25/01/2025

Lễ Hiển Linh – 2016: Tìm đến Hài nhi Giêsu để học bài học về lòng thương xót

Hành trình của các vị đạo sĩ Phương Đông đi tìm Chúa Giêsu và gặp được Người luôn gợi ý cho ta suy nghĩ về cuộc hành trình của từng người chúng ta trong cuộc đời trần thế để tìm gặp Đức Giêsu, dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Tìm đến Hài nhi Giêsu để học bài học về lòng thương xót

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hành trình của các vị đạo sĩ Phương Đông đi tìm Chúa Giêsu và gặp được Người luôn gợi ý cho ta suy nghĩ về cuộc hành trình của từng người chúng ta trong cuộc đời trần thế để tìm gặp Đức Giêsu, dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vì thế, trong vài phút này, chúng ta cùng tìm hiểu cuộc hành trình ấy để có thể áp dụng vào đời sống của mình.

1. Hành trình quan trọng nhất

Nhiều người trong chúng ta đã từng thực hiện những chuyến đi xa ở trong nước hay ngoài nước, để đi làm hay đi chơi, đi học hay chữa bệnh. Chúng ta thường nhớ đến chuyến đi nào đó mà mình kiếm được một bảo vật giá trị, gặp được con người làm thay đổi cả đời mình hoặc chữa trị cho khỏi được bệnh nan y hay cảm nhận được hạnh phúc tuyệt vời. Nhưng có lẽ không có hành trình nào quan trọng cho bằng ra đi để tìm được nguồn sống vĩnh hằng, nguồn vui vô tận, nguồn hạnh phúc vô biên, nguồn giàu sang tuyệt đối như cuộc ra đi của 3 đạo sĩ Đông Phương. Họ đang là những con người giàu sang, có học thức và địa vị trong xã hội, có vợ đẹp con khôn, nhưng họ không bằng lòng với những gì mình đang có và muốn tìm một cái gì có cao cả hơn, sâu xa hơn, tốt đẹp hơn.

Trong cuộc hành trình quan trọng đó, ta luôn cần một ánh sao soi chiếu, một tiếng nói trong tâm hồn thôi thúc chúng ta đi tìm Chúa Giêsu. Người là nguồn hạnh phúc, nguồn tình yêu, nguồn ân sủng, nguồn ơn cứu độ vì khi chúng ta tìm gặp được Người chúng ta mới thấy mình không phải chỉ là con người mà là con Thiên Chúa vì Chúa Cha đã yêu thương ta, đã tỏ lòng thương xót để ban Con Một của Ngài cho ta. Tiếng gọi thôi thúc ấy, giống như các vị đạo sĩ, qua một ánh sao le lói nào đó, hướng dẫn họ lên đường.

Đối với chúng ta cũng như các đạo sĩ thời trước, việc lên đường cũng chẳng dễ dàng, vì chúng ta phải bước đi trong đêm tối, dù rằng thời nay người ta trang hoàng những hang đá với đủ thứ đèn sao nhấp nháy như để dẫn đường cho con người. Trong hành trình tìm gặp Đức Giêsu, ta phải đối đầu với biết bao thế lực chống đối hay cản ngăn của xã hội và có khi của cả Giáo Hội như đối phó với bọn trộm cướp nguy hiểm, phải chịu giá rét ở sa mạc, thiếu thốn đồ ăn, nước uống, thiếu cả những điều kiện sống. Nhưng giá trị của cuộc hành trình sẽ bù đắp cho ta tất cả nếu ta quyết tâm đi tới cùng vì Đức Giêsu sẽ làm cho ta thoả mãn mọi khát vọng cao quý của con người.

