Tự cấy