10/01/2025

Đức Thánh Cha mở Cửa Năm Thánh Đền thờ Thánh Gioan Laterano

Đức Thánh Cha mở Cửa Năm Thánh Đền thờ Thánh Gioan Laterano. Đền thờ Thánh Gioan Laterano là Nhà thờ Chính toà của Giáo phận Roma. ĐTC đã đích thân chủ sự nghi thức mở Cửa Năm Thánh đặc biệt sáng ngày 13-12-2015, còn việc mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, ngài ủy cho ĐHY James Harvey, người Mỹ, là Giám quản đền thờ này.

Đức Thánh Cha mở Cửa Năm Thánh Đền thờ Thánh Gioan Laterano
 

Đức Thánh Cha mở Cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano – AP

Đức Thánh Cha mở Cửa Năm Thánh Đền thờ Thánh Gioan Laterano

Đền thờ Thánh Gioan Laterano là Nhà thờ Chính toà của Giáo phận Roma, một giáo phận hiện có hơn 2.365.000 tín hữu Công giáo với 334 giáo xứ, gần 5.000 linh mục và 22.750 nữ tu. Thánh đường này được kiến thiết dưới thời hoàng đế Constantino và được ĐGH Silvestro I thánh hiến năm 324, ít lâu sau khi chấm dứt các cuộc bách hại đạo trong đế quốc Roma. Đền thờ này là nơi diễn ra nhiều công đồng, trong đó có 5 Công đồng chung. Trong 10 thế kỷ đầu tiên của Công giáo, các vị ĐGH, GM Roma, cư ngụ trong dinh cạnh thánh đường này. Chỉ sau cuộc lưu vong 70 năm ở thành Avignon của Pháp, các Đức Giáo hoàng mới cư ngụ cạnh Đền thờ Thánh Phêrô ở Vatican.

Do tầm quan trọng của thánh đường này, ĐTC đã đích thân chủ sự nghi thức mở Cửa Năm Thánh đặc biệt sáng ngày 13-12-2015, còn việc mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành, ngài ủy cho ĐHY James Harvey, người Mỹ, là Giám quản đền thờ này.

Theo truyền thống, chính ĐGH Martino V là vị đầu tiên chủ sự nghi thức mở cửa Năm Thánh tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano vào năm 423, mặc dù Năm Thánh đầu tiên trong lịch sử được ấn định vào năm 1300 trước đó.

Mở Cửa Năm Thánh

Buổi lễ bắt đầu với ca nhập lễ ở tiền đường Đền thờ, với nghi thức thống hối, rồi ĐTC đọc lời nguyện:

“Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót, Chúa ban cho Hội Thánh một thời kỳ ân phúc, thống hối và tha thứ, để Hội Thánh được vui mừng canh tân nội tâm nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh, và tiến bước ngày càng trung thành hơn trên những nẻo đường của Chúa, loan báo Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Một lần nữa, xin Chúa mở cửa lòng thương xót của Chúa và đón nhận chúng con một ngày kia trong nhà của Chúa nơi thiên quốc, nơi Đức Giêsu, Con Chúa, đã đi trước chúng con, và đang sống và hiển trị đến muôn đời.”

ĐTC vừa kết thúc kinh nguyện, cộng đoàn đã hát kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Tiếp đến là phần xướng đáp giữa ĐTC và cộng đoàn:

– Đây là cửa của Chúa / những người công chính sẽ tiến vào

– Hãy mở cho tôi những cửa công chính / tôi sẽ vào để cảm tạ Chúa

– Lạy Chúa, con sẽ bước vào nhà Chúa nhờ lòng thương xót bao la của Chúa.
   Con sẽ phủ phục hướng về đền thánh Chúa.

Trong thinh lặng, ĐTC tiến lên những bậc thang, dùng hai tay đẩy mạnh Cửa Năm Thánh, và dừng lại tại ngưỡng cửa cầu nguyện, trước khi tiến qua Cửa Thánh, theo sau đó là Đức Hồng y Giám quản, 6 GM phụ tá, kinh sĩ đoàn và các đại diện của hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, tiến theo tiến về bàn thờ trong thánh đường.

