10/01/2025

Đàm phán khí hậu chạy nước rút

Các nhà đàm phán môi trường tại Paris, sau đêm 9-12 làm việc cật lực, đã đưa ra bản dự thảo thoả thuận mới, giải quyết được hơn 2/3 các khác biệt giữa các bên.

 

Đàm phán khí hậu chạy nước rút

 

 

Các nhà đàm phán môi trường tại Paris, sau đêm 9-12 làm việc cật lực, đã đưa ra bản dự thảo thoả thuận mới, giải quyết được hơn 2/3 các khác biệt giữa các bên. 

 

 

 

 

Bản dự thảo mới được rút xuống còn 29 trang so với 43 trang của bản ngày 5-12.

Các nước dự kiến đưa ra một dự thảo nữa sau ngày làm việc được dự kiến là căng thẳng trong ngày 10-12 trước khi tiến hành xác nhận pháp lý để được thông qua vào thời hạn 18g ngày 11-12 (sáng 12-12 giờ Việt Nam).

“Chúng tôi đạt được nhiều bước tiến, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm” – Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, chủ tịch của Hội nghị khí hậu COP21.

Cụ thể, các bên đã đạt được thoả hiệp về tăng cường khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và gần như đã chạm đến sự nhất trí về giám sát việc thực hiện các cam kết.

Theo ngoại trưởng Pháp, việc phân chia trách nhiệm tài chính và mức độ của thoả  thuận chống biến đổi khí hậu vẫn là những bất đồng chính.

Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Edna Molewa chỉ trích rằng hiện nay không có cơ chế nào để buộc các nước giàu hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã xoa dịu bằng tuyên bố rằng từ nay đến năm 2020, Mỹ sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các nước phương Nam nhằm ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, với mức 860 triệu USD vào năm 2020.

Ông cũng cho rằng tình hình đòi hỏi các bên không thể rời Paris mà không có được một thỏa thuận toàn cầu tham vọng và bền 
vững về khí hậu.

Theo New York Times, chỉ vừa gượng dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, châu Âu và Mỹ đang cố chuyền trái banh trách nhiệm tài chính cho những nước mới nổi như Trung Quốc.

Các quan chức phương Tây không tiếc lời khen tinh thần chống biến đổi khí hậu của Bắc Kinh. “Tôi nghĩ Trung Quốc đã tạo nên một sự khác biệt lớn và đã đứng lên mạnh mẽ” – Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói.

Nhưng Bắc Kinh sau đó than thở vẫn còn nghèo. “Trung Quốc xem mình là một quốc gia đang phát triển” – giám đốc Li Junfeng phụ trách chiến lược biến đổi khí hậu của Uỷ ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc nói.

“Mới tuần trước ăn mừng việc trở thành một trong những sức mạnh kinh tế lớn của thế giới khi Quỹ Tiền tệ quốc tế nâng cấp đồng nhân dân tệ vào hàng những đồng tiền dẫn đầu bên cạnh USD, euro, yen và bảng Anh, tuần này họ lại than nghèo” – tờ New York Times mỉa mai.

Theo giới phân tích, các quan chức Trung Quốc lo lắng việc tham gia đóng góp khoản hỗ trợ 100 tỉ USD sẽ khiến Bắc Kinh bị xếp vào những nước công nghiệp hoá và có thể bị áp các giới hạn khắc nghiệt về khí thải nhà kính.

TRẦN PHƯƠNG