24/01/2025

Siêu núi lửa và bóng ma tận thế

Các chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh kinh hoàng: một vụ phun trào của siêu núi lửa có thể xuất hiện trong 80 năm tới, mang đến diệt vong trên diện rộng.

 

Siêu núi lửa và bóng ma tận thế

 

Các chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh kinh hoàng: một vụ phun trào của siêu núi lửa có thể xuất hiện trong 80 năm tới, mang đến diệt vong trên diện rộng.




 

Siêu núi lửa và bóng ma tận thế

Vị trí 3 siêu núi lửa trên trái đất  - Ảnh: Tech Times

Trong báo cáo mới nhất được công bố hồi giữa tuần, các chuyên gia của Tổ chức Khoa học châu Âu (ESF) cảnh báo trái đất đang trải qua một giai đoạn núi lửa hoạt động cao độ và xác suất xảy ra một đợt phun trào siêu núi lửa trong vòng từ 70 – 80 năm nữa có thể lên đến 10%.
Theo phân loại, siêu núi lửa có thể sinh ra ít nhất 1.000 km3 vật chất trong một lần phun trào, lớn gấp hàng ngàn lần một vụ phun trào bình thường. Tác động của siêu núi lửa lớn đến mức có thể ngay lập tức giết chết hàng triệu người và làm thay đổi cả khí hậu hành tinh.
Những quái vật tận thế
Báo cáo của ESF mang tên “Những hiểm họa địa chất khủng khiếp: Giảm thiểu nguy cơ thiên tai và củng cố năng lực chống đỡ” ghi nhận trong vài thập niên qua những vụ phun trào núi lửa đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn. Trong đó có những lần xuất phát từ các núi lửa được tin là đã ngưng hoạt động mãi mãi như Eyjafallajökull ở Iceland hay El Chichón tại Mexico. Theo các nhà khoa học, chiều hướng này cộng thêm các trận động đất lớn liên tục trong những năm gần đây dẫn đến nguy cơ các siêu núi lửa ngủ yên hàng chục ngàn năm qua bị đánh thức.
Tờ Express trích báo cáo nhận định nguy cơ lớn nhất hiện nay đến từ siêu núi lửa Yellowstone nằm trong công viên quốc gia cùng tên tại bang Wyoming của Mỹ. “Con quái vật” này có miệng núi lửa kích thước lên tới 55 x 72 km. Lần phun trào gần nhất của Yellowstone xảy ra cách đây đã 70.000 năm. Tuy nhiên, hồi tháng 4.2015, một nhóm chuyên gia đã phát hiện một hố magma mới hình thành dưới lòng Yellowstone. Vì thế, ESF tính toán xác suất phun trào của siêu núi lửa này trong vòng 80 năm nữa đang dao động từ 5 – 10%.
Theo tính toán, một cơn “nổi giận” của Yellowstone có thể ngay lập tức giết chết hàng triệu người ở Mỹ vì dung nham và động đất đồng thời phun ra nhiều triệu tấn tro bụi. Không khí sẽ trở nên đặc quánh, không thể hít thở, hệ động – thực vật sẽ bị huỷ diệt, nguồn nước ô nhiễm và tình trạng khan hiếm thực phẩm sẽ nhanh chóng lan rộng. Toàn thế giới sẽ đối mặt với thay đổi khí hậu đột ngột khi tấm màn mây khói bụi khổng lồ che mất ánh sáng mặt trời và phá vỡ chu trình thông thường của khí hậu toàn cầu. Chắc chắn dù không diệt vong thì thế giới văn minh cũng sẽ sụp đổ và loài người sẽ phải “tiến hoá” lại từ đầu.
Đáng sợ hơn, Yellowstone vẫn chưa phải là tác nhân gây ra vụ phun trào lớn nhất trong lịch sử trái đất mà ngôi vị này thuộc về miệng Toba nằm bên dưới hồ Toba, phía bắc đảo Sumatra của Indonesia. Có kích thước 30 x 100 km, Toba từng phun trào 3 lần cách đây 840.000, 700.000 và 75.000 năm. Đặc biệt, lần cuối cùng đã làm thay đổi đột biến khí hậu trái đất, gây ra một mùa đông kéo dài đến 6 năm, nhiệt độ trung bình của trái đất bị kéo xuống từ 3 – 50C trong khoảng 1.000 năm tiếp theo và đẩy hàng loạt giống loài đến tuyệt chủng.
Theo Express, sau thảm hoạ này, số lượng con người trên toàn cầu giảm xuống chỉ còn 5.000 – 10.000 người. Tuy nhiên, cũng có một số nhà khoa học chỉ ra rằng chính nguy cơ tuyệt chủng sau thảm hoạ Toba đã thúc đẩy sự tiến hoá của loài người.
