16/11/2024

10 sự kiện làm thay đổi thế giới năm 2015

Từ vụ tấn công khủng bố Paris đến khủng hoảng tị nạn châu Âu, năm 2015 thế giới chứng kiến hàng loạt bi kịch quy mô lớn gây chấn động. Dưới đây là danh sách 10 sự kiện làm thay đổi thế giới năm 2015 theo đánh giá của nhiều chuyên gia và giới truyền thông quốc tế.

  

10 sự kiện làm thay đổi thế giới năm 2015

Từ vụ tấn công khủng bố Paris đến khủng hoảng tị nạn châu Âu, năm 2015 thế giới chứng kiến hàng loạt bi kịch quy mô lớn gây chấn động.

 

Dưới đây là danh sách 10 sự kiện làm thay đổi thế giới năm 2015 theo đánh giá của nhiều chuyên gia và giới truyền thông quốc tế.

1. Khủng hoảng di cư và tị nạn làm châu Âu lao đao

Người tị nạn Trung Đông đến đảo Lesbos ở Hi Lạp - Ảnh: Reuters
Người tị nạn Trung Đông đến đảo Lesbos ở Hi Lạp – Ảnh: Reuters

Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư và tị nạn đổ vào châu Âu. Phần lớn là thường dân bỏ nhà cửa đi tránh bạo lực và chết chóc ở Syria, Afghanistan và Iraq. Cuộc khủng hoảng đã dẫn tới những bi kịch khủng khiếp bởi có hơn 3.000 người thiệt mạng trên đường tới “thiên đường châu Âu”. Cơn bão di cư và tị nạn đe doạ hệ thống đi lại tự do Schengen khi nhiều quốc gia châu Âu phải tạm thời khôi phục kiểm soát biên giới.  

Cuộc khủng hoảng cũng gây ra những bất đồng sâu sắc giữa các nước Bắc và Tây Âu chủ trương đón nhận người di cư với một số quốc gia Đông Âu và Balkan quyết phản đối dữ dội chính sách này. Những tranh cãi và bất đồng đã tiếp năng lượng cho các phong trào chính trị dân tộc cực đoan, cực hữu, bài ngoại nổi  lên ở châu Âu. 

2. IS tấn công khủng bố ở ba châu lục

Cảnh sát Pháp đưa một nạn nhân bị thương khỏi nhà hát Bataclan, nơi bị bọn khủng bố tấn công đêm 13-11 - Ảnh: Reuters
Cảnh sát Pháp đưa một nạn nhân bị thương khỏi nhà hát Bataclan, nơi bị bọn khủng bố tấn công đêm 13-11 – Ảnh: Reuters

Ngày 12-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định liên quân quốc tế đã “kiềm toả” nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Một ngày sau, ba nhóm sát thủ IS mở cuộc tắm máu ở Paris (Pháp) sát hại 130 người, khiến cả châu Âu run rẩy. Nhưng IS không chỉ gây đổ máu ở châu Âu. Trong tháng 7 và tháng 10, IS đánh bom ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến 135 người thiệt mạng.

Ngày 31-10, một quả bom phá nát chiếc máy bay Nga trên bầu trời bán đảo Sinai (Ai Cập), giết chết 224 người. Và đến ngày 2-12, một cặp vợ chồng bày tỏ lòng trung thành với IS xả súng ở San Bernardino, California (Mỹ) khiến 14 người thiệt mạng. IS đã vươn vòi khủng bố khắp phạm vi toàn cầu và mở địa bàn hoạt động mới tại Libya cũng như nhiều khu vực khác.

3. Đạt thoả thuận hạt nhân Iran

Đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Reza Najafi dự cuộc họp của IAEA ở Vienna (Áo) - Ảnh: Reuters
Đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Reza Najafi dự cuộc họp của IAEA ở Vienna (Áo) – Ảnh: Reuters

Tháng 7, các cường quốc và Iran đạt thỏa thuận đột phá về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Theo đó, cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ cấm vận kinh tế Iran, đổi lại Tehran từ bỏ 97% kho uranium làm giàu, cắt 2/3 số lượng máy ly tâm, đóng cửa lò phản ứng nước nặng, và chấp nhận để Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh tra các cơ sở hạt nhân. Mỹ khẳng định thoả thuận này sẽ ngăn chặn Iran sản xuất vũ khí hạt nhân.

4. Khủng hoảng nợ Hi Lạp leo thang

Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đầu hàng trước sức ép của châu Âu - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras đầu hàng trước sức ép của châu Âu – Ảnh: Reuters

Thủ tướng Hi Lạp Alexis Tsipras lên nắm quyền hồi tháng 1-2015 với cam kết chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng cùng khổ mà Athens phải cắn răng thực hiện để nhận cứu trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng đối mặt với sự cứng rắn của châu Âu và nguy cơ nền kinh tế Hi Lạp sụp đổ, ông Tsipras đã phải đầu hàng và chấp nhận điều kiện của EU.

Được cứu trợ, nhưng nền kinh tế Hi Lạp tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng và suy thoái, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên gần 25%. Giới kinh tế khẳng định Hi Lạp sẽ không bao giờ trả được nợ nếu tiếp tục ở lại khối đồng euro. Do đó, nguy cơ Hi Lạp rời khối đồng euro và gây cú sốc lớn đối với hệ thống tài chính toàn cầu vẫn là mối lo lớn.

