25/12/2024

Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia

ĐTC “cầu chúc Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia góp phần phát triển các cơ may hiểu biết và liên đới giữa các cá nhân và dân tộc với nhau, luôn luôn phản ánh Chúa Kitô, là Ánh Sáng các quốc gia, rạng ngời trên gương mặt của Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương”.

Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia
 
Cuộc họp của Mạng lưới Giáo hội Amazzonia về việc bảo vệ môi sinh vùng này 
dưới ánh sáng Thông địêp Laudato si’ của ĐTC Phanxicô


Trong các ngày 16-18 tháng 11 năm 2015, cuộc họp của Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia đã diễn ra tại Bogotà, thủ đô Colombia. Tham dự cuộc họp có  hơn 100 người gồm các hồng y và giám mục cùng với 80 tu sĩ, các nhân viên mục vụ nam nữ và đại diện các thổ dân và 9 nước thành viên thuộc nhóm Xuyên Amazzonia. Mục đích phiên họp là để cùng nhau phân tích thực tại của vùng Amazzonia cũng như trả lời cho các thách đố giáo hội và xã hội mà Giáo Hội sống trong công tác mục vụ cho các dân tộc sống tại Amazzonia và để bảo vệ mẹ thiên nhiên. Một trong các khiá cạnh nền tảng của phiên họp là lắng nghe tiếng kêu than và các niềm hy vọng của vài bộ lạc thổ dân, mà Giáo Hội đang trợ giúp và đồng hành. Điều mọi người chờ đợi là việc xây dựng một mạng lưới liên đới mạnh mẽ nhập thể vào một thực tại đang có rất nhiều thách đố cam go, nhưng cũng dạy giữ gìn thụ tạo trong hiện tại và trong tương lai. Một mục tiêu khác nữa của phiên họp là đề ra một chiến thuật hữu hiệu hơn giúp tiếp tục  củng cố mạng lưới như là việc phục vụ các thổ dân và là một phần sinh hoạt tích cực của Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu Latinh, gọi tắt là CELAM.

Amazzonia là một vùng đất rộng 7 triệu cây số vuông có 9 nước bao quanh là Brasil, Venezuela, Ecuador, Colombia, Bolivia, Perù, Guyana, Suriname và Guyana Pháp. Đây là vùng đất có 40 triệu dân sinh sống, trong đó có gần 3 triệu thổ dân thuộc 390 chủng tộc nói 240 thứ tiếng khác nhau. Cả khi hiện nay 20% diện tích rừng già Amazzonia đã bị tàn phá, nó vẫn tiếp tục là một kho tàng phong phú và là nơi sinh sống của một phần tư các loại thú vật và thảo mộc của toàn thế giới.

Rất tiếc từ bao thâp niên qua Amazzonia là vùng đất ngày càng bị tàn phá và đe doạ nhiều hơn bởi các dự án khai thác quặng mỏ, bởi việc khai thác trồng tỉa một loại sản phẩm duy nhất, bởi các thay đổi khí hậu đe doạ nặng nề cuộc sống và quyền tự quyết của các dân tộc sống trong vùng này, nhất là xúc phạm đến Chúa Kitô nhập thể nơi các nhóm thổ dân, các nông dân nghèo, các người gốc Phi châu và các người dân sống tại các thành thị.

Phát biểu trong phiên họp, ĐHY Claudio Hummes, Chủ tịch Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia, đã khẳng định rằng các dân tộc sống trong vùng này phải trả giá đắt đỏ nhất và đau khổ nhất vì sự tàn phá này. ĐHY nhấn mạnh rằng đây là một vấn đề luân lý đạo đức trong đó tất cả mọi người đều có phần trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai. Nhưng đây cũng là một trách nhiệm tôn giáo nữa, trong nghĩa “Thiên Chúa đã uỷ thác cho chúng ta thế giới này như là một món quà cần giữ gìn, để vun trồng phát triển nó chứ không phải để tàn phá nó. Giáo Hội không hiện diện tại Amazzonia như là một người soạn va li để ra đi sau khi đã khai thác nó”. Các lời này ĐTC Phanxicô đã nói tại Rio de Janeiro năm 2013 muốn nêu bật dấn thân của hàng ngàn thừa sai, linh mục, tu sĩ và giáo dân ngay từ khi khám phá ra Châu Mỹ cũng như tầm quan trọng của họ đối với hiện tại và tương lai của châu Mỹ Latinh.

Phát biểu trong dịp này, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, nhấn mạnh rằng cần phải tìm ra mo thức tôn trọng phẩm giá con người trong việc quản trị và khai thác các tài nguyên thiên nhiên trong vùng Amazzonia, làm sao để thăng tiến sự phát triển kinh tế của vùng này và phát huy việc quản trị dân chủ bao gồm sự  tham dự của mọi tầng lớp xã hội, với mục đích là thiện ích chung đích thực của gia đình nhân loại.

