29/11/2024

Khám phá ra Thiên Chúa tại 3 nơi của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử và Giáo Hội

Để cử hành Lễ Giáng Sinh một cách hữu ích, chúng ta cần dừng lại tại “những nơi” của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử và Giáo Hội, bằng cách nhìn các thực tại này với đôi mắt đức tin và khám phá ra trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20-12.

Khám phá ra Thiên Chúa tại 3 nơi của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử và Giáo Hội
 

ĐTC Phanxicô ban huấn từ trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20-12-2015 – AP

Cần khám phá ra Thiên Chúa nơi tha nhân, trong lịch sử và trong Giáo Hội

Để cử hành Lễ Giáng Sinh một cách hữu ích, chúng ta cần dừng lại tại “những nơi” của sự kinh ngạc là tha nhân, lịch sử và Giáo Hội, bằng cách nhìn các thực tại này với đôi mắt đức tin và khám phá ra trong đó sự hiện diện của Thiên Chúa.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương 5 châu tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20-12. 

Mở đầu bài huấn dụ, ngài nói: “Tin Mừng Chúa Nhật Mùa Vọng hôm nay minh nhiên gương mặt của Đức Maria. Chúng ta trông thấy Người đương đầu với cuộc hành trình từ Nazareth vùng Galilea đến các núi non vùng Giuđêa để đi thăm và trợ giúp bà Elisabeth, ngay sau khi đã thụ thai Con Thiên Chúa trong lòng tin.  Thiên thần Gabriel đã vén mở cho Mẹ biết rằng người bà con cao niên không có con nhưng giờ đây đã có thai được sáu tháng (x. Lc 1,26.36). Chính vì thế Mẹ mang trong mình một món quà và một mầu nhiệm còn cao cả hơn, đi tìm bà Elisabeth và ở lại với bà 3 tháng.

Trong cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn bà, anh chị em hãy tưởng tượng xem: một người già, người kia trẻ, người phụ nữ trẻ là Maria lên tiếng chào trước: “Vào nhà ông Dacaria bà chào bà Elisabeth.” (Lc 1,40). Và sau lời chào ấy, bà Elisabeth cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, anh chị em đừng quên từ này “kinh ngạc”. Kinh ngạc. Bà Elisabeth cảm thấy mình được bao bọc bởi sự kinh ngạc lớn lao, vang vọng lên trong các lời nói của bà: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi  thế này?” (c. 43). Họ ôm nhau, hôn nhau, vui mừng, hai phụ nữ: người già ngưởi trẻ, cả hai đều mang thai.”


Dựa trên sự kinh ngạc trong cuộc sống, ĐTC quảng diễn việc cử hành Lễ Giáng Sinh một cách hữu ích như sau:
 
“Để cử hành Lễ Giáng Sinh một cách hữu ích, chúng ta được mời gọi dừng lại trên “các nơi” của sự kinh ngạc. Vậy đâu là các nơi của sự kinh ngạc trong cuộc sống thường ngày của chúng ta? Có 3 nơi. Nơi thứ nhất là tha nhân, trong đó nhận ra một người anh em, bởi vì từ khi đã xảy ra biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu, thì mỗi một gương mặt đều mang các dấu ấn giống Con Thiên Chúa. Nhất là khi đó là gương mặt của người nghèo, bởi vì Thiên Chúa đã bước vào trần gian như người nghèo, và trước hết, Ngài để cho người nghèo đến gần Ngài.

Một nơi khác nữa của sự kinh ngạc, nơi thứ hai, trong đó, nếu chúng ta nhìn với đức tin, chúng ta cảm nhận được chính sự kinh ngạc là lịch sử. Biết bao lần chúng ta tưởng mình nhìn nó trong khía cạnh đúng đắn, nhưng trái lại chúng ta có nguy cơ đọc nó lộn ngược. Chẳng hạn điều này xảy ra, khi đối với chúng ta xem ra nó được xác định bởi kinh tế thị trường, được quy định bởi tài chính, các vụ làm ăn và bị thống trị bởi các người quyền lực thay nhau chỉ huy. Thiên Chúa của Lễ Giáng Sinh, trái lại, là một vì Thiên Chúa “trộn lẫn lộn các lá bài” – Ngài thích làm điều đó: như Mẹ Maria hát trong bài thánh thi Magnificat, chính Chúa lật nhào các người quyền thế khỏi ngai cao và nâng kẻ hèn mọn lên, ban tràn đầy của cải cho kẻ đói nghèo và đuổi người giàu có ra về tay không (x. Lc 1,52-53). Đó là sự kinh ngạc thứ hai, sự kinh ngạc của lịch sử.”

