24/01/2025

Học hỏi tông chiếu “Dung nhan Lòng Thương xót”

Chúng tôi giới thiệu 49 câu hỏi và trả lời để giúp các bạn học hỏi về Tông chiếu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho việc cử hành Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót.

Học hỏi tông chiếu “Dung nhan Lòng Thương xót”

1. Tông Chiếu là gì?

Tông chiếu là một văn kiện, qua đó Đức Thánh Cha đưa ra một phán quyết quan trọng như công bố Năm Thánh, bổ nhiệm giám mục hay định tín, triệu tập Công Đồng, phong thánh v.v… vì lợi ích của toàn thể các tín hữu.

2. Qua Tông Chiếu “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Cha ấn định điều gì?

Qua Tông Chiếu “Dung Nhan Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha ấn định Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót sẽ bắt đầu từ ngày 8 tháng 12 năm 2015, dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và kết thúc vào ngày 20tháng 11 năm 2016, dịp lễ Chúa Kitô Vua.

3. Năm Thánh là gì?

Năm Thánh là năm toàn xá, tức là thời điểm được quy định để chúng ta hoán cải, hoà giải, hiệp thông hầu đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn.

4. Năm thánh có từ khi nào?

Năm Thánh có từ thời Cựu Ước, được tiếp tục trong lịch sử Giáo Hội. Giáo Hội đã cử hành Năm Thánh đầu tiên vào năm 1300, và từ năm 1470, cứ 25 năm lại cử hành Năm Thánh một lần, gọi là thường kỳ. Ngoài ra, còn có những Năm Thánh ngoại thường kỷ niệm những biến cố trọng đại trong lịch sử cứu độ.

5. Ngoài phần mở và kết, Tông Chiếu “Dung Nhan Lòng Thương Xót” có mấy phần chính?

Ngoài phần mở và kết, Tông Chiếu “Dung Nhan Lòng Thương Xót” có ba phần chính: Trong phần thứ nhất, Đức Thánh Cha khai triển và đào sâu ý niệm “Lòng Thương Xót”; trong phần thứ hai, Ngài đưa ra những chỉ dẫn để cử hành Năm Thánh; và trong phần thứ ba, Ngài kêu gọi thực thi lòng thương xót.

6. Trong phần mở đầu, Tông Chiếu đề cập tới những gì?

Trong phần mở đầu, Tông Chiếu long trọng giới thiệu “Chúa Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha” và khẳng định chúng ta cần phải “chiêm ngắm Mầu Nhiệm Lòng Thương Xót” (Số 1-2).

7. Tại sao Tông Chiếu giới thiệu “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha”?

Vì “trong Chúa Giêsu thành Nadarét, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng, đồng thời qua Chúa Giêsu, chúng ta cũng tìm thấy đỉnh điểm của lòng thương xót”(Số 1).

8. Trong Chúa Giêsu thành Nadarét, lòng thương xót của Thiên Chúa được cảm nghiệm một cách sống động và rõ ràng như thế nào?

Trong Chúa Giêsu thành Nadarét, lòng thương xót của Thiên Chúa được cảm nghiệm một cách sống động và rõ ràng đến nỗi ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9) đồng thời qua lời Ngài nói cũng như những công việc Ngài làm, chúng ta có được kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa (Số 1).

9. Tại sao chúng ta cần phải “chiêm ngắm Mầu Nhiệm Lòng Chúa Thương Xót”?

Vì Lòng Thương Xót vừa là nguồn mạch của “niềm vui, sự thanh thản và bình an”, vừa là “điều kiện” để chúng ta được cứu độ (x. số 2).

10. Đối với Đức Thánh Cha, Năm Thánh về Lòng Thương Xót có ý nghĩa gì?

Năm Thánh về Lòng Thương Xót là thời điểm các tín hữu được mời gọi chiêm ngắm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cách chăm chú hơn, để có thể trở nên dấu chỉ hữu hiệu của Mầu Nhiệm Thiên Chúa hành động trong cuộc đời mình. Năm Thánh còn là cơ hội thuận tiện, để chứng từ của họ nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn (x. số 3).

