09/01/2025

ĐTC nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ăn năn sám hối

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 06.12.2015, Đức Thánh Cha đã nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ăn năn sám hối, cũng như lời mời gọi lên đường mang Tin Mừng đến cho người chưa nhận biết Chúa. Đức Thánh Cha cũng bày tỏ những mong chờ của ngài với Hội nghị về Biến đổi Khí hậu đang được nhóm họp tại Paris.

ĐTC nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ăn năn sám hối
 

Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha: Chúa Nhật II Mùa Vọng – AFP

VATICAN – Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 06.12.2015, Đức Thánh Cha đã nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ăn năn sám hối, cũng như lời mời gọi lên đường mang Tin Mừng đến cho người chưa nhận biết Chúa. Đức Thánh Cha cũng bày tỏ những mong chờ của ngài với Hội nghị về Biến đổi Khí hậu đang được nhóm họp tại Paris.

Trong bầu không khí se lạnh của tiết trời mùa Đông, hàng chục ngàn tín hữu đã đến tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha Phanxicô. Đúng 12 giờ, Đức Thánh Cha xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của căn hộ giáo hoàng ở Dinh Tông Toà để bắt đầu buổi đọc kinh. Trong bài huấn dụ ngắn, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa của những bài đọc trong Chúa Nhật II Mùa Vọng.


Huấn dụ của Đức Thánh Cha

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong Chúa Nhật thứ hai mùa Vọng, phụng vụ của Giáo hội cho chúng ta nghe lời rao giảng của Gioan Tẩy giả, kêu gọi “người ta chịu phép rửa tỏ lòng ăn năn sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3,3). Chúng ta cũng phải hỏi mình rằng: “Tại sao chúng ta phải ăn năn sám hối? Hành vi hoán cái khiến một người từ vô thần trở thành người có niềm tin, từ kẻ tội lỗi trở thành người biết làm những việc tốt lành, thánh thiện. Nhưng không phải chúng ta đã là những Kitô hữu rồi sao? Như vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận ra hệ quả tất yếu của giả định mà tôi vừa nêu ra: phải ăn năn sám hối. Đừng cho rằng mọi sự đều ổn và chúng ta không cần phải hoán cải. Tuy nhiên, chúng ta thử hỏi mình xem trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau của cuộc sống, chúng ta có hành xử như Đức Giêsu chưa? Khi phải chấp nhận những điều sai trái, không công bằng hay khi bị lăng nhục, chúng ta có thể hành xử mà không mang trong lòng sự hận thù nhưng lại sẵn sàng tha thứ cho người nài xin chúng ta? Khi được mời gọi chia sẻ niềm vui và đau khổ, chúng ta có biết chân thành khóc với những ai đang than khóc và biết vui cười với những ai đang vui cười không? Khi chúng ta diễn tả đức tin của mình, chúng ta có biết diễn tả với sự can đảm và đơn sơ chứ không cảm thấy xấu hổ về Tin Mừng không?

Ngày hôm nay, tiếng hô của Gioan Tẩy Giả vẫn còn mãi vang vọng trong những hoang địa nhân sinh, khi người ta có một não trạng luôn đóng kín và những con tim chai cứng. Chúng ta cũng phải khỏi mình rằng liệu trong thực thế chúng ra có đang bước đi trên con đường ngay chính, có đang sống theo Tin Mừng hay không. Ngày hôm nay, Gioan Tẩy Giả cảnh tính chúng ta với những lời của Tiên tri Isaia: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để người đi.” Đây là một lời mời gọi cấp bách, thúc dục mở cửa tâm hồn và đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta, vì muốn tất cả chúng ta được tự do khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Ơn cứu độ được trao ban cho tất cả mọi người, cho tất cả mọi dân tộc, không trừ một ai, vì Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng Trung Gian Duy Nhất.