Trong xã hội trần thế hôm nay, chúng ta cũng sẽ gặp một đám đông dân chúng thờ ơ với việc Đấng Cứu Thế giáng sinh, dửng dưng với việc đi tìm những thứ mà họ cho là quá cao vời, không tưởng và lãnh đạm với tất cả những gì không mang lại lợi lộc thiết thực cho họ. Họ đang bằng lòng với những gì mình đang có hay có thể kiếm được bằng tài năng, sức lực của con người nên không muốn đi xa hơn. Họ muốn sống an thân, dễ dãi và ngủ yên trong những giấc mơ đẹp ở trung tâm của các đô thị, thành phố thay vì dấn thân cho 1 cuộc hành trình mạo hiểm.

Các bậc chức sắc trong Giáo Hội và nhiều tín hữu chúng ta cũng giống như những thượng tế, luật sĩ thời trước, bằng lòng với lễ nghi trang trọng, hãnh diện vì đền thờ Giêrusalem hoành tráng, tự mãn vì có cả một kho tàng Kinh Thánh chỉ dẫn rõ ràng những luật lệ phải theo, những tiêu chuẩn đạo đức phải giữ, an tâm vì nếp sống đạo đức quen thuộc sáng lễ chiều kinh từ bao đời. Tất cả đều biết rõ Đấng Cứu Thế sinh ra ở Bêlem, đều được nghe lời thúc giục của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là phải “đi ra” nhưng hầu như “người ta chỉ bối rối và xôn xao” vì đám đông các vị đạo sĩ nước ngoài hơn là ý nghĩa cuộc hành trình của họ.

ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta “đi ra đến vùng ven”, đến thành Bêlem nhỏ bé, đến hang lừa tồi tàn bẩn thỉu, chúng ta mới gặp được Đức Giêsu ở đó. Chúa Giêsu bây giờ không phải là một Thiên Chúa uy nghi ngự trên toà cao để con người cúi đầu bái lạy, tôn thờ. hay những thần tượng bất động, giả dối do con người đúc sẵn, nhưng là một trẻ thơ sống động, nhỏ bé, yếu đuối, rất gần gũi để ta có thể ôm ấp, bồng bế trên đôi tay của mình, trong khi vẫn tin Người là vị “Thiên Chúa trở thành người vì chúng ta và để cứu độ chúng ta”. Lúc đó ta mới dâng hiến cho Người tất cả những gì quý giá nhất, giống như các vị đạo sĩ, để diễn tả niềm tin rằng Ngài là vua chịu chết cho ta và là Thiên Chúa của lòng ta. Bài học quan trọng nhất trong Năm Thánh về Lòng Thương Xót mà Chúa Hài Đồng Giêsu sẽ dạy ta chính là bài học”mang lấy thân xác” của Người.

2. Bài học quan trọng nhưng lại dễ quên nhất

Bài học về thân xác ít được khai triển trong Giáo hội Công giáo trong hàng chục thế kỷ vì từ lâu người muốn nhấn mạnh Thiên Chúa là tinh thần, và coi “xác thịt” là 1 trong 3 kẻ thù nguy hiểm luôn phải đối đầu. Từ đó người ta nhìn con người cụ thể trong xã hội trần thế bằng một thứ lăng kính lược bỏ nhiều thứ về con người: ngoài những giá trị về tinh thần như tự do, huynh đệ, yêu thương, nhu cầu tôn giáo, nghệ thuật… con người cũng cần ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí, làm việc, nhưng hình như Giáo Hội ít quan tâm đến những thứ đó. Khi hiểu được con người toàn diện gồm cả xác lẫn hồn như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở thì năm 2016, năm “Tân Phúc Âm hoá đời sống xã hội”, Giáo Hội Việt Nam sẽ cần học lại bài học này trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo.

Đây là dịp để chúng ta nhìn vào thân xác của mình và của người khác để thấy mình cũng giống như Chúa Giêsu, Người chia sẻ thân phận con người với đói khát và no đủ, với khổ đau và vui sướng, với thành công và thất bại, với sự sống và cái chết như chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Từ đó chúng ta có một thái độ thực tế và cụ thể hơn trước những nhu cầu của con người thay vì chỉ cổ vũ cho những giá trị tinh thần.

