11/01/2025

Phạt dân giàu xả rác không tác dụng, dân nghèo không có tiền?

48 người cho rằng họ “không bao giờ xả rác nơi công cộng” trong khảo sát của Tuổi Trẻ trên 100 người dân tại TP.HCM. Chỉ có hai người trong số này chấm điểm tốt (4 trên thang điểm 5) cho môi trường thành phố.

 DÂN NGHĨ – DÂN LÀM

Phạt dân giàu xả rác không tác dụng, dân nghèo không có tiền?

 

 

48 người cho rằng họ “không bao giờ xả rác nơi công cộng” trong khảo sát của Tuổi Trẻ trên 100 người dân tại TP.HCM. Chỉ có hai người trong số này chấm điểm tốt (4 trên thang điểm 5) cho môi trường thành phố.



 

 


Ngay giữa một quận trung tâm TP.HCM như Q.1, rác vẫn được người dân vứt tràn lan ra giữa lòng đường (ảnh chụp trên đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1) - Ảnh: Hoài Linh
Ngay giữa một quận trung tâm TP.HCM như Q.1, rác vẫn được người dân vứt tràn lan ra giữa lòng đường (ảnh chụp trên đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q.1) – Ảnh: Hoài Linh

Trong khi đó, đánh giá môi trường “rất tệ” chiếm 20%, “ô nhiễm” chiếm 32% và “tạm chấp nhận” chiếm 35% (11% không đánh giá)

Ngừng xả rác mới “ngóc đầu lên được”

Khi đánh giá về hành vi xả rác nơi công cộng, có 77 ý kiến khẳng định đây là hành vi thiếu ý thức, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Một nhân viên vệ sinh đề nghị không nêu tên ở Q.5 gay gắt: “Chừng nào dân mình hết xả rác và phóng uế bừa bãi thì Việt Nam mới ngóc đầu lên được”.

Các hành vi xả rác nơi công cộng gây bức xúc trong người dân cụ thể như: ném ly nước rỗng, bao gói thực phẩm, đầu lọc thuốc lá xuống đường khi đang lưu thông; nhận tờ rơi rồi xả rác tại chỗ, in hoá đơn rồi thả ngay xuống đất tại các cây ATM dù thùng rác ở ngay bên cạnh, đổ rác tuỳ tiện tạo nên các bãi rác tự phát…

Chị Bích Ngọc (Q.7) kể có lần chị chạy xe trên đường và nhận một loạt vỏ chôm chôm từ người chạy xe phía trước ném trúng. “Bất ngờ nên tôi chỉ kịp dừng lại và la lên một tiếng, nhưng đó không phải là lần duy nhất tôi nhận rác trên đường” – chị Ngọc nói.

Một số người dân sống cạnh các dòng kênh còn nói họ thường bắt gặp nhiều người chở rác bằng xe máy tới vứt lén lút vào sáng sớm hoặc đêm khuya. 

Dù có thái độ khá rõ ràng với hành vi xả rác, nhưng 45% số người chọn cách làm ngơ khi nhìn thấy người khác xả rác. Nhóm này cho rằng “việc ai nấy lo” và việc nhắc nhở đôi khi là “rước hoạ vào thân”.

Trong số 32 chia sẻ kinh nghiệm phản ứng khi chứng kiến hành vi xả rác, chỉ có hai câu chuyện thành công là người xả rác chịu lượm rác lên.

Ngoài ra, kết quả của những lời nhắc nhở thường là bị lơ đi, khó chịu, thậm chí phản kháng lại rằng “không có người xả làm sao có người dọn” (6 ý kiến).

Có ý kiến cho rằng vứt rác ra đường ngay trước nhà mình là chuyện bình thường vì nghĩ đó là hành vi vô hại như một bạn đọc ở Q.Bình Thạnh kể chị hay vứt xương cá, vỏ trái cây, vỏ bánh ra trước nhà.

Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

Ủng hộ việc phạt hành chính

Có tới 73/100 ý kiến đồng tình với biện pháp phạt hành chính đối với hành vi xả rác bừa bãi, với mức phạt dao động từ 10.000 đồng cho tới 1 triệu đồng/lần xả. Việc này được số đông đánh giá là có tác dụng trong việc hình thành ý thức của người dân.

Nhóm phản bác cho rằng việc phạt tiền không khả thi. Mức phạt là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Chính những người ủng hộ cần phạt hành chính hành vi xả rác nơi công cộng cũng có ý kiến “chỉ nên cảnh cáo và tăng dần mức phạt tiền khi tái phạm”.

Với vấn đề người nghèo không có tiền đóng phạt, bà Trần Thị Hồng (ngụ Q.Tân Phú) cho rằng: “Phạt người nghèo hay giàu không quan trọng mà là phạt ý thức của họ”. Đồng thời có ý kiến lo ngại phạt tiền đối với người giàu nhưng kém văn hoá thì không có tác dụng gì.

Có 24/100 người cho rằng đôi khi phải xả rác do không tìm thấy thùng rác. Bà Nguyễn Thị Thi (Q.1) đồng tình với 70 ý kiến khác rằng tình trạng xả rác bừa bãi có thể giảm nếu đặt thêm thùng rác đúng chuẩn ở những nơi công cộng.

Biện pháp giải quyết được cho là hiệu quả nhất theo khảo sát là tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức người dân giữ gìn vệ sinh, đặc biệt từ khi còn nhỏ (81%).

Ngoài giải pháp đặt thêm thùng rác (71%) là các đề xuất có hơn 40% ủng hộ như: hạn chế túi nilông, tăng mức phạt với các hành vi phá hoại môi trường (47%), đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng (40%) và áp dụng công nghệ mới trong việc xử lý rác thải (40%)…

Hà Mạnh Lĩnh, sinh viên, là một trong ba người đề nghị phạt hành vi xả rác bằng việc lao động công ích và nếu phạt tiền thì dựa theo giá trị ngày công. 

Bên cạnh đó, một số người cho rằng việc kêu gọi giữ gìn vệ sinh – ngưng xả rác sẽ hiệu quả khi được vận động theo từng tổ dân phố. Nhìn chung, hầu hết ý kiến cho rằng tình trạng có thể thay đổi khi chấn chỉnh được thói quen tuỳ tiện của người dân thành phố. 

Giải pháp hạn chế xả rác bừa bãi

* Bà Lê Đình Hồng Ngự (nhân viên siêu thị, Q.Phú Nhuận):

Nhân viên đi gom rác cần đúng giờ quy định ở tổ của họ và phải có người kiểm tra vấn đề này. Tổ dân phố cần tự thống nhất mức phạt để áp dụng cho tổ mình. Thùng rác được thiết kế hợp lý không làm dơ tay khi bỏ rác. Cần giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho trẻ em.

* Bà Trần Thị Hồng (nhân viên siêu thị, Q.Tân Phú)

Lần đầu tiên nên cảnh cáo, tái phạm tăng dần tiền phạt. Phạt người nghèo hay giàu không quan trọng. Dù nghèo nhưng cũng phải có ý thức.

* Ông Trần Văn Viễn (bảo vệ công viên, Q.10)

Thấy người ta xả rác tôi có nhắc nhở, nhưng họ toàn làm ngơ, tôi phải tự nhặt lên bỏ vào thùng rác cho xong. Tôi nghĩ nên phạt tiền từ lần thứ hai vi phạm, lần đầu thì cảnh cáo, nhắc nhở. 

 

THIÊN DI và nhóm khảo sát