23/01/2025

Hiệp sĩ… phụ bán chè

Từng bị hăm doạ “đòi xử” và nhiều lần bị kẻ cướp tung đòn hiểm muốn triệt hạ, nhưng Lê Ngọc Phúc (32 tuổi) vẫn dũng cảm truy bắt hàng trăm tên cướp giật.

 

Lục Vân Tiên thời nay: Hiệp sĩ… phụ bán chè

 

Từng bị hăm doạ “đòi xử” và nhiều lần bị kẻ cướp tung đòn hiểm muốn triệt hạ, nhưng Lê Ngọc Phúc (32 tuổi) vẫn dũng cảm truy bắt hàng trăm tên cướp giật.





Lê Ngọc Phúc - Ảnh: Tân Phú

Lê Ngọc Phúc – Ảnh: Tân Phú


Chúng tôi có cảm giác rất lạ khi bắt tay với Phúc trong lần gặp đầu tiên. Bàn tay Phúc vạm vỡ, rắn chắc như người luyện võ, nhưng Phúc bảo không biết võ; do ngày nào cũng đi “phụ bán chè cho bà dì”, bưng bê suốt nên “tay nó nở và cứng vậy thôi”. Hôm gặp chúng tôi, Phúc khoe tài sản quý giá nhất mà Phúc tích luỹ được là… 6 giấy khen của Giám đốc Công an TP.HCM, 32 giấy khen của UBND các quận, huyện về thành tích bắt cướp.

