29/11/2024

Báo cáo tác động thuỷ điện trên dòng Mekong còn nhiều thiếu sót

Còn rất nhiều hạn chế, chưa chính xác, không đáp ứng về mặt khoa học… trong báo cáo đánh giá tác động của 11 công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong lên châu thổ Cửu Long (MDS).

 

Báo cáo tác động thuỷ điện trên dòng Mekong còn nhiều thiếu sót

 

 

 

Còn rất nhiều hạn chế, chưa chính xác, không đáp ứng về mặt khoa học… trong báo cáo đánh giá tác động của 11 công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong lên châu thổ Cửu Long (MDS).


 

 

 



GS.TS Nguyễn Ngọc Trân trao đổi với chuyên gia tại hội thảo - Ảnh: Q.Khải
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân trao đổi với chuyên gia tại hội thảo – Ảnh: Q.Khải

 

 

Nhiều nhà khoa học đã đánh giá như trên về báo cáo do Uỷ ban sông Mekong Việt Nam, Bộ Tài nguyên – môi trường ký hợp đồng với Viện DHI (Thuỵ Điển) thực hiện.

Những ý kiến này được nêu ra tại hội thảo quốc tế “Nghiên cứu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính Mekong” do Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) tổ chức tại TP.HCM ngày 4-12.

Cần nghiên cứu thêm

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân (nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long) cho biết còn rất nhiều vấn đề trong báo cáo MDS cần được trao đổi, làm rõ, nghiên cứu thêm bởi mức độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu thể hiện trong báo cáo là không cao.

Cùng chung nhận định, PGS.TS Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), nêu: Trong báo cáo MDS chưa đưa những số liệu về các đập thuỷ điện phía thượng nguồn của Trung Quốc vào nghiên cứu.

Điều này sẽ dẫn đến việc không thể dự đoán được việc xả nước về hạ lưu của các đập thuỷ điện trên.

Theo TS Tuấn, hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi nguồn nước, thế nhưng trong báo cáo MDS đã không đưa yếu tố này vào để tính toán.

Nhận xét cụ thể về số liệu đầu vào để nghiên cứu trong báo cáo MDS, TS Tuấn cho rằng có nhiều số liệu cũ, không đúng với thực tế và nghiên cứu gần đây.

Ngoài ra, báo cáo MDS đưa số liệu bùn cát cho tính toán đầu vào chưa đồng nhất với báo cáo của các tác giả khác gần đây.

Sự khác biệt số liệu quá lớn này dẫn đến kết quả mà báo cáo MDS (do lấy số liệu cũ năm 2008) đưa ra là không chuẩn xác, từ đó đưa đến kết luận những tác động trong báo cáo là sai.

Nhận định về mảng đa dạng sinh học, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia sinh học, môi trường khu vực ĐBSCL (giảng viên ĐH Cần Thơ) – phát biểu: Mảng nông nghiệp trong báo cáo chỉ mới xem xét ảnh hưởng giảm phù sa, dinh dưỡng đối với lúa và bắp mà không tính đến các loại cây màu khác, vườn cây ăn trái… là chưa đầy đủ.

Còn việc nghiên cứu về thủy sản, các chuyên gia tư vấn kết luận các đập thuỷ điện sẽ làm giảm nguồn cá tự nhiên rất nhiều, nhất là cá trắng mà chưa đề cập đến các loài cá đen.

Nhận xét chung về báo cáo MDS, TS Tô Vân Trường cũng cho rằng vẫn còn thiếu nhiều lĩnh vực mà báo cáo chưa đánh giá định lượng được chắc chắn như đa dạng sinh học, bồi lấp, xói lở…

Ngay chuyên gia đến từ Campuchia – TS SoKhem Peeh (cố vấn Uỷ ban sông Mekong Campuchia) cũng nói: một số số liệu thể hiện trong báo cáo mâu thuẫn với nhau và với một số nghiên cứu mới nhất hiện nay. Việc nghiên cứu của báo cáo MDS cũng chưa thật đúng với thực tiễn.

Thừa nhận 
còn nhiều thiếu sót

Đại diện nhóm chuyên gia nước ngoài thực hiện nghiên cứu của Viện DHI cũng thừa nhận trong báo cáo MDS còn một số nội dung, vấn đề cần làm thêm như chưa đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào trong báo cáo.

