08/01/2025

Cơn ác mộng mang tên SARS 2.0

Thảm hoạ tương tự SARS đang cận kề, do các nhà khoa học vẫn tiếp tục những cuộc thử nghiệm y khoa có thể khơi mào nguy cơ bùng nổ dịch bệnh mới.

 

Cơn ác mộng mang tên SARS 2.0

 

Thảm hoạ tương tự SARS đang cận kề, do các nhà khoa học vẫn tiếp tục những cuộc thử nghiệm y khoa có thể khơi mào nguy cơ bùng nổ dịch bệnh mới.




Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock


Khoảng 13 năm đã trôi qua kể từ khi nhân loại lần đầu tiên nghe đến hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS), có lúc được coi là căn bệnh không thể nào cản nổi. Dù đã qua nhiều năm, nhiều người vẫn còn nhớ rõ số nạn nhân đã thiệt mạng khi SARS lan tràn ra thế giới. Cơn đại dịch bùng nổ tại Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 2002, khiến khoảng 8.000 người nhiễm bệnh và cướp đi gần 800 mạng người tại 29 quốc gia/vùng lãnh thổ trong vòng 7 tháng, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bên cạnh mạng người, SARS còn thổi bay 33 tỉ USD khỏi các nền kinh tế trên toàn cầu, chưa kể thổi bùng làn sóng sợ hãi trên toàn thế giới

Và sau một thập niên, giới khoa học gia dường như đã quên mất những hậu quả thảm khốc do SARS mang lại, với việc tạo ra phiên bản lai của một chủng vi rút có thể trở thành cơn ác mộng kế tiếp của thế giới, gọi tắt là “SARS 2.0”.
Thuộc dòng vi rút corona ở dơi, vi rút đang được nuôi trong phòng thí nghiệm của Đại học Bắc Carolina (Mỹ) hầu như không khác gì vi rút gây SARS. Theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Medicine, loài dơi móng ngựa ở Trung Quốc, thủ phạm gieo rắc SARS, có thể luôn chứa chấp một dòng vi rút khác với các đặc tính hết sức tương đồng với họ hàng đã gây dịch bệnh tại hơn 29 nước/vùng lãnh thổ. Một trong những đặc điểm là nó có thể truyền sang người. “Chủng vi rút này tăng trưởng tốt trong tế bào người như trường hợp của SARS”, theo trưởng nhóm nghiên cứu, GS-TS Ralph Baric. Nó cũng đề kháng trước mọi vắc xin và liệu pháp điều trị miễn dịch, theo chuyên gia Mỹ.
Với mục tiêu nghiên cứu nhằm tìm ra cách phòng chống trước khi nổ ra dịch bệnh có liên quan đến các dòng vi rút dạng này, nhóm của chuyên gia Baric tạo ra “vi rút chimera”, tức vi rút lai được tạo thành từ protein và cấu trúc của một vi rút SARS. Dòng vi rút tượng hình trong phòng thí nghiệm được đặt tên là SHC014-CoV, tương đồng đến 88% so với vi rút SARS. Tuy nhiên, phe phản đối cho rằng mặt lợi ích có thể vẫn chưa thấy đâu, nhưng nguy hiểm tiềm tàng đã trước mắt. “Nếu vi rút sổng chuồng khỏi môi trường khép kín của phòng thí nghiệm, không ai có thể dự đoán trước hướng tấn công và lan toả của nó”, theo chuyên san Nature dẫn lời nhà vi trùng học Simon Wain-Hobson thuộc Viện Pasteur ở Paris.
Được biết, cuộc nghiên cứu trên đã tiến hành trước khi chính phủ Mỹ cấm tài trợ ngân sách cho những dòng vi rút truyền nhiễm như SARS và MERS (viết tắt từ hội chứng hô hấp Trung Đông), do vậy nó vẫn được phép thực hiện cho đến khi hoàn tất. Việc triển khai các cuộc nghiên cứu trong những căn phòng kín “nhân danh khoa học” đang đưa ra những câu hỏi về mặt đạo đức, theo đó liệu các nhà khoa học có nên tiếp tục theo đuổi dự án có thể tạo ra những chủng vi rút nguy hiểm, mà theo một số nhà chỉ trích gọi là “giúp cởi bỏ gông xiềng cho thú dữ”.

 

Tụ Yên