09/01/2025

Hiệp sĩ Đại thánh giá thầm lặng giúp đời

“Yêu dân tộc nên tôi nỗ lực hết mình, không nhằm được tôn vinh và để được tôn vinh, mà để cho con cháu đời sau của chúng ta”.

Hiệp sĩ Đại thánh giá thầm lặng giúp đời

 

“Yêu dân tộc nên tôi nỗ lực hết mình, không nhằm được tôn vinh và để được tôn vinh, mà để cho con cháu đời sau của chúng ta”.





Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trong một lần trao quà cho người nghèo tại TP.HCM - Ảnh: C.T.V

Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh trong một lần trao quà cho người nghèo tại TP.HCM – Ảnh: C.T.V


Đó là chia sẻ của ông Lê Đức Thịnh, người châu Á đầu tiên được giáo hoàng phong Hiệp sĩ Đại thánh giá và là một trong những gương mặt tiêu biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 vừa qua.

Vượt khó, đầu tư cho tương lai
Sinh ra trong gia đình nông dân có tới 10 người con tại H.Thống Nhất (Đồng Nai), vì quá nghèo nên Lê Đức Thịnh (tên thánh là Gioan Baotixita) sớm phải từ bỏ giấc mơ làm thầy giáo, lên Sài Gòn làm thuê. Để có tiền nuôi các em ăn học, Thịnh đã trải qua rất nhiều nghề, từ may mặc, buôn bán xăng dầu, khai thác gỗ đến chế biến cà phê… Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, dần dần ông tạo dựng được cơ sở kinh doanh chế biến xuất khẩu cà phê.
Là người có tấm lòng bác ái, kinh doanh dư dả được đồng nào, ông lại đem tiền đi giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số, tạo công ăn việc làm cho thanh niên nghèo, lo cho trẻ em nghèo được đến trường. Trung bình mỗi năm, ông tổ chức hơn 20 chuyến đến các vùng quê nghèo trên cả nước. Số tiền ông quyên góp và vận động bà con giáo dân lên tới hàng chục tỉ đồng để xây nhà tình thương, mổ mắt, mổ tim, chăm sóc người già neo đơn, tàn tật, đặc biệt là công tác khuyến học…
“Tôi muốn chăm lo cho người nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn. Giúp họ thoát nghèo không phải chỉ mang “con cá hay cái cần câu” là xong, tôi đầu tư giúp cho các em nhỏ học hành, đầu tư cho tương lai, sau này lớn lên chính các em sẽ là những người xây dựng quê hương, biết làm ăn giỏi, làm giàu”, ông Thịnh bộc bạch và cho biết còn nhận 30 đứa con nuôi, đến nay đều được học hành, trở thành những người đạo đức, thánh thiện.
Chọn mối phúc thứ 7
Ngoài giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, là một tín đồ Công giáo, ông Thịnh luôn nỗ lực góp phần vào việc xây dựng mối tương quan để đạo – đời ngày càng trở nên tốt đẹp. Ông tích cực đứng ra vận động các tín đồ Công giáo xây dựng đời sống văn hoá, sống phúc âm giữa lòng dân tộc, sống tốt đạo đẹp đời. Bên cạnh đó, ông dũng cảm đứng lên tranh đấu chống lại mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng tôn giáo để chống phá, làm phương hại đến chính sách đại đoàn kết dân tộc; làm cầu nối giữa chính quyền và giáo hội trong giải quyết các vụ việc liên quan đến tôn giáo…
Dù công việc đang làm gặp không ít khó khăn, thậm chí là hiểu lầm, nhưng nhiều năm qua ông Thịnh vẫn nỗ lực đi khắp mọi miền Tổ quốc vận động, thuyết phục, tạo ra những cuộc gặp gỡ góp phần giúp giáo dân ở VN ngày càng gắn bó đồng hành cùng dân tộc. Ông bày tỏ: “Đất nước của chúng ta đã trải qua hàng thế kỷ bị chiến tranh tàn khốc, bị chia cắt về lãnh thổ. Tôi yêu dân tộc VN, tôi đã chọn mối phúc thứ 7 trong 8 mối phúc thật trong bài giảng trên núi của Chúa Jesus, đó là: Phúc thay cho ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Yêu dân tộc nên tôi nỗ lực hết mình, không nhằm được tôn vinh và để được tôn vinh, mà để cho con cháu đời sau của chúng ta”.
Song hành với công việc bác ái, nhiều năm qua Hiệp sĩ Lê Đức Thịnh âm thầm đóng góp cho Giáo hội Công giáo VN trong việc kết nối ngoại giao với toà thánh Vatican. Ông chia sẻ: “Tôi đã đến Roma nhiều lần, toà thánh ở quá xa cũng không hiểu hết được đường lối của VN. Có những điều tốt, toà thánh cũng không nắm được. Tôi chỉ mang sự thật, tôi nỗ lực trình bày bằng cả bằng chứng, những chứng cứ hiển nhiên. Bằng cách tối đa vận động cho quan hệ ngoại giao, tôi mang thông điệp những điểm tốt đến với toà thánh. Tôi rất muốn VN quan hệ ngoại giao với toà thánh”.
Hành trình của hiệp sĩ vẫn chưa dừng lại. Những ngày này, khắp nơi hân hoan chào đón ngày Thiên Chúa Giáng sinh, ông Thịnh đi về như con thoi hết TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, lại đến Kon Tum chăm lo cho đồng bào Công giáo. “VN là đất nước đa tôn giáo, tín ngưỡng, với khoảng 24 triệu tín đồ các tôn giáo chính là nguồn “của cải” dồi dào và một phần sức mạnh của dân tộc VN. Tôi tin tưởng Đảng, Nhà nước VN sẽ luôn có chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân để khai thác nguồn lực từ các tôn giáo một cách hiệu quả và bền vững. Để các tôn giáo luôn chủ động, tự hào trong việc đóng góp công sức để xây dựng và phát triển đất nước”, ông Thịnh tâm sự.
Với những đóng góp âm thầm cho giáo hội và xã hội, năm 2007 ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng Toà thánh Vatican phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Đại thánh giá. “Niềm hạnh phúc nhất không phải là ngày tôi được phong tước mà ngày tôi được hiện diện ở toà thánh. Trên thềm tòa thánh, cách giáo hoàng khoảng 3 m, phía đằng sau có nhiều người nước ngoài họ thi nhau chụp ảnh gia đình chúng tôi. Lúc đó tôi chỉ nghĩ về đất nước mình, niềm tự hào dân tộc trong tôi trỗi dậy. Tôi làm tất cả để mong muốn VN nở mặt, nở mày với thế giới”, ông Thịnh nói.