Trước đó trong các ngày 17 tới 22 tháng 8, Uỷ ban điều hành của Mạng lưới Xuyên Amazzonia đã triệu tập một phiên họp tại Manaus, Brasil, có sự tham dự của một số thành viên thuộc các uỷ ban của Mạng lưới bao gồm các nhóm đặc trách về truyền thông; các thổ dân; các mạng lưới quốc tế; các mô thức phát triển thay thế; các thay đổi khí hậu và cuộc sống lành mạnh; việc đào tạo và các phương pháp mục vụ; các quyền con người và bênh vực quốc tế, cũng như nhóm nghiên cứu. Mục đích phiên họp tại Manaus là để chia sẻ các tiến bộ chuyên biệt liên quan tới việc xác định kiểu phục vụ trong sứ mệnh của Mạng lưới Xuyên Amazzonia, như là Uỷ ban điều hành, văn phòng thư ký điều hành và dự án hội nhập. Cũng đã có một thời gian được dành cho việc chia sẻ tầm quan trọng của các điểm chiến thuật và đào sâu linh đạo của Mạng lưới Xuyên Amazzonia dưới ánh sáng của Thông điệp Laudato si’ của ĐTC.

Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia mới được thành lập năm ngoái tại Brasil và là sáng kiến được đề xuất bởi các Giám mục của các tiểu bang bao gồm vùng Amazzonia trong lãnh thổ các giáo phận của các vị. Có tất cả 9 quốc gia trong vùng Amazzonia: đó là Brasil bao gồm 67%, Bolivia, Perù, Colombia, Venezuela, Ecuador, Guiana, Guiana Pháp và Suriname. Tham dự phiên họp tại Manaus ngoài các Giám Mục còn có các linh mục, tu sĩ, các thừa sai các dòng làm việc trong vùng Amazzonia và giáo dân nam nữ. Thêm vào đó cũng có sự hiện diện của đại diện vài tổ chức Caritas quốc gia cũng như anh chị em giáo dân thuộc nhiều tổ chức của Giáo Hội. Mục đích của Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia là kết hiệp các nỗ lực của Giáo Hội trong việc khích lệ, bảo vệ và  giữ gìn vùng Amazzonia mênh mông để thăng tiến thiện ích toàn vẹn cho con người, bảo vệ các quyền con người, phát triển việc rao truyền Tin Mừng, văn hoá , xã hội và kinh tế của người dân, đặc biệt là của các thổ dân. Đây là một tổ chức được ĐTC Phanxicô khuyến khích và ủng hộ. Nhóm thành lập tổ chức này đặc biệt quy chiếu lời ĐTC Phanxicô nói trong Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Rio de Janeiro năm 2013, khi ngài khẳng định “Amazzonia là một kiểm thực định đoạt, một thử thách đối với Giáo Hội và xã hội, một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với việc tôn trọng toàn thụ tạo, mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho con người, để săn sóc và gìn giữ nó như một ngôi vườn, chứ không phải để khai thác bóc lột nó một cách dã man rừng rú”. 

Chính với tinh thấn ấy trong các ngày từ mồng 9 tới 12 tháng 9 năm 2014, Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia đã triệu tập phiên họp khai mạc tại Brasilia về đề tài “Xuyên Amazzonia: Lá phổi của hành tinh”. Cuộc họp do Uỷ ban Công lý Hoà bình và Liên đới của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh cùng tổ chức với HĐGM Brasil, Caritas châu Mỹ Latinh và Liên hiệp các Tu sĩ nam nữ Mỹ châu Latinh. Mục đích là để trả lời cho các thách đố truyền giáo khổng lồ mà vùng Amazzonia đưa ra cho Giáo Hội cũng như trả lời cho các xung khắc mà mô thức phát triển hiện nay gây ra cho vùng Amazzonia và các dân tộc sống trong vùng. Ngoài ra cũng là để phối hợp và củng cố dấn thân của nhiều tổ chức giáo hội cho đến nay đã hoạt động để bảo vệ vùng Amazzonia nhưng một cách riêng rẽ, rải rác, thiếu thống nhất.

