09/01/2025

Lục Vân Tiên thời nay: ‘Chú Tư xe ôm’ bắt cướp

15 năm chạy xe ôm, cũng ngần ấy năm ông đã tham gia bắt hàng trăm vụ trộm, cướp trên đường và được mọi người quý mến gọi với cái tên thân thương: “chú Tư xe ôm”.

 

Lục Vân Tiên thời nay: ‘Chú Tư xe ôm’ bắt cướp

 

15 năm chạy xe ôm, cũng ngần ấy năm ông đã tham gia bắt hàng trăm vụ trộm, cướp trên đường và được mọi người quý mến gọi với cái tên thân thương: “chú Tư xe ôm”.




“Chú Tư xe ôm” nhận được nhiều bằng khen về thành tích bắt trộm cướp - Ảnh: Công Nguyên

“Chú Tư xe ôm” nhận được nhiều bằng khen về thành tích bắt trộm cướp – Ảnh: Công Nguyên

Khi tiếp xúc với PV Thanh Niên, “chú Tư xe ôm” (tên đầy đủ là Nguyễn Văn Ra, 55 tuổi, ngụ KP.3, P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng mới trở lại hành nghề sau hơn 5 tháng nằm viện điều trị vết thương do bị hai tên cướp đạp ngã trên đường. Dáng đi vẫn còn khập khiễng, ông tiếp chúng tôi trong quán cà phê cóc gần bến đậu xe.

