10/01/2025

Các dòng sông sẽ cạn hết phù sa

Đó là cảnh báo của các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và quốc tế tại hội thảo “Từ sông ngòi đến đại dương: tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

 

Các dòng sông sẽ cạn hết phù sa

 

Đó là cảnh báo của các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và quốc tế tại hội thảo “Từ sông ngòi đến đại dương: tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

 

 

 

 

Nông dân Đồng Tháp đang san phẳng mặt ruộng bằng laser để tiết kiệm được khoảng 30% nước tưới tiêu so với ruộng bình thường. Đây được xem là giải pháp ứng phó hữu hiệu với tình trạng khô hạn kéo dài - Ảnh: Vân Trường
Nông dân Đồng Tháp đang san phẳng mặt ruộng bằng laser để tiết kiệm được khoảng 30% nước tưới tiêu so với ruộng bình thường. Đây được xem là giải pháp ứng phó hữu hiệu với tình trạng khô hạn kéo dài – Ảnh: Vân Trường

 

 

Những cơn bão dị thường, những đợt rét có tuyết rơi là điều có thể tiên đoán nhưng các đồng bằng phì nhiêu ở Việt Nam hiện nay (đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng) sẽ thiếu hụt nước ngọt, bị xâm nhập mặn, xói mòn rồi suy kiệt phù sa… không phải ai cũng hình dung được. 

Đó là cảnh báo của các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và quốc tế tại hội thảo “Từ sông ngòi đến đại dương: tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu phát triển Pháp, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức mới đây trong khuôn khổ chương trình đồng hành với Hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu tại Paris năm 2015. 

“Hạn hán xuất hiện nhiều hơn với tốc độ hạ thấp của mực nước khoảng 25%, nước biển dâng dọc hệ thống sông Hồng và mặn đã xâm nhập sâu hơn vào đất liền

PGS.TS PHẠM THỊ HƯƠNG LAN

Bão, lũ, hạn hán  và thiếu nước ngọt

Đánh giá về biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TS Hồ Long Phi, Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết dự báo lượng mưa sẽ tăng vào mùa mưa, nước sẽ giảm vào mùa khô và lũ gia tăng từ 30-60%. Điều này ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống, sản xuất và sự phát triển của ĐBSCL.

Hiện nay, mặc dù sản lượng lúa của ĐBSCL nếu nhìn vào xuất khẩu thì vẫn tăng, nhưng các con số thống kê cho thấy vai trò của nông nghiệp tại đồng bằng đang giảm dần, thuỷ sản tăng lên và sự phát triển của công nghệ ở mức bão hoà.

Trước đây, lúa chiếm xu thế chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL nhưng hoa màu đang có xu thế tăng lên. Cùng với đó là sự di cư của cư dân ĐBSCL đi các nơi, trong năm năm từ 2004-2009 đã có khoảng 370.000 người di chuyển khỏi đồng bằng này, trong đó 50% đến TP.HCM.

Từ năm 1999-2010, trong 10 năm, thu nhập trung bình của người dân ĐBSCL luôn thấp hơn so với thu nhập chung của cả nước. Cũng giống như vậy, ĐBSCL luôn phát triển sau so với cả nước. Mặt khác, lao động giảm và tỉ lệ thất nghiệp tại đây cao hơn cả nước 6%. Số người dân theo học giáo dục CĐ và ĐH chiếm chưa tới 1/3. Đó là thực trạng đang tụt hậu so với cả nước.

Trong nghiên cứu dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với lưu vực sông Hồng, PGS.TS Phạm Thị Hương Lan (ĐH Thuỷ lợi Hà Nội) cho biết nhiệt độ tại Việt Nam trong 50 năm qua có xu hướng tăng, lượng mưa tăng giảm trung bình từ 50-400mm và những hiện tượng thời tiết “dị thường” xuất hiện nhiều hơn.

Bão thường đổ bộ vào Việt Nam từ tháng 7 đến tháng 9 nhưng bão Haiyan xuất hiện vào tháng 11-2013. Số ngày nắng nóng bất thường trên 35OC kéo dài, số ngày lạnh giảm nhưng lại xuất hiện những đợt rét dị thường, lần đầu tiên xuất hiện tuyết rơi tại Sa Pa (năm 2013).

 

Ảnh: Như Hùng
Ảnh: Như Hùng

“ĐBSCL phải đối phó với lũ lụt, hạn hán nhiều hơn. Mùa khô thì thiếu nước ngọt, mùa mưa thì ngập lụt. 60% diện tích đồng bằng sẽ khát nước ngọt và chờ nước ngọt từ thượng lưu chuyển xuống

TS HỒ LONG PHI

Chỉ có thể dựa vào chính mình

Nghiên cứu của TS Hồ Long Phi cho biết các dòng chảy và lượng phù sa ở ĐBSCL phụ thuộc vào dòng chảy của lưu vực sông Mekong. Hiện nay Trung Quốc đang đầu tư 85 tỉ USD để đưa nước về sông Hoàng Hà.

Theo dự kiến, trong tương lai có 120 hồ chứa thuỷ nông trên khắp khu vực sông Mekong ở phía thượng lưu với dung tích trên 100 tỉ m3 nước. Theo đánh giá của TS Phi, hồ chứa thủy nông còn nguy hiểm hơn cả thuỷ điện vì các hồ chứa sẽ làm giảm dòng chảy lũ 15-20%. Các đập hiện tại đã giữ khoảng 60% phù sa hằng năm, nếu các hồ chứa thuỷ nông phát triển thì tổng lượng phù sa của ĐBSCL sẽ giảm đến 90%, nên đồng bằng gần như… suy kiệt về phù sa.

Trước thực tế tác động ngoại lai từ thượng và hạ lưu ĐBSCL rất nghiêm trọng, cùng với biến đổi khí hậu khốc liệt, TS Phi cho rằng ĐBSCL không thể dựa vào đâu được mà chỉ có thể dựa vào chính mình. Việc sản xuất phải đi đôi với đa dạng sinh học và thân thiện với môi trường trong cái nhìn dài hạn và tổng thể.

Cụ thể là phải tìm ra giải pháp sáng tạo để hài hoà lợi ích giữa mong muốn của nhà khoa học trong biến đổi khí hậu và lợi ích kinh tế trước mắt của người nông dân.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở lưu vực sông Hồng. PGS.TS Phạm Thị Hương Lan cho biết nguồn nước của lưu vực sông Hồng chịu sự tác động khá lớn các hồ chứa thuỷ điện của Trung Quốc. “Bắt đầu từ năm 2008 ở sông Đà và năm 2010 ở sông Thao, các hồ chứa thuỷ điện đã thay đổi dòng chảy phía hạ lưu. Nó cũng thay đổi chế độ bùn cát, gây sạt lở, bồi lắng lòng dẫn hạ du, ảnh hưởng đến hệ sinh thái”.

Vì thế, bên cạnh việc có trao đổi thông tin giữa các nước trong khu vực, thì việc thích nghi với biến đổi khí hậu là cần thiết. Cần phải tăng cường hiệu quả cấp nước và sử dụng nước, điều chỉnh thời vụ gieo cấy phù hợp, nâng cao khả năng dự báo xâm nhập mặn…, PGS.TS Hương Lan cho rằng cần phải có tiêu chuẩn phòng chống lũ cho sông Thái Bình và sông Hồng để đảm bảo an toàn cho hạ lưu. Ngoài ra phải nâng cấp hệ thống đê điều ở khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…

MỸ DUNG – DIỆU NGUYỄN ([email protected])