Trước khi trở thành nhân viên cứu hộ linh trưởng, K’Thanh Hoài (50 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tà Lài, H.Tân Phú, Đồng Nai) từng là thợ săn, tàn sát thú rừng khắp khu vực Cát Tiên.
Từ cái chết của khỉ mẹ
Trước khi trở thành nhân viên cứu hộ linh trưởng, K’Thanh Hoài (50 tuổi, ngụ ấp 4, xã Tà Lài, H.Tân Phú, Đồng Nai) từng là thợ săn, tàn sát thú rừng khắp khu vực Cát Tiên.
Đợi đến gần trưa, K’Thanh Hoài mới đạp xe băng rừng về với bịch cào cào và lá cây làm thức ăn cho cu li, vượn… K’Thanh Hoài người tầm thước, dáng dấp lực điền, nói chuyện bộc trực, thẳng thắn và nụ cười rất thân thiện. Mọi người ở Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên vẫn gọi ông bằng tên thân thiết là K’Hoài.
“Sát thủ” từ tuổi 14
Như nhiều người dân tộc Mạ ở xã Tà Lài (H.Tân Phú), tuổi thơ của K’Hoài lớn lên trong những cánh rừng ở Cát Tiên nên nhanh chóng gắn với nếp sống săn bắn, hái lượm. Cả làng của K’Hoài đều sống với nương rẫy, đi rừng múc dầu rái, đặt bẫy và săn bắn thú rừng. Năm 14 tuổi, K’Hoài đã cầm ná theo những người lớn tuổi trong làng vào rừng sâu săn thú. Dấu chân của K’Hoài gần như đã phủ khắp núi rừng, ông thuộc rừng như lòng bàn tay, nhớ như in từng con dốc và cả đường đi, tập tính của thú hoang.
Thời điểm năm 1980, cánh rừng vùng Cát Tiên, nơi giáp ranh giữa Lâm Đồng, Bình Phước và Đồng Nai còn hoang sơ, đầy rẫy động vật hoang dã đến kiếm ăn. “Rừng thời đó đầy thú hoang như nai, hoẵng, khỉ, heo rừng… kéo từng đàn ra tận ngoài bìa rừng ăn bắp, lúa trên nương rẫy. Ban ngày, tôi dắt chó đi săn rùa, kỳ đà, nhím. Ban đêm treo cái đèn trên trán đi vào rừng săn cheo, chồn, hoẵng, cu li. Mùa mưa, một mình tôi chèo xuồng độc mộc ngược lên cầu Suối Tượng, vòng qua suối Đá Bàn lên tận vùng rừng giáp Lâm Đồng để săn bắn”, K’Hoài nhớ lại. Thú rừng săn được nhiều đến nỗi, K’Hoài phải làm thịt nướng hoặc phơi khô treo đầy gác bếp để ăn dần.
Gác ná, bẻ tên
Hằng ngày, K’Hoài thường vào rừng hái các loại lá cây rừng về cho vượn, voọc ăn – Ảnh: Tiểu Thiên
Giọng K’Hoài bỗng chùn lại, khi ông kể về nỗi ám ảnh lớn nhất trong lần đi săn của mình. Lần đó, K’Hoài đi săn với người anh rể và đứa cháu. Vừa thấy con khỉ đuôi dài đang ngồi ăn lá non trên bụi tre, đàn chó săn của K’Hoài ngay lập tức bao vây. Lựa thế thuận tay, K’Hoài giương ná, mũi tên xé gió lao vút cắm thẳng vào bụng con khỉ. Tuy trúng tên nhưng con khỉ vẫn một tay nắm lấy cành tre, một tay gỡ đứa con đang ôm chặt dưới bụng trao cho con khỉ đực.
“Khi thấy con khỉ đực bế con nhỏ leo tít lên cao trốn thoát, khỉ cái mới chịu buông tay rơi xuống đất. Tôi thấy nước mắt con khỉ cái chảy dài ướt cả khuôn mặt như không muốn chia lìa với gia đình của nó. Lúc này, tôi nói anh rể đừng bắn nữa, mình bắn nó cũng như người ta bắn vợ con mình vậy đó. Người anh rể nghe lời nên bỏ về”, K’Hoài kể lại với vẻ rất buồn. Ám ảnh với sự chia lìa của gia đình khỉ cộng với thời điểm Chính phủ ra lệnh bảo tồn, cấm săn bắn ở rừng Cát Tiên (năm 1989) nên K’Hoài cũng “gác ná, bẻ tên”, từ bỏ việc săn bắn thú rừng.
Khi thấy con khỉ đực bế con nhỏ leo tít lên cao trốn thoát, khỉ cái mới chịu buông tay rơi xuống đất. Tôi thấy nước mắt con khỉ cái chảy dài ướt cả khuôn mặt như không muốn chia lìa với gia đình của nó
K’Hoài
Trở thành người cứu hộ động vật
Năm 1996, lãnh đạo VQG Cát Tiên thấy K’Hoài thường xuất hiện trong các chương trình văn hóa lễ hội dân tộc nên nhận về làm kiểm lâm. “Lãnh đạo vườn nói tôi là người dân tộc dễ vận động, tuyên truyền bà con đừng phá rừng, đừng săn bắn. Thế là tôi vận động 10 hộ gia đình cùng tham gia trồng 200 ha rừng. Trồng rừng xong thì tôi về làm tại trạm kiểm lâm cơ động của vườn”, K’Hoài kể lại.