11. Nghi thức chính yếu để khai mạc Năm Thánh là nghi thức nào?

Đó là nghi thức mở Cửa Thánh, cánh cửa của Lòng Thương Xót mà bất cứ ai bước vào sẽ có được kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa, Đấng “ủi an, tha thứ và ban cho niềm hy vọng”(Số 3).

12. Trong phần mở đầu, Tông Chiếu đề cập tới những gì?

Trong phần mở đầu, Tông Chiếu long trọng giới thiệu “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha” và khẳng định chúng ta cần phải “chiêm ngắm Mầu Nhiệm Lòng Chúa Thương Xót” (số 1-2).

13. Việc các Giáo Hội địa phương tham gia vào việc cử hành Năm Thánh có ý nghĩa gì?

Việc các Giáo Hội địa phương được Đức Thánh Cha mời gọi cử hành và sống Năm Thánh là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông trong toàn thể Giáo Hội.

14. Tông Chiếu giải thích thế nào về thuật ngữ”Lòng Thương Xót?”

Tông Chiếu nói đến 4 ý nghĩa của thuật ngữ “Lòng Thương Xót”:

• Thứ nhất, thuật ngữ “Lòng Thương Xót” bày tỏ Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi;

• Thứ hai, thuật ngữ “Lòng Thương Xót” nói đến hành vi “Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta”;

• Thứ ba, thuật ngữ “Lòng Thương Xót” trình bày quy luật nền tảng có trong con tim của mọi người, khi họ nhìn một người anh chị em mà họ gặp với một cặp mắt chân thành;

• Thứ tư, thuật ngữ “Lòng Thương Xót” diễn tả con đường giúp con người gắn kết với Thiên Chúa và với nhau, vì Lòng Thương Xót giúp mở con tim ra cho niềm hy vọng rằng mình vẫn được yêu thương mãi mãi, dù còn nhiều tội lỗi.

15. Tại sao Đức Thánh Cha chọn khai mạc Năm Thánh vào ngày 8 tháng 12?

Vì Đức Thánh Cha muốn kỷ niệm 50 năm sau ngày bế mạc Công Đồng Chung Vaticanô II. Công Đồng đã mở ra cho Giáo Hội một trang sử mới trong việc loan báo Tin Mừng, các tín hữu dấn thân làm chứng cho đức tin với tất cả niềm hăng say và có sức thuyết phục hơn. Giáo Hội cảm thấy có trách nhiệm là dấu chỉ sống động cho tình yêu của Chúa Cha trên trần gian (số 4).

16. Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì trong lời khai mạc Công Đồng của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII?

Đức Thánh Cha đã nhắc lại những lời đầy ý nghĩa này: “Ngày nay, Hiền Thê của Đức Kitô thích dùng phương dược chữa lành của Lòng Thương Xót hơn là vung khí giới của sự nghiêm khắc. […] Giáo Hội Công Giáo khi giương cao ngọn đuốc của chân lý tôn giáo muốn là người mẹ khả ái của mọi người, người mẹ tốt lành, nhẫn nại, đầy khoan dung và nhân hậu với những người con lìa xa Giáo Hội”.

17. Đức Thánh Cha đã nhắc lại những gì trong lời bế mạc Công Đồng của Chân Phước Phaolô VI?

Đức Thánh Cha đã nhắc lại điều này: “Quy luật của Công Đồng trước hết là Đức Ái […] Mọi sự phong phú về giáo thuyết chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phục vụ con người, phục vụ mọi người cho dù họ đang sống trong hoàn cảnh nào, đang đau khổ và có những nhu cầu ra sao.”

18. Đức Thánh Cha muốn chúng ta bước vào Năm Thánh với tâm tình và thái độ nào?

