Kình ngư Nguyễn Thành Trung là một vũ công hip hop - Ảnh: nhân vật cung cấp

Kình ngư Nguyễn Thành Trung là một vũ công hip hop – Ảnh: nhân vật cung cấp

Từng nhiều lần muốn “chết đi cho rồi” !

“Tại sao người khác đạp xe, chơi thể thao, chạy nhảy đuổi rượt nhau thoả thích, còn mình thì cứ luôn phải ngồi một chỗ? Cực hình nhất là giờ ra chơi, các bạn ùa ra hết, chỉ còn lại mình tôi trong lớp. Những lúc ấy, tôi thấy tủi thân lắm, nghĩ sau này không biết sẽ làm gì để nuôi thân? Mình sống có ích gì?… Nhiều lần, tôi muốn chết đi cho rồi!”, Nguyễn Thành Trung (33 tuổi, quê Cần Thơ) tâm sự về quãng đời niên thiếu của mình.
Trung cho hay, lúc lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân anh teo tóp. Hằng ngày, anh phải nhờ người thân, bạn bè chở bằng xe đạp hoặc cõng đến trường. Gắng gượng mãi đến giữa năm lớp 9, Trung đành giã từ việc học.
Trong 5 năm liền, chàng trai khuyết tật Thành Trung gắn với nghề đóng đáy (giăng lưới ống đón luồng tôm, cá) trên những khúc sông chảy xiết. Ban đầu, Trung đi kèm với cha hay anh họ, nhưng sau đó thì đi “mình ên”. Theo Trung, người lành lặn làm nghề này đã khó, huống hồ anh gần như thiếu hẳn đôi chân làm trụ. Trung kể: “Tôi bị té sông, chìm ghe hoài, bởi giông bão ập tới mà mình đâu có hay. Rồi những lúc dây nhợ rác rến vướng víu, mình phải lặn xuống gỡ. Áp lực nước ở độ sâu mấy chục mét có khi làm lỗ tai mình ra máu”.
Thấy con làm cực nhọc, thu nhập bấp bênh, cha mẹ Trung cho anh lên bờ kiếm kế khác sinh nhai. Đâu dễ tìm được việc làm, Trung lại rơi vào bế tắc. “Gia đình mình thời điểm đó rất khó khăn. Mình muốn có vài ngàn đồng mua vật dụng cá nhân chẳng hạn, cũng thấy rất xấu hổ khi phải xin tiền mẹ. Ý định muốn tự tử đã quay trở lại, vì nghĩ tàn tật như mình có sống bao lâu nữa cũng chẳng có gì thay đổi…”, anh Trung giãi bày.
Đổi đời nhờ… hip hop
Đang chán chường, Trung được một người bạn thân trong xóm rủ rê: “Ngoài tiệm internet người ta nhảy gì lạ lắm, để tao chở mày ra coi”. Thì ra, đó là môn hip hop. Ấn tượng mạnh với môn thể thao này, Trung lao vào tập hip hop ở độ tuổi 23. Anh chia sẻ: “Tập được 4 – 5 ngày thì tôi trồng chuối, giữ thăng bằng được vài giây. Thấy tôi mình mẩy trầy xước, đập đầu chảy máu…, cha mẹ tôi la quá trời”.
Sau nhiều lần biểu diễn tự phát và đối kháng với các nhóm khác, đến năm 2008, Câu lạc bộ hip hop AAT (Anh Anh và Tui) do Nguyễn Thành Trung làm chủ nhiệm đã ra đời, dưới sự đỡ đầu của Trung tâm văn hoá – thể thao TP.Cần Thơ.
Trung cho biết đất diễn của AAT rất rộng, từ trường học, xe thông tin lưu động phòng chống tệ nạn đến quán bar, quán cà phê hát với nhau; từ các tỉnh ĐBSCL đến miền Trung, miền Bắc. Tuy nhiên, có những khi anh đối diện với không ít thử thách. Một lần, người bạn cõng Trung vào phía sân khấu, đi ngang qua đám đông, nhiều người cười cợt: “Không biết cõng theo ông nội này để làm gì”. Trung nghĩ thầm: “Bạn cứ cười tui đi, chút nữa tui biểu diễn cho bạn coi”. Khi nhạc nổi lên, từ cánh gà, Trung di chuyển bằng hai cánh tay và nhảy các kiểu hip hop như đá ngựa kép, xoắn rồng… hết sức điệu nghệ, khiến mọi người hò reo thán phục.
Cơ duyên để Thành Trung trở thành vận động viên bơi lội nổi tiếng như bây giờ cũng bắt nguồn từ… hip hop. Số là, trong những lần thi thố hip hop, anh có dịp làm quen với “kình ngư vàng” khuyết tật Võ Thanh Tùng (quê An Giang). Chính Tùng đã rủ Trung bơi thử, rồi giới thiệu với thầy Đổng Quốc Cường – huấn luyện viên đội tuyển bơi lội người khuyết tật VN. 6 tháng sau, lần đầu tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2011, Trung đã đoạt nhiều huy chương. Những năm tiếp theo, thành tích của anh càng chói sáng…
Theo huấn luyện viên Đổng Quốc Cường, Thành Trung đến với môn bơi lội chính quy khá trễ, lúc 28 tuổi. Do thói quen bơi tự do trên sông nước, nên Trung cũng gặp “cố tật” phổ biến là bơi không đúng kỹ thuật. Hơn nữa, Trung lại mang thương tật nặng (hạng thương tật SB4). “Vượt lên tất cả, Trung có ý chí luyện tập rất cao, luôn tuân thủ các bài tập. Trung đẹp trai, đa tài, nhảy hip hop hay, sẵn sàng giúp đỡ người khác… khiến nhiều cô gái mê tít”, ông Cường dí dỏm nhận xét.
Trải qua bao thăng trầm, Thành Trung đúc kết: “Nếu ngày trước tôi kết liễu đời mình thì đó là điều khờ dại, tôi đâu thể có cuộc sống như bây giờ. Mình muốn thành công thì phải cố gắng vượt qua những cay đắng, thất bại, đau khổ”. Anh nhắn nhủ thêm: “Khi cơ hội đến, bạn hãy nắm bắt lấy nó!”.

 

 

Như Lịch