09/01/2025

Chúa Nhật II MV-C: Sửa lại con đường của Chúa

Một đường thẳng, theo toán học, được tạo thành bởi muôn vàn chấm li ti liền nhau. Những hành động thường ngày của ta, của người khác chính là những chấm nhỏ tạo nên con đường lịch sử của đời ta hay của thế giới. Vậy chúng ta sẽ sửa con đường thế nào để tạo nên lịch sử tốt đẹp?

 

Sửa lại con đường của Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh hôm nay đều nhắc đến việc sửa lại con đường cho Chúa. Tiên tri Baruch trong bài đọc I đã loan báo rằng: “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng từ lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu để Israel tiến bước an toàn” (Br 5,1-9). Còn tiên tri Gioan Tẩy Giả cũng lặp lại lời loan báo của tiên tri Isaia cho tất cả những ai đang mong chờ Chúa đến: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4.6).

Trong ít phút này, chúng ta cùng tìm hiểu con đường của Chúa được hình thành trong con người ta như thế nào và phải làm gì để sửa con đường đó cho ngay thẳng?

1. Con đường của Chúa được thành hình như thế nào?

Trong tuần qua chúng ta nói về 3 lần Chúa đến: lần đầu cách đây hơn 2000 năm, Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại để đem tính vĩnh hằng, vô tận, vô biên, siêu việt cho muôn loài khi Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người, trở thành Đức Giêsu Kitô. Lần cuối Thiên Chúa đến trong vinh quang để hoàn thành cho vũ trụ trần thế tất cả những gì tốt lành, như thánh Phaolô nhắc đến trong bài đọc II hôm nay: “Ngài sẽ đưa công cuộc rao giảng Tin Mừng tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Giêsu Kitô quang lâm” (Pl 1.6). Giữa hai lần Chúa đến đó, có lần thứ 3, nối kết lần đầu và lần cuối, tạo thành con đường của Chúa cũng là con đường của từng người chúng ta, khi chúng ta mở lòng ra để đón tiếp Người. Chúa Giêsu nói: “Nếu ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở với người ấy” (Ga 14,23).

Như thế, lần đầu Chúa đến trong lịch sử nhân loại. Lần cuối Chúa hoàn thành lịch sử của vũ trụ. Lần giữa, Chúa tác động đến lịch sử của từng con người. Cả ba lịch sử đều hoà nhập thành một trong nhau tạo thành con đường của Chúa. Khi nhắc đến lịch sử, người ta thường hiểu theo định nghĩa của Từ điển Tiếng Việt: là “quá trình phát sinh, phát triển đã qua hay cho đến tiêu vong của một hiện tượng, một sự vật nào đó” như khi nói lịch sử Việt Nam, lịch sử Thế giới Hiện đại, lịch sử nghề Gốm, lịch sử của một cuốn tiểu thuyết hay lịch sử của đời ta (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005).

2. Quan niệm lịch sử theo đường tròn

Về phương diện lịch sử và thời gian, con người thường có hai quan niệm: quan niệm theo đường tròn và quan niệm theo đường thẳng. ĐTC Gioan Phaolô trong Tông thưTiến tới Thiên Niên kỷ thứ 3, tài liệu chuẩn bị cho Năm Thánh 2000, đã nói đến hai quan niệm này ở số 9 và số 10.

Quan niệm lịch sử theo đường tròn hay quan niệm huyền thoại về cuộc luân hồi. Đây là quan niệm của rất nhiều người, nhiều dân tộc khi cho rằng lịch sử chỉ là việc lặp đi lặp lại những hành động đã có từ đầu như vòng quay của thời gian. Buổi sáng mặt trời mọc lên, buổi chiều mặt trời lặn xuống…và ngày hôm sau cũng như vậy. Hàng tháng, trăng tròn rồi trăng khuyết, tháng sau lặp lại như thế. Một năm có Xuân, Hạ, Thu, Đông; năm sau bốn mùa lại bắt đầu. Nếu tính năm nay là Ất Mùi, năm tới là Bính Thân thì 60 năm lại bắt đầu một vòng quay mới.

Cuộc đời con người cũng giống như vậy: mỗi ngày thức dậy đánh răng, rửa mặt, ăn sáng, đi học/ đi làm – rồi ăn trưa, nghỉ một tí rồi lại đi học/ đi làm – tối ngủ. Ngày hôm sau người ta lặp lại những hành động tương tự và dường như chẳng có gì mới mẻ, nhiều khi còn thấy vô nghĩa. Vô nghĩa vì đánh răng, học hành, làm việc như vậy để làm gì; nếu thân xác một ngày kia tan rã, kiến thức rồi cũng lụi tàn, tiền của, danh vọng cũng chẳng mang được gì sang bên kia thế giới! Vì thế, những nhà triết học hiện sinh vô thần đã cho cuộc sống là phi lý.

Nếu không có một người làm chủ lịch sử để ghi nhận tất cả những hành động tạo nên cuộc đời của con người, của thế giới thì việc lặp đi lặp lại chúng là một chuyện hết sức nhàm chán vì vòng quay của con người hay vũ trụ chỉ tận cùng bằng sự bất toàn, hữu hạn, tạm thời, tương đối. Con người và vạn vật không thể tự cứu thoát chính mình, tự cho mình giá trị vĩnh hằng, tuyệt đối, vô biên. Để tránh sự nhàm chán này, một số tôn giáo đã nói đến nhiều số kiếp của con người và cho rằng mỗi kiếp người theo định luật nhân quả đều có giá trị để thúc đẩy tất cả phải cố gắng vận động tốt đẹp hơn, thì một kiếp nào đó, sau hàng tỷ tỷ kiếp nối tiếp nhau, con người mới có thể đạt tới mức thanh tẩy trọn vẹn mà thoát khỏi vòng luân hồi để đi vào cõi thiên đàng, vào niết bàn, vào cõi diệt, cõi vô biên.

