30/12/2024

Khát vọng đổi thay

Gian khổ, thiệt thòi, cả nỗi sợ hãi và hiểm nguy đeo bám, nhưng họ đã vượt qua, bởi ở họ cháy lên ngọn lửa tuổi trẻ khao khát dâng hiến, sống hết mình với đam mê công việc, xả thân vì cộng đồng.

 

Khát vọng đổi thay

 

Ở họ đã cháy lên ngọn lửa tuổi trẻ khát khao dâng hiến, sống hết mình với đam mê công việc, xả thân vì cộng đồng…

Gian khổ, thiệt thòi, cả nỗi sợ hãi và hiểm nguy đeo bám, nhưng họ đã vượt qua, bởi ở họ cháy lên ngọn lửa tuổi trẻ khao khát dâng hiến, sống hết mình với đam mê công việc, xả thân vì cộng đồng. Nhưng họ tự cho mình chỉ là những mắt xích nhỏ trong chuỗi dây chuyền; những việc họ làm như một lẽ tất nhiên.

Chỉ là một mắt xích nhỏ

“Tôi quan niệm lao động chính là cội rễ của mọi niềm đam mê, chứ không băn khoăn gì về việc mình có bằng kỹ sư nhưng vẫn làm ở vị trí người thợ. Khi có tay nghề, mình sẽ tự tin hơn trong mọi tình huống và làm chủ được công việc”. Người thợ trẻ Đinh Xuân Tân, 28 tuổi, Xí nghiệp Công nghiệp và dịch vụ ô tô (ISAMCO) thuộc Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn đã nói về công việc của mình như thế.

Khat vong doi thay

Tân dí dỏm: “Chữ duyên khó mà lường trước được, đến với nghề từ con số không vậy mà yêu nó lúc nào không hay. Thích học sân khấu – điện ảnh, cuối cùng bén duyên với trường ĐH Công nghiệp TP.HCM”. Say mê công nghiệp ô tô, nỗ lực không ngừng học, tốt nghiệp hệ cao đẳng, ra trường chỉ trong vòng 1,5 năm Tân đã học liên thông và hoàn thành tốt nghiệp đại học.

Cuối năm 2008, vào làm việc tại ISAMCO và từ đây Tân bắt đầu với chuỗi… sáng kiến. Năm 2014, anh đã đề xuất ban giám đốc ứng dụng sáng kiến: “Giải pháp lắp đặt hệ thống hẹn thời gian bật và tắt cùng ống nước cho hệ thống làm mát nhà xưởng 139 Cô Giang”.

Chuyện bắt đầu từ chỗ nhà xưởng… nóng quá: “Trong xưởng làm việc rất nóng – Tân kể – công ty đầu tư hệ thống 13 chiếc quạt làm mát, điều cần thiết là quạt phải bật, tắt đúng giờ. Đôi khi làm việc xong quên tắt, quạt cứ chạy rất lãng phí nên tôi đã đưa ra ý tưởng tạo thiết bị hẹn giờ để quạt hoạt động đúng giờ, chỉnh quạt theo thời tiết. Khi gắn thiết bị, đã giúp tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết kiệm chi phí khoảng 1.300.000đ/tháng. Đồng thời, giải pháp này đảm bảo hiệu suất hoạt động và kéo dài tuổi thọ của động cơ”.

Chưa hết, “Giải pháp thiết kế giá đỡ và đồ gá trên bàn ép thủy lực khi thay thế khớp các đăng trục láp” do Tân đề xuất vừa giúp tiết kiệm nhân công lao động (chỉ cần một kỹ thuật viên, trước đây cần hai người), tiết kiệm chi phí lại vừa đảm bảo quy trình hoạt động mang tính khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Tự đặt ra áp lực với mình để vượt lên, đó là tính cách của người thợ trẻ này. Tân nhớ lại: “Có lần tôi gặp “ca khó” sửa hệ thống điện trên một chiếc xe mãi mà không được, tôi mày mò ngày này qua ngày khác, có những lúc quên ăn, quên ngủ vẫn bế tắc. Tôi phải nhờ người bạn tìm tài liệu từ Nhật gửi về. Có tài liệu trong tay, tôi nghiền ngẫm kỹ, cuối cùng đã thành công”.