Hiệp sĩ Đại thánh giá là cấp bậc cao nhất hoặc thứ hai trong các phẩm hàm do giáo hoàng đích thân phong tặng cho những người có đóng góp vượt trội cho giáo hội, đất nước, cộng đồng và thế giới. Cụ thể, phẩm hàm Thánh Gregorio Cả và phẩm hàm Thánh Sylvester bao gồm các cấp từ thấp đến cao là Hiệp sĩ, Tư lệnh, Tư lệnh gắn sao và Hiệp sĩ Đại thánh giá. Riêng phẩm hàm Giáo hoàng Pius IX có thêm cấp cao nhất là Hiệp sĩ Đeo chuỗi vàng.
Tước Hiệp sĩ Đại thánh giá của ông Lê Đức Thịnh thuộc phẩm hàm Thánh Gregorio Cả. Phẩm hàm này do Giáo hoàng Gregorio XVI lập ra vào năm 1831 để tưởng nhớ Thánh Gregorio Cả và trao cho những người có nhiều đóng góp cho Giáo hội Công giáo và cho đất nước, cộng đồng. Những nhân vật nổi bật được phong Hiệp sĩ Đại thánh giá phẩm hàm Thánh Gregorio Cả gồm thái tử cuối cùng của đế chế Áo – Hung Otto von Habsburg, đương kim Toàn quyền Úc Peter Cosgrove, chính trị gia Chile Abdón Cifuentes Espinoza, triết gia Alice von Hildebrand, nhạc trưởng lừng danh người Ý Ricardo Muti…
Lan Chi

Thu Hằng