3. Quan niệm lịch sử theo đường thẳng

Quan niệm thứ hai: lịch sử tiến theo đường thẳng, trong đó mọi sự việc, biến cố trong đời của con người hay vạn vật đều được hướng dẫn, hoạch định theo một chương trình nào đó bởi người chủ của lịch sử. Người chủ hướng dẫn lịch sử ở đây chính là Thiên Chúa. Đây là quan niệm của người Do Thái, cũng là của tất cả những người tín hữu Kitô giáo chúng ta. Khi ta tin rằng Thiên Chúa hướng dẫn toàn bộ lịch sử của đời ta, của nhân loại hay của vũ trụ theo chương trình hay kế hoạch yêu thương của Ngài thì chúng ta sẽ thấy rằng tất cả những sự kiện, những biến cố trong đời ta đều có ý nghĩa tuyệt vời. Thiên Chúa đã làm người để hoà mình vào vũ trụ vật chất, Người đưa giá trị vĩnh hằng, yếu tố siêu việt vào trong đời ta, hướng tất cả mọi loài về điểm chung kết của lịch sử là trở về với Ngài. Đó là con đường của Thiên Chúa và cũng là con đường của con người và vạn vật.

Hành động nhập thể và nhập thế của Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành Đức Giêsu Kitô đã đem lại ý nghĩa cho lịch sử. Lịch sử này tạo nên con đường của mỗi người chúng ta, của gia đình nhân loại và của toàn thể vũ trụ vì ta là thành phần của gia đình nhân loại và là thành phần của vũ trụ. Một lời nói, một nụ cười, một hành động của ta tác động đến những người xung quanh và tác động đến cả vạn vật quanh mình.

Một đường thẳng, theo toán học, được tạo thành bởi muôn vàn chấm li ti liền nhau. Những hành động thường ngày của ta, của người khác chính là những chấm nhỏ tạo nên con đường lịch sử của đời ta hay của thế giới. Có những hành động ngay thẳng, tốt đẹp, nhưng không thiếu những hành động mờ ám, xấu xa làm cho con đường bị ngắt quãng, mờ mịt, cong queo. Vậy chúng ta sẽ sửa con đường thế nào để tạo nên lịch sử tốt đẹp?

4. Sửa lại con đường của Chúa

Khi cầm bút vẽ một đường thẳng ta cảm thấy khó khăn, nhất là khi muốn vẽ thật dài. Con người cảm thấy bất lực nếu muốn vẽ một đường thẳng dài vô tận, có thể nối kết với Đấng Vô biên. Muốn thẳng phải dùng thước. Lịch sử của chúng ta cũng cần có một thước kẻ, một nguyên tắc, một tiêu chuẩn thì mới vẽ được con đường thẳng tuyệt đối đó, mới căn cứ vào đấy để sửa đổi mọi con đường cho ngay thẳng, cho bằng phẳng. Thước kẻ hay nguyên tắc căn bản đó chính là Đức Giêsu Kitô, Người đã vẽ nên con đường sự thật giải thoát và sự sống vĩnh hằng (x. Ga 14,6) cho lịch sử của mọi người và mọi vật noi theo.

Nhưng đường đời đâu phải lúc nào cũng dễ dàng, bằng phẳng, tốt đẹp! Nguyễn‎ Bá Học đã từng nói: “Ví thử đường đời cũng bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai! Cuộc sống không phải lúc nào cũng thành công như chúng ta mong muốn: chúng ta vẫn gặp những thất bại, bệnh tật và những biến cố bất lợi trong cuộc sống do sự yếu đuối, tham vọng và dục vọng của chính mình cũng như của người khác. Nhưng Thiên Chúa, người chủ của lịch sử, luôn nhìn thấy tất cả và ban ơn trợ giúp để chúng ta vượt qua và thực hiện chương trình yêu thương cứu độ của Ngài.

Chúa đã để cho Con của Ngài thất bại, chết nhục nhã trên thập giá, nhưng đó là kế hoạch yêu thương cứu độ của Chúa. Cuối cùng Đức Giêsu đã sống lại để mang ơn giải thoát cứu độ ta; thì Chúa có thể để cho đường đời của ta gặp nhiều thăng trầm, gian truân, bất trắc rồi Chúa sẽ xoay chuyển thành tốt đẹp cho ta cũng như cho Ngài, miễn là ta luôn tin yêu và hành động theo đúng ý Ngài như Đức Giêsu Kitô.

Vì thế, chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa, hãy xin Chúa ban sức mạnh, tình yêu để sửa lại đường đời chúng ta cho ngay thẳng. Thánh Phaolô đã gợi ý: “Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (Pl 1,9-10).

Lời kết

Chúng ta dâng lên cho Chúa tất cả sự cố gắng của ta, xin Chúa cho chúng ta chỉ nghĩ điều tốt đẹp, chỉ nói lời chân thành, chỉ làm việc chính đáng để đường đời chúng ta vẽ lên trong từng giây phút trở thành con đường tốt đẹp của Chúa. Nhờ đó chúng ta trở thành hình ảnh sống động của Chúa Giêsu Kitô, Dung mạo của Lòng Chúa Thương Xót, mà chúng ta sắp sửa khai mạc Năm Thánh đặc biệt vào ngày 8/12/2015 trong tuần này tại Rôma và tuần sau tại các nơi trên khắp thế giới.