10/01/2025

Lễ Thánh Gia thất: Mỗi gia đình vượt qua tình trạng lạc mất Chúa Giêsu

Gia đình nhân loại, dân tộc, cộng đồng hoặc cá nhân chúng ta đều có thể lạc mất Chúa Giêsu nếu chúng ta cứ “tưởng” nghĩ và hành động theo cách riêng tư mỗi người mà không quan sát xem Đức Giêsu có ở bên cạnh chúng ta không, hoặc ta có còn nắm được bàn tay Người không?

 Lễ Thánh Gia thất

Mỗi gia đình vượt qua tình trạng lạc mất Chúa Giêsu

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngôi Lời đã trở thành con người sống trong gia đình nhân loại, thuộc về dân tộc Do Thái, là con Đức Maria và Thánh Giuse. Vì thế, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào gia đình nhân loại, gia đình dân tộc Việt Nam, gia đình cộng đồng mà chúng ta đang thuộc về như giáo xứ, công ty, xí nghiệp, nhất là gia đình riêng tư của chúng ta, để có thể tìm được bình an và hạnh phúc theo gương mẫu của Thánh Gia. Tuy nhiên, trước khi soi rọi vào gia đình Nazareth gương mẫu chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tình trạng gia đình Việt Nam hiện nay để khám phá ra tình trạng lạc mất Chúa Giêsu đang diễn ra như thế nào.

1. Tình trạng gia đình hiện nay

Nhìn vào gia đình nhân loại và dân tộc Việt Nam chúng ta thấy có vài điểm đáng lưu ý sau đây.

1.1. Tình trạng gia đình nhân loại

Gia đình nhân loại đang sống trong tình trạng bất an. Sự lớn mạnh của Nhà Nước Hồi giáo với những cuộc thảm sát các con tin và tù nhân đã làm cả thế giới kinh hoàng và Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án Tổ chức này. Nhiều liên minh quân sự của Nga, của Mỹ và các nước Hồi giáo được lập ra để dẹp bỏ tổ chức này nhưng vẫn bất lực và cuộc chiến tranh thất sự đã bùng nổ với số người chết tăng lên từng ngày.

Cuộc khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015 của tổ chức đó với hơn 150 người chết càng làm gia tăng sự bất an của gia đình nhân loại. Việc Trung Quốc bồi đắp các đảo đá  trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông của Việt Nam thành các căn cứ quân sự để kiểm soát con đường hàng hải và các tàu bè qua lại trên biển Đông đang làm dấy lên cuộc chạy đua vũ trang của các nước trong vùng. Nước nào cũng mua tàu ngầm, máy bay, võ khí khiến cho Biển Đông trở thành lò thuốc súng không biết bùng nổ lúc nào cuộc chiến tranh toàn diện.

Những phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, truyền thanh, truyền hình, Internet do tác động của những tổ chức tư nhân hay chính quyền đang bóp méo nhiều sự thật về con người, về trái đất và cả vũ trụ khiế n cho những giá trị cao cả không còn được tôn trọng. Người ta luôn cổ vũ cho một nếp sống cá nhân ích kỷ, hưởng thụ, chỉ coi trọng vật chất, tiền bạc nên cả gia đình nhân loại đang đánh mất hay lạc mất “Đức Giêsu là sự thật và sự sống”.

 

1.2. Tình trạng gia đình Việt Nam

Trước hết đó là tình trạng vô sinh và hiếm muộn của nhiều gia đình. Bài đọc I kể cho chúng ta về câu chuyện bà Anna hiếm muộn, mẹ của tiên tri Samuel (x. 1Sm 1,20-22.24-28), dâng con cho Chúa như gợi ý về sự kiện Việt Nam hiện đang có từ 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh.  Đây là một con số bất ngờ được chính ông Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế và là giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội công bố đầu tháng 12/2012. Tỉ lệ vô sinh của gia đình Việt Nam là 7,7%. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, thức ăn độc hại và quan hệ tình dục trước hôn nhân. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh của phụ nữ là viêm nhiễm đường tình dục gây tắc vòi tử cung, do phá thai không an toàn, thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản và an toàn tình dục trong một bộ phận giới trẻ (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 26/12/2012).

Điều lưu ý thứ 2 là tình trạng ly dị. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu xã hội: Việt Nam có 31% – 40% gia đình sống trong tình trạng ly hôn, cứ 2,7 cuộc hôn nhân là có 1 cuộc ly hôn. Tất cả hầu như bắt nguồn từ việc thiếu tình yêu và lòng chung thuỷ với nhau trong hôn nhân. Việc ly hôn kéo theo biết bao hệ luỵ làm tan nát gia đình và tổn thương không thể chữa lành nơi những đứa con còn nhỏ tuổi.

Yếu tố thứ 3 là tình trạng phá thai và không tôn trọng sự sống. Việt Nam đang đứng thứ 3 trên thế giới về nạn phá thai với 2 triệu ca mỗi năm. 30% phụ nữ phá thai rơi vào tình trạng trầm cảm vì ray rứt về tội ác mình đã phạm. Mỗi năm có khoảng 600.000 phụ nữ trầm cảm, 10 năm đã có khoảng 6 triệu người cần điều trị tâm lý.

Điểm lưu ý thứ 4 là tuổi quan hệ tình dục lần đầu càng ngày càng thấp. Trong cuộc họp hội thảo tại Đại học Y tế Cộng Đồng ngày 12/12/2012 tại Hà Nội, thống kê cho biết: năm 2005 tuổi đó là 19, năm 2010 tuổi đó là 18, hiện nay tuổi đó trung bình là 14-16. Việc quan hệ tình dục tự nguyện còn xảy ra cả nơi một ít em mới 12,5 tuổi qua cuộc khảo sát tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Sức khỏe Sinh sản của TP.HCM (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 13/12/2012). Điều này chứng tỏ nhiều gia đình Việt Nam đang thiếu hiểu biết về tình yêu trong sáng, cao thượng.

