09/01/2025

Sứ điệp của Đức Thượng phụ ở Jerusalem nhân dịp Lễ Giáng Sinh

JERUSALEM – Trong Sứ điệp Giáng Sinh, Đức Thượng phụ Fouad Twal tái kêu gọi các tín hữu Công giáo đến hành hương Năm Thánh tại Thánh Địa dù tình trạng căng thẳng. Ngài cũng gọi các vị lãnh đạo Israel và Palestine hãy chứng tỏ can đảm thực thi hoà bình, hoạt động cho một nền hoà bình bền vững dựa trên công lý. Đừng hoãn lại nữa!

Sứ điệp của Đức Thượng phụ ở Jerusalem nhân dịp Lễ Giáng Sinh
 
JERUSALEM – Trong Sứ điệp Giáng Sinh, Đức Thượng phụ Fouad Twal tái kêu gọi các tín hữu Công giáo đến hành hương Năm Thánh tại Thánh Địa dù tình trạng căng thẳng.

Ngài cũng gọi các vị lãnh đạo Israel và Palestine hãy chứng tỏ can đảm thực thi hoà bình, hoạt động cho một nền hoà bình bền vững dựa trên công lý. Đừng hoãn lại nữa!

Hôm 16-12-2015, Đức Thượng phụ Fouad Twal, Chủ chăn của gần 261.000 tín hữu Công giáo tại Thánh Địa, Palestine, Vương quốc Giordani và đảo Cipro, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu và công bố sứ điệp của ngài nhân dịp Lễ Giáng Sinh.

Đức Thượng phụ người Giordani năm nay 75 tuổi, nguyên là TGM Giáo phận Tunis thủ đô Tunisi, trước khi được bổ làm TGM Phó với quyền kế vị Đức Thượng phụ Michel Sabbah của Công giáo Latinh ở Jerusalem hồi năm 2005. Từ 7 năm nay, tức là từ tháng 6 năm 2008, ngài là Thượng phụ.

Toàn văn sứ điệp của Đức Thượng Phụ Twal:

Các bạn và các dân tộc tại Thánh Địa quý mến,

Tôi cầu chúc các bạn và những người thân yêu của các bạn một Lễ Giáng Sinh đầy vui tươi và phúc lành!

Các bạn ký giả thân mến, cám ơn các bạn vì sự hiện diện, vì công việc rất quí giá của các bạn. Ước gì công việc này được thực thi trong sự chân thành, tự do và khôn ngoan, và nhất là luôn được mối quan tâm liên lý về sự thật hướng dẫn.

Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ mừng Chúa Giáng Sinh! Giáng sinh, mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Ngôi Lời Hằng Hữu ”làm người và ở giữa chúng ta”; Giáng Sinh, lễ Ánh Sáng chiếu toả trong đêm đen, lễ Vui Mừng, Hy Vọng và Hoà Bình. Các trẻ em trên thế giới mơ ước một lễ tuyệt vời, với các món quà, ánh sáng, cây thông được trang trí và hang đá máng cỏ. Nhưng, tôi lập lại cùng những lời của ĐGH Phanxicô: “Tất cả bị biến thái, vì thế giới tiếp tục gây ra chiến tranh”… Thành ngữ nổi tiếng “thế chiến thứ ba từng mừng” mà ĐGH thường nói với chúng ta, đang diễn ra dưới mắt chúng ta, một phần ở trong miền của chúng ta, trên quê hương chúng ta.

1. Bạo lực

Một lần nữa, đau đớn thay khi nhìn thấy Thánh Địa yêu thương của chúng ta bị kẹt trong cái vòng bạo lực đẫm máu như hoả ngục! Đau thương dường nào khi thấy một lần nữa oán ghét trổi vượt hơn lý trí và đối thoại! Đau khổ của các dân tộc trên phần đất này cũng là của chúng ta, chúng ta không thể làm ngơ không biết tới. Đủ rồi! Chúng ta mỏi mệt vì cuộc xung đột này, vì thấy Thánh Địa đẫm máu.

Với các vị lãnh đạo Israel và Palestine, chúng tôi nói rằng nay đã đến lúc chứng tỏ lòng can đảm và làm việc để thiết lập một nền hoà bình công chính. Đừng trì hoãn, do dự, viện cớ này cớ kia nữa! Hãy tôn trọng các nghị quyết quốc tế, hãy lắng nghe tiếng kêu của dân tộc quý vị đang khao khát hoà bình, và hãy hành động theo quyền lợi của họ. Mỗi dân tộc tại Thánh Địa, người Israel và Palestine, đều có quyền được phẩm giá, một quốc gia độc lập và an ninh lâu bền.