Năm 2015, Tân được trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc và hiện tại với vai trò cố vấn dịch vụ – một bước tiến mới nhưng với Tân, điều đó không nói lên ý nghĩa gì bởi theo Tân: “Cho dù bạn ở vị trí nào, vai trò nào thì hiệu quả công việc, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích chung của công ty mới là điều quan trọng. Tôi chỉ là một mắt xích nhỏ hoạt động trong chuỗi dây chuyền, có được ngày hôm này là nhờ sự cộng hưởng của cả tập thể”.

Văn võ song toàn

Một ngày của Nguyễn Thị Mộng Quỳnh, học sinh lớp 12A1.2, Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9) – vận động viên tuyến năng khiếu tập trung, thuộc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TP.HCM bắt đầu từ 6g sáng. Rời nhà, em đến trường học văn hóa, 17g vượt gần 50km cả đi lẫn về từ Q.9 đến Trung tâm TDTT Q.10 để luyện tập taekwondo. 22g, em mới có mặt ở nhà, ăn qua loa bữa tối, rồi ngồi vào bàn học. Cứ như vậy, hôm sau lặp lại.

Khat vong doi thay

Lên bảy tuổi, Quỳnh… ọp ẹp lắm. Một lần qua phòng tập taekwondo, Quỳnh tò mò, thấy thích nên xin bố mẹ theo học. Chiều con, và ba mẹ cô bé hẳn không ngờ vào một ngày ở năm thứ 3 theo học, Quỳnh đã được cử đi thi giải taekwondo của quận và xuất sắc giành huy chương vàng.

Thế là “con đường huy chương” mở ra với Quỳnh từ cấp thành phố đến quốc gia và quốc tế. Năm 2013, Quỳnh đã đoạt một huy chương bạc và huy chương đồng giải vô địch taekwondo học sinh toàn quốc khu vực phía Nam, huy chương bạc và huy chương đồng giải vô địch taekwondo các lứa tuổi toàn quốc.

Không chỉ tham gia đấu trường trong nước, Quỳnh còn vinh dự được tham gia các giải vô địch taekwondo trẻ châu Á và giải vô địch taekwondo các câu lạc bộ quốc tế, đã xuất sắc giành được một huy chương bạc và hai huy chương vàng.

Trong năm 2015, Mộng Quỳnh tham gia nội dung quyền giải taekwondo trẻ và cadet châu Á, mang về một huy chương vàng nội dung đôi nam nữ lứa tuổi U17 và một huy chương bạc nội dung cá nhân nữ quyền sáng tạo.

Mồ hôi và nước mắt đã không biết bao lần tuôn rơi trên sàn đấu với cô gái 17 tuổi này. “Hai năm trước, trong quá trình tập luyện, em bị chấn thương khớp háng, phải chịu rất nhiều đau đớn và nghỉ tập một thời gian dài để trị liệu. Đến bây giờ, đã tập luyện và thi đấu bình thường trở lại nhưng chấn thương này vẫn khiến em gặp nhiều khó khăn trong việc thể hiện độ dẻo. Nhưng khi đã vào sàn tập, em quên tất cả, chỉ còn niềm đam mê”, Quỳnh nói.

10 năm dõi theo con học võ, anh Nguyễn Văn Nhơn, bố Quỳnh tâm sự: “Nhà neo người, con về muộn nên tối nào vợ chồng tôi cũng đợi cơm cháu đến 10g tối rồi cùng ăn. Ăn xong, con ngồi vào bàn học đến 1g sáng thì ngủ, ngày mai lại đến trường. Ngày nào cũng chứng kiến cảnh con học tập, rèn luyện vất vả, bậc làm cha mẹ nào không xót, nhưng vì đam mê của đứa con gái duy nhất, gia đình luôn ủng hộ và tôn trọng quyết định của cháu”.

Năm học 2012-2013, Quỳnh đạt danh hiệu học sinh giỏi và được tuyển thẳng vào lớp 10 với số điểm xét tuyển tuyệt đối: 44/44. Ngoài ra, em còn đoạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2012-2013. Nói về lựa chọn con đường phía trước, Quỳnh cho biết: “Em được tuyển thẳng vào đại học và sẽ chọn ngành quản lý thể dục thể thao tại trường ĐH Tôn Đức Thắng”.

Niềm vui cứu người

Cao hơn 1,8m, dáng vẻ bệ vệ, nhưng khi tham gia cứu hộ dưới nước, thiếu uý 27 tuổi Võ Thành Công – cán bộ Phòng Cứu nạn, cứu hộ, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM lặn ngụp như một con rái cá.