“Máu hành hiệp” bộc phát
Cũng như các “hiệp sĩ đường phố” khác mà chúng tôi từng gặp, Phúc chuyện trò chân tình và dường như chỉ “hầm hố” khi tham gia bắt cướp trên đường.
Phúc kể, “máu hành hiệp” bột phát từ năm 2003, khi còn đang học trung cấp ngành kỹ thuật cơ khí. Lúc ấy Phúc đang dừng đổ xăng ở cây xăng gần ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình) thì bỗng nghe tiếng tri hô “cướp, cướp” của một người đàn ông thoát ra từ chiếc taxi đang dừng đèn đỏ. Liền theo đó cũng có một người khác tung cửa chạy bộ. Khi thấy CSGT đuổi theo người chạy bộ, trong chớp mắt Phúc từ cây xăng lao ra đạp gã ấy ngã xuống đường. “Đây là vụ cướp taxi. Tên cướp giả hành khách đón taxi rồi khống chế tài xế. Nhưng rất may là khi đến trụ đèn đỏ thì tài xế tìm cách thoát ra khỏi xe để tri hô”.
Sau lần đầu nghĩa hiệp ấy, Phúc tiếp tục đi học, lo việc mưu sinh. Mãi đến năm 2008, sau khi đã cưới vợ thì Phúc mới chính thức cùng một số anh em khác trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tham gia tuần tra bắt cướp. 
“Chuyện bắt cướp đối với em hình như là một cái duyên trời định vậy. Năm 2008 em cưới vợ. Nhà em từ Bình Dương lên Q.Tân Bình rước dâu, lúc mẹ em đang đi bộ sang đường để vào nhà gái thì bị 2 tên cướp đi xe máy lao đến giật sợi dây chuyền trên cổ. Vừa rồ ga tẩu thoát, tụi cướp vừa cầm sợi dây chuyền trên tay lắc qua lắc lại trêu ngươi nữa”, Phúc nhớ lại và quả quyết: “Trong ngày cưới của em mà bị vậy nên em tức quá, rất ấm ức. Sau lần đó mỗi khi đi trên đường hễ phát hiện có dấu hiệu khả nghi cướp giật là em âm thầm theo dõi, chờ đến lúc bọn nó giở chiêu trò thì em ra tay”.
Bắt hàng trăm vụ cướp giật nhưng Phúc nhớ nhất là những vụ bị kẻ cướp tung đòn hiểm hòng “xử” mình để thoát thân. 
Vụ mới nhất xảy ra vào chiều tối 26.11.2015, Phúc đang cùng nhóm anh em “hiệp sĩ” lưu thông trên đường Lý Thường Kiệt (P.7, Q.10) thì phát hiện 4 thanh niên đi trên 2 xe máy có dấu hiệu đang “săn mồi” nên theo dõi. Đến trước số nhà 118A/13 Lý Thường Kiệt thì 2 tên ngoặt xe lên vỉa hè giật điện thoại của một phụ nữ đang ngồi bấm. 
Trong quá trình tổ chức truy đuổi qua nhiều tuyến đường, kẻ cướp dùng bình xịt hơi cay điên cuồng chống trả, nhưng rốt cuộc nhóm của Phúc vẫn khống chế được 2 tên. Tại Công an P.7 (Q.10), 2 tên cướp khai là Đào Quang Huy (từng có 1 tiền án cướp giật) và Phan Tấn Cường (cùng 18 tuổi, ngụ Q.Tân Bình).
Thiếu trước, hụt sau…
Trên thực tế, từ sau phi vụ “hành hiệp bột phát” đầu tiên, cuộc đời Phúc dường như đã không còn bình lặng. Không ít lần Phúc phải đối mặt với hiểm nguy rình rập.
Phúc kể có lần khi đang đi trên đường Lạc Long Quân thì chứng kiến một đôi nam nữ đi trên một xe máy giật dây chuyền của người đi đường, rồi chạy vào đường Trần Văn Quang (Q.Tân Bình). Phúc lập tức tăng ga đuổi theo. Người phụ nữ ngồi sau liên tục tung bột tiêu hòng cản tốc độ truy đuổi của Phúc nhưng anh tránh được và vượt lên. 
Cùng đường, 2 tên cướp rút dao quay lại đâm Phúc. Rất may là lần đó Phúc tránh được lưỡi dao và bắt giữ được “nữ quái” đem giao nộp cơ quan công an. 
Tại cơ quan công an, từ những lời khai ban đầu, công an đã truy xét và bắt người đàn ông điều khiển phương tiện đi gây án. “Cũng trong năm 2013 em xém mất mạng khi truy đuổi cướp giật điện thoại ở địa bàn P.14, Q.11. 
Hai tên cướp sau khi gây án đã chạy trốn vào một khu phố, trong đó toàn dân trộm cắp, cướp giật nên túa ra giải vây. Những tên đầu gấu khi thấy em khống chế được 1 tên cướp thì lao vào đấm đá túi bụi. Em và mấy anh em cứ choàng lên nhau chịu đòn, cùng đè tên cướp xuống dưới. Rất may là công an phường có mặt kịp thời chứ nếu không em cũng không biết kết cục sẽ ra sao nữa”, Phúc kể thêm.
Trên địa bàn Q.Tân Bình, nhiều năm qua, cứ 4 giờ sáng là Phúc đến nhà bà dì phụ nấu chè, tầm trưa thì khuân vác, chở sang Q.Tân Phú bán đến tối mới về nhà với vợ con. “Hành trình chở chè” qua lại giữa địa bàn 2 quận cũng là hành trình bắt cướp chủ yếu của Phúc. “Thật lòng mà nói là không thể nào đảm bảo được 100% là sẽ không có chuyện tai nạn giao thông xảy ra trong lúc truy bắt cướp. Dù có kinh nghiệm chạy xe nhưng thực tế trên đường có quá nhiều tình huống bất ngờ phát sinh. Để tránh va chạm với người đi đường thì mình chịu bị té ngã thôi”, Phúc chia sẻ.
Đang trò chuyện với tôi tại một quán cà phê cóc vỉa hè lúc chập choạng tối, điện thoại Phúc đổ chuông. Nghe xong, Phúc bảo: “Vợ em gọi về sớm để chở đi ăn vì hôm nay nhà không nấu cơm”. Chàng “hiệp sĩ phụ bán chè” này thực ra gia cảnh cũng không khá giả gì. Một vợ, hai con nhỏ và cả 4 “miệng ăn” đều chỉ trông chờ vào… chân phụ bán chè, nên vẫn thường thiếu trước hụt sau.

Tân Phú