01/01/2025

Cơ hội cuối cùng của nhân loại

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã khai mạc hôm 30-11 
tại Paris (Pháp).

 HỘI NGHỊ LẦN THỨ 21 CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HIỆP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU:

Cơ hội cuối cùng của nhân loại

 

 

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đã khai mạc hôm 30-11 
tại Paris (Pháp).





Người dân ở New York (Mỹ) tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường trước thềm hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris (Pháp) - Ảnh: Reuters
Người dân ở New York (Mỹ) tuần hành kêu gọi bảo vệ môi trường trước thềm hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra tại Paris (Pháp) – Ảnh: Reuters

Lịch sử sẽ phán xét nghiêm khắc các nguyên thủ quốc gia nếu trong tháng 12 này họ lại bỏ lỡ cơ hội

Tổng thống Pháp FRANÇOIS HOLLANDE

Hội nghị nhằm hướng đến Thỏa thuận Paris 2015 về việc cắt giảm lượng khí thải.

Mục tiêu của thoả thuận là nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2oC vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990.

Hội nghị lần này diễn ra sau gần hai tuần đàm phán nhằm chấm dứt hai thập kỷ tranh cãi về một hiệp ước giới hạn phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo khoảng 150 nước bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã tề tựu tại Paris trong bối cảnh an ninh ở thủ đô nước Pháp được siết chặt sau vụ khủng bố khiến hơn 130 người thiệt mạng.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu không hành động sớm, nhân loại sẽ phải hứng chịu các hậu quả khắc nghiệt hơn bao giờ hết như hạn hán sẽ dẫn đến xung đột và mực nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm các quốc đảo nhỏ.

Nhiều nước nghèo khẳng định các nước giàu phải chịu hầu hết trách nhiệm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vì họ đã đốt hầu hết nhiên liệu hoá thạch để tiến tới sự thịnh vượng.

Tuy nhiên, Mỹ và các nước phát triển khác khẳng định Trung Quốc, Ấn Độ và các nước có nền kinh tế mới nổi khác cũng phải hành động nhiều hơn vì những nước này cũng đốt một lượng than ngày càng nhiều để phát triển kinh tế.

Bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ cùng làm việc để hướng tới việc đúc kết một thoả thuận về biến đổi khí hậu tại hội nghị lần này.

Theo Reuters, trước cuộc gặp song phương với ông Tập, ông Obama nói sự đi đầu của hai nước là quan trọng trong việc thúc đẩy các nước khác cắt giảm phát thải.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tập Cận Bình kêu gọi các nước giàu thực hiện cam kết chi 100 tỉ USD một năm để các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Ông Obama cũng mạnh dạn nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu với tư cách là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ hai thế giới. “Nước Mỹ không chỉ thừa nhận vai trò gây ra vấn đề này, chúng tôi còn chịu trách nhiệm phải làm gì đó để khắc phục nó” – ông nói.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp François Hollande phát biểu rằng đấu tranh chống khủng bố và biến đổi khí hậu có sự liên hệ mật thiết.

“Đây là hai thách thức toàn cầu lớn mà chúng ta phải đối mặt, bởi chúng ta phải để lại cho con cháu chúng ta mai sau những thứ lớn lao hơn cả một thế giới không khủng bố. Chúng ta nợ thế hệ sau một hành tinh được bảo vệ trước thảm hoạ” – ông nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu rằng mục tiêu của hội nghị là đúc kết một cơ chế của Liên Hiệp Quốc và một cơ chế đánh giá để thu hẹp khoảng cách giữa tác động của các biện pháp cam kết đối với tình trạng Trái đất ấm dần lên và các giải pháp bắt buộc để kiềm chế nhiệt độ gia tăng.

Việt Nam chung tay ứng phó những thách thức của biến đổi khí hậu

Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự phiên họp toàn thể của hội nghị lần này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể.

Trước khi tham dự Hội nghị COP21, Việt Nam là một trong 150 nước đã chủ động đưa ra mức cam kết quốc gia để cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm phát thải nhà kính nhằm đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất vào năm 2100 tăng không quá 2OC so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bên lề COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và bà Laura Tusk, phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) về phát triển bền vững, đã đồng chủ trì phiên đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long”.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh một số định hướng ưu tiên trong đầu tư phát triển của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng được gắn kết với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững, lồng ghép hiệu quả vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cùng với phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đang được Chính phủ Việt Nam chú trọng triển khai.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ quốc tế”.

Đánh giá về những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bà Laura Tusk nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ với cộng đồng thế giới thấy rõ sự cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm đề ra các biện pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị Việt Nam với vai trò là quốc gia đi đầu trong khu vực về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hành động mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời khẳng định Hà Lan sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Kết thúc phiên đối thoại, các bên đã ra Tuyên bố chung giữa Việt Nam, Hà Lan và WB về việc ủng hộ và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long.

THU ANH