thi sĩ Hàn Mạc Tử ở Ghềnh Ráng nhân dịp tham dự cuộc Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ”. Tôi nhớ đến cuộc đấu khẩu giữa 2 người con của Bình Định về tình yêu. Xuân Diệu cho rằng: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu? Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu”. Xuân Diệu vì không tin vào Chúa, nên chỉ cảm nghiệm được tình yêu qua vạn vật mà không giải nghĩa được nó. Còn Hàn Mạc Tử là người Công giáo nên nhắc bạn rằng: “Ai hãy lặng thinh, chớ nói nhiều! Để nghe dưới đáy nước hồ reo, để nghe tơ liễu run trong gió, và để nghe Trời giải nghĩa yêu”. Người ta có thể giải nghĩa được tình yêu tự nhiên nơi con người khi biết được Trời là nguồn cội tình yêu đó.

2. Tình trạng thiếu rượu trong tiệc cưới của con người

Trong Bài đọc I, tiên tri Isaia nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi đã cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62,5). Mỗi người chúng ta đều tham dự vào một cuộc hôn nhân mầu nhiệm với Chúa Trời, dù đi tu hay không tu, dù lập gia đình hay không lập gia đình. Tất cả chúng ta đều có 1 người chồng, 1 người vợ, 1 người tình, đó là chính Thiên Chúa. Ngài yêu ta và đổ tràn đầy tình yêu vào lòng ta nhờ Thánh Thần Ngài ban cho ta (x. Rm 5,5) để chúng ta có thể yêu một cách trong sáng, quảng đại và vô hạn như Ngài.

Nhưng khi con người cắt đứt quan hệ với Thiên Chúa, tình yêu của họ bị giới hạn, dù có cố gắng đến mấy họ vẫn không thể vượt qua giới hạn của chình mình và vạn vật. Đó chính là tình trạng thiếu rượu ở tiệc cưới Cana được bài Phúc Âm diễn tả (x. Ga 2,1-11). Rượu tượng trưng cho niềm vui, rượu mang lại hạnh phúc cho con người trong tiệc cưới. Nhưng dù con người chuẩn bị kỹ càng đến mấy, tiệc cưới vẫn xảy ra tình trạng thiếu rượu. Dù vợ chồng yêu thương nhau đến mấy thì gia đình vẫn có những hiểu lầm, xung đột, căng thẳng, có khi đến độ tan vỡ, ly hôn.

Theo thống kê xã hội, Việt Nam có khoảng 31- 40% các cặp vợ chồng ly hôn so với 50 % ở nhiều nước Âu Mỹ. Những đứa con không biết theo cha hay theo mẹ, không được chăm sóc, yêu thương nên trở thành những con người bất mãn. Nhiều bạn trẻ không còn tin vào tình yêu chung thuỷ trọn đời, nên đòi phải sống thử trước hôn nhân. Nhiều người hiểu lầm tình yêu là tình dục nên chỉ gắn bó với nhau để thoả mãn những tham vọng và dục vọng. Kết quả là Việt Nam hiện đang đứng hàng thứ 5 trên thế giới về tình trạng phá thai: mỗi năm có hơn 2 triệu ca phá thai, hơn 30% phụ nữ phá thai luôn bị ray rứt, mang mặc cảm tội lỗi dẫn đến trầm cảm và nhiều người muốn tự tử. Việc chúng ta cần làm là phải giúp những phụ nữ đó vượt qua cơn thử thách để tìm lại bình an, tìm được lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa và ổn định tâm lý của mình.

3. Tình yêu Thiên Chúa

Dù con người cạn kiệt tình yêu trong sáng của Thiên Chúa trong trái tim mình thì Thiên Chúa vẫn yêu thương con người. Ngài luôn trung thành trong tình yêu với con người, dù họ phản bội Ngài.

Hơn nữa, con người cần nhớ thêm rằng: trong tiệc cưới của con người, Đức Giêsu cùng với Người Mẹ Thánh vẫn luôn luôn hiện diện và can thiệp trong những lúc chúng ta cạn kiệt sức lực để yêu thương, cạn kiệt tình yêu để tha thứ, để hy vọng, dể chịu đựng, để đón nhận nhau. Vì yêu thật sự là phải “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7), như thánh Phaolô nhắc nhở về tình yêu Thiên Chúa ở trong ta.

Đức Giêsu luôn hiện diện để can thiệp trong cuộc đời ta, để nhắc nhở ta rằng: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta, Ngài đã ban Con Một của Ngài trở thành người như chúng ta để ta thấy tình yêu cụ thể của Thiên Chúa được diễn tả như thế nào: yêu cho đến cùng, cho đến chết trên thập giá và sống lại để thăng hoa tình yêu của con người. Tình yêu ấy không dừng lại ở việc chuyển đổi từ nước sang rượu, mà nó còn đi xa hơn. Khi chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu, Người sẽ biến đổi rượu trong tiệc cưới của ta trở thành máu của Người trong tiệc Thánh Thể để chuyển thông cho chúng ta chính sự sống, chính tình yêu của Thiên Chúa vào trong trái tim nhỏ bé tầm thường của ta để ta cảm nghiệm được rằng yêu phải là như thế và chắc chắn phải được như thế.

Vì vậy, Đức Maria đã nói với gia nhân rằng: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu đã bảo chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Con người phải dám yêu cho đến chết, yêu cho đến cuộc sống lại để vẫn hy vọng rằng người chồng phản bội hay người vợ lăng loàn của mình, được Thiên Chúa tác động, sẽ quay trở về với mình, nên mình luôn trung thành trong tình yêu, chứ không phải “Ông ăn chả thì bà ăn nem” như thói thường của con người. Dù rằng người ta có ghét bỏ, nói xấu, lừa bịp, bách hại, thậm chí đóng đinh mình thì mình vẫn luôn tha thứ cho người ta vì Thiên Chúa Giêsu mời gọi chúng ta như vậy khi đi theo Người trên con đường tình yêu.

Đó là tình yêu đầy lòng thương xót của Thiên Chúa. Có như thế chúng ta mới cảm nghiệm được bình an, hạnh phúc và ơn cứu độ trong tình yêu. Có như thế ta mới phát huy những ân sủng của Thánh Thần Tình Yêu, mà Cha đầy lòng thương xót đã ban cho chúng ta qua Đức Giêsu, để ta trở thành hiện thân của Chúa Giêsu cho con người hôm nay, khi ta chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí, nói các tiếng lạ… như Bài Đọc II diễn tả (x.1Cr 12,4-11).

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang đóng kín lòng mình, không còn muốn yêu thương, xin cho họ biết mở rộng trái tim để đón nhận Thánh Thần tình yêu. Chúng ta cũng cầu nguyện cho những gia đình đang có những xung đột, bất hoà, có thể dẫn đến ly hôn, và cho cả những gia đình đã ly hôn rồi, cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa. Ngài đang mời gọi tất cả chúng ta hãy tha thứ cho nhau, đón nhận, chịu đựng nhau và hãy trở về với nhau để cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa trong cuộc tình với con người.