04/01/2025

Truyền lửa đam mê khoa học

Giáo sư Jackie Ying là nhàkhoa học người Singapore gốc Đài Loan (Trung Quốc) vừa đoạt giải thưởng Mustafa của thế giới Hồi giáo với số tiền thưởng trị giá đến 700.000 đôla Singapore (500.000 USD).

 NỮ GIÁO SƯ CHÂU Á ĐOẠT GIẢI THƯỞNG KHOA HỌC MUSTAFA:

 Truyền lửa đam mê khoa học

 

 

Giáo sư Jackie Ying là nhàkhoa học người Singapore gốc Đài Loan (Trung Quốc) vừa đoạt giải thưởng Mustafa của thế giới Hồi giáo với số tiền thưởng trị giá đến 700.000 đôla Singapore (500.000 USD).

 

 

 

 

 

Giáo sư Jackie Ying - Ảnh: A*STAR
Giáo sư Jackie Ying – Ảnh: A*STAR

 

 

 

 

Giáo sư Ying, 49 tuổi, hiện là giám đốc điều hành Viện Công nghệ sinh học và công nghệ nano (IBN) tại Cơ quan Khoa học, công nghệ và nghiên cứu (A*STAR) thuộc Bộ Công thương Singapore.

Bà vừa nhận giải thưởng lĩnh vực “Khoa học đời sống và y học” hôm 
25-12 trong một buổi lễ tổ chức tại Tehran (Iran). Giáo sư Jackie Ying đã vượt qua 500 ứng cử viên khác, bao gồm cả những người đã đoạt giải Nobel và các nhà khoa học nổi tiếng trong cùng lĩnh vực.

Say đắm công tác nghiên cứu

Nữ kỹ sư hóa học Jackie Ying nổi tiếng với tinh thần làm việc hăng say: bà làm việc 80 giờ một tuần và đã xuất bản 340 bài báo trên các tạp chí hàng đầu cùng hơn 150 bằng sáng chế, trong đó có nhiều bằng sáng chế được các công ty khởi nghiệp và công ty đa quốc gia cấp phép thương mại hoá.

“Tôi rất vinh dự khi nhận giải thưởng này. Nghiên cứu là một điều gì đó mà tôi thật sự say đắm. Có lẽ phần ý nghĩa nhất của công việc này là giáo dục các nhà khoa học trẻ chia sẻ tầm nhìn và sứ mệnh của tôi để tạo nên sự khác biệt trong công việc của chúng tôi” – giáo sư Ying nói.

Trong số rất nhiều đóng góp của giáo sư Ying, ban tổ chức đặc biệt vinh danh vai trò to lớn của bà trong việc phát triển hạt nano nhạy cảm với glucose, có khả năng cung cấp insulin cho bệnh nhân tiểu đường khi lượng đường trong máu của họ tăng cao.

Hệ thống này không cần đi chung với việc giám sát lượng đường trong máu từ bên ngoài thông qua các đầu ngón tay và cho phép bệnh nhân sử dụng insulin thông qua đường miệng hoặc đường mũi thay vì tiêm.

Giáo sư Hossein Zohour, người đứng đầu ủy ban khoa học của giải Mustafa, cho biết nghiên cứu tiên tiến này nắm giữ “một hứa hẹn tuyệt vời để cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân loại”.

Nghiên cứu của giáo sư Ying đã dẫn đến sự ra đời của nhiều vật liệu mới và các hệ thống với những chức năng và tính năng độc đáo, giải quyết những thách thức lớn trong y học, hóa học và năng lượng.

Các sáng chế của bà đã được áp dụng trong các lĩnh vực như kỹ thuật tế bào và mô, chẩn đoán và cảm ứng sinh học, xúc tác và tổng hợp dược phẩm, các hệ thống pin và nhiên liệu.

Học sinh cần tìm sự mới mẻ và sáng tạo

Giáo sư Ying sinh ra tại Đài Bắc, lớn lên tại Singapore và New York, Mỹ. Bà cải sang đạo Hồi khi đang trong độ tuổi 30.

Giáo sư Ying cho biết bà dự tính sẽ sử dụng một phần tiền thưởng để tổ chức các chuyến đi trao đổi với những tổ chức khoa học nước ngoài nổi tiếng và các phòng thí nghiệm được trang bị tốt hơn để thu hút thêm nhiều học sinh tò mò về khoa học.

Giáo sư Ying cho biết sẽ khởi động ý tưởng tại trường cũ của bà là Trường nữ sinh Raffles tại Singapore.

“Học sinh không nên bị ám ảnh chỉ trên kết quả học tập. Họ cần hiểu cách thức làm việc khoa học và cần được chuẩn bị tốt hơn để làm một cái gì đó mới mẻ và sáng tạo thay vì trả bài từ sách giáo khoa” – bà Ying nhận định.

Bà Ying tin rằng với những trải nghiệm như vậy sẽ có thể giúp tạo ra thế hệ các nhà khoa học kế thừa đầy đam mê và có định hướng của Singapore.

Giáo sư Ying gia nhập Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ năm 1992 và trở thành giáo sư kỹ thuật hóa học tại đây cho đến năm 2005. Bà là một trong hai nữ giáo sư châu Á có tiếng tại MIT khi chỉ mới 35 tuổi. Bà Ying về đảm nhận chức giám đốc điều hành IBN từ năm 2003.

Về Giải thưởng Mustafa

Giải thưởng Mustafa bắt đầu từ năm 2013, được trao tặng trong bốn lĩnh vực “Khoa học đời sống và y học”, “Khoa học nano và công nghệ nano”, “Khoa học và công nghệ thông tin – truyền thông” và “Thành tựu khoa học hàng đầu trên các lĩnh vực khác”.

Đây là giải thưởng dành cho các cá nhân thuộc các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và các nhà nghiên cứu Hồi giáo khắp thế giới có nghiên cứu giúp cải thiện cuộc sống của con người và “mở rộng nhận thức của con người về khoa học”.

ANH THƯ