Bộ Y tế cảnh báo tình trạng lừa đảo văcxin dịch vụ
Ngày 21-12, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trước “cơn khát” văcxin dịch vụ của các bậc cha mẹ, đang có hiện tượng trữ văcxin, thậm chí là lừa đảo tiêm chủng.
Bộ Y tế cảnh báo tình trạng lừa đảo văcxin dịch vụ
Ngày 21-12, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết trước “cơn khát” văcxin dịch vụ của các bậc cha mẹ, đang có hiện tượng trữ văcxin, thậm chí là lừa đảo tiêm chủng.
* TP.HCM: 45.000 liều Quinvaxem được tiêm tại cơ sở dịch vụ
Có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng đề nghị cha mẹ gọi đến đường dây nóng y tế 1900-9095, hoặc báo tin tại https://www.facebook.com/DienDanTiemChung.
Trong thông cáo này, ông Trần Đắc Phu – cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết phụ huynh có quyền chọn loại văcxin sử dụng cho con, tuy nhiên cần chọn loại văcxin rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của lô văcxin, tuyệt đối không sử dụng văcxin xách tay hoặc tiêm chủng tại nhà.
Cùng ngày, thông tin từ hai công ty được quyền phân phối văcxin 5 trong 1 dịch vụ tại VN cho biết lô văcxin 5 trong 1 Pentaxim thứ ba đã được chuyển về VN, sau hai lô chuyền về hồi tuần trước.
Dự kiến cuối tháng 12 hoặc chậm nhất là đầu tháng 1 tới, lô thứ tư gồm 28.000 liều cũng sẽ được chuyển về khu vực phía Bắc. Như vậy kể từ ngày 25-12, thị trường văcxin dịch vụ sẽ có trên 100.000 liều văcxin Pentaxim, gấp 5 lần số văcxin đã về VN trong cả năm 2015.
* Theo báo cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng TP.HCM, năm 2015 tại TP có hơn 300.000 liều văcxin Quinvaxem đã được tiêm cho trẻ em, trong đó có 45.000 liều được tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Trong hơn 300.000 liều Quinvaxem đã tiêm chủng, có 32 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm (sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm), không có trường hợp nào tử vong có liên quan đến văcxin Quinvaxem.
Đáng lưu ý, số liệu thống kê tại TP.HCM cho thấy trong 11 tháng của năm 2015 đã có 7 trẻ mắc bệnh ho gà và những trẻ này đều không tiêm chủng hoặc không được tiêm chủng đầy đủ.
Văcxin Quinvaxem phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib – là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc chậm trễ trong tiêm chủng sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ mắc bệnh trước khi được tiêm ngừa.