09/01/2025

ĐTC đọc Sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành Urbi et Orbi

Lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng 12, Lễ Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho dân thành Roma và toàn thế giới. Đứng hai bên ĐTC trên ban công chính giữa Đền thờ Thánh Phêrô có hai Hồng y Phó tế Franc Rodé, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Hiệp hội Tông đồ, và Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ.

ĐTC đọc Sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành Urbi et Orbi
 
Sống thương xót để cho hoà bình lớn lên

Lúc 12 giờ trưa ngày 25 tháng 12, Lễ Giáng Sinh, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi đọc Sứ điệp Giáng Sinh và ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi cho dân thành Roma và toàn thế giới. Đứng hai bên ĐTC trên ban công chính giữa Đền thờ Thánh Phêrô có hai Hồng y Phó tế Franc Rodé, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Hiệp hội Tông đồ, và Beniamino Stella, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ.

Trên thềm Đền thờ Thánh Phêrô có Đội cận vệ Thuỵ Sĩ và đại diện các binh chủng Italia đứng dàn hàng chào danh dự. Khi ĐTC xuất hiện trên ban công chính giữa đền thờ, ban quân nhạc đã cử hành quốc thiều Vatican và quốc thiều Italia.

Trong sứ điệp, ĐTC đã duyệt qua một số vùng không có hoà bình trên thế giới và tha thiết mời gọi mọi người sống thương xót như Thiên  Chúa, để cho Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế sinh ra trong tâm lòng và cuộc sống, hầu có sự bình an, niềm hy vọng và lòng thương xót, loại bỏ mọi thù hận, chiến tranh, xung khắc, bất công và tìm lại được phẩm giá là người và là con cái Chúa của mình.


Mở đầu sứ điệp, ĐTC nói: 

“Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em Lễ Giáng Sinh an  lành! Chúa Kitô đã được sinh ra cho chúng ta, chúng ta hãy vui  mừng trong ngày cứu độ của chúng ta!

Chúng ta hãy mở rộng con tim để nhận lấy ơn thánh của ngày này, là chính Ngài: Chúa Giêsu là “ngày” sáng đã mọc lên ở chân trời của nhân loại. Ngày của lòng thương xót, trong đó Thiên Chúa Cha đã vén mở cho nhân loại sự dịu hiền mênh mông của Ngài. Ngày của ánh sáng đánh tan đêm tối của sợ hãi và âu lo. Ngày của hoà bình, trong đó có thể gặp gỡ nhau, đối thoại và hoà giải với nhau. Ngày của niềm vui: một “niềm vui lớn lao” cho người bé nhỏ và khiêm tốn và cho toàn dân (x. Lc 2,10).

Trong ngày này, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria. Hang đá cho chúng ta thấy “dấu chỉ” mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: “Một trẻ sơ sinh cuốn trong tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,12). Giống như các mục đồng của Bếtlêhem, chúng ta cũng đi xem dấu chỉ này, là biến cố canh tân hằng năm trong Giáo Hội. Giáng Sinh là một biến cố được canh tân hằng năm trong mỗi gia đình, trong mỗi giáo xứ, trong mỗi cộng đoàn tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa nhập thể nơi Đức Giêsu Kitô. Như Mẹ Maria, Giáo Hội chỉ cho tất cả mọi người “dấu chỉ” của Thiên Chúa: Trẻ Thơ mà Mẹ đã mang trong lòng và đã cho chào đời, nhưng là Con Đấng Tối Cao, bởi vì Ngài “đến từ Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Vì vậy, Ngài là Đấng Cứu Thế, bởi vì Ngài là Chiên Con của Thiên Chúa gánh lấy tội trần gian (x. Ga 1,29). Cùng với các mục đồng chúng ta hãy phủ phục trước Chiên Con, chúng ta hãy thờ lạy Lòng Lành của Thiên Chúa nhập thể và chúng ta hãy để cho nước mắt sám hối tràn đầy đôi mắt và rửa sạch con tim chúng ta. Tất cả chúng ta đều cần điều ấy.”

Tiếp tục sứ điệp, ĐTC khẳng định với khoảng 100.000 tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô:

“Chỉ có Ngài, chỉ có Ngài có thể cứu chúng ta. Chỉ có Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có thể giải thoát nhân loại khỏi biết bao hình thức của sự dữ, đôi khi quái gỡ, mà tính ích kỷ gây ra nơi nó. Ơn thánh của Thiên Chúa có thể hoán cải các con tim và mở ra các con đường giúp ra khỏi các tình trạng không thể giải quyết được trên bình diện nhân loại.