Đề cập đến nơi kinh ngạc thứ ba là Giáo Hội, ĐTC nói:

“Một nơi thứ ba của sự kinh ngạc là Giáo Hội: nhìn nó với sự kinh  ngạc của đức tin có nghĩa là không hạn hẹp chỉ coi Giáo Hội là một cơ cấu tôn giáo, nó là cơ cấu tôn giáo, nhưng cảm nhận Giáo Hội như là một  Bà Mẹ, dù có các vết nhơ và nếp nhăn – chúng ta có biết bao nhiêu nếp nhăn – cũng vẫn để toả thoát ra các đường nét của Hiền Thê được Chúa Kitô yêu thương và thanh tẩy. Một Giáo Hội biết nhận ra nhiều dấu chỉ của tình yêu trung thành, mà Thiên Chúa liên tục gửi tới cho mình. Một Giáo Hội mà Chúa Giêsu sẽ không bao giờ là một chiếm hữu cần bảo vệ một cách ghen tương cho chính nó; ai làm như thế là sái lầm; nhưng luôn luôn là Đấng đến gặp gỡ nó và Giáo Hội biết chờ đợi với lòng tin tưỏng và tươi vui, bằng cách trao ban tiếng nói cho niềm hy vọng của thế giới: Giáo Hội gọi Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!”. Giáo Hội mẹ luôn luôn có các cánh cửa mở toang để tiếp đón tất cả mọi người. Còn hơn thế nữa, Giáo Hội mẹ ra khỏi các cửa của mình để tìm kiếm với nụ cười của bà mẹ tất cả những người ở xa và đem họ đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Đó là sự kinh ngạc của Lễ Giáng Sinh!

Trong Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả chính Người bằng cách ban cho chúng ta Con Duy Nhất của Người, là tất cả niềm vui của Người. Và chỉ với con tim của Mẹ Maria, con gái Sion khiêm hạ và nghèo khó, đã trở thành Mẹ của Con Đấng Tối Cao, mới có thể nhảy mừng và vui sướng vì ơn trọng đại của Thiên Chúa và vì sự kinh ngạc không thể thấy trước được của Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta nhận thức được sụ kinh ngạc – 3 sự kinh ngạc tha nhân, lịch sử và Giáo Hội – đối với biến cố Chúa Giêsu sinh ra, là ơn của các ơn, là món quà nhưng không đem lại cho chúng ta ơn cứu độ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu cũng sẽ làm cho chúng ta cảm thấy nơi mình sự kinh ngạc vĩ đại này. Nhưng chúng ta không thể có sự kinh ngạc này, chúng ta không thể gặp gỡ Chúa Giêsu, nếu không gặp gỡ Ngài nơi các người khác, trong lịch sử và trong Giáo Hội.”

Tiếp đến, ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi cho Syria, Libia, Costa Rica và Nicaragua, cũng như cho các nạn nhân bão lụt ở Ấn Độ. Ngài nói: 

“Cả hôm nay nữa, tôi cũng hướng một tư tưởng tới nước Syria yêu quý, bằng cách bày tỏ sự đánh giá sinh động đối với thoả thuận mà cộng đồng quốc tế vừa đạt được. Tôi xin khích lệ tất cả mọi người quảng đại hăng say theo đuổi con đường dẫn tới việc ngưng các bạo lực và dẫn tới một giải pháp thương thảo đem lại hoà bình. Cũng thế tôi nghĩ tới nước Lybia láng giềng, nơi việc dấn thân mới đây giữa các phe cho một chính quyền hiệp nhất quốc gia, mời gọi hy vọng vào tương lai.

Tôi cũng ước ao ủng hộ dấn thân cộng tác của hai nước Costa Rica và Nicaragua. Tôi cầu mong một tinh thần huynh đệ canh tân củng cố việc đối thoại và cộng tác với nhau giữa hai bên, cũng như giữa tất cả các quốc gia trong vùng.

Tôi cũng nghĩ tới các dân tộc tại Ấn Độ bị bão lụt trầm trọng mới đây. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị em này đang đau khổ vì tai ương ấy, và chúng ta hãy phó thác linh hồn những người đã qua đời cho lòng thương xót của Thiên Chúa.” 

ĐTC mời mọi người cùng ngài đọc một Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các anh chị em ở Ấn Độ.

Ngài đã đặc biệt chào các trẻ em Roma đem tượng Chúa Hài Đồng đến cho ngài làm phép trong buổi đọc Kinh Truyền Tin để sau đó đặt vào hang đá, theo truyền thống được các trung tâm giáo xứ Roma tổ chức. Ngài nói: “Các con thân mến, hãy chú ý nghe rõ này: khi các con cầu nguyện trước hang đá của các con, xin cũng nhớ cầu nguyện cho cha nữa và cha cũng nhớ cầu nguyện cho các con. Cha cám ơn các con và chúc các con Lễ Giáng Sinh tốt lành!”

ĐTC cũng chào các gia đình của cộng đoàn “Con cái trên Trời” và các gia đình gắn liền với Nhà thương Chúa Hài Đồng trong hy vọng và khổ đau. ĐTC bảo đảm với họ sự gần gũi tinh thần của ngài và khích lệ họ tiếp tục con đường đức tin và tình huynh đệ.

Ngài cũng chào Ca đoàn Racconigi và nhóm cầu nguyện “Thanh thiếu niên của Đức Giáo hoàng” và cám ơn họ vì sự ủng hộ ngài. Sau cùng, ĐTC đã chúc mọi người một Lễ Giáng Sinh hy vọng, yêu thương, an bình và tràn đầy kinh ngạc, sự kinh ngạc mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta đầy tình yêu và bình an.

 

Linh Tiến Khải