10/01/2025

Chúa Nhật III Vọng C: Niềm vui tuyệt vời

Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật Vui Tươi vì các bài Thánh Kinh mời gọi mọi người chúng ta cùng vui với Chúa.Vì thế, chúng ta dành ít phút hôm nay để tìm hiểu về niềm vui tuyệt vời của người tín hữu Kitô và những phương cách nào để giữ được niềm vui ấy.

 

Niềm vui tuyệt vời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật Vui Tươi vì các bài Thánh Kinh mời gọi mọi người chúng ta cùng vui với Chúa. Tiên tri Sôphônia kêu gọi: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion…Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới ngươi” (Sph 3,14-18). Thánh Phaolô cũng nhắc bảo: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” (Pl 4,4).

Vì thế, chúng ta dành ít phút hôm nay để tìm hiểu về niềm vui tuyệt vời của người tín hữu Kitô và những phương cách nào để giữ được niềm vui ấy.

1. Tại sao người tín hữu luôn vui?

1.1. Đời là bể khổ

Đối với nhiều người, khi hưởng thụ vinh hoa, phú quý trong đời sống với chồng giỏi, vợ đẹp, con khôn, với nhà cao, cửa rộng…, họ vẫn cảm thấy chán chường, vô nghĩa, phi lý vì nghĩ đến cái chết cận kề. Cái chết bắt họ phải bỏ lại tất cả trong khi họ muốn được sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi, hạnh phúc mãi mãi.

Đối với nhiều người, nhất là những anh em theo Phật giáo, họ rất tâm đắc với bài giảng về tứ diệu đế của Đức Phật Thích Ca tại thành Bênares (Balanại): “Hỡi chúng sinh, đời là bể khổ, sinh lão bệnh tử là khổ. Muốn mà không được là khổ. Có được mà muốn giữ mãi là khổ. Sự thống khổ này bắt nguồn từ tham vọng, từ lòng dục của con người. Vậy muốn hết khổ phải diệt dục và muốn diệt được lòng dục phải theo bát chánh đạo là 8 con đường hay phương thế đạt tới sự giải thoát (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định” (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Từ điển Phật học Hán Việt, Hà Nội, 1992; Đoàn Trung Côn, Phật Học Từ điển, NXB TPHCM, 1992).

Sự giải thoát này sẽ đạt được nếu trong mỗi kiếp sống, con người cố gắng làm sao cho từng ý nghĩ, lời nói, hành động của mình ngày một tốt đẹp hơn, trong sáng hơn, ngay chính hơn. Rồi sau nhiều kiếp tu thân tích đức, họ thoát khỏi vòng luân hồi mà đạt tới cõi diệt, cõi sáng, cõi hạnh phúc vô lượng vô biên. Để đạt tới điều này, Đức Phật Thích Ca đã trải qua hàng tỷ kiếp và trở nên gương mẫu cho muôn loài noi theo.

1.2. Niềm vui Kitô giáo

Người Kitô hữu hiểu rằng: với thân phận mong manh, giới hạn, tạm thời, con người và vạn vật không bao giờ có thể đạt tới cõi vô hạn, vô biên, vĩnh hằng, siêu việt của thần linh, của Thiên Chúa. Con người tương đối không thể tự mình vươn tới cõi tuyệt đối, không thể tự cứu độ để cho mình sự sống của Thiên Chúa, dù có trải qua hằng triệu kiếp khác nhau. Tuy nhiên con người tràn ngập niềm vui và hy vọng vì Thiên Chúa thật sự đã đến với con người để chia sẻ cho con người và vạn vật đời sống kỳ diệu, quyền năng vô tận, hạnh phúc vô biên của Ngài khi cho Ngôi Lời trở thành người và ở với chúng sinh. Niềm vui con người bắt nguồn từ niềm vui của Thiên Chúa.

Thiên Chúa vui vì Ngài là tình yêu luôn luôn muốn chia sẻ. Vì yêu thương nên Ngài ban Con Một là chính bản thể mình cho con người và vạn vật. Ngài vui sướng tột cùng vì không thể cho gì hơn nữa. Ngài vui vì từ nay muôn loài không còn bị chết chóc, tàn tạ, xấu xí nhưng sống mãi, trẻ đẹp, hạnh phúc mãi mãi như Ngài nếu chúng mở lòng ra đón nhận Ngài với tất cả ý thức và tự do.

Do đó đời người tín hữu tràn ngập niềm vui vì từ nay chỉ cần 1 kiếp sống ở đời này là đủ bước vào cõi vĩnh hằng, thánh thiêng của Thiên Chúa. Họ cũng hiểu rằng từng giây phút mình sống, từng ý nghĩ, cử chỉ, lời nói, việc làm đều có 1 giá trị tuyệt đối, vô song vì được hoà nhập với Ngôi Lời Thiên Chúa.

