10/01/2025

Kỳ nhân giữa đời thường: Võ sư khuyết một chân

Thấy đồ nghề dạy võ ngổn ngang dưới đất, chúng tôi định dọn giúp, nhưng ông kiên quyết từ chối. Rồi ông bước đi rắn rỏi, nhanh nhẹn tưởng như không hề bị khuyết một chân.

 

Kỳ nhân giữa đời thường: Võ sư khuyết một chân

 

Thấy đồ nghề dạy võ ngổn ngang dưới đất, chúng tôi định dọn giúp, nhưng ông kiên quyết từ chối. Rồi ông bước đi rắn rỏi, nhanh nhẹn tưởng như không hề bị khuyết một chân.





Võ sư Tạ Anh Dũng - Ảnh: Như Lịch

 

Võ sư Tạ Anh Dũng – Ảnh: Như Lịch

 


Thấy đồ nghề dạy võ ngổn ngang dưới đất, chúng tôi định dọn giúp, nhưng ông kiên quyết từ chối. Rồi ông bước đi rắn rỏi, nhanh nhẹn tưởng như không hề bị khuyết một chân.


Đó là võ sư Tạ Anh Dũng (54 tuổi, ngụ ở Q.8, TP.HCM). Ông thẳng thắn: “Con nhà võ cái gì cũng vượt qua, có khổ đau một chút cũng không sao, 2 – 3 bữa nhịn đói cũng không sao cả”.

6 lần thi chạy marathon
Buổi sáng cuối tuần tháng 12, công viên Tao Đàn (TP.HCM), phía trước Đền tưởng niệm các vua Hùng, võ sư Tạ Anh Dũng (môn phái Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê Tây Sơn Nhạn) đang hướng dẫn võ cho các môn sinh. Ông liên tục khích lệ học trò: “Tập võ phải lì đòn chứ, mệt cũng phải tập đi con. Người ta có chờ mình hồi phục, khoẻ lại mới tiếp tục tấn công mình đâu!”.
 
 

Tiềm năng, khả năng của con người là vô tận. Nếu các bạn khuyết tật đủ tự tin với bản thân mình thì sớm muộn gì cũng sẽ làm được. Ý chí con người là tất cả!

 

 
Tranh thủ những lúc học trò tạm nghỉ, võ sư Dũng luyện Siêu xung thiên, Thanh Long độc kiếm cùng một số bài ông tự sáng tác thêm như: tam khúc côn, nhị khúc côn, bài dù, bài quạt, trường côn, dao găm…
Chia sẻ với chúng tôi về cái chân khuyết, ông cho hay, hồi mới giải phóng, ông kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Trong một lần chở củi trên sông, ghe của ông và tàu lớn va chạm, khiến ông bị thương nặng. Lần đó, ông buộc phải cưa mất một chân khi đang ở tuổi hai mươi phơi phới.
Vốn là con nhà nòi, niềm đam mê võ cổ truyền đã ăn sâu vào máu nên tai nạn trên không làm ông bỏ cuộc. Thử thách lớn nhất là mỗi khi xoay người 360 độ, ông luôn bị té. Dần dần, ông tìm ra thế trọng tâm, giữ thăng bằng để thích ứng với “cấu trúc mới” của cơ thể.
Không chỉ luyện võ, ông Dũng còn chơi nhiều môn thể thao khác như: đạp xe, bơi lội, đánh bóng bàn, điền kinh… Ông là vận động viên một chân đầu tiên của VN tham gia cả 6 lần thi marathon quốc tế diễn ra tại TP.HCM (từ năm 1992 đến 2002). Ông cởi mở: “Thấy tui nhảy lò cò trên chặng đường dài, nhiều người ái ngại giục tui lên xe máy để họ chở đi, nhưng đời nào tui chịu! Tui không muốn tạo hình ảnh đầu hàng để thiên hạ cười chê. Ngược lại, tui muốn góp tí xíu hình ảnh người VN kiên cường trong mắt các du khách nước ngoài đang đứng xem. Và tui cũng muốn làm gương cho người trẻ tập luyện thể thao”.
Hay la rầy bản thân
Từ hơn 10 năm nay, Tạ Anh Dũng đã đạt cấp võ sư 18/18. Tuy vậy, ông từ tốn: “Cấp độ bao nhiêu cũng không nói lên điều gì. Võ cổ truyền nước mình hay lắm, học mấy kiếp người cũng không hết được, huống hồ chi đối với người mê võ là vô biên vô tận. Mình càng học thì càng thấy thiếu hoài”.
Ông quan niệm, người theo nghiệp võ giống như một kỹ sư. Phải moi óc ra để nghiên cứu học hỏi, sáng tạo. Nếu không tự đặt ra những bài tập cho mình thì cũng giống như người đang ở giữa dòng mà chẳng chịu bơi, hậu quả là không chỉ bị tụt lại mà còn bị chìm luôn!
Là người cầu toàn và khó tính với chính mình, võ sư Dũng tự đặt ra “bí kíp” để thúc ông vươn tới, đó là: “Khi không làm được điều gì đó, tui hay chửi bản thân tui lắm! Đại loại như: Mày hèn quá! Hãy suy nghĩ tại sao người ta làm được mà mày lại làm không được?”.
Theo võ sư Dũng, các bài tập của ông “đánh đấm” nặng nên chưa có học trò khuyết tật nào dám học. Tuy nhiên, với những người khuyết tật có nhu cầu học võ, ông nhắn nhủ: “Tiềm năng, khả năng của con người là vô tận. Nếu các bạn khuyết tật đủ tự tin với bản thân mình thì sớm muộn gì cũng sẽ làm được. Ý chí con người là tất cả!”.
Ngoài dạy võ, ông mưu sinh bằng việc dạy kèm bóng bàn và bán báo. Hiện tại, ông sống cùng mấy đứa cháu ngoại. Nhắc đến cuộc hôn nhân không trọn vẹn, ông tâm sự: “Người ta cũng muốn được chăm sóc, nhưng tui không có thời gian. Để theo đuổi tận cùng đam mê nào đó, ai cũng phải trả giá, hy sinh bằng những thứ khác”.
Thời gian qua, ông đã dạy võ cho biết bao lứa học trò. Trong đó, một số môn đệ của ông đã đạt được những huy chương vàng giải trẻ võ cổ truyền toàn thành, giải vô địch pencak silat TP.HCM… Ông trăn trở: “Tập võ là để tránh bạo lực. Tui cho rằng tệ nạn xảy ra với người trẻ là do các em thiếu sân chơi. Nếu trường nào cũng phát triển võ thuật thì các em sẽ mạnh mẽ, tự tin và không có bạo lực học đường”. “Nếu có tiền, tui sẽ mở phòng tập võ. Em nào có điều kiện thì đóng góp, em nào nhà nghèo thì miễn giảm”. Nói đến đây, ông mỉm cười: “Có lẽ đó là ước mơ xa vời, vì tui kinh doanh gì đâu mà dư tiền bạc”, ông mơ ước.

 

Như Lịch