Đáng tiếc thay, tình trạng chúng ta đang sống tại Thánh Địa vang vọng tình trạng của thế giới, đang phải đương đầu với một đe doạ khủng bố chưa từng có. Một ý thức hệ gây chết chóc, dựa trên sự cuồng tín và cứng nhắc về tôn giáo, đang gieo rắc kinh hoàng và man rợ nơi những người vô tội. Trong những thời gian qua, ý thức hệ ấy chiếu cố tới Liban, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, nhưng từ nhiều năm nay nó tàn hại tại Irak và Syria. Đàng khác, trường hợp Syria đang ở trung tâm cuộc khủng hoảng hiện nay; tương lai Trung Đông tuỳ thuộc sự giải quyết cuộc xung đột này.

Những cuộc chiến tranh kinh khủng được nạn buôn bán vũ khí nuôi dưỡng, tệ nạn này có liên hệ tới nhiều cường quốc quốc tế. Chúng ta đang đứng được một sự vô lý và hai mặt hoàn toàn: một đàng, một số nước nói về đối thoại, công lý, hoà bình, nhưng đàng khác họ lại cổ vũ việc bán vũ khí cho những phe lâm chiến! Chúng tôi nói với những kẻ buôn bán vũ khí vô lương tâm và không chút do dự ấy rằng: các người hãy hoán cải. Trách nhiệm của các người thật lớn lao trong những thảm trạng đang đè nặng trên chúng tôi và các người sẽ phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về máu của anh chị em các người.

Câu trả lời bằng giải pháp quân sự và con đường vũ lực không thể giải quyết các vấn đề của nhân loại. Cần tìm ra những nguyên nhân và căn cội của tai ương ấy, và chữa trị chúng. Cần chiến đấu chống nghèo đói và bất công, chúng có thể tạo nên mảnh đất thuận lợi cho nạn khủng bố; cũng vậy, cần thăng tiến giáo dục về tinh thần bao dung và chấp nhận người khác.

Giáo Hội và cộng đoàn các tín hữu cũng có một câu trả lời cần mang lại cho tình trạng hiện nay. Câu trả lời ấy là Năm Thánh Lòng Thương xót được ĐGH Phanxicô khai mạc hôm 8-12-2015 vừa qua. Lòng thương xót là thuốc chữa trị các tai ương của thời đại chúng ta ngày nay. Chính nhờ lòng thương xót, chúng ta làm cho thế giới thấy rõ sự dịu hiền và gần gũi của Thiên Chúa. Lòng thương xót không được giới hạn vào những tương quan cá nhân, nhưng phải bao gồm cả đời sống công cộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội, ở mọi cấp độ: quốc tế, miền và địa phương, và trong tất cả các chiều hướng: giữa các quốc gia, các dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và hệ phái tín ngưỡng. Khi lòng thương xót trở thành yếu tố cấu thành hoạt động công cộng, thì khi ấy nó sẽ có khả năng di chuyển thế giới từ lĩnh vực lợi lộc ích kỷ đến lĩnh vực các giá trị con người.

Lòng thương xót là một hành vi chính trị tuyệt hảo, với điều kiện phải xác định chính trị theo nghĩa cao thượng nhất của nó, nghĩa là đảm trách gia đình nhân loại đi từ những giá trị luân lý đạo đức, trong đó lòng thương xót là một yếu tố chính, chốn glại bạo lực, áp bức, bất công và tinh thần thống trị.

Nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng tôi mời các tín hữu hành hương viếng thăm Thánh Địa. Theo lời mời của ĐTC, chúng tôi đã mở một Cửa Năm Thánh, một cửa lòng thương xót, trong nhiều nhà thờ của giáo phận, tại Jerusalem với Vương cung Thánh đường Giệtsimani, tại Nazareth với Vương cung Thánh đường Truyền Tin và tại Bethlehem với Vương cung Thánh đường Giáng Sinh. Các tín hữu đừng sợ đến đây. Mặc dù tình hình căng thẳng tại Thánh Địa, nhưng lộ trình hành hương không có rủi ro nào. Hơn nữa, các tín hữu hành ương được mọi thành phần ở Thánh Địa tôn trọng và quý chuộng.