Đức Thánh Cha muốn, nhờ sức mạnh của Chúa Phục Sinh nâng đỡ, chúng ta bước vào Năm Thánh với tâm tình biết ơn về ân huệ Giáo Hội đã lãnh nhận cũng như với ý thức trách nhiệm của mình. Ngài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn bước chân của các tín hữu để họ cộng tác vào công trình cứu độ mà Đức Kitô mang lại, hướng dẫn và nâng đỡ Dân Chúa để giúp họ chiêm ngắm Dung Nhan Lòng Thương Xót (Số 4).

19. Tại sao Đức Thánh Cha chọn kết thúc Năm Thánh vào ngày 20/11/2016 với lễ Chúa Kitô Vua?

Vì Đức Thánh Cha muốn trao phó đời sống của Giáo Hội cùng toàn thể nhân loại và vũ trụ cho Vương quyền của Chúa Kitô, để Ngài gieo vãi lòng thương xót như sương mai vào trong lịch sử và làm cho lịch sử được đơm hoa kết trái với sự dấn thân của tất cả mọi người cho tương lai gần của chúng ta (số 5).

20. Đức Thánh Cha mong ước Năm Thánh đem lại những gì cho mọi người?

Đức Thánh Cha mong ước những năm sắp tới thắm đẵm lòng thương xót, để chúng ta có thể đến với mọi người và mang đến cho họ lòng nhân hậu và sự dịu hiền của Thiên Chúa. Ngài ước mong dầu thơm của lòng thương xót có thể đến với tất cả mọi người, các tín hữu hoặc những người chưa tin, như là dấu chỉ của Triều Đại Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta.

21. Lòng Thương Xót có phải là dấu chỉ của yếu đuối và đối nghịch với quyền năng của Thiên Chúa không?

Không, Lòng Thương Xót là dấu chỉ quyền năng tối thượng của Thiên Chúa và quyền năng tối thượng của Thiên Chúa được bày tỏ cách đặc biệt qua việc Ngài thực thi Lòng Thương Xót.

22. Để diễn tả bản tính của Thiên Chúa, Cựu Ước dùng cặp từ nào?

Để diễn tả bản tính của Thiên Chúa, Cựu Ước thường dùng cặp từ “chậm bất bình và giàu lòng thương xót.” Trong Cựu Ước, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa biểu lộ cách cụ thể trong các biến cố của lịch sử cứu độ, nơi mà lòng nhân hậu vượt trên sự trừng phạt và hủy diệt.

23. Các Thánh Vịnh cho thấy hành động của Thiên Chúa cao cả thế nào?

Các Thánh Vịnh cho thấy Thiên Chúa “tha cho ta muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật của ta, cứu ta khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ta bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103,3-4), “Ngài xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146, 7-9), “Ngài chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. […] Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen” (Tv 147, 3.6).

24. Lòng Thương Xót có phải là một khái niệm trừu tượng không?

Không, Lòng Thương Xót là một thực tại cụ thể, qua đó, Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài như là tình yêu sâu thẳm trong lòng của người cha hay người mẹ dành cho con cái của họ; một tình yêu sâu xa và tự nhiên bắt nguồn từ sự dịu dàng và thương xót, khoan dung và tha thứ (x. số 6).

25. Điệp khúc “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” của Thánh Vịnh 136, theo Đức Thánh Cha, có ý nghĩa gì?

Điệp khúc này cho thấy tình thương của Thiên Chúa không chỉ có trong lịch sử nhân loại, nhưng tồn tại đến muôn đời. Tình thương ấy bao phủ lấy con người và cho đến muôn đời con người sẽ sống dưới cái nhìn đầy lòng thương xót của Ngài.

26. Theo thánh sử Mátthêu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh Vịnh của lòng thương xót này khi nào?

Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Thánh vịnh của lòng thương xót này trước khi chịu nạn và chịu chết. Trong chính bối cảnh của lòng thương xót, Ngài đã chịu nạn và chịu chết với ý thức sâu xa về mầu nhiệm cao cả của tình yêu mà Ngài sẽ hoàn thành trên thập giá.