Sau khi VQG Cát Tiên thành lập Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Đảo Tiên (năm 2008), chuyên cứu hộ, bảo tồn các loại vượn, vọc, cu li… K’Hoài chuyển qua làm nhân viên cứu hộ động vật.
“Tiến sĩ Marina Kenyon Ann (quản lý trung tâm) biết tôi là người dân tộc bản địa, am hiểu các con thú, biết chúng ăn lá, quả cây gì nên yêu cầu lãnh đạo vườn biệt phái tôi sang trợ giúp cho trung tâm”, K’Hoài nói về cơ duyên đưa anh trở thành người cứu hộ động vật. Tháng 5.2008, K’Hoài cùng 3 cán bộ của VQG Cát Tiên được cử sang Trung tâm cứu hộ linh trưởng Pingtung (Đài Loan) để học kỹ năng cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã. Từ đó đến nay, K’Hoài cùng với các nhân viên trung tâm đã cứu hộ và chăm sóc cho gần cả trăm cá thể linh trưởng quý hiếm bị con người săn bắt, nuôi nhốt. Những con thú được cứu hộ về trung tâm hầu hết đều bị bệnh tật rất nặng. K’Hoài cùng nhân viên trung tâm theo dõi chữa trị, chăm sóc sức khoẻ và tập phục hồi bản năng để trả chúng về môi trường tự nhiên.
Thú cũng muốn tự do như người
K’Hoài có bốn người con, hai con gái lớn đều làm nghề hướng dẫn viên, chuyên đưa khách đi du lịch sinh thái cộng đồng, giới thiệu văn hoá dân tộc ở địa phương. Vợ K’Hoài ở nhà dệt thổ cẩm, quảng bá sản phẩm văn hoá dân tộc. K’Hoài chia sẻ: “Mình vẫn thường nói với bà con, kiểm lâm giữ rừng một mình thì không nổi nên bà con phải cùng tham gia. Người dân tham gia bảo vệ rừng vừa có tiền lại không phạm pháp. Còn cứ đi rừng, may thì được ăn, không may thì kiểm lâm bắt rồi bị đi tù, không những khiến vợ con xấu hổ mà còn thiệt hại tiền bạc của cải”.
Dẫn chúng tôi đi tham quan trung tâm, K’Hoài cho hay tính cách các con thú ở đây đều được ông ghi nhớ nằm lòng. Khi nghe tiếng hú, tiếng kêu ông đoán biết được chúng đang ghen tuông, giận dữ hay tranh hơn thua với nhau. Đưa tay gãi lưng con vượn đen má vàng, K’Hoài vui vẻ nói: “Cứ thấy tôi đến là chúng xúm lại bên cạnh chuồng nhảy làm trò đủ thứ, có con được cho ăn sau thường hờn dỗi, có khi còn cào xé tay tôi đau điếng”. Ngoài thời gian làm ở trung tâm, K’Hoài còn thường xuyên đi vào rừng tìm lá cây, bắt cào cào, châu chấu cho linh trưởng ăn. K’Hoài cho hay: “Thức ăn chủ yếu của vượn, voọc gồm lá rừng như sung, kẹp, bứa, tam lang, lộc vừng… Phải cho ăn như vậy thì khi thả về chúng mới tự kiếm ăn và sống được”.
Không muốn nhắc nhiều đến quá khứ làm “sát thủ” núi rừng, K’Hoài tâm sự: “Con thú cũng như người, nó cũng muốn được sống tự do. Trước kia do mình không biết, theo tập tục săn bắt hái lượm của ông bà nên đã xâm hại đến chúng. Giờ Chính phủ kêu gọi, các chuyên gia nước ngoài cũng tới cứu hộ, bảo tồn, mình thấy hay và ý nghĩa nên tham gia cùng với họ để bảo vệ thú rừng”. Bác sĩ Nguyễn Văn Cường (bác sĩ thú y Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG Cát Tiên), chia sẻ: “Ở trung tâm K’Hoài làm việc với tinh thần và trách nhiệm cao, tâm huyết với công tác bảo vệ động vật”. Còn ông Nguyễn Thế Việt, quyền Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, nhận xét: “K’Hoài vốn là người bản địa, có kỹ năng sống trong rừng núi, biết nhiều về các loại lá cây, trái dại mà động vật hay ăn. Hơn nữa anh từng làm kiểm lâm nên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, cứu hộ động vật ở vườn rất tốt”. Ông Việt nói thêm: “Cả K’Hoài và vợ anh đều rất uy tín ở địa phương. Từ khi tham gia công tác ở vườn, K’Hoài có thêm nhiều kỹ năng để tuyên truyền, giáo dục về việc bảo vệ rừng, động vật hoang dã rất hiệu quả và được bà con tin tưởng, nghe theo”.