2. Làm sao giữ trọn niềm vui cho mình và tạo được niềm vui cho người khác?

2.1. Vui không phải vì sở hữu nhưng vì hiện hữu

Nhiều người vẫn nghĩ rằng: muốn vui thì phải có một cái gì đó, sở hữu càng nhiều thì càng vui. Đi dạo quanh Sài Gòn đầy những quán nhậu, cửa hàng, tiệm ăn, nhà hát karaokê, phòng tắm hơi, tụ điểm sân khấu, chúng ta thấy người ta vui thì phải có rượu bia, có ca hát, có gái đẹp… Có người còn nghĩ rằng sở hữu càng nhiều tài sản, tiền bạc thì càng vui vì càng thấy đời mình có giá trị. Công đồng Vatican II nhắc nhở cho ta hiểu rằng: “Giá trị con người căn cứ vào sự hiện hữu chứ không phải vào những cái sở hữu” (Hiến Chế Gaudium et Spes, số 35).

Đối với người tín hữu thời nay cũng giống như người Do Thái thời xưa, chúng ta có thể hỏi Ông Gioan Tẩy giả rằng: “ Chúng tôi phải làm gì?” để cảm nhận được niềm vui và ơn cứu độ mà Đấng Messia hay Đấng Kitô đem đến. Ông mời gọi tất cả nhìn vào đời sống thực tế để chia sẻ trong yêu thương: “Ai có hai áo hãy chia cho người không có. Ai có gì ăn, cũng hãy làm như vậy. Ai làm quan thuế thì đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định. Ai làm binh lính thì đừng ức hiếp, chiếm đoạt của người” (x. Lc 3,10-13). Muốn thật sự tìm được niềm vui, ta cần phải biết chia sẻ những gì mình sở hữu bằng tình yêu nồng nàn như Chúa chia sẻ cho chúng ta để trở thành Đấng Hiện hữu như Ngài (Xh 3,14)

Thánh Phaolô, trong bài đọc II (x. Pl 4,4-7) mời gọi: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa”. Khi Phaolô viết thư này thì Chúa Giêsu Kitô đã đến rồi, đã sống lại rồi nhưng tín hữu bấy giờ đang bị bách hại, bị tù đày, bị bóc lột, bị tước đoạt cả mạng sống. Dù thế Phaolô vẫn nhắc nhở: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa” vì Chúa mới thật là sự sống của ta, còn cái chết ở đời này chỉ là ngưỡng cửa đưa ta vào cõi sống vĩnh hằng. Sự mất mát tài sản, chia lìa vợ chồng con cái đều vô nghĩa vì thật sự tất cả vẫn tồn tại và hiện diện trong Chúa. Sau cái chết, ta lại càng gắn bó mật thiết với nhau hơn.

2.2. Thể hiện niềm vui

Chiều hôm thứ bảy, 15-12-2012, tôi đến Mái Ấm Giêsu ở cuối nhà thờ Nhân Hòa, quận Tân Phú, Tp. HCM, để thăm cộng đồng có 13 bà mẹ trẻ. Thay vì phá thai theo áp lực của gia đình và xã hội, các em quyết giữ thai và sinh con. Các em đã trải qua những tháng ngày đen tối vì người tình bỏ rơi, người thân xua đuổi, phải trốn đến sống một nơi xa lạ, thiếu thốn nhiều thứ. Nhưng các em lại cảm nhận được niềm vui chia sẻ của nhiều Kitô hữu nên 4 em đã xin rửa tội gia nhập đạo Công giáo cùng với con của mình. Chiều đó tôi Rửa Tội cho 10 người. Các chị em nói với tôi: “Chúng con hôm nay vui lắm, vui hơn cả ngày cưới, bởi vì chúng con được trở thành con cái Thiên Chúa, thành hiền thê của Chúa Kitô vì được “rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa ” (Ga 3,16).

Chúng ta cũng đã được rửa bằng Thánh Thần của Thiên Chúa và bằng ngọn lửa Tình yêu như các chị em đó Qua các bí tích nhưng chúng ta có cảm nhận được niềm vui như họ không? Câu hỏi vẫn còn đặt ra cho chúng ta hôm nay: Vậy chúng tôi phải làm gì? Câu trả lời cho niềm vui trọn vẹn, sung mãn không đến từ Gioan Tẩy Giả nữa, nhưng đến từ chính Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chính khi yêu thương cách trong sáng và quảng đại, chia sẻ những ân sủng vật chất hay tinh thần mình sở hữu cho nhau, chúng ta làm gia tăng giá trị hiện hữu của mình: chúng ta thật sự “là” con cái Thiên Chúa, hiền thê Chúa Kitô và bạn hữu của Chúa Thánh Thần. Đó là cách chúng ta giữ được niềm vui cho mình và tạo được niềm vui cho người khác.

Kết luận

Điều áp dụng Lời Chúa tuần này là mỗi sáng khi soi gương chải đầu, trang điểm trước khi đi học, đi làm, ta hãy cười thật tươi với bóng mình trong gương và nói với Chúa rằng: “ Chúa là nguồn vui của con. Con sẽ giữ nụ cười này suốt ngày hôm nay và trao nụ cười này cho tất cả những ai con gặp gỡ”.

Nguồn: HKK