5. Hoàn tất đàm phán TPP

Tổng thống Mỹ Barack OBama cần sớm thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack OBama cần sớm thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP – Ảnh: Reuters

Sau bảy năm đàm phán, hồi tháng 10 đại diện của Mỹ và 11 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, đã hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thoả thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử. TPP sẽ đề ra các quy định thương mại quản lý tới 40% nền kinh tế toàn cầu. Giờ Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP.

6. Nga can thiệp quân sự vào Syria

Một địa điểm ở Syria bị Nga đánh bom - Ảnh: Reuters
Một địa điểm ở Syria bị Nga đánh bom – Ảnh: Reuters

Cuộc nội chiến Syria khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bỏ nhà cửa đi di tản bước sang một trang mới vào tháng 9 khi quân đội Nga mở chiến dịch không kích ồ ạt. Mỹ và phương Tây chỉ trích Nga chỉ tấn công các nhóm nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad chứ không đụng đến nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Việc bầu trời Syria trở nên chật chội làm dấy lên lo ngại máy bay của Nga và liên quân do Mỹ lãnh đạo sẽ đụng độ bất ngờ. Và cuối tháng 11, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn rơi một máy bay Nga khiến một phi công thiệt mạng. 

Dù vậy, cuộc can thiệp của Nga đã thúc đẩy nỗ lực đàm phán tìm giải pháp hòa bình ở Syria. Vấn đề lớn nhất là Matxcơva muốn ông Assad tiếp tục nắm quyền, còn phương Tây đòi ông ta phải ra đi.

7. Thế giới đạt thoả thuận biến đổi khí hậu

Thành phố Thượng Hải chìm trong sương mù ô nhiễm vì khí thải - Ảnh: Reuters
Thành phố Thượng Hải chìm trong sương mù ô nhiễm vì khí thải – Ảnh: Reuters

Cuối tháng 11, đại diện 195 quốc gia đến Paris (Pháp) để tham dự hội nghị biến đổi khí hậu quốc tế. Sau hai tuần đàm phán căng thẳng, họ đã đạt được thoả thuận biến đổi khí hậu đột phá nhằm hạn chế nhiệt độ trái đất tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều cam kết giảm khí thải nhà kính khiến trái đất ấm dần lên.

Tuy nhiên, thành công của thoả thuận Paris còn phụ thuộc vào việc từng quốc gia sẽ thực hiện những biện pháp giảm khí thải, bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như thế nào. Và giới chuyên gia cảnh báo những cam kết này cũng là chưa đủ để ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng hơn 2 độ C.

8. Trung Quốc phá giá đồng NDT, tăng trưởng chậm lại

Trung Quốc phá giá đồng NDT, dẫn tới những lo ngại về nền kinh tế nước này - Ảnh: Reuters
Trung Quốc phá giá đồng NDT, dẫn tới những lo ngại về nền kinh tế nước này – Ảnh: Reuters

Tháng 8, Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) khiến hệ thống tài chính toàn cầu chấn động. Giới đầu tư và chuyên gia kinh tế xác định đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể hơn so với những gì Bắc Kinh công bố. Sau đó, thị trường chứng khoán Thượng Hải tuột dốc, khiến các thị trường toàn cầu thêm lao đao.

Tháng 10, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng quý 3 chỉ 6,9%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10% nền kinh tế nước này tăng trưởng suốt ba thập kỷ qua. Và giới chuyên môn vẫn tin rằng Trung Quốc thổi phồng số liệu GDP. Chính phủ các nước và giới nhà đầu tư quan ngại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tiếp tục hụt hơi, ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.

9. Trung Quốc tăng tốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông - Ảnh: CSIS
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên Biển Đông – Ảnh: CSIS

Trung Quốc âm mưu chiếm toàn bộ Biển Đông và đang thay đổi hiện trạng bằng thủ đoạn bồi lấn, xây đảo nhân tạo trái phép trên bảy bãi đá và bãi cạn nửa chìm nửa nổi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đang xây nhiều cơ sở quân sự và ba đường băng 3.000m trên các đảo nhân tạo bất hợp pháp này.

Hành vi gây hấn của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Đông Nam Á và cộng đồng quốc tế. Hồi tháng 10, Mỹ triển khai tàu khu trục tên lửa tuần tra gần các đảo nhân tạo bất hợp pháp để phủ nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc. Sau đó đến lượt máy bay ném bom B-52 của Mỹ và máy bay tuần tra Úc áp sát các đảo nhân tạo.

10. Khủng hoảng Yemen bùng nổ

Quân nổi dậy Houthi tuần tra ở thủ đô Yemen - Ảnh: Reuters
Quân nổi dậy Houthi tuần tra ở thủ đô Yemen – Ảnh: Reuters

Tháng 1-2015, quân nổi dậy Houthi được Iran chống lưng chiếm dinh tổng thổng ở Yemen, buộc Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi từ chức. Liên quân Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu mở chiến dịch không kích lực lượng Houthi và đồng minh hồi tháng 3. Theo Liên Hiệp Quốc, đến nay cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của gần 6.000 người.

Chính phủ Mỹ lo ngại sự hỗn loạn tại Yemen sẽ tạo cơ hội cho nhóm khủng bố Al-Qaeda trên bán đảo Ả Rập (AQAP) vươn vòi bạch tuộc. Và đến nay, AQAP đã chiếm được phần lớn Hadramaut, tỉnh lớn nhất của Yemen, cũng như nhiều thị trấn trọng yếu tại tỉnh Abyan.