24/01/2025

Axit không thể huỷ hoại tất cả

Gã chồng đã ly thân của 
người chị tạt axit vào mặt cô em vợ 17 tuổi Reshma Bano Quereshi, làm phỏng gần như toàn bộ khuôn mặt. Nhưng cô gái trẻ đã không gục ngã sau tai hoạ hồi tháng 5-2014.

 

Axit không thể huỷ hoại tất cả

 

 

Gã chồng đã ly thân của 
người chị tạt axit vào mặt cô em vợ 17 tuổi Reshma Bano Quereshi, làm phỏng gần như toàn bộ khuôn mặt. Nhưng cô gái trẻ đã không gục ngã sau tai hoạ hồi tháng 5-2014.

 

 

 

 

Reshma Bano Quereshi đương đầu với khuôn mặt bị axit tàn phá - Ảnh: The pool
Reshma Bano Quereshi đương đầu với khuôn mặt bị axit tàn phá – Ảnh: The pool

Hơn một năm trước, Reshma Quereshi gặp nạn khi đang cùng chị gái và hai người bạn khác tới một thị trấn ở bắc Ấn Độ. Sau vụ việc, bác sĩ bảo giá như cô được đưa vào viện sớm hơn, mắt trái rất có thể đã cứu được.

Ở Ấn Độ, theo Lighthouseinsights, mỗi năm trung bình có 1.000 trường hợp bị tấn công bằng axit, trong đó 90% nạn nhân là nữ giới. Trên thực tế, axit là loại hoá chất thường được người dân Ấn Độ sử dụng như một chất cọ rửa nhà vệ sinh rẻ tiền nhất và được bày bán tự do, công khai khắp mọi nơi.

Vẫn còn một tia hi vọng với Reshma khi nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức phi chính phủ Make love not scars (Để tình yêu không là những vết sẹo), một tổ chức chuyên giúp đỡ các nạn nhân bị tạt axit vượt qua tai nạn. Tổ chức này đã vận động chiến dịch IndieGoGo quyên góp tiền giúp cô làm phẫu thuật thẩm mỹ sau tai hoạ.

Cùng với Tổ chức Make love not scars, thời gian qua Reshma Quereshi đã tham gia tích cực chiến dịch vận động thuyết phục Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn những điều luật kiểm soát chặt hơn việc bán các loại axit trên thị trường.

Giáng sinh vừa qua, Reshma Quereshi đã tham gia biểu diễn một ca khúc rất xúc động trong khuôn khổ chiến dịch #EndAcidSale (chấm dứt bán axit). Đó là ca khúc We wish you a Merry Christmas’ (Chúng tôi chúc mừng bạn Giáng sinh) do Tổ chức Make love not scars tổ chức. Bài hát đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem trên Internet sau khi đưa lên mạng ngày 21-12-2015.

Với bài hát này, Reshma và những người trong Tổ chức Make love not scars kêu gọi mọi người chung tay ủng hộ bản kiến nghị tập thể gửi lên chính phủ và Toà án tối cao Ấn Độ, đề nghị phê chuẩn luật cấm bán rộng rãi các loại hoá chất độc hại như axit trên thị trường.

Lý do mà Tổ chức Make love not scars đưa ra: “Chúng tôi cần sự ủng hộ này để đảm bảo đặt dấu chấm hết cho việc buôn bán rộng rãi axit, bởi trung bình mỗi năm có 1.000 cô gái bị huỷ hoại nhan sắc và bị bắt phải sống một cuộc đời gần như không tồn tại chỉ vì loại hoá chất này”.

Không những thế, Reshma còn tham gia làm các video clip của tổ chức trên mạng xã hội YouTube nói về cách làm đẹp, động viên những phụ nữ chung cảnh ngộ hay có những thiệt thòi về thể chất vượt qua tai hoạ để sống cuộc đời mạnh mẽ và ý nghĩa hơn.

Với chuỗi video có tên Beauty tips by Reshma (Mẹo trang điểm của Reshma), Reshma tự tin hướng dẫn cách làm đẹp như đánh mắt, thoa son và loại bỏ vết nám, nhưng quan trọng hơn những bí quyết làm đẹp đó là mục tiêu nâng cao nhận thức với mọi người về nguy cơ của những cuộc tấn 
công bằng axit.

Cô nói: “Bạn thấy không, việc loại bỏ những vết nám này thật đơn giản, cũng dễ như việc người ta có thể đổ axit vào mặt nhau vậy. Chỉ cần mở nút chai và tạt!”.

Sáng lập viên Tổ chức Make love not scars, bà Ria Sharma, cho biết ý tưởng mời một người từng là nạn nhân bị tạt axit chia sẻ bí quyết làm đẹp “có vẻ như không bình thường”, nhưng video của Reshma đã thay đổi được trái tim mọi người và khiến họ cảm thấy những nạn nhân xấu số của axit cũng bình thường như họ.

Bức thư ngỏ gửi tới thủ tướng Ấn Độ đăng trên trang web của Tổ chức Make love not scars cho biết “số các vụ tạt axit trong giai đoạn 2012-2014 đã tăng với tỉ lệ báo động 250%. Cùng với đó, bất kể yêu cầu kiểm soát việc mua bán các loại hoá chất trên thị trường của Tòa án tối cao Ấn Độ, những loại axit như sulfuric, hydrochloric và nitric vẫn rất dễ mua được”.

Trong một chương trình hợp tác với Tổ chức The Logical Indian, tổ chức phi lợi nhuận của bà Sharma cũng đã thu thập được hơn 68.000 chữ ký cho lá đơn kiến nghị tập thể có tên “#EndAcidSale tại trang web http://makelovenotscars.org/.

Hơn một năm sau tai hoạ, cuộc sống hiện tại của Reshma Bano Quereshi trong căn hộ chật chội tại khu nhà ổ chuột ở vùng dân cư đông đúc Chembur tại Mumbai vẫn còn nhiều thử thách. Dù vậy, cô vẫn truyền ngọn lửa nghị lực sống mạnh mẽ của mình trên các video: “Vẻ đẹp không phải nằm ở diện mạo bên ngoài, nó thật sự mạnh mẽ từ bên trong tâm hồn mỗi người”.

D.KIM THOA (tổng hợp từ PRI, Mirror và People)