Những căn cứ tuyệt mật của Mỹ
Thời Thế chiến 2 và Chiến tranh lạnh, Mỹ đã thành công trong việc xây dựng lẫn bảo vệ sự bí mật của những căn cứ làm thay đổi lịch sử quân sự thế giới.
Những căn cứ tuyệt mật của Mỹ
Thời Thế chiến 2 và Chiến tranh lạnh, Mỹ đã thành công trong việc xây dựng lẫn bảo vệ sự bí mật của những căn cứ làm thay đổi lịch sử quân sự thế giới.
Rất khó che đậy một bí mật trong nhiều năm liền, nhất là khi bí mật đó nằm trên những khu vực rộng lớn với các hoạt động quân sự rầm rộ diễn ra cả ngày lẫn đêm. Thế nhưng từ trước đến nay, Lầu Năm Góc đã không ít lần che mắt được dư luận về sự tồn tại của các căn cứ quân sự.
Bên cạnh căn cứ Vùng 51 đã quá nổi tiếng tại sa mạc Nevada, quân đội Mỹ còn sở hữu ít nhất 5 khu vực được phủ bức màn bí mật “kín bưng” với những tác động làm chuyển hướng lịch sử.
Nơi khai sinh bom nguyên tử
Oak Ridge, bang Tennessee, hiện là một thành phố yên bình như mọi thành phố khác trên đất Mỹ với tổng dân số khoảng 30.000 người. Tuy nhiên, ngược dòng quá khứ, Oak Ridge ra đời với mục tiêu tạo nên những quả bom nguyên tử đầu tiên.
Từ năm 1942, chính quyền Washington âm thầm thu mua hơn 243 km2 tại phía đông Tennessee để chuẩn bị cho dự án Manhattan, chương trình nghiên cứu tuyệt mật khai sinh ra vũ khí hạt nhân. Theo tạp chí The Atlantic, Washington cần nhiều đất để xây dựng những cơ sở khổng lồ nhằm tinh lọc và phát triển vật liệu hạt nhân, chủ yếu là uranium K-25 cho những dòng vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Kết quả là một thị trấn bí ẩn mang tên Oak Ridge đã mọc lên một cách lặng lẽ với những căn nhà tạm dành cho hàng chục ngàn công nhân, kỹ sư và gia đình.
Vào thời đỉnh điểm đầu năm 1945, dân số tại đây lên đến 75.000 người. Toàn bộ thị trấn và các cơ sở hạt nhân được rào kín, nằm trong vòng bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt. Các chốt gác với binh sĩ vũ trang tận răng được thiết lập ở mọi hướng dẫn vào Oak Ridge. Thậm chí vào thời đó, quân đội Mỹ đã trang bị máy phát hiện nói dối ở các chốt kiểm soát. Những người làm việc tại đây buộc phải thề sẽ giữ bí mật về công việc của mình. Bên cạnh đó, nhằm kiểm soát không để bất cứ thông tin nào lọt ra ngoài, giới chức phân chia công việc cực kỳ tinh vi, mỗi người chỉ biết phần việc của mình. Vì thế, hiếm người biết được họ đang góp phần tạo ra cái gì cho đến khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8.1945.
Đến năm 1949, các hoạt động quân sự bắt đầu giảm dần, Oak Ridge từ từ chuyển mình trở thành một khu dân cư thật sự và cuối cùng được nâng lên cấp thành phố vào năm 1959.
Bãi tập huỷ diệt
Khi được thành lập vào năm 1942, căn cứ không – lục Wendover ở bang Utah được biết đến một cách hết sức khiêm tốn là trường huấn luyện cho những phi công chuẩn bị lên đường tham chiến tại châu Âu. Thế nhưng, năm 1944, bức màn bí mật từ từ vén lên trước mắt dư luận, sau khi giới truyền thông phát hiện các đặc vụ ngầm của FBI và quân cảnh tiến hành theo dõi các cuộc trao đổi qua thư tín lẫn điện thoại, đồng thời giới hạn hoạt động của những sĩ quan đồn trú tại đây. Trên thực tế, không quân Mỹ sử dụng căn cứ nhỏ bé này để huấn luyện cho đơn vị 509, gồm những phi công được chọn để tham gia nhiệm vụ điều khiển máy bay B-29 thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.
Theo chuyên san Air & Space, dưới sự chỉ huy của đại tá Paul Tibbets, tổng cộng có 20 chiếc B-29 Silverplate được điều đến Wendover, 15 trong số này dùng để huấn luyện phi hành đoàn, còn 5 chiếc trực tiếp tham gia thử nghiệm thả bom. “Tôi chưa bao giờ đến nơi nào bí mật như nơi này”, phi công James Price nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2009. Lúc đó, thậm chí có rất ít sĩ quan Mỹ biết được những gì đang diễn ra tại Wendover. “Chúng tôi không biết được cái gì là Little Boy hoặc Fat Man (chỉ hai quả bom tàn phá Hiroshima và Nagasaki – NV)”,Air & Space dẫn lời phi công Herman Stanley Zahn. “Điều chúng tôi cần làm là phải thả bom chính xác xuống đúng địa điểm”, ông cho biết. Tổng cộng, các chiếc B-29 tại căn cứ Wendover đã thả khoảng 155 bom Little Boy và Fat Man giả trong suốt giai đoạn diễn tập.
Paul Tibbets cũng chính là người trực tiếp điều khiển máy bay chở quả bom Little Boy thả xuống Hiroshima. Sau Thế chiến 2, ông tiếp tục phục vụ trong không quân Mỹ suốt nhiều năm, được thăng hàm chuẩn tướng và qua đời năm 2007. Trong khi đó, căn cứ Wendover đóng cửa năm 1969 và hiện là một phi trường dân sự.