27. Việc Chúa Giêsu cầu nguyện với Thánh vịnh của lòng thương xót nhắc nhớ các tín hữu điều gì?

Việc Chúa Giêsu cầu nguyện với Thánh vịnh của lòng thương xót nhắc nhớ các tín hữu về tầm quan trọng của Thánh vịnh này và mời gọi chúng ta cầu nguyện hằng ngày với lời chúc tụng “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (x. số 7)

28. Tại sao nhìn ngắm Chúa Giêsu và dung nhan đầy lòng thương xót của Ngài, chúng ta có thể đón nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh?

Vì thánh Gioan đã xác quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8.16) và tình yêu này đã được thể hiện cách hữu hình và có thể chạm tới được trong suốt đời của Chúa Giêsu. Con người của Ngài không gì khác hơn tình yêu, một tình yêu được trao ban cách nhưng không. Với lòng thương xót, Ngài đến gặp những người tội lỗi, nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền, cảm thông và đáp ứng những nhu cầu sâu xa nhất của họ.

29. Câu chuyện nào trong Tin Mừng Mátthêu đã gây ấn tượng mạnh cho Đức Thánh Cha?

Đó là câu chuyện Chúa Giêsu gọi và chọn ông Mátthêu, một người thu thuế, trở thành một trong Nhóm Mười Hai. Chúa đã nhìn ông với cái nhìn đầy lòng thương xót, cái nhìn tha thứ cho tội lỗi của ông, dẫu các môn đệ khác có phật lòng. Thánh Bêđa đã chú giải đoạn Tin Mừng như sau: Chúa Giêsu nhìn ông Mátthêu với cả lòng thương xót và tuyển chọn ông: “miserando atque eligendo” (chạnh lòng thương và tuyển chọn). Thành ngữ này đã gây ấn tượng mạnh cho Đức Thánh Cha đến nỗi Ngài đã lấy nó làm khẩu hiệu giám mục của mình (x. số 8).

30. Trong các dụ ngôn về lòng thương xót, ba dụ ngôn con chiên lạc, đồng tiền bị mất và người cha có hai người con trai mô tả Thiên Chúa thế nào?

Ba dụ ngôn này mô tả Thiên Chúa như người cha nhân hậu luôn tràn đầy niềm vui, đặc biệt khi tha thứ. Nơi đây, chúng ta tìm thấy cốt lõi của Tin Mừng và đức tin của chúng ta, vì lòng thương xót được trình bày như là sức mạnh vượt trên tất cả, lấp đầy trái tim bằng tình yêu và ủi an qua sự tha thứ.

31. Sau khi kể dụ ngôn “kẻ mắc nợ không có lòng thương xót”, Chúa Giêsu kết luận thế nào?

Chúa Giêsu kết luận rằng “Cha của Thầy ở trên trời cũng đối xử với các anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).

32. Với kết luận này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta điều gì?

Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng lòng thương xót không chỉ là hành động của Thiên Chúa, mà trở thành tiêu chuẩn để nhận biết những ai thực sự là con cái của Thiên Chúa.

33. Chúng ta phải làm gì để tỏ lòng thương xót?

Chúng ta phải “tha thứ cho những xúc phạm đến chúng ta.”

34. Sự tha thứ đem lại những gì cho con người và Giáo Hội?

Sự tha thứ đem lại cho con người sự thanh thản trong tâm hồn và đem lại cho Giáo Hội sự tín nhiệm

35. Mối phúc thúc đẩy chúng ta dấn thân cách riêng trong Năm Thánh này là gì?

Đó là “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7)

36. Khi khẳng định Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là trách nhiệm của Chúa đối với chúng ta, Đức Thánh Cha muốn nói điều gì?

Đức Thánh Cha muốn nói Thiên Chúa cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là Ngài muốn chúng ta được hưởng mọi sự tốt lành và muốn thấy chúng ta được hạnh phúc, được tràn đầy niềm vui và bình an. Đến lượt mình, người Kitô hữu cũng phải có trách nhiệm đối với tha nhân (x. Số 9).