Trong sứ điệp gửi ĐC Pedro Ricardo Barreto Jimero, TGM Huancayo, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh, và các tham dự viên, ĐTC Phanxicô đã bày tỏ vui mừng vì thấy lời ngài kêu gọi thành lập mạng lưới mới này cho các vấn đề môi sinh vùng Amazzonia đã được tiếp nhận. Sứ điệp mang chữ ký của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, nhắc lại lời kêu gọi ĐTC đưa ra  trong buổi gặp gỡ các Giám mục Brasil ngày 27 tháng 7 năm 2013, liên quan tới việc tôn trọng và giữ tìn toàn thụ tạo mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho con người, không phải để khai thác nó một cách rừng rú, nhưng để biến nó trở thành một ngôi vườn. Ngài nói: “Trong thách đố mục vụ cho vùng Amazzonia, tôi không thể không cám ơn những gì Giáo hội Brasil đang làm, nhưng cần phải đẩy mạnh công việc này của Giáo Hội. Trước biết bao nhiêu sáng kiến của Giáo hội Công giáo đối với vùng Amazzonia, nhưng cho đến nay có tính cách cô lập, rời rạc.”

ĐTC mời gọi Giáo Hội cùng nhau hiệp nhất đáp trả lại các thách đố đó, bằng cách cùng sống với nhau, hoà nhập, trộn lẫn vào nhau, gặp gỡ nhau, chung vai sát cánh, nắm lấy tay nhau, dựa vào nhau và tham dự vào ngọn thuỷ triều hơi hỗn độn này, nhưng nó có thể biến thành một kinh nghiệm đích thật của tình huynh đệ, một đoàn xe liên đới, một cuộc hành hương thánh thiện. Như thế, các khả thể truyền thông lớn hơn sẽ được diễn tả ra bằng các khả thể gặp gỡ và liên đới to lớn hơn giữa tất cả mọi người. Nếu chúng ta có thể đi theo con đường này, thì sẽ là một điều tốt đẹp biết bao, chữa lành biết bao, giải phóng biết bao, làm nảy sinh hy vọng  biết bao! Ra khỏi chính mình để hiệp nhất với người khác là điều tốt.” (Niềm vui Tin Mừng).

ĐTC cầu chúc cho “sáng kiến này tràn đầy thành công, nhưng cũng nhắc lại rằng mạng lưới vi tính phải là một nơi giầu nhân bản tính, không phải là một mạng lưới các  dây nhợ, nhưng là các con người. Lang thang trên các mạng vi tính không đủ, việc kết nối cần phải được đồng hành bởi một sự gặp gỡ thật sự: Chúng ta không thể sống một mình, khép kín trong chính mình. Chúng ta cần yêu thương và được yêu thương, chúng ta cần sự dịu hiền. Chỉ như thế, nhờ mạng lưới nối kết chứng tá Kitô mới có thể đến với các vùng ngoại ô của cuộc sống con người, và cho phép men Kitô làm cho các nền văn hoá sống động của vùng Amazzonia và các gia trị của nó trở nên phong phú”. 

Sau cùng, ĐTC “cầu chúc Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia góp phần phát triển các cơ may hiểu biết và liên đới giữa các cá nhân và dân tộc với nhau, luôn luôn phản ánh Chúa Kitô, là Ánh Sáng các quốc gia, rạng ngời trên gương mặt của Giáo Hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương”.

Tham dự cuộc họp đã có 50 người gồm giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân đại diện cho các Giáo hội địa phương và các tổ chức nói trên. Trong các đề tài được thảo luận có các dự án kinh tế lớn, hoạt động của các chính quyền quốc gia trong Sáng kiến đối với việc hội nhập hạ tầng cơ sở miền Nam Mỹ và các hậu qủa của các thay đổi khí hậu đối với vùng Amazzonia. Ý tưởng hướng dẫn cuộc họp đã là lời của ĐTC Phanxicô nói với các Giám mục Brasil: “Amazzonia là một trắc nghiệm định đoạt đối với Giáo Hội, một thử thách đối với tương lại của toàn vùng.”

Tài liệu Hội nghị của Liên Hội đồng Giám mục châu Mỹ Latinh triệu tập tại Aparecida cũng yêu cầu tạo ra ý thức trong các dân tộc châu Mỹ Latinh về tầm quan trọng của vùng Amazzonia đối với toàn nhân loại. Cần thiết lập giữa các Giáo Hội địa phương của các quốc gia Nam Mỹ vùng Amazzonia một mục vụ chung với các ưu tiên khác nhau, để tạo ra một mô thức phát triển ưu tiên cho dân nghèo cũng như cho việc phục vụ công ích. Mạng lưới được thành lập quy tụ các khác biệt văn hoá, địa lý và thừa tác: từ các thừa sai hội nhập vào các cộng đoàn cô lập trong rừng, cho tới các nhóm theo dõi tình trạng sống của các thổ dân hay dân nghèo trong các vùng ngoại ô các thành phố vùng Amazzonia, đối thoại với các hàng giáo phẩm và các cơ quan do Giáo Hội phối hợp. Các tham dự viên đều ý thức rõ ràng đây không phải là một dự án chính trị hay xã hội, mà là một lộ trình tinh thần đích thật, một cuộc “hành hương thánh” , như sứ điệp của ĐTC Phanxicô định nghĩa.