Nhớ lại lần đầu tiên được giao nhiệm vụ lặn tìm nạn nhân bị đuối nước, Công vẫn còn ám ảnh. Năm 2008, sau khi hoàn thành khoá huấn luyện chiến sĩ mới, Công được tuyển chọn về công tác tại Phòng Cứu nạn – cứu hộ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP.HCM.

Thời điểm đó ở Bến Bình Đông, Q.8 có người bị chết đuối. Công và một đồng đội được giao lặn tìm thi thể nạn nhân. Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ, ngực đập thình thịch, nhưng được sự động viên của cán bộ chỉ huy, đồng đội và chứng kiến nỗi đau của gia đình nạn nhân, anh quyết tâm lặn tìm bằng được nạn nhân.

“Mất nhiều giờ ngụp lặn dưới dòng nước hôi thối, một chiến sĩ mới vào nghề như tôi không khỏi giật mình khi chạm vào thi thể, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ cách làm sao đưa được nạn nhân lên bờ nhanh nhất”.

 

Suốt tám năm theo đuổi công việc, người chiến sĩ ấy có biết bao điều khó quên. Đó là vụ cứu hộ sập sàn căng tin tại Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn. Lúc ấy, Công đã cùng đồng đội cứu sống 14 người bị rơi từ độ cao khoảng 10m.

Trong vụ Phương “khói lửa”, tổ cứu nạn của thiếu úy Công đã lần mò trong đống đổ nát, ngổn ngang và đối mặt với nguy cơ nổ tiếp diễn khi bên trong hàng chục thùng hoá chất, thuốc nổ vẫn còn, lần lượt đưa 10 thi thể ra ngoài. Công vẫn nhớ như in chuyện phát hiện tiếng cầu cứu yếu ớt phát ra từ các mảng bê tông đổ chồng lên nhau, tổ cứu hộ đã vừa truyền ôxy vào cho nạn nhân, vừa cẩn thận lật từng mảng bê tông đưa nạn nhân ra ngoài an toàn.

Năm 2015, Công cùng đồng đội tham gia cứu nạn thành công chiếc tàu Hoàng Phúc bị chìm trên sông Soài Rạp (H.Cần Giờ) và giải cứu 13 thuyền viên kẹt trên tàu.

Một lần cứu hộ cứu nạn một chiếc tàu bị chìm, khi tổ lặn của Công đang mò lặn dưới lòng sông thì trên mặt nước, một chiếc tàu đứt neo trôi tự do về phía tổ cứu nạn đang lặn mò. Lệnh chỉ huy yêu cầu tổ lặn lên bờ nhưng chỉ hai chiến sĩ lên bờ kịp. Công lặn sâu tìm thi thể nạn nhân nên không nhận được lệnh. Trên bờ, đồng đội hồi hộp lo cho tính mạng của anh khi chiếc tàu đứt neo va vào chiếc tàu gặp nạn. Chỉ đến khi Công trồi người lên khỏi mặt nước và bơi ra khỏi hai chiếc tàu vừa va nhau, mọi người mới vỡ oà tin rằng anh còn sống. Hôm Công đang đi cứu hộ vụ chìm tàu Dìn Ký, cả nhà không liên lạc được nên đứng ngồi không yên. Đến khi anh về tới nhà, mọi người mới ôm chầm lấy anh mà khóc.

Thiếu uý Công đã cùng đồng đội tham gia hàng trăm vụ lặn tìm, cứu sống nhiều nạn nhân đuối nước, tìm thấy hơn 100 thi thể nạn nhân cùng nhiều tang vật vụ án. Sự động viên của đồng đội, người thân, cùng nghị lực vượt khó đã giúp người sĩ quan trẻ vượt lên tất cả. Thế nhưng, khi được hỏi về cảm xúc được bình chọn công dân trẻ thành phố, Công khiêm tốn: “Niềm vui của tôi là khi mình cứu được một người thoát hiểm nguy, giành lại sự sống cho họ. Nhận được giải thưởng này tôi xin sẻ chia với đồng đội vì đây là thành tích chung của cả tập thể”.

Họ, những công dân trẻ tiêu biểu, mang bao hoài bão, góp phần làm cho diện mạo thành phố thêm tươi mới và chính họ với khát vọng đổi thay sẽ là nguồn cảm hứng sáng tạo, nỗ lực cho nhiều người.

Quỳnh Mai