Một số số liệu dùng cho đầu vào nghiên cứu đã cũ, theo giải thích của đại diện DHI là “không có thời gian để làm hết được, vì không tận dụng những số liệu sẵn có thì không hoàn thành báo cáo đúng thời gian”.

TS Lê Anh Tuấn cho rằng kết quả tính toán của MDS phải được kiểm định bằng cách so sánh với những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trước đó. “Báo cáo MDS cần được mổ xẻ chi tiết thêm ở góc độ chuyên gia.

Uỷ ban sông Mekong Việt Nam và Bộ 
TN-MT cần cầu thị với tất cả phản hồi và góp ý để điều chỉnh báo cáo. Trước mắt, Chính phủ Việt Nam không nên công nhận đây là một báo cáo chính thức của Nhà nước Việt Nam” – TS Tuấn đề nghị.

GS Nguyễn Ngọc Trân cũng kiến nghị: Bộ TN-MT cần tổ chức một hội nghị để lắng nghe các ý kiến khác nhau, nhất là những phản biện khoa học, khách quan, toàn diện đối với báo cáo mới; lắng nghe các ý kiến phản biện trước khi có ý kiến về việc bước qua giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu.

“Tôi kiến nghị Quốc hội cần theo dõi, giám sát dự án” – ông nói.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho rằng những góp ý từ các chuyên gia trong nước và quốc tế rất xác đáng.

Ông Quang yêu cầu các chuyên gia tư vấn, thực hiện báo cáo phải ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp, trên tinh thần đó sẽ chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong để trình Thủ tướng.

“Chúng ta phải tin nghiên cứu của chúng ta”

Ảnh: Quang Khải
Ảnh: Quang Khải

Bên lề hội nghị, phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai về sự khác nhau giữa nhận định của ông Lai với các nhà khoa học quanh báo cáo MDS.

* Nhiều chuyên gia cho rằng số liệu, phương pháp luận thực hiện báo cáo MDS là chưa chính xác. Thứ trưởng đánh giá độ tin cậy của báo cáo này thế nào?

– Về mặt hành chính, đây là những số liệu chính thức của Việt Nam. Còn một số chuyên gia dẫn chứng nghiên cứu độc lập, nói số liệu trên chưa chính xác, tôi nghĩ rằng không có cơ sở.

Điểm thứ hai cho rằng các chuyên gia tư vấn nghiên cứu không am hiểu địa lý, kiến thức địa phương thì ngay cả chúng ta ở đây cũng không thể biết hết kiến thức địa phương. Còn về phương pháp luận, các chuyên gia tư vấn là chuyên gia hàng đầu.

* Một số nhà khoa học cho rằng việc dẫn số liệu quá cũ, có sự chênh nhau rất lớn giữa số liệu tư vấn đưa ra và số liệu mà họ đã nghiên cứu?

– Mỗi nghiên cứu đều đưa ra các số liệu cho rằng nghiên cứu mình là đúng. Những phản ảnh trên chúng tôi tiếp thu, kiểm tra lại nhưng chúng ta phải tin những nghiên cứu của chúng ta.

* Từ nay đến ngày 31-12 còn chưa đầy một tháng nữa là thời gian Bộ TN-MT phải trình báo cáo cho Thủ tướng. Thời gian quá ngắn, bộ sẽ trình gì đây?

– Chúng tôi sẽ trình bày những cái đã nghiên cứu tốt nhất cho đến hiện nay. Những cái gì còn chưa được thì tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Các nghiên cứu không thể nào hoàn thiện 100%, đặc biệt trong điều kiện và thời gian cũng như kinh phí như vậy.

* Kinh phí 4,3 triệu USD để thực hiện báo cáo nghiên cứu từ đâu, thưa ông?

– Nguồn vốn này Chính phủ Việt Nam chi. Việc lựa chọn nhà tư vấn thực hiện các báo cáo tiến hành thông qua đấu thầu quốc tế công khai minh bạch chứ không phải chỉ định thầu. Cũng có thể nói các chuyên gia quốc tế cho rằng với mức giá trên làm quá vất vả và không có lãi.


ĐỨC TUYÊN – QUANG KHẢI