Đảo Kwajalein
Trong hệ thống căn cứ Mỹ trên các đảo tại Thái Bình Dương, đảo san hô vòng Kwajalein ít được biết đến so với Guam hay Okinawa. Tuy nhiên, vài thập niên trước, các vụ thử tên lửa đạn đạo đầu tiên đã được triển khai tại đây lẫn các hệ thống đánh chặn. Nguyên nhân chủ chốt khiến Lầu Năm Góc chọn địa điểm này cho các cuộc thí nghiệm quân sự quan trọng là diện tích trải rộng 2.849 km2, kèm theo một phá tự nhiên khổng lồ đóng vai trò là điểm đáp của các thiết bị quay trở về từ quỹ đạo. Giao thông hàng hải tại đây khá thưa thớt và những vụ thử tên lửa hiếm khi nào bị nhiễu sóng vô tuyến từ bên ngoài.
Theo AP, Kwajalein là nơi diễn ra những cuộc thử nghiệm hệ thống chống tên lửa, theo dõi vệ tinh và tất tần tật những dự án bí mật thuộc chương trình Chiến tranh giữa các vì sao, có tên chính thức là Sáng kiến phòng thủ chiến lược, dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.
Cách đây hơn 30 năm, nơi này đã tiếp nhận hơn 1 tỉ USD đầu tư vào các hệ thống thiết bị hiện đại nhất. Đến nay, không quân Mỹ vẫn đều đặn tiến hành thử nghiệm để thu thập dữ liệu quan trọng nhằm điều chỉnh thiết kế của các tên lửa chiến lược.
Cái nôi của máy bay tàng hình
Vào thập niên 1970, căn cứ Tonopah ở bang Nevada vẫn là một bí mật, thậm chí cả với giới phi công quân sự Mỹ. Sự tồn tại của nó chỉ được biết đến trong một nhóm nhỏ lãnh đạo cấp cao của không quân. Đây là nơi tập kết các chiến đấu cơ Liên Xô mà Mỹ thu được như MiG-21, MiG-23, để tổ chức diễn tập những tình huống không chiến. Tuy nhiên, theo AP, Tonopah còn che đậy một bí mật khác, vốn đã làm thay đổi lịch sử hàng không quân sự thế giới: là cái nôi khai sinh công nghệ máy bay tàng hình, và chiếc máy bay tàng hình đầu tiên của thế giới F-117 Nighthawk đã thực hiện nhiều chuyến bay thử trong đêm tối từ những đường băng của căn cứ này.
Những người tham gia dự án F-117 đóng tại căn cứ không quân Nellis cách đó vài trăm km và được đưa đến nơi làm việc bí mật bằng một chuyến bay đặc biệt vào mỗi đầu tuần, rồi lại trở về vào cuối tuần. Năm 1991, F-117 lộ diện trong chiến dịch Bão táp sa mạc, xuyên thủng mọi hệ thống radar của quân đội Iraq và tấn công chính xác mục tiêu, khiến toàn thế giới kinh ngạc.
Căn cứ Muroc/Edwards
Căn cứ không – lục Muroc, phía nam bang California, ra đời vào thập niên 1930 với mục tiêu ban đầu là thử nghiệm nhiều loại vũ khí khác nhau. Đến thời Thế chiến 2, nơi này trở thành địa điểm triển khai những dự án tuyệt mật và máy bay phản lực đầu tiên của quân đội Mỹ, chiếc Bell P-59 Airacomet đã được thử nghiệm tại đây. Nhiều kỷ lục hàng không thế giới đã được lập tại Muroc. Trong đó, ấn tượng nhất là cuộc đột phá bức tường âm thanh vào ngày 14.10.1947 nhờ công của sĩ quan Chuck Yeager điều khiển chiếc Bell X-1, mở đầu cho dự án nghiên cứu máy bay dòng X, bao gồm một loạt các chuyến bay nhanh hơn vận tốc âm thanh gấp nhiều lần.
Ngoài ra, vào thập niên 1980, NASA còn sử dụng căn cứ này làm điểm đáp dự phòng cho tàu con thoi với hàng chục chuyến hạ cánh của các phi thuyền Apollo. Đến nay, Muroc được đổi tên thành căn cứ Edwards và vẫn là một trong những cơ sở quan trọng nhất của không quân Mỹ.
Được thiết lập năm 1955 sâu trong sa mạc Nevada cách Las Vegas khoảng 200 km về phía bắc, sự bí mật xung quanh hoạt động của Vùng 51 đã dẫn đến vô số đồn đoán và giả thuyết trong hàng chục năm. Nổi tiếng nhất là “học thuyết” cho rằng đây là nơi Mỹ bắt được đĩa bay của người ngoài hành tinh và là cơ sở nghiên cứu về các vị khách từ không gian. Có người lại nói Mỹ muốn che giấu những cỗ máy tối tân như súng laser hay thậm chí là máy du hành xuyên thời gian. Trong khi đó, Washington vẫn một mực giữ im lặng, còn Vùng 51 được canh phòng cực kỳ nghiêm ngặt, tách biệt hoàn toàn với các hoạt động dân sự.
Mãi đến năm 2013, CIA mới công bố một phần tài liệu cho thấy Vùng 51 là nơi phát triển và thử nghiệm những dự án máy bay quân sự tối mật như oanh tạc cơ B-2, máy bay trinh sát SR-71 Blackbird… cũng như tiến hành diễn tập các bài không chiến chống máy bay Liên Xô.
|
Thuỵ Miên