Vài điểm có tính tiêu cực trên đây như nhắc bảo chúng ta cần nhìn vào gia đình Nazareth để tìm lại bình an và hạnh phúc cho gia đình nhân loại cũng như Việt Nam vì nhiều gia đình rơi vào tình trạng lạc mất Giêsu.

2. Tình trạng lạc mất Chúa Giêsu trong các gia đình

Xét về mặt tinh thần, nhiều gia đình rơi vào tình trạng hiếm muộn, vô sinh vì không thể có Đức Giêsu hoặc đã có rồi nhưng lại để lạc mất  Người.

2.1. Làm sao có thể lạc mất Giêsu?

Nhiều người lấy làm lạ vì Mẹ Maria và Thánh Giuse cẩn trọng như thế thì làm sao có thể lạc mất Chúa Giêsu được? Có nhiều lý do giải thích như số đông người đến dự lễ và cùng ra về 1 lúc, nam nữ có thể không đi chung với nhau khi từ đền thờ đi ra còn trẻ em có thể theo người lớn, cha hoặc mẹ, nên hai “ông bà cứ tưởng là cậu nhỏ Giêsu về chung với đoàn lữ hành” (Lc 2,44). Đức Giêsu cố ý ở lại đền thờ theo ý Chúa Cha để giúp con người trải qua kinh nghiệm: việc lạc mất Người có thể gây nên đau khổ lớn lao như thế nào. Một phụ nữ can đảm, ít nói như Mẹ Maria cũng phải thốt lên: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không, cha con và mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48).

Gia đình nhân loại, dân tộc, cộng đồng hoặc cá nhân chúng ta đều có thể lạc mất Chúa Giêsu nếu chúng ta cứ “tưởng” nghĩ và hành động theo cách riêng tư mỗi người mà không quan sát xem Đức Giêsu có ở bên cạnh chúng ta không, hoặc ta có còn nắm được bàn tay Người không?

Ta hãy nhớ lại bài Tin Mừng lễ Chúa Giáng Sinh theo thánh Gioan (Ga 1,1-18): “Ngôi Lời đã trở thành người phàm là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời ấy là sự sống, là ánh sáng, là sự thật và ân sủng”, “là tình yêu cụ thể của Chúa Cha” (x.Ga 3,16) như bài đọc II đã diễn tả (1 Ga 3,1-24) để chúng ta có thể lắng nghe, nhìn thấy, sờ nắm, ôm ấp, kết hợp được với Người. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt Nam hiện nay đang  huỷ hoại sự sống do phá thai và chém giết nhau, sống trong bóng tối của tham vọng và dục vọng đến độ lừa dối, phản bội nhau, đánh mất ân sủng và tình yêu trong sáng, đích thực của Thiên Chúa đặt để trong trái tim họ. Vì thế, họ trở thành vô sinh, hiếm muộn hoặc lạc mất Đức Giêsu.

2.2. Vậy chúng ta phải làm gì khi lạc mất Giêsu?

Chắc chắn chúng ta phải đi tìm Chúa Giêsu bằng bất cứ giá nào, dù phải mất ăn, mất ngủ, phải lo âu vất vả trong suốt ba ngày như Đức Maria và Thánh Giuse. Trong một xã hội mà người ta dễ dàng chối bỏ Thiên Chúa, chỉ muốn đi tìm danh lợi, hưởng thụ vật chất, chiều theo những bản năng tính dục của con người như hiện nay thì việc đi tìm Đức Giêsu như là sự thật, sự sống, ánh sáng, tình yêu, ân sủng là 1 việc làm khó khăn và có thể bị chê là dở hơi, điên khùng, dại dột. Tuy nhiên, đây lại là việc có ý nghĩa lớn lao nếu chúng ta muốn xây dựng gia đình trên các nền tảng bền vững đó.

Hơn nữa, việc chỉ tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền thờ Giêrusalem như gợi ý cho chúng ta về một nềm tin bất khuất vào Thiên Chúa trong một xã hội vô thần , duy vật như hiện nay. Chúng ta noi gương Mẹ Maria và Thánh Giuse khi chiêm ngưỡng trẻ Giêsu là dung mạo lòng Thương Xót của Chúa Cha, chúng ta “mới cảm nhận được Chúa Cha yêu thương chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, và thực sự là thế” (1Ga 3,1). Chúng ta ghi nhớ từng giây từng phút về Lòng thương xót đó như Maria “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19.51) để khám phá ra sự thật, tình yêu, ân sủng của Thiên Chúa ban cho khi cùng sống với Đức Giêsu.

Lời kết

Như thế với những ngày khởi đầu của Năm thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót, chúng ta thể hiện ngay trong gia đình nhỏ bé của mình bằng việc mỗi người tôn trọng sự thật và sự sống, bỏ đi những hành động dối trá, những lời tục tằn, thô lỗ, xúc phạm đến sự sống của nhau. Chúng ta sẽ tạo hạnh phúc cho nhau bằng những hành động cụ thể, thiết thực để diễn tả tình yêu. Có như thế, chúng ta mới hy vọng năm Thánh đem lại nhiều an vui, hạnh phúc cho gia đình nhân loại và gia đình dân tộc Việt Nam. Xin Chúa Giêsu Hài Đồng, Mẹ Maria và Thánh Giuse chúc lành cho gia đình chúng con.