Nơi đâu Thiên Chúa sinh ra, nơi đó sinh ra niềm hy vọng. Nơi đâu Thiên Chúa sinh ra, nới đó sinh ra hoà bình. Và nơi đâu hoà bình sinh ra, nơi đó không có chỗ cho thù hận và chiến tranh. Tuy nhiên, chính nơi Con Thiên Chúa đã nhập thể xuống thế gian, các căng thẳng và bạo lực tiếp tục, và hoà bình là một ơn cần khẩn nài và xây dựng. Ước chi người Israel và người Palestin lại trực tiếp đối thoại để đạt tới một thoả thuận cho phép hai dân tộc chung sống trong hoà hợp, thắng vượt cuộc xung khắc khiến cho họ chống đối nhau quá lâu với các âm hưởng trầm trọng trên toàn vùng.

Chúng ta xin Chúa cho sự thoả thuận đã đạt được tại Liên Hiệp Quốc thành công sớm chừng nào có thể, để làm im tiếng ồn ào của chiến tranh tại Syria và sửa chữa tình hình nhân đạo vô cùng nghiêm trọng cho dân chúng đã kiệt quệ. Cũng cấp thiết là thoả hiệp liên quan tới Lybia được sự ủng hộ của tất cả mọi người, để thắng vượt các chia rẽ và bạo lực khiến đất nước này khổ đau. Ước chi sự chú ý của cộng đồng quốc tế cũng đồng nhất hướng tới việc chấm dứt các tàn ác tại các nước như Iraq, Yemen và trong vùng Phi châu, nam sa mạc Sahara, vẫn tiếp tục gây ra nhiều nạn nhân, các khổ đau lớn lao và cũng không tha cho di sản lịch sử và văn hoá của các dân tộc này. Tư tưởng của tôi cũng hướng tới tất cả những ai bị tấn kích bởi các hành động khủng bố bạo lực, đặc biệt bởi các tai ương xảy ra mới đây trên bầu trời Ai Cập, Beirút, Paris, Bamako và Tunisi.

Xin Chúa Hài Đồng ban ủi an và sức mạnh cho các anh chị em bị bách hại vì đức tin tại biết bao nhiêu nơi trên thế giới.

Chúng ta cũng xin hoà bình và hoà hợp cho các dân tộc thân yêu của Cộng hoà Dân chủ Congo, Burunđi và Nam Sudan, để qua đối thoại, dấn thân chung cho việc xây dựng, các xã hội dân sự được củng cố và linh hoạt bởi một tinh thần chân thành hoà giải và hiểu biết nhau.

Ước chi Lễ Giáng Sinh cũng đem lại hoà bình chân thật cho Ucraina, cống hiến vơi nhẹ cho những người phải gánh chịu các hậu quả của xung khắc và gợi hứng cho ý chí thi thành các thoả hiệp đã được ký kết, để tái lập sự hoà hợp trong toàn nước.

Ước chi niềm vui của ngày này soi sáng các nỗ lực của dân tộc Colombia, để được linh hoạt bởi niềm hy vọng, họ tiếp tục dấn thân theo đuổi nền hoà bình mong ước.”

ĐTC nói thêm trong Sứ điệp Giáng Sinh:

“Nơi đâu Thiên Chúa sinh ra, nơi đó nảy sinh niềm hy vọng; Ngài đem niềm hy vọng tới; và nơi đâu nảy sinh niềm hy vọng, nơi đó con người tìm lại được phẩm giá. Thế nhưng, cả ngày nay nữa, vẫn còn có hàng đoàn lũ các người nam nữ bị tước đoạt phẩm giá là người, và như Chúa Hài Nhi Giêsu, họ khổ đau vì lạnh lẽo, nghèo túng và bị con người khước từ. Ước chi hôm nay sự gần gũi của chúng ta đến với những người không được bênh đỡ, nhất là các trẻ em chiến binh, các phụ nữ phải chịu bạo hành, các nạn nhân của nạn buôn người và của nạn buôn bán ma tuý.