2. Chúng ta làm gì đây?


Chúng tôi tin nơi giá trị cơ bản của việc giáo dục. Và chính ở đây, làm sao không nhắc đến cuộc đấu tranh cam go để duy trì các trường Công giáo tại Israel? Làm sao không cám ơn những người đã tham gia cuộc tranh đấu này, các phụ huynh, trẻ em và giáo sư? Nhiều nhà chính trị, trong đó có Tổng thống Israel Reuven Rivlin và nhiều đại biểu quốc hội Knesset, đã hoạt động cho chính nghĩa cao thượng này. Sự dấn thân của họ cho thúng tôi thấy một sự gắn bó với nền giáo dục được các trường học này đề nghị, cởi mở đối với mọi công dân không phân biệt ai, dựa trên các nguyên tắc huynh đệ, đối thoại và hoà bình.

Viễn tượng liên tôn này khiến tôi nhắc đến kỷ niệm 50 năm Tuyên ngôn Nostra Aetare, có lẽ đây là văn kiện cách mạng nhất của Công đồng chung Vatican II. Tuyên ngôn này đặt những nền tảng đối thoại giữa Giáo Hội và các tôn giáo ngoài Kitô. Nơi đây, tại Thánh Địa, cuộc đối thoại này có một tầm quan trọng chủ yếu; những khó khăn tuy vẫn con, nhưng cần phải tiếp tục hy vọng, hơn bao giờ hết, nơi cuộc đối thoại có thể tiến hành được giữa Do Thái, Hồi giáo và Kitô giáo.

Đàng khác, tôi cũng muốn chào mừng Giáo hạt Thánh Giacôbê của chúng tôi dành cho các tín hữu nói tiếng Do Thái, đang mừng kỷ niệm 60 năm thành lập, một giáo hạt không ngừng hoạt động cho cuộc đối thoại giữa Do Thái và Kitô giáo và quảng đại giúp đỡ những người di cư.

3. Lễ Giáng Sinh năm nay


Tình trạng chính trị hiện nay đề nghị chúng ta giảm bớt việc cử hành trọng thể bên ngoài, và tốt hơn nên đào sâu ý nghĩa tinh thần của Lễ Giáng Sinh. Vì thế, chúng tôi mời gọi mỗi giáo xứ hãy tắt các điện ở các cây thông giáng sinh trong 5 phút để liên đới với tất cả các nạn nhân của bạo lực và khủng bố. Cũng vậy, Thánh lễ Giáng Sinh sẽ được dâng để cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình họ, để các gia đình phục hồi can đảm và tham gia vào niềm vui mừng và an bình của Lễ Giáng Sinh. (…)

Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với lời cám ơn ĐTC vì nhiều lý do: trước tiên vì đã tôn phong hiển thánh hồi tháng 5 năm nay cho hai chân phước Palestine, cám ơn ngài vì Thượng HĐGM về Gia đình, mà tôi được vui mừng tham dự, vì Tự sắc đơn giản hoá thủ tục cứu xét để tuyên bố hôn nhân vô hiệu; cám ơn ngài vì hiệp định song phương lịch sử giữa Quốc gia Palestine và Toà Thánh; sau cùng cám ơn ngài vì Thông điệp Laudato sì về việc bảo tồn thiên nhiên và môi trường, là những chủ đề quan trọng đối với trái đất chúng ta và nhân loại.

“Một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, một người con đã được ban cho chúng ta! Trên vai Người là dấu hiệu quyền bính; danh Người được công bố: là vị Cố Vấn tuyệt diệu, Thiên Chúa hùng cường, người Cha mãi mãi, là vị Vua Hoà Bình.” (Is 9,5).

Các bạn thân mến, sự giáng sinh của Chúa Kitô là dấu hiệu Lòng Thương Xót của Chúa Cha và là lời hứa vui mừng cho tất cả chúng ta. Ước gì sứ điệp này lan toả trên thế giới bị tổn thương của chúng ta, an ủi những người sầu muộn, những người bị áp bức, và hoán cải tâm hồn những kẻ bạo hành.

Chúc tất cả mọi người Lễ Giáng Sinh thánh thiện và vui tươi!
 

G. Trần Đức Anh OP chuyển ý