37. Tại sao Lòng Thương Xót là nền tảng của đời sống Giáo Hội?

Vì mọi hoạt động mục vụ cũng như lời loan báo và chứng từ của Giáo Hội không thể thiếu Lòng Thương Xót.

38. Có cách nào giúp Giáo Hội trở nên khả tín không?

Chỉ có cách thực thi lòng thương xót và trắc ẩn.

39. Tại sao Giáo Hội có một ước muốn bất tận để thực thi lòng thương xót, lại có thể quên điều hệ trọng này?

Vì hai lý do này: một là Giáo Hội chiều theo cám dỗ đòi hỏi và chỉ đòi hỏi công lý mà thôi; hai là kinh nghiệm tha thứ ngày càng trở nên hiếm hoi trong nền văn hoá của chúng ta.

40. Thiếu chứng tá về sự tha thứ, cuộc sống trở nên cằn cõi và vô sinh, y hệt như sống trong sa mạc. Trong hoàn cảnh này, Giáo Hội phải làm gì?

Giáo Hội phải tìm lại niềm vui loan báo về sự tha thứ, đồng thời trở về với những khó khăn của anh chị em chúng ta, vì sự tha thứ là sức mạnh khơi nguồn cho sự sống mới và mang lại sự can đảm để nhìn về tương lai trong hy vọng (x. Số 10).

41. Tông Chiếu nhắc đến Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” của Thánh Giáo Hoàng Phaolô II và ghi nhận những điểm nào?

Tông Chiếu ghi nhận hai điểm này: một là chủ đề lòng thương xót bị lãng quên trong nền văn hoá hiện nay; hai là thúc đẩy loan báo và làm chứng cho lòng thương xót trong thế giới đương đại.

42. Tông Chiếu nhận định về giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Phaolô II thế nào?

Đó là giáo huấn hết sức hợp thời và đáng được tìm hiểu trong Năm Thánh này.

43. Khi dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm hoá, Giáo Hội cần quan tâm đến chủ đề lòng thương xót như thế nào?

Giáo Hội phải quan tâm đến chủ đề lòng thương xót với lòng nhiệt thành mới và qua hoạt động mục vụ được đổi mới (x. Số 11).

44. Để có được sự tín nhiệm và lời loan báo về lòng thương xót có được sự khả tín, Giáo Hội phải làm gì?

Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng thương xót.

45. Để sống và làm chứng cho lòng thương xót, Giáo Hội phải làm gì?

Giáo Hội phải thông truyền Lòng Thương Xót qua ngôn ngữ và cử chỉ của mình, thứ ngôn ngữ và cử chỉ có khả năng chạm đến con tim của mọi người và khuyến khích họ trở về với Chúa Cha.Nói cách khác, Giáo Hội phải hiến mình làm đầy tớ và trung gian cho tình yêu của Đức Kitô; yêu đến độ tha thứ và trao ban chính mình. Nhờ đó, Giáo Hội hiện diện ở đâu, thì mọi người nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa Cha đến đó (x. Số 12).

46. Tông Chiếu mời gọi chúng ta sống Năm Thánh dưới ánh sáng của câu Tin Mừng nào?

Dưới ánh sáng của câu Tin Mừng này: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng Thương Xót”(Lc 6, 36). Đó cũng là “phương châm” của Năm Thánh.

47. Để có khả năng thương xót, trước tiên chúng ta phải làm gì?

Chúng ta phải lắng nghe và suy niệm Lời Chúa.

48. Để có thể lắng nghe cũng như suy niệm Lời Chúa, chúng ta phải làm gì?

Chúng ta phải khám phá lại giá trị của sự thinh lặng. Nhờ đó, chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và lấy Lòng Thương Xót làm lối sống của mình (x. Số 13)

49. Dấu chỉ đặc biệt của Năm Thánh là gì?

Dấu chỉ đặc biệt của Năm Thánh là hành hương

50. Tại sao hành hương lại là dấu chỉ đặc biệt của Năm Thánh?

Vì cuộc sống là một cuộc hành hương và chúng ta là những kẻ lữ hành đang tiến về đích điểm mong đợi. Vượt qua những Cửa Thánh tại Rôma hay khắp nơi trên thế giới, tất cả chúng ta phải thực hiện một cuộc hành hương hướng tới Lòng Thương Xót; một cuộc hành hương đòi hỏi dấn thân và hy sinh. Nhờ đó, chúng ta tìm được sức mạnh để đón nhận Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, đồng thời hiến mình cho lòng thương xót anh em, như Chúa Cha đã thương xót chúng ta.

