28/11/2024

Nỗ lực cấy dạ con trị chứng vô sinh

Sau khi nước Anh lên kế hoạch cho 10 ca thử nghiệm cấy dạ con, đến lượt Mỹ chuẩn bị tiến hành dạng phẫu thuật hứa hẹn có thể mang lại năng lực làm mẹ cho những phụ nữ thiếu sót về di truyền.

 

Nỗ lực cấy dạ con trị chứng vô sinh

 

Sau khi nước Anh lên kế hoạch cho 10 ca thử nghiệm cấy dạ con, đến lượt Mỹ chuẩn bị tiến hành dạng phẫu thuật hứa hẹn có thể mang lại năng lực làm mẹ cho những phụ nữ thiếu sót về di truyền.




Ảnh minh họa: Shutterstock

Ảnh minh hoạ: Shutterstock


Cứ 5.000 phụ nữ lại có một người bị mắc hội chứng Mayer Rokitansky Kuster Hauser (MRKH), chỉ những người sinh ra không có âm đạo, dạ con và cổ tử cung, theo thông tin từ tờ The Washington Post.

Thông thường hội chứng này được phát hiện vào giai đoạn dậy thì, biểu hiện qua tình trạng đối tượng không xuất hiện kinh nguyệt như những cô gái bình thường khác. MRKH chỉ là một trong những nguyên nhân gây nên chứng vô sinh có liên quan đến dạ con, viết tắt là UFI, chỉ những trường hợp không có tử cung bẩm sinh, hoặc mất tử cung do tình trạng bệnh tật nào đó, hoặc bộ phận này từ lâu đã không còn hoạt động về mặt chức năng.
Lần đầu tiên, một giải pháp cho tình trạng UFI đã được giới thiệu tại Mỹ, một tháng sau khi Cơ quan Nghiên cứu y tế Anh thông qua 10 trường hợp cần cấy ghép dạ con theo khuôn khổ của một cuộc thí nghiệm lâm sàng mới.
Tờ The New York Times đưa tin Bệnh viện Cleveland Clinic vừa công bố dự án nghiên cứu mang tính đột phá, theo đó sẽ thực hiện 10 ca ghép bộ phận nuôi dưỡng thai nhi cho 10 người tình nguyện. Cuộc phẫu thuật đầu tiên dự kiến sẽ được triển khai trong vài tháng nữa.
Vào tháng 9, các chuyên gia Mỹ đã tiến hành chọn lọc những đối tượng sẽ tham gia cuộc nghiên cứu, với độ tuổi từ 21 đến 39, mắc chứng UFI. Tuy nhiên, các bác sĩ của Cleveland Clinic đã thận trọng khi nói rằng những ca phẫu thuật ghép này chỉ mới dừng ở khía cạnh thí nghiệm hơn là một giải pháp hoàn hảo cho những bệnh nhân thiếu dạ con.
Theo kế hoạch, những người tham gia sẽ tuân theo một quy trình phức tạp bao gồm kích thích và đông lạnh nhiều trứng, phẫu thuật tử cung hiến từ người đã mất, và nếu mọi việc đều thuận lợi sẽ tiến hành sinh mổ.
Trong vòng từ 6 – 8 tuần kể từ khi người hiến qua đời, dạ con sẽ được cấy ghép vào xương chậu của bệnh nhân, kế đến là 12 tháng điều trị lành trước khi rã trứng đông lạnh và cấy vào tử cung vào thời điểm cụ thể cho đến khi bệnh nhân thành công thụ thai. Sau khi sinh một hoặc hai con thông qua phương pháp này, tử cung ghép sẽ được loại ra thông qua thủ thuật cắt bỏ dạ con.
Trong thông cáo báo chí, trưởng nhóm nghiên cứu Andreas Tzakis cho hay không giống như những trường hợp ghép bộ phận cơ thể khác, dạ con ghép chỉ có thể duy trì trong thời gian hữu hạn để tránh những vấn đề về sức khỏe sau này.
Cách tiếp cận mới được dựa trên phương pháp do một nhóm chuyên gia của Đại học Gothenburg ở Thuỵ Điển thực hiện. Các chuyên gia Bắc Âu đã thực hiện 9 ca ghép dạ con, dẫn đến 5 ca mang thai và 4 trường hợp sinh thành công. Tuy nhiên, những nỗ lực tương tự trước đó tại Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại.
Tụ Yên