Dân Tân Châu bàng hoàng thấy kênh hiền hoá thành sông dữ
Do biến đổi dòng chảy, tuyến kênh Tân An ở thị xã Tân Châu (An Giang) đã biến thành dòng sông lớn. Lòng sông ngày càng mở rộng gây sạt lở nghiêm trọng, đe doạ khu dân cư và hàng ngàn hecta đất canh tác…
Dân Tân Châu bàng hoàng thấy kênh hiền hoá thành sông dữ
Do biến đổi dòng chảy, tuyến kênh Tân An ở thị xã Tân Châu (An Giang) đã biến thành dòng sông lớn. Lòng sông ngày càng mở rộng gây sạt lở nghiêm trọng, đe doạ khu dân cư và hàng ngàn hecta đất canh tác…
Bờ sông ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) sạt lở nặng nhưng nhiều hộ dân tại đây chưa có nơi để di dời nhà – Ảnh: Đ.Vịnh |
Hiện có hơn 500 hộ dân chưa có nơi di dời phải sống lay lắt bên bờ sông lở, trong khi việc xây dựng tuyến dân cư bị tắc vì thiếu kinh phí.
“Việc xây dựng tuyến dân cư bị đình trệ kéo dài chưa biết đến bao giờ. Trong khi sạt lở ngày càng lan rộng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân |
Ông Nguyễn Đắc Tài (bí thư Thị ủy Tân Châu, An Giang) nói về dự án tuyến dân cư ở xã Châu Phong |
Nhiều lần dời nhà để chạy sạt lở
Tuyến kênh Tân An giờ trở thành dòng sông hợp lưu giữa hai con sông Tiền và sông Hậu. Đoạn cuối dòng đã mở rộng ra hàng trăm mét, bờ bên xã Châu Phong đất lở lói nham nhở, đó đây còn sót lại dấu vết những ngôi nhà, những hàng cây bị đứt sụp xuống sông.
Phạm vi sạt lở cứ lấn vô khu vực dân cư khiến người dân phải lần lượt di dời nhà cửa. Nhìn xuống dòng nước đạp thẳng vào vách đất nứt toác, ông Lê Văn Tâm, ở ấp Hòa Long, thở dài: “Hơn chục năm nay đất lở mạnh, hồi trước thường chỉ xảy ra sạt lở trong mùa lũ, còn nay sạt lở cả trong mùa khô”.
Đoạn qua ấp Vĩnh Lợi 2, xã Châu Phong, sông đang “gặm” vào gần sát tuyến giao thông liên xã. Dọc theo bờ sông, nhiều ngôi nhà đã tháo dỡ để lại hàng cột đá, ximăng chỏng chơ. Cạnh đó là những căn lều che tạm bợ cheo leo bên vách đất lở dựng đứng.
Chỉ ra giữa sông, bà Nguyễn Thị Gàn, một người dân ở đây, cho biết hồi xưa nhà của bà và mấy đứa con ở tận ngoài ấy nhưng bị “bà thuỷ” đuổi dần nên đã ba lần dời nhà.
“Nay vẫn bị “bà thuỷ” đuổi tiếp nên tôi đành phải dỡ nhà ra che lều bên mép đường tá túc qua ngày” – bà Gàn kể.
Ông Bùi Văn Tráng, phó ban ấp này, kể bờ sông sạt lở mạnh từ chục năm nay và gia tăng mạnh qua từng năm, hàng trăm hộ dân đã mấy lần tháo dỡ nhà cửa chạy lở, nay sạt lở cứ lấn vào khiến bà con không còn đất để dời nhà.
Ông Nguyễn Hữu Điền, chủ tịch UBND xã Châu Phong, cho biết bờ sông trên địa bàn tám ấp của xã có 8km bị sạt lở, trong đó ở hai ấp Hòa Long và Vĩnh Lợi 2 đang sạt lở nặng nhất.
Từ năm 2011 tới nay, diễn biến lở đất bờ sông diễn ra thêm nghiêm trọng, người dân phải dời nhà cửa nhiều lần. Tuy nhiên, xã mới bố trí được 109 hộ vào cụm tuyến dân cư, hiện vẫn còn hơn 500 hộ dân đang sống trong vành đai cảnh báo sạt lở có chiều dài hàng cây số.
“Đoạn bờ sông ở ấp Vĩnh Lợi 2 lở sâu vào cách tuyến đường liên xã chỉ 3-4m. Bờ sông này có tác dụng như là đê bao nên nếu sạt lở lan rộng thì tuyến dân cư bên trong, 3.300ha đất sản xuất lúa và hoa màu cùng với nhiều công trình dân sinh, trạm y tế xã, trường học sẽ bị đe doạ” – ông Điền nói.
Thiếu vốn làm dự án tuyến dân cư
Trước nạn sạt lở ngày càng gia tăng, năm 2011 UBND tỉnh An Giang phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến dân cư để di dời khẩn cấp người dân ở vùng sạt lở thuộc xã Châu Phong.
Tuyến dân cư này có quy mô 10,8ha, bố trí được 590 hộ dân, có tổng mức đầu tư 96,51 tỉ đồng, do thị xã Tân Châu làm chủ đầu tư.
Theo UBND thị xã Tân Châu, dự án này được hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương thuộc chương trình khắc phục sạt lở do biến đổi khí hậu của Bộ NN&PTNT quản lý.
Tuy nhiên, sau khi rót 5 tỉ đồng để bồi thường giải phóng mặt bằng được 1,6ha, đến năm 2015 do khó khăn trong cân đối nguồn vốn, Bộ NN&PTNT không thể bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai dự án.
Về việc ngăn chặn sạt lở lan rộng, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở NN&PTNT cho khảo sát, đề xuất giải pháp phù hợp bảo vệ bờ sông.
Theo ông Trần Anh Thư – giám đốc Sở NN&PTNT, để ngăn chặn sạt lở, cần phải nạo vét chỉnh trị lại dòng chảy toàn tuyến sông, đồng thời xây dựng công trình bờ kè.
“Việc này rất tốn kém, trong khi ngân sách tỉnh hạn chế nên rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ trung ương để thực hiện” – ông Thư nói.
Cần thêm cụm dân cư bố trí cho 3.000 hộ dân Ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết trên địa bàn tỉnh có hàng chục điểm sạt lở đất bờ sông đã làm mất nhiều khu vực dân cư và tiếp tục đe doạ tính mạng, tài sản người dân. Trước tình hình này, vừa qua tỉnh An Giang đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho xây dựng bổ sung 10 cụm tuyến dân cư vào chương trình cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2015 – 2020 để bố trí nơi ở mới cho 3.000 hộ dân. Riêng dự án tuyến dân cư ở xã Châu Phong, tỉnh đã đăng ký và được Bộ Xây dựng đồng ý bổ sung vào chương trình này. Sau khi được phê duyệt, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn để thị xã Tân Châu triển khai tiếp tục. |