Hơn nữa, chúng ta còn được mời gọi để đùng thân xác như một phương tiện loan báo Tin Mừng cứu độ: “Chúa đã dựng cho con một thân xác và này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (x. Dt 10, 5-10). Chúng ta mới thấy thân xác già nua, yếu đuối, bệnh tật, xấu xí của mình rất gần Chúa Giêsu sơ sinh nằm trong máng cỏ để không mang những mặc cảm tự ti với thân xác ấy nhưng dùng thân xác ấy để cứu độ nhân loại. Thân xác đó chính là dung mạo của lòng thương xót. Từ thân xác ấy chúng ta mới thể hiện lòng thương xót cho tất cả những người đói khát, bệnh tật, già nua, thiếu thốn, khốn khổ quanh ta. Lòng chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui, bình an, tràn ngập ân sủng của Thiên Chúa Ngôi Lời làm người. Đời của chúng ta mới được đổi khác, giống như các vị đạo sĩ đã đi theo đường khác trở về xứ sở của mình.

Tôi xin chia sẻ với anh chị em bài học về thân xác mà tôi mới cảm nghiệm: chiều ngày thứ Năm, 31/12/2015, để chuẩn bị cho năm mới, tôi muốn dành nhiều thời giờ để cầu nguyện, cảm tạ Chúa. Khi đang đọc giờ Kinh Chiều, có hai phụ nữ xin tôi  giúp cho một bệnh nhân. Họ cố gắng dìu người bệnh lên cầu thang lầu 3 chỗ tôi ở. Người bệnh kể rằng cách đây hơn 10 tháng, chị bị té từ lầu 1 xuống đất, đốt sống cổ C5 bị dập, các đốt sống cổ C2 đến C6 bị chèn nên không cử động cổ, tay tê cứng, ngón tay co quắp. Cột sống cũng bị tổn thương, nên không đi được. Các  bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẩy Tp.HCM khám nghiệm và định giải phẫu cho chị. Nhưng khi nghe báo chị có nguy cơ 80% bị liệt toàn thân nên gia đình đưa chị về Bệnh viện ở Ninh Thuận chữa trị 2 tháng. Sau khi quay nhẹ được cổ và cử động được đôi chân chị vào thành phố Tp.HCM bán vé số ở chợ Bàn Cờ. Có người giáo dân thấy thương chị quá nên đưa chị đến tôi.

Mấy người chúng tôi cầu nguyện xin Chúa tỏ lòng thương xót chị. Tôi xoa dầu nắn bóp các đốt sống cổ và đốt sống lưng, tập cho chị co duỗi 2 chân, 2 tay. Sau đó dìu chị đi vài bước cho quen rồi xin chị tự mình bước đi. Chị đã tự đi được trước sự ngạc nhiên của mấy người đưa chị đến. Lần đầu tiên trong đời tôi cũng hết sức ngạc nhiên trước trường hợp này và cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa dành cho chị cũng như cho tôi.

Vì thế, chúng ta hãy nhìn vào thân xác của mình và của người khác, để cảm nghiệm lòng thương xót vô bờ của Chúa trong từng giây phút cuộc đời vì phân tích thể xác theo khoa học, ta chỉ thấy đó là một khối vật chất vô cơ hay hữu cơ chứ chúng đâu có tình yêu, tư tưởng, sự sống…Thân xác đó cũng là phương tiện của lòng thương xót để ta nói những lời nhẹ nhàng, thân ái với người khác; để ta dùng đôi tay của mình chia sẻ những ơn phúc của Chúa cho con người.

Lời kết

Đó là bài học về thân xác của Ngôi Lời nhập thể mà các vị đạo sĩ mời gọi chúng ta ôn lại hôm nay. Cầu chúc anh chị em cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha qua Hài nhi Giêsu và chia sẻ lòng thương xót cho mọi người mọi vật mà chúng ta gặp gỡ.