Bài giảng Thánh lễ

Trong bài giảng, sau khi nhắc đến lời Ngôn sứ Sophonia mời gọi thành Jerusalem xưa kia, và ngày nay cũng gửi đến toàn Giáo Hội và mỗi người chúng ta hãy “Vui lên… hãy nhảy mừng!” (Xp 3,14), ĐTC nói:

“Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng kéo cái nhìn của chúng ta về Lễ Giáng Sinh đến gần. Chúng ta không thể để cho mình bị mệt mỏi chiếm đoạt; không được để cho mình bị hình thức sầu muộn nào chiếm hữu, cho dù chúng ta có lý do để buồn sầu đi nữa vì bao nhiêu bận tâm và vì nhiều hình thức bạo lực đang làm tổn thương nhân tính chúng ta. Nhưng việc Chúa giáng lâm phải làm cho tâm hồn chúng ta tràn đầy vui mừng. Trong một bối cảnh lịch sử có nhiều áp bức và bạo lực, nhất là do những kẻ nắm quyền, Thiên Chúa cho biết chính Ngài sẽ cai trị dân Ngài,va không còn để cho họ bị tùy thuộc sự kiêu hãnh của những kẻ cai trị, và Ngài sẽ giải thoát họ khỏi mọi lo âu. Ngày hôm nay chúng ta được yêu cầu “đừng buông xuôi hai tay” (x. Xp 3,16) vì ngờ vực, thiếu kiên nhãn hoặc đau khổ.”

“Thánh Phaolô Tông Đồ đã mạnh mẽ lấy lại giáo huấn của Ngôn sứ Sophonia và lặp lại: “Chúa đang đến gần.” (Ph 4,5). Vì thế chúng ta phải luôn vui mừng, và với sự khả ái, làm chứng cho mọi người về sự gần gũi và chăm sóc của Thiên Chúa đối với mỗi người.”

ĐTC nói thêm: “Chúng ta vừa mở Cửa Năm Thánh ở đây và tại tất cả các nhà thờ chính toà trên thế giới. Cả cử chỉ đơn sơ này cũng là một lời mời gọi hãy vui mừng. Khởi sự thời kỳ đại tha thứ. Đây là Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đây là lúc tái khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa và sự dịu dàng của người cha. Thiên Chúa không thích sự cứng nhắc. Ngài là Cha, dịu dàng. Ngài làm tất cả với sự dịu dàng của người Cha. Chúng ta cũng như đám đông hỏi Gioan: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10) trong khi chờ đợi Đức Messia. Thánh Gioan trả lời ngay. Ngài mời gọi “hãy hành động trong công chính và hãy quan tâm đến những nhu cầu của những người túng thiếu”.

ĐTC nhận xét: “Điều mà Thánh Gioan yêu cầu những người đối thoại với ngài cũng là điều ta thấy trong Kinh Thánh. Trái lại, chúng ta còn được yêu cầu dấn thân quyết liệt hơn.” “Trước Cửa Năm Thánh mà chúng ta được kêu gọi bước qua, chúng ta được yêu cầu trở thành những dụng cụ của lòng thương xót, ý thức rằng chúng ta sẽ bị phán xét về điểm này.” Ai đã chịu phép rửa thì biết rằng mình có một nghĩa vụ lớn hơn nữa. Niềm tin nơi Chúa Kitô khơi dậy một con đường kéo dài suốt đời: con đường từ bi như Chúa Cha. “Niềm vui được bước qua Cửa Lòng Thương Xót có kèm theo quyết tâm đón nhận và làm chứng về một tình thương đi xa hơn công bằng, một tình thương không có biên giới. Chúng ta chịu trách nhiệm về tình thương vô biên này, mặc dù chúng ta có những mâu thuẫn.”

ĐTC kết luận: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho chúng ta và tất cả những người sẽ bước qua Cửa Thương Xót, để chúng ta có thể hiểu và đón nhận tình thương vô biên của Cha chúng ta ở trên trời, tình yêu biến đổi và canh tân cuộc sống.”

Thánh lễ kéo dài 1 tiếng 15 phút và ĐTC đến trước tượng ảnh Đức Mẹ để cầu nguyện và kính viếng, trong khi ca đoàn và mọi người hát bài “Lạy Mẹ hiền của Đấng Cứu Chuộc” (Alma Redemptoris Mater). ĐTC trở về Vatican cách đó khoảng 5 cây số.

 

G. Trần Đức Anh OP