Báo cáo của ESF cho rằng xác suất Toba thức giấc thấp hơn nhiều so với Yellowstone nhưng những trận siêu động đất kéo theo sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 và Thái Bình Dương năm 2011 vẫn tạo ra nguy cơ con quái vật này bị “làm phiền”. Theo trang Inquisitr, hồi tháng 5.2015, Toba bất ngờ cựa mình, phun ra một lượng hơi nóng và khí độc, khiến cộng đồng dân cư xung quanh một phen kinh hoàng.
Còn một siêu núi lửa cuối cùng trên trái đất hiện nay là Taupo nằm trên đảo Bắc của New Zealand nhưng giới khoa học tính toán nó sẽ còn ngủ yên hoàn toàn trong ít nhất 200 năm nữa.
Thảm hoạ số 1
Báo cáo của ESF nhận định chính phủ các nước không chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó một trận phun trào siêu núi lửa. Lý do cho thái độ “hờ hững” này là trong vài thập niên qua, động đất và sóng thần là tác nhân chính gây thảm hoạ diện rộng chứ không phải núi lửa. Tuy nhiên, báo cáo khẳng định các ngọn hoả diệm sơn là mối đe doạ lớn nhất đối với loài người, vượt qua động đất, thiên thạch và cả chiến tranh hạt nhân. Chúng xảy ra với tần suất thấp và khoảng lặng dài hơn nhưng độ ảnh hưởng vượt xa những cơn địa chấn mạnh nhất.
“Do tầm ảnh hưởng lan rộng đối với khí hậu, an ninh lương thực, giao thông và các chuỗi cung ứng, siêu núi lửa bùng nổ có thể gây ra chuỗi thảm hoạ trên bình diện thế giới. Hơn nữa, khả năng ứng phó và cái giá phải trả nằm ngoài năng lực tài chính lẫn chính trị của bất kỳ quốc gia nào”, báo cáo viết.
ESF cho rằng hiện loài người chưa có kế hoạch ứng phó toàn diện khả dĩ nào trước nguy cơ diệt vong vì siêu núi lửa. Trước mắt, báo cáo cho rằng các nước cần nhận thức đúng và đủ về vấn đề này đồng thời thiết lập cơ chế đối thoại hiệu quả tương tự như các hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu. Từ đó, các bên có thể thảo luận thiết kế các hướng quản lý rủi ro, lên kế hoạch đối phó và giảm thiểu hậu quả trong những thập niên tới. Bên cạnh đó, ESF đề xuất nên tạo ra một hệ thống định vị núi lửa toàn cầu cho phép cảnh báo sớm và chính xác.
Năm không có mùa hè
Những cảnh báo của ESF không chỉ dựa vào giả thuyết suông mà đến từ so sánh với những dữ liệu thu thập được trong lịch sử. Cụ thể, theo Express, các chuyên gia xem xét các lần bùng nổ của núi lửa Laki tại Iceland năm 1783 và núi lửa Tambora ở Indonesia năm 1815.
Vụ phun trào Laki xảy ra ngày 8.6.1783, tống hơn 8 triệu tấn hydrogen fluoride và khoảng 120 triệu tấn sulfur dioxide vào bầu khí quyển, gây nên cái gọi là “khói mù Laki” bao trùm châu Âu. Hơn 10.000 người thiệt mạng ngay tức thời. Sau đó, Iceland mất khoảng 25% dân số do các ảnh hưởng về dài hạn, bao gồm đói kém và trúng độc fluoride. Tác động của thảm họa này vượt khỏi biên giới Iceland khi 25.000 người chết tại Anh vì các chứng bệnh về hô hấp trong khi Ai Cập mất 1/6 dân số vì nạn đói.
Trong khi đó, các tài liệu lịch sử cho thấy hơn 100.000 người thiệt mạng vào tháng 4.1815 khi núi lửa Tambora phun trào. Hàng triệu tấn tro bụi bị tống vào khí quyển, che lấp mặt trời và gây ra một thời kỳ lạnh lẽo kéo dài được các chuyên gia gọi là “năm không có mùa hè”. Giới chuyên gia cảnh báo rằng những vụ phun trào với quy mô tương tự Tambora và Laki trong thế kỷ 21 có thể tạo ra tổn thất hơn nhiều lần do dân số thế giới hiện lớn hơn trước và các đô thị ngày càng đông đúc hơn.
Điều đáng nói là cả Laki và Tambora đều chưa đạt tầm siêu núi lửa. Độ bùng nổ của chúng đạt VEI 7 (Volcano Explosivity Index – thang đo độ lớn của các vụ phun trào núi lửa), còn mỗi lần “thịnh nộ” của Yellowstone hay Toba phải từ VEI 8 trở lên. Một trong những vụ phun trào nổi tiếng nhất lịch sử là lần núi lửa Vesuvius chôn vùi đô thị Pompeii của La Mã cổ đại hồi năm 79 cũng chỉ đến VEI 5.


 

Thuỵ Miên