51. Để đạt tới Lòng Thương Xót, cuộc hành hương Năm Thánh phải trải qua những giai đoạn nào?

“Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6, 37-38).

52. Việc chúng ta xét đoán anh em xuất phát từ những nguyên nhân và gây ra những hậu quả nào?

Chúng ta xét đoán anh em vì cái nhìn phiến diện do ghen tương và đố kỵ, và vì sự giả định mình biết hết mọi sự. Rốt cuộc chúng ta làm cho cuộc sống của anh em trở nên ảm đạm, làm cho họ mất uy tín và bỏ mặc họ cho sự đàm tiếu của thiên hạ.

53. Để khỏi xét đoán anh em, chúng ta nên làm gì?

Chúng ta nên đón nhận điều tốt đẹp nơi người anh em.

54. Ngoài việc đừng xét đoán, chúng ta còn phải làm gì để tỏ Lòng Thương Xót?

Chúng ta còn phải tha thứ và trao ban, vì chính bản thân chúng ta đã được Chúa tha thứ và ban cho biết bao ơn lành hồn xác.

55. Phương châm của Năm Thánh là gì?

Đó là “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót.”

56. “Hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót”, câu này có ý nghĩa gì?

Câu này có nghĩa là lòng thương xót của Chúa Cha vừa là nguồn mạch vừa là khuôn mẫu cho lòng thương xót của chúng ta. Chính Thiên Chúa đã cứu chúng ta thoát khỏi thân phận yếu đuối và giúp chúng ta có thể đến gần Ngài.Nhờ đó, chúng ta cũng có thể thương xót như Chúa đã xót thương, tức hiến trọn thân mình và không cần đền đáp (x. Số 14).

57. Chúng ta được mời gọi làm gì trong Năm Thánh này?

Một mặt chúng ta được mời gọi nhìn ra những nỗi khốn cùng của thế giới, lắng nghe tiếng kêu cứu của những người cùng khổ, quan tâm và chăm sóc cho những người bị bỏ rơi với tình bằng hữu; mặt khác chúng ta được mời gọi phá đổ những rào cản được dựng lên do sự thờ ơ lãnh đạm, giả hình và ích kỷ.

58. Chúng ta còn được mời gọi làm gì nữa trong Năm Thánh này?

Chúng ta còn được mời gọi khám phá lại các mối thương thể xác như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết;cũng như các mối thương linh hồn như lấy lời lành mà khuyên người, sửa dạy kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

59. Theo thánh Gioan Thánh Giá, khi lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở nào?

Chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở tình yêu như được mô tả trong Kinh Thương xác bảy mối và Thương linh hồn bảy mối (x. Số 15).

60. Trong Tin Mừng thánh Luca, có câu chuyện nào giúp chúng ta sống đức tin trong Năm Thánh?

Có câu chuyện Chúa Giêsu về thăm Nadarét, nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào hội đường và đứng lên đọc sách Thánh, đoạn trích từ sách Ngôn sứ Isaia: ” Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4, 18-19).

61. Qua câu chuyện này, Đức Thánh Cha mong ước điều gì về Năm Thánh?

Đức Thánh Cha mong ước các Kitô hữu, trong Năm Thánh, làm cho sứ mạng của Chúa Giêsu được mô tả trong lời của Ngôn sứ Isaia, trở nên hữu hình và phong phú, nhờ đáp trả đức tin mà họ thực hiện qua chứng ta của mình (x. Số 16).

HĐGMVN UBLB TIN MỪNG


Nguồn tin: baoconggiao.com