Những cuộc rượt đuổi… như phim
Không nhớ đã bao nhiêu lần đuổi bắt những tên trộm cắp, cướp giật trên đường phố giúp người bị nạn; cũng không thể nhớ hết những lần bị bọn cướp chống trả, làm ngã xe gây thương tích, nhưng cũng có những “pha” rượt đuổi ông không thể quên.
Đó là vào trưa 14.6.2015, khi đang đậu xe chờ khách trước nhà số 5 Tô Vĩnh Diện (KP.4, P.Linh Chiểu) thì phát hiện một thanh niên điều khiển xe tay ga không gắn chìa khoá chạy rất nhanh hướng từ P.Linh Trung về đường Kha Vạn Cân. Nhận định thanh niên này vừa trộm chiếc xe máy nên ông nổ máy xe đuổi theo. Đuổi tới vòng xoay chợ Thủ Đức, ông vượt lên định ép đối tượng vào lề nhưng không ngờ phía sau có đồng bọn của chúng lao đến cản trở. Không bỏ cuộc, ông một mình tiếp tục đuổi theo đến giao lộ Hoàng Diệu – Kha Vạn Cân (P.Linh Chiểu) thì bị bọn chúng phản công, ép ngã xe khiến ông té bất tỉnh. “Chú Tư” may mắn được người dân xung quanh kịp thời đưa vào bệnh viện cấp cứu với chẩn đoán gãy 5 xương sườn, xương đòn và xương bả vai, nhưng vẫn đau đáu vì chưa bắt được chúng. Ông kể: “Bọn chúng đi 4 – 5 người để hỗ trợ nhau, xe máy tụi nó rất mạnh. Mình đang chạy tốc độ 70 km/giờ thì xe của bọn nó vượt lên đạp vào tay lái của mình làm sao không té được”.
Đầu năm 2012, ông cũng phải vào bệnh viện cả tuần lễ, sau cuộc rượt đuổi hai đối tượng giật dây chuyền của người đi đường. Ông giải thích: “Do đường trơn, còn mình thì chỉ chăm chăm đuổi bắt cho được nên không để ý”. Nhưng đến cuối năm đó, phát hiện một thanh niên trộm xe đạp, ông lại lao đến bắt giữ. Chẳng may, tên trộm cố thoát thân đã quật lại khiến ông mất đà té xuống đường và bị gãy tay phải. Nhưng lần đó, với một tay còn lại, ông đã buộc kẻ trộm phải thúc thủ, đem đến giao công an.
Cuối năm 2013, “chú Tư” cũng đã “phá” thêm vụ án cướp giật trên đường Kha Vạn Cân. Để thoát thân, tên cướp đã dùng kim tiêm đe dọa nhưng cuối cùng cũng bị bắt giữ. “Trên đường, chỉ nhìn cách đi xe, ánh mắt, hành động là tôi có thể phán đoán đó là người chuẩn bị, hay vừa trộm cướp xong. Ví dụ, nếu thấy một thanh niên đi xe máy tốc độ nhanh, xe không gắn chìa khoá, đó rất có thể là xe vừa trộm được. Đôi thanh niên đi xe máy mắt nhìn dáo dác vào cổ, túi xách người đi đường thì chắc chắn là chuẩn bị cướp…”, sau 15 năm hành hiệp, “chú Tư” chia sẻ.
“Đời người sống có một lần”
Trong câu chuyện, ông Ra luôn nhắc tới những người dân nghèo. “Dân lao động nghèo như chúng tôi tích góp bao năm mới mua được chiếc xe máy. Thế mà hở ra bọn trộm lấy liền, nhìn cảnh người mất xe khóc lóc, kêu trời là tôi không thể cầm lòng được. Vì vậy gặp trộm, cướp ngoài đường là tôi không thể bỏ qua”, ông Ra nói chắc nịch. Một mình truy đuổi bắt cướp và nhiều lần té ngã bị thương, vợ con, hàng xóm cũng khuyên ông đừng làm thế nữa vì rất nguy hiểm nhưng ông không hề lung lay. “Đời người sống có một lần, vậy làm sao sống có ích. Mình làm được gì tốt cho xã hội thì nên làm. Tôi không sợ gì cả, chỉ cầu mong trời cho tôi sức khoẻ để chạy xe ôm và bắt những kẻ gian ngoài đường góp phần an tâm cho người dân”, ông Ra bộc bạch, và kể thêm: “Những lần bị thương, tôi đã nhận được tấm lòng của những người dân lao động nghèo đã cưu mang, động viên rất nhiều, dường như đó là ân tình mà tôi nhận được cho cách sống nghĩa hiệp của mình”.
Bà Trương Thị Minh (vợ ông Ra) cũng kể: “Ổng ngày càng già, sức khoẻ đi xuống mà thấy trộm cướp ngoài đường là lao đi bắt. Nhiều lần khuyên ổng nên bỏ đi nhưng ổng không nghe. Vì máu bắt cướp ăn sâu trong ổng rồi, thấy chuyện bất bình phải ra tay nên tôi chỉ biết khuyên ổng làm gì cũng nên cẩn thận và nghĩ cho vợ con”.
Bà Nguyễn Thị Liên (nhà gần nơi ông Ra đậu đón khách) nói: “Chú Ra ở đây ai cũng yêu mến, có ổng ngồi ở đây thì yên tâm không lo bị mất xe. Có lúc chúng tôi khuyên ổng đừng truy đuổi cướp nữa nhưng ổng lì lắm, không nghe đâu”.
Ông Trần Duy Long, Chủ tịch UBND P.Linh Chiểu, chia sẻ: “Chú Ra là người tốt thật sự, giống như Lục Vân Tiên giữa đời thường vậy. Thấy chuyện bất bình ra tay cứu giúp, bà con ai cũng thương, cũng mến. Chú là người quên thân mình, sẵn sàng lao lên để bắt bằng được những tên trộm, cướp. Chú Ra cũng đã nhận nhiều bằng khen từ Bộ Công an, UBND TP.HCM, Q.Thủ Đức… về thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm”.
Thiếu tá Phạm Ngọc Anh, Trưởng công an P.Linh Chiểu, thì nhận xét: “Nếu dân mình ai cũng có ý thức cảnh giác, tinh thần truy bắt như ông Ra thì đảm bảo tội phạm trộm, cướp sẽ không còn đất sống”.

Công Nguyên