Trong số các người tham dự cuộc họp cũng có các tu sĩ Dòng Comboni hoạt động trong nhiều nước khác nhau vùng Amazzonia. Chẳng hạn có dự án IIRSA muốn xây dựng các cơ cấu hạ tầng cơ sở để nối liền hai bờ đại dương đi ngang qua vùng Amazzonia, khởi hành từ Tumaco của Colombia và Esmeraldas của Ecuador, để tới bờ biển phía đông của châu Mỹ Latinh đến các thành phố cảng như Belém trong bang Pará hay São Luis trong bang Maranhão. Các tu sĩ Comboni hiện diện trong tất cả các vùng này và các vị phải phối hợp với nhau, bởi vì hiện tượng bạo lực môi sinh của các dự án phát triển đang được nhiều công ty đa quốc thực hiện không dựa trên quyền lợi và sự tham dự của các cộng đoàn và người dân sống trong các vùng đất này. Chính vì thế các tu sĩ Comboni cũng phải bắt đầu suy tư trong cái luận lý xuyên Amazzonia, lãnh các trách nhiệm uu tiên qua các cuộc đối thoại liên tỉnh dòng.

Tuy nhiên, mọi người cũng ý thức được sự bé nhỏ và giòn mỏng của mình. Chính vì thế, trực giác Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia mời gọi tìm ra các liên minh mới, sống kinh nghiệm cộng tác giữa các dòng tu, suy tư trở lại sự hiện diện của các cộng đoàn tu sĩ tại Amazzonia, và ngày càng phải định tính các mục tiêu nhiều hơn, bắt đầu bằng việc góp phần và định hướng của những ai có nhiều kinh nghiệm hơn. Các tu sĩ Comboni là thành viên của Mạng lưới Công lý Môi sinh và đang tổ chức Đại hội Mỹ Latinh “Iglesias y Minería” các Giáo Hội và quặng mỏ”, quy tụ 70 vị hữu trách của Giáo Hội nền tảng nhằm củng cố hoạt động mục vụ tại nhiều nước khác nhau hầu đối phó với các hậu quả tàn phá tiêu cực gây ra bởi hoạt động khai thác các quặng mỏ trên bình diện quy mô.

Ngày mồng 2 tháng 3 năm 2015, tại Phòng Báo chí của Toà Thánh, đã có buổi họp báo giới thiệu Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia. Tham dự buổi họp báo đã có ĐHY Claudio Hummes, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, ĐHY Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, ĐC Pedro Ricardo Barreto Jimero, TGM Huancayo của Perù, ông Michel Roy, Tổng Thư ký Tổ chức Caritas Quốc tế, và ông Mauricio López Oropeza, Thư ký điều hành Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia. Các vị đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội trong vùng Amazzonia muốn thành lập mạng  lưới này để quy tụ các nỗ lực của tổ chức, cũng như để khích lệ lẫn nhau và có một tiếng nói ngôn sứ ý nghĩa hơn trên bình diện quốc tế, khi có vấn đề liên quan tới vùng Amazzonia và người dân sống tại đây, nhất là người nghèo và các người không được ai bênh đỡ.

Trong lời chào mừng các nhà báo, ĐHY Claudio Hummes nói: “Amazzonia là một vùng có tầm quan trọng định đoạt đối với tương lai của nhân loại. Trong quá khứ, nó đã được định nghĩa như là “lá phổi của thế giới”. Nhưng cần phải duyệt xét lại định nghĩa này, nhất là bởi vì Amazzonia là một hệ thống tiềm năng định đoạt sự sống còn của chính trái đất, rất thường khi là nạn nhân của việc tàn phá rừng gia gia tăng chỉ để thăng tiến các lợi lộc kinh tế. Trong bối cảnh này tổ chức Mạng lưới Giáo hội Xuyên Amazzonia có tính cách xuyên quốc gia và xuyên giáo hội, có thể góp phần gây ý thức dư luận quốc tế đối với thách đố bảo vệ sự sống, duy trì môi sinh là một vấn đề vô cùng cấp thiết mà thế giới ngày nay đang phải đương đầu. Sự cấp thiết ấy đã được ĐTC Phanxicô nói lên khi phát biểu tại Hội chợ Quốc tế Milano 2015: “Con người đôi khi tha thứ. Trái đất không bao giờ tha thứ. Vì vậy không thể lần lữa trong việc duy trì chị đất, mẹ đất, để nó không trả lời với sự tàn phá.”

(SD 16-11-2015)



 

Linh Tiến Khải