Sự ủi an của chúng ta cũng đừng thiếu đối với những ai trốn chạy bần cùng hay chiến tranh, du hành trong các điều kiện thường quá vô nhân và không hiếm khi phải liều mạng sống. Ước chi họ được bù đắp bởi các phước lành tràn đầy trên tất cả những ai, các cá nhân cũng như các quốc gia, quảng đại trợ giúp và tiếp đón nhiều người di cư tị nạn, trợ giúp họ xây dựng một tương lai xứng đáng cho họ, cho các người thân của họ và hội nhập vào bên trong các xã hội tiếp nhận họ.

Trong ngày lễ này, xin Chúa tái ban niềm hy vọng cho tất cả những ai không có công ăn việc làm và nâng đỡ dấn thân của những người có trách nhiệm công cộng trong lĩnh vực chính trị và kinh tế, để họ họat động theo đuổi công ích và bảo vệ phẩm gia của mọi sự sống con người.

Nơi đâu Thiên Chúa sinh ra, nơi đó nở hoa lòng thương xót. Nó là món quà quý báu nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, đặc biệt trong Năm Thánh này, trong đó chúng ta được mời gọi khám phá ra lòng nhân hậu mà Cha thiên quốc của chúng ta có đối với từng người trong chúng ta. Đặc biệt xin Chúa ban cho các tù nhân sống kinh nghiệm tình yêu thương xót của Ngài, chữa lành các vết thương và chiến thắng sự dữ.

Và như thế, hôm nay chúng ta vui mừng trong ngày cứu độ của chúng ta. Khi chiêm ngưỡng hang đá, chúng ta hãy dán cái nhìn vào đôi tay rộng mở của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy vòng tay thương xót của Thiên Chúa, trong khi chúng ta lắng nghe tiếng khóc của Hài Nhi, là Đấng thì thầm với chúng ta: “Cho các anh em và các bạn của Ta, Ta nói: ‘Bình an ở trên con.’” (Tv 121,8).

Tiếp đến, Đức Hồng y đẳng phó tế Franc Rodé tuyên bố chủ ý Đức Thánh Cha ban Phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô cũng như các anh chị em tín hữu trên toàn thế giới theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình; miễn là họ giữ các quy tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.

Đức Thánh Cha đã đọc lời kinh xá giải và công thức ban phép lành toàn xá cho thành Roma và toàn thế giới.

– Xin các Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô là những vị, mà chúng tôi dựa vào quyền bính và uy thế, cầu khẩn cho chúng ta trước Thiên Chúa. Amen.

– Nhờ lời cầu nguyện và công nghiệp của Đức Trinh Nữ Maria, của Tổng lãnh Thiên thần Micae, của Thánh Gioan Baotixita, của các Thánh Tông đồ Phêrô Phaolô, cùng toàn thể các Thánh, xin Thiên Chúa toàn năng thương xót anh chị em và xin Chúa Kitô tha tội cho anh chị em cùng dẫn đưa anh chị em về cõi trường sinh. Amen.

– Xin Thiên Chúa toàn năng lân tuất ban ân xá, tha thứ tất cả mọi tội lỗi của anh chị em, cho anh chị em được hưởng thời gian để làm việc đền tội thành tâm và có công hiệu, một tấm lòng thống hối và hoán cải đời sống, được ơn thánh và sự an ủi của Chúa Thánh Thần, cùng được sự kiên trì làm việc thiện cho đến cùng. Amen.

– Và tiếp theo là Phép lành của Đức Thánh Cha. Kính mời qúy vị thành tâm lãnh phép lành toàn xá của Đức Thánh Cha.

Sau phép lành, ĐTC đã chúc mừng Lễ Giáng Sinh mọi người. Ngài nói: “Tôi xin gửi tới anh chị em lời chúc mừng lễ chân thành nhất của tôi, tới anh chị đến từ khắp nơi trên thế giới hiện diện tại quảng trường này và những người từ nhiều nước khác nhau được nối kết qua các đài phát thanh truyền hình và các phương tiện truyền thông khác.

Đây là Lễ Giáng Sinh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, vì thế, tôi cầu chúc tât cả mọi người có thể đón nhận trong cuộc sống của mình lòng thương xót của Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho chúng ta, để thương xót đối với các anh chị em chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ làm cho hoà bình lớn lên. Xin chúc anh chị em Lễ Giáng Sinh an lành.”

 

Linh Tiến Khải