”Bé mọn” mà lấp lánh
Anh nói: “Nghề của tôi bé mọn lắm!”. Nhưng có những điều bé mọn khiến cuộc đời lấp lánh hơn. Có những người “bé mọn” âm thầm cho thành phố thắm màu xanh, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
”Bé mọn” mà lấp lánh
Anh nói: “Nghề của tôi bé mọn lắm!”. Nhưng có những điều bé mọn khiến cuộc đời lấp lánh hơn. Có những người “bé mọn” âm thầm cho thành phố thắm màu xanh, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Anh Nguyễn Xuân Sơn (trái) cùng đồng nghiệp vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè – Ảnh: K.Anh |
Anh Nguyễn Xuân Sơn (đội vớt rác trên kênh Xí nghiệp Vận chuyển số 3, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị) đã được Thành uỷ TP.HCM tuyên dương. nhờ nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (giai đoạn 2014-2015).
Trả lại màu xanh cho dòng kênh
Tiếng máy hụ lên, chiếc xuồng vớt rác lao vào dòng kênh. Anh Sơn điều khiển chiếc xuồng ngược làn nước về hướng cầu Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh), đến đoạn rạch Xuyên Tâm rác ken đặc mặt nước rồi neo xuồng lại. Cùng hai công nhân vệ sinh khác, anh Sơn nhanh tay cầm vợt múc lên từng đống rác đổ vào thùng, mùi tanh nồng cũng bay theo.
“Chỉ sau một đêm, rác theo dòng chảy từ rạch đổ vào nhiều lắm. Anh em chúng tôi phải đi làm từ 5-6 giờ sáng để dọn bớt rác cho dòng kênh, bà con có đứng hai bên bờ kênh tập thể dục cũng không còn thấy rác và mùi hôi nữa. Tôi cũng như anh em vệ sinh đều mong mỗi ngày rác ít đi thì dòng kênh sẽ được trả lại màu xanh” – anh Sơn nói.
Trưa nắng rát da nhưng anh cùng đồng nghiệp vẫn miệt mài cho xuồng rảo trên kênh gom từng mẩu rác một cách cần mẫn. “Nắng quá, mùi tanh của bùn đất quyện với rác rưởi làm anh em dù đeo khẩu trang cũng có khi muốn nôn ọe. Đấy chỉ là lúc mới đầu xuống kênh nhưng đã ba năm qua rồi, ai cũng phải quen” – anh Sơn nói tiếp.
Ngay từ đầu anh Sơn đã chọn công việc làm công nhân vệ sinh cho dù “Ban đầu tôi nghĩ nghề này bé mọn lắm dù vẫn còn nhiều nghề khác không cần bằng cấp để chọn” – anh Sơn bộc bạch. Năm 2003, chàng trai tuổi đôi mươi đã trở thành anh chàng lơ… xe rác. Ngày ngày rảo khắp các tuyến đường được phân công để hốt xà bần, rác do người dân lén đổ đống hai bên đường, để sớm mai thức dậy, thành phố như được khoác chiếc áo mới hơn, sạch hơn.
Khi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sắp hoàn thành giai đoạn cải tạo, biết xí nghiệp chuẩn bị thành lập đội vớt rác trên kênh, anh Sơn đã xin được đi học lái xuồng. Khi có bằng tài công cũng là lúc anh được điều động về lái xuồng vớt rác trên kênh. Tiếng là tài công cho oai chứ thật ra anh cũng trực tiếp vớt rác với anh em “cùng hội cùng thuyền”. Mỗi xuồng vớt rác ngoài tài công còn có hai công nhân đứng hai mạn tàu cầm cây sào dài để lùa rác vào túi lưới. Nhiều lúc còn phải lặn ngụp tháo rác vướng vào chân vịt…
Anh Nguyễn Văn Luyến, công nhân vệ sinh, chia sẻ: “Lần nào đi chung xuồng với Sơn tôi cũng thấy anh ấy nhiệt tình cùng anh em khiêng đủ các loại rác, lúc chiếc ghế lò xo, khi cái nệm trĩu nước… Sơn không nề chi chuyện nặng nhọc đâu”.
“Nhà tâm lý” cứu người
Để bảo dưỡng và quản lý xuồng, anh em công nhân của đội phải chia nhau trực đêm. “Ngày nắng thì đỡ chứ mùa mưa nhiều đêm phải đội áo mưa xuống xuồng tát nước không để xuồng chìm. Làm nghề này tụi tôi quý chiếc xuồng như gia tài của mình vậy” – anh Sơn cho biết. Và trong những ca trực đêm ấy anh đã nhiều phen phải lao mình cứu người nhảy xuống kênh tự tử.
Cả ba lần anh Sơn ra tay cứu người đều là ba cô gái còn trẻ. Những lúc ấy anh không dễ dàng để đưa họ lên xuồng ngay được mà còn phải làm “nhà tâm lý”. Lần đó, khi nghe người dân tri hô cứu người nhảy kênh tự tử, đến nơi anh chìa tay ra nhẹ nhàng nói cô gái nắm lấy tay mình. Ngay sau đó có một chàng trai nhảy xuống xuồng, cô gái lại buông tay anh và ngụp xuống nước.
“Tôi hiểu có lẽ cô gái đang rất giận chàng trai nên nhảy xuống kênh, tôi bèn nói chàng trai kia lên bờ, lánh đi chỗ khác. Tôi nói: Em gái ơi, em có thương bản thân mình không? Trên đời này không quen người này thì mình quen người khác, đâu chỉ có mỗi anh trai ấy đâu. Cái chết không giải quyết được gì đâu em gái” – anh Sơn kể lại. Không ngờ sau khi nghe anh Sơn nói, cô gái bám vào xuồng.
Đêm 20 tháng chạp năm ngoái, khi nhà nhà chộn rộn không khí đón xuân, ca trực cuối năm của anh Sơn lại thêm chuyện để nhớ khi nửa đêm anh cũng lao đi cứu một cô gái nhảy kênh sau tiếng tri hô của vài người đi đường.
“Đến nơi tôi thấy một cô gái không mặc quần áo đang ngụp dưới dòng kênh. Tôi nói cô gái bình tĩnh, chỉ còn vài ngày nữa tết rồi. Chết giờ này gia đình em, cha mẹ em sẽ buồn lắm. Đừng phí tuổi trẻ của mình em ơi” – anh Sơn nhớ lại. Rồi cô gái cũng nghe theo, anh phải cởi đồ đưa cô gái mặc. Cô gái lên bờ nói “cảm ơn anh trai” rồi theo công an về phường.
“Chạy xe về nhà vợ hỏi quần áo đi làm đâu, tôi kể lại chuyện đã tặng cô gái tự tử đêm qua. Nhiều lúc nghĩ lại thấy vẫn mắc cười” – anh Sơn hóm hỉnh nói.
Ông Phan Học Hải, đội trưởng đội vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cho biết mỗi ngày đội vớt ít nhất hơn 5 tấn rác, ngày cao điểm lên đến hơn 20 tấn. Nếu là mùa gió chướng, rác và lục bình từ sông Sài Gòn đổ vào nhiều, đội vớt rác có 38 công nhân phải làm việc cật lực suốt ngày. “Ở đây làm việc hết rác chứ không hết giờ” – ông Hải nói. Nói về anh Sơn, ông Hải cho biết anh Sơn luôn là người gương mẫu trong công việc. Là tài công nhưng thường xuyên vớt rác cùng anh em, trực tiếp tham gia cứu người trong những ca trực đêm. Tại đơn vị, anh Sơn luôn được bình bầu là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền. |