Do đó, mỗi người chúng ta được mời gọi để làm cho nhưng người chưa biết Đức Giêsu được nhận biết Ngài: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), Thánh Phaolô đã tuyên bố như thế. Còn với chúng ta, Đức Giêsu đã biến đổi cuộc đời chúng ta, thì tại sao chúng ta lại không cảm thấy say mê để làm cho những người mà chúng ta gặp gỡ nơi làm việc, nơi trường học, công sở, bệnh viện… được nhận biết Đức Giêsu? Nếu để ý xung quanh, chúng ta sẽ thấy rất nhiều người luôn sẵn sàng để bắt đầu hoặc bắt đầu lại hành trình đức tin của mình nếu người đó gặp được những Kitô hữu thật sự yêu Đức Giêsu. Chúng ta không phải và không thể là những Kitô hữu đó sao? Chúng ta phải can đảm bạt cho thấp những núi đồi ngạo mạn và ghanh ghét, lấp cho đầy những thung lũng thờ ơ và lãnh đạm, sửa cho thẳng những con đường biếng nhác và thoả hiệp.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta phá vỡ những hàng rào ngăn cách và chướng ngại cản trở chúng ta ăn năn hoán cải, cản trở chúng ta bước đi trên con đường gặp gỡ Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa, chỉ có Đức Giêsu mới có thể lấp đầy những hy vọng của con người mà thôi.”

Sau khi cùng mọi người đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành Toà Thành, Đức Thánh Cha nói:

“Tôi đang chăm chú theo dõi những diễn biến của Hội nghị về Biến đổi Khí hậu được tổ chức ở Paris, và tôi được nhắc nhớ về một câu hỏi mà tôi nêu ra trong Thông điệp Laudato sì: “Chúng ta muốn trao cho thế hệ mai sau, cho các trẻ em đang phát triển một thế giới như thế nào?” (số 160). Vì lợi ích của ngôi nhà chung, lợi ích của tất cả chúng ta và của các thế hệ tương lai, Hội nghị diễn ra ở Paris đang nỗ lực để nhắm đến việc làm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời, cũng tìm cách để xóa bỏ nghèo đói và làm triển nở phẩm giá con người. Chúng ta cùng cầu nguyện để Thánh Thần soi sáng cho tất cả những ai được mời gọi đưa ra những quyết định quan trọng như thế, và ban cho họ sự can đảm để luôn giữ vững những tiêu chuẩn chọn lựa cho những lợi ích tốt đẹp hơn của toàn thể gia đình nhân loại.

Ngày mai cũng là ngày kỷ niệm lần thứ 50 của một sự kiện đáng nhớ giữa Công giáo và Chính thống giáo. Vào ngày 7.12.1965, đêm trước khi kết thúc Công đồng Vatican II, với một Tuyên bố chung của Đức Giáo hoàng Phaolô VI và của Đức Thượng phụ Atenagora, những kết án phạt vạ tuyệt thông giữa Giáo hội Roma và Giáo hội Costantinopoli vào năm 1054 đã được xoá bỏ. Những hành vi của sự hoà giải ấy đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho một cuộc đối thoại mới giữa Chính thống và Công giáo trong tình yêu và sự thật. Đặc biệt, biến cố này lại được kỷ niệm ngay trước thềm Năm Thánh Lòng Thương Xót. Không có một cuộc hành trình chân thành hướng tới sự hiệp nhất mà không đòi hỏi sự tha thứ của Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau về những lỗi lầm chia rẽ, phân cách. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho Đức Thượng Phụ Bartolomeo cũng như những vị Thượng Phụ khác của Giáo hội Chính Thống. Chúng ta nài xin Thiên Chúa để tình liên đới giữa Công giáo và Chính thống giáo luôn được gợi hứng bằng tình yêu thương huynh đệ.

Ngày hôm qua (05.12) ở Chimbote (Peru), Giáo hội cũng đã tôn phong 3 Chân phước Michele Tomaszek, Zbigniew Strzałkowski và Alessandro Dordi. Các ngài đã bị xử tử trong cuộc bách hại đạo năm 1991. Sự trung thành của các vị tử đạo trong việc bước theo Đức Giêsu sẽ thêm sức cho mỗi người chúng ta, đặc biệt những Kitô hữu đang bị bách hại tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới, can đảm làm chứng cho Tin Mừng.”

Cuối cùng, Đức Thánh Cha đã chào các tín hữu đến từ khắp nơi trong nước Italia và trên thế giới đã tụ họp trong buổi đọc Kinh Truyền Tin này.
 

Vũ Đức Anh Phương