10/01/2025

Đứng lên từ tro tàn

Năm 2000, một trận cháy khủng khiếp đã nuốt chửng cuộc sống yên bình của gia đình Huyền Kiki Võ (sinh 1991, hiện sống tại Mỹ).

 

Đứng lên từ tro tàn

 

Năm 2000, một trận cháy khủng khiếp đã nuốt chửng cuộc sống yên bình của gia đình Huyền Kiki Võ (sinh 1991, hiện sống tại Mỹ). 



 


Các chị em gái chúc mừng Huyền Kiki Võ trong ngày lễ tốt nghiệp UC Berkeley với một tấm bảng để tưởng nhớ và dành tặng niềm tự hào này cho người cha quá cố. Từ trái qua: Nhi, Lili, Huyền, Mimi và Gigi - Ảnh: nhân vật cung cấp
Các chị em gái chúc mừng Huyền Kiki Võ trong ngày lễ tốt nghiệp UC Berkeley với một tấm bảng để tưởng nhớ và dành tặng niềm tự hào này cho người cha quá cố. Từ trái qua: Nhi, Lili, Huyền, Mimi và Gigi – Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

Mẹ không qua khỏi vì phỏng quá nặng, Huyền và hai em gái lớn sống sót với da thịt cháy sém phỏng cấp độ 3, chân tay co rút.

Gần 14 năm sau, không phải là những người tàn phế, chỉ có thể xin ăn sống qua ngày như những lời lẽ vẽ ra tương lai xám xịt của những người họ hàng ở quê nhà Hiệp Thành (Vũng Tàu), chị em Huyền đã vùng dậy và sống mạnh mẽ, giống như hình xăm phượng hoàng trên cơ thể cô – loài chim trong truyền thuyết sinh ra từ đống tro tàn.

Những ca phẫu thuật vô tận

Huyền là chị cả của bốn cô em gái: Nhi Võ, Lili Võ, Gigi Võ, Mimi Võ. Gần 14 năm sống trên đất Mỹ, cô gái vẫn xưng hô bằng cái tên Việt Nam, vẫn nói chuyện bằng tiếng Việt dù thỉnh thoảng lại “sorry, sorry” vì khó diễn đạt một điều gì đó. Cô bắt đầu câu chuyện bằng những hồi ức thật yên bình ở vùng quê nghèo với những con đường đất và chưa có điện.

Tai hoạ ập đến khi Huyền 9 tuổi. Ba chị em rủ nhau sang quán nhỏ bán kẹo của mẹ lúc bà đang rót xăng vào cái xe máy cũ kỹ của cha. Nhi đang cầm cây đèn dầu chạy ngay đến bên cạnh mẹ. Chớp mắt, mọi thứ nổ tung. Ba đứa trẻ hoảng loạn chạy trốn vào một góc quán khi ngọn lửa bao trùm cả quán nhỏ chỉ có một cái cửa ra vào.

“Báo chí đã viết về câu chuyện của gia đình Huyền và một Việt kiều ở Mỹ đọc được liền đến liên hệ một bệnh viện miễn phí cho trẻ em tại Mỹ xin điều trị cho ba chị em. Ba chẳng biết điều gì đang chờ mình bên kia đại dương nhưng sẵn sàng thử mọi cách để cứu ba đứa con. Mọi người đọc bài báo cũng đã quyên góp tiền để ba đưa ba chị em sang Mỹ chạy chữa”, Huyền kể câu chuyện đã đưa ba chị em Huyền đến Bệnh viện trẻ em Shriners – một bệnh viện chữa trị miễn phí cho trẻ em ở Boston (bang Massachusetts).

Vài cuộc phẫu thuật chẳng đủ để phục hồi cơ thể bị phỏng cấp độ 3 của chị em Huyền. Những cuộc phẫu thuật như vô tận. “Gần 10 năm đầu ở Mỹ cuộc sống của Huyền và các em là những ca phẫu thuật. Huyền đã trải qua gần 30 ca mổ cho đến khi 18 tuổi”, Huyền nhẩm tính.

Những ngày đó, họ sống trong một căn phòng dưới tầng hầm ẩm lạnh ở Boston, không giường, không máy sưởi. Với visa du lịch, ông Võ Chư – ba của Huyền – chỉ có thể đến khu chợ người Việt, nhận làm bất cứ việc gì người ta cần để kiếm tiền ăn: bốc vác, kéo hàng, làm vườn…

Nhưng những cuộc phẫu thuật chưa phải là tất cả nỗi lo của họ. Hai năm ở Shriners thì visa hết hạn, Huyền và các em vẫn đang ở giữa chừng quá trình hồi phục. Ba Huyền quyết định chuyển họ đến một bệnh viện Shriners khác ở Sacramento, California bằng số tiền do người Việt ở Boston quyên góp để tránh bị trục xuất.

Ở đây, chị em Huyền vừa tiếp tục những cuộc phẫu thuật vừa bắt đầu đến trường học. Lúc đó ông Chư chỉ níu vào một hi vọng mong manh: nếu họ sống tốt, các con học tốt thì chính phủ sẽ không trục xuất họ về nước.

Sức sống mãnh liệt

Huyền “nhảy cóc” vào học lớp 6 ở California, nỗ lực học tập để ba không buồn lòng. Ông luôn dặn dò họ phải học và làm để trả ơn cho cộng đồng đã giúp đỡ họ.

Một đứa trẻ học hành lõm bõm ở Việt Nam như Huyền, mang theo mặc cảm và đau đớn của những vết phỏng chằng chịt trên cơ thể nhưng cứ thế học hết 7 năm trung học rồi nhận được điểm ưu xét tuyển vào Trường UC Berkeley (UC là viết tắt của University of California).

Hai đứa em gái nhỏ ở với bà nội lớn tuổi ở Vũng Tàu cũng được đưa sang Mỹ để đoàn tụ với các chị em.

Tương lai đang dần tươi sáng hơn với chị em Huyền thì năm 2012 ông Chư bị phát hiện mắc ung thư gan khi Huyền còn chưa kịp vào đại học. Ông phải thay gan nhưng không tiền, không bảo hiểm và ông sợ sẽ bị trục xuất khi vào bệnh viện.

“Cuối cùng tôi vẫn gọi một chiếc xe cấp cứu đưa ba vào viện nhưng không kịp nữa. Trước khi mất ba nắm tay Huyền dặn dò rằng Huyền là chị cả, nhất định phải giữ cho “ngũ long công chúa”(năm chị em gái) được gần nhau”, Huyền nhớ lại.

Ba mất, những đứa em gái của Huyền may mắn gặp được gia đình một người lính cứu hỏa mà họ gặp ở trại dành cho nạn nhân phỏng tại California cưu mang.

Huyền cũng cố gắng xoay xở làm một lúc hai việc làm thêm, xin học bổng dành cho dân di cư để đến trường, ngưng hẳn những cuộc phẫu thuật để tập trung vào học.

Những năm tháng trung học, Huyền và hai em gái cũng luôn mặc cảm về bản thân, luôn mặc áo dài tay, thả tóc dài để che đi những vết sẹo.

“Hồi còn học trung học, Huyền giống như người vô hình, bạn học trong lớp không muốn tới gần Huyền. Đã có lúc Huyền khủng hoảng đến mức uống thuốc tự tử. Nhưng tỉnh dậy trong bệnh viện thấy ba ngồi khóc, Huyền tự cảm thấy mình quá ích kỷ khi đẩy hết mọi gánh nặng cho ba”, Huyền kể.

Vào đại học là một thế giới khác với Huyền, Huyền dần nhận ra vẻ đẹp của mình là ở sức mạnh đã giúp bản thân vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Cô tự tin vào tri thức của mình, tự ý thức được mình cũng là một cô gái trẻ có ước mơ.

Huyền bắt đầu mặc bikini đi tắm biển cùng với mọi người, thực hiện một đề tài nghiên cứu về cuộc sống của những nạn nhân phỏng là nữ giới để mọi người hiểu những khó khăn, áp lực mà họ trải qua.

Nhiều trang mạng đã đăng bộ ảnh một nhiếp ảnh gia đã chụp cho Huyền, phô bày tất cả những vết sẹo trên cơ thể như một tuyên ngôn về sức sống mãnh liệt của cô.

Muốn học tiếng Việt thật giỏi

Dõi theo bước Huyền, Nhi cũng xoay trở xin học bổng để tốt nghiệp ngành y Trường UC Davis và quay về làm việc ở Bệnh viện Shriners.

Huyền đã ra trường và đang làm việc tại một trường tiểu học, hai cô em gái cũng đã tốt nghiệp phổ thông và theo học hai trường khác nhau của ĐH California.

“Huyền cũng muốn học tiếng Việt cho thật giỏi để làm thêm phiên dịch ở bên Mỹ và để khi nào được về Việt Nam có thể nói chuyện với mọi người” – Huyền nói thêm về những dự định tương lai.

VŨ THUỶ