26/12/2024

Thái Lan ‘nắn’ dòng Mê Kông, ĐBSCL bị đe doạ

Trong khi những lo ngại về tác động môi trường của dự án đập thuỷ điện Xayaburi và Don Sahong tại Lào vẫn chưa nguội thì Thái Lan lại rục rịch dự án “nắn” sông Mê Kông để chống hạn hán, đe doạ trực tiếp đến sinh thái vùng hạ lưu, trong đó có ĐBSCL của VN.

 Thái Lan ‘nắn’ dòng Mê Kông, ĐBSCL bị đe doạ

Khô hạn ở An Giang (VN) có nguyên nhân từ nguồn nước sông Mê Kông bị “chặn” nhiều trên thượng nguồn - Ảnh: Công Hân

Khô hạn ở An Giang (VN) có nguyên nhân từ nguồn nước sông Mê Kông bị “chặn” nhiều trên thượng nguồn – Ảnh: Công Hân

Trong khi những lo ngại về tác động môi trường của dự án đập thuỷ điện Xayaburi và Don Sahong tại Lào vẫn chưa nguội thì Thái Lan lại rục rịch dự án “nắn” sông Mê Kông để chống hạn hán, đe doạ trực tiếp đến sinh thái vùng hạ lưu, trong đó có ĐBSCL của VN.

Tờ Bangkok Post mới đây dẫn lời Cục trưởng Cục Tài nguyên nước Thái Lan Suphot Tovichakchaikul cho biết ngoài nguồn nước nội địa, nguồn nước sông Moei giáp Myanmar có thể được dẫn vào hồ nước tại đập Bhumibol ở tỉnh Tak. Trong khi đó, nước sông Mê Kông có thể được đưa đến các con đập chính ở vùng đông bắc.

Ông Suphot đưa ra phát biểu trên sau cuộc họp của Uỷ ban Nước quốc gia do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì vào đầu tuần này. Ông cho biết kế hoạch dài hạn để điều chỉnh dòng chảy đã được thông qua tại cuộc họp và cần khoảng 1 năm để đánh giá tác động môi trường. Chính phủ Thái Lan đã đồng ý về nguyên tắc đối với 2 dự án điều chỉnh dòng chảy phục vụ nông nghiệp do thiếu nước và đã nghiên cứu tính khả thi của việc đưa nước từ các con sông biên giới trong giai đoạn hơn 10 năm. Theo đó, Thái Lan sẽ chi 64 tỉ baht (gần 40.000 tỉ đồng) cho dự án điều chỉnh dòng chảy này.

Bỏ lơ VN?

Đập Bhumibol có thể chứa đến hơn 4 tỉ m3 nước nhưng hạn hán đã làm mực nước sụt giảm nhanh chóng. Sắp tới, nếu việc điều chỉnh dòng chảy sông Mê Kông thuận lợi, nước sẽ được dẫn vào vùng lưu vực sông Huai Luang nằm ở Udon Thani và Nong Khai. Ông Suphot cho biết việc xây dựng các van điều tiết nước từ sông Mê Kông đã hoàn tất nhưng phải mất cả năm để bơm nước đến khắp lưu vực sông Huai Luang và cung cấp cho 480.000 ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, kế hoạch này cần thoả thuận song phương giữa Thái Lan với Myanmar, Lào và Campuchia.

Bộ trưởng Hợp tác xã nông nghiệp, tướng Chatchai Sarikulya, cũng cho biết chính phủ sẽ nghiên cứu về những tác động của việc dẫn nguồn nước từ sông Mê Kông dọc biên giới có ảnh hưởng gì đến nước bạn hay không. Dự án này cần được lên kế hoạch tỉ mỉ để chắc chắn đem lại lợi ích cho đất nước và giảm thiểu tác động đến môi trường và cộng đồng dân địa phương. Vì thế, bộ này sẽ tuân theo các quy trình và thủ tục hợp pháp, gồm cả những yêu cầu của Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). “Chúng tôi muốn nghe tiếng nói của người dân và sẽ tuân theo các quy trình đánh giá. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu của ĐTM, dự án này sẽ ngưng”, ông này nói.

Tuy vậy, các nhà hoạt động môi trường lo ngại chính quyền có thể dùng đặc quyền của mình thông qua điều 44 (cho phép chính quyền quân đội được ra luật mới đối với các vấn đề an ninh mà không phải thông qua quốc hội) để “ngó lơ” ĐTM trước dự án “khủng” này, dù biết có thể đối diện với những rủi ro tác động đến môi trường và cộng đồng.

Theo bà Pianporn Deetes, Giám đốc truyền thông của Tổ chức Sông ngòi quốc tế, có lẽ ông Suphot đã “quên” nhắc đến VN với vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ bất cứ thay đổi nào ở thượng nguồn sông Mê Kông. “Dự án chính phủ Thái Lan đưa ra giữa bối cảnh thảm hoạ khô hạn nhằm thay đổi dòng chảy lưu vực sông Mê Kông đến vùng đông bắc nước này. Điều đó sẽ gây những tác động môi trường đến các quốc gia vùng hạ lưu, trong đó có VN”, bà Pianporn trả lời phỏng vấn của Thanh Niên.

Thái Lan “nắn”  dòng Mê Kông, ĐBSCL bị đe dọa

Mực nước đập Bhumibol ở Thái Lan xuống thấp  – Ảnh: Posttoday.com

 

Tác hại khôn lường

Bà Pianporn cho rằng VN cần có một cuộc họp khẩn cấp với Thái Lan và các nước sông Mê Kông, ít nhất là vùng hạ lưu, để bàn về vấn đề này và đảm bảo tính bền vững của tài nguyên con sông.

Tổ chức Sông ngòi quốc tế kêu gọi cần có đánh giá tác động cả vùng lưu vực rộng lớn trước khi có một thoả thuận nào giữa các bên liên quan. “Dễ thấy là dự án sẽ góp phần thêm vào các tác hại do các con đập trên dòng chảy ở thượng nguồn phía Trung Quốc và dự án đang xây dựng tại Lào, gồm đập Xayaburi và Don Sahong gây ra”, bà Pianporn cảnh báo.

Theo bà Pianporn, Thái Lan cần thấy được tầm quan trọng của Thoả thuận sông Mê Kông 1995, trong đó nêu rõ: “Cần nỗ lực bằng mọi giá để giảm thiểu tác hại có thể gây ra đối với môi trường, đặc biệt là lưu lượng và chất lượng nước và hệ sinh thái do việc phát triển và sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông Mê Kông”.

Trong khi đó, ông Rattaphon Pitakthepsombat, cựu Giám đốc Dự án phục hồi hạ nguồn sông Mê Kông Thái Lan, nói với Thanh Niên: “Lợi ích trước mắt dễ thấy của dự án này là giúp nông dân chống được hạn hán, mùa màng không bị thất bát. Tuy nhiên, những tác hại của nó không thể nhận thấy lập tức mà đến từ từ, và có thể nặng nề hơn ta tưởng. Vì thế, cần có những nghiên cứu dựa trên những chỉ tiêu thật cụ thể về ảnh hưởng của nó đến môi trường và cuộc sống người dân dọc sông Mê Kông nói chung và người dân VN ở hạ nguồn Mê Kông nói riêng”.

ĐBSCL sẽ thiệt hại nặng

Trao đổi với Thanh Niên, TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước VN, cho rằng nếu Thái Lan tiến hành điều chỉnh dòng chảy sông Mê Kông trên quy mô lớn sẽ gây tác hại không khác gì những dự án xây đập trên thượng nguồn từng vấp phải sự phản đối của các quốc gia có chung lưu vực. Hành động này sẽ nguy hại đến vùng ĐBSCL của VN. “Nhìn lại năm 2015, lượng nước sông Mê Kông đổ về ĐBSCL rất ít, gần như không có lũ khiến nguồn lợi thuỷ sản bị sụt giảm, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu hộ dân. Nguồn nước ngọt thiếu cũng khiến tình trạng xâm nhập mặn diễn ra trên quy mô lớn, mức độ nặng hơn so với nhiều năm trước. Trước động thái của phía Thái Lan, các cơ quan chức năng của VN nên sớm tiếp cận tìm hiểu để gặp gỡ trao đổi, tiến tới các thoả thuận cùng khai thác dòng sông Mê Kông, đảm bảo hài hòa lợi ích của đôi bên”, ông Giang nói.

TS Đào Trọng Tứ, Cố vấn mạng lưới sông ngòi VN, lưu ý theo Thoả thuận sông Mê Kông năm 1995, khi chuyển nước phải thông báo đến các quốc gia nằm trong vùng ảnh hưởng để đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại. Nhưng nay Thái Lan chưa thông báo cho VN là chưa tuân thủ thoả thuận. “VN phải theo dõi sát sao việc này và đưa câu chuyện ra Ủy hội sông Mê Kông để cùng các bên bàn bạc, đưa ra giải pháp ít gây ra ảnh hưởng, thiệt hại nhất cho vùng hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL”, ông Tứ nói.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cảnh báo việc thay đổi dòng chảy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác liên quan đến các hệ sinh thái đất ngập nước, tính đa dạng sinh học, nguồn phù sa, nguồn thuỷ sản, khả năng nhiễm mặn, suy giảm nước ngầm… đặc biệt cho vùng hạ lưu thấp của Campuchia và VN.

Phan Hậu – Lê Quân – Chí Nhân – Đình Sơn

 

Lam Yên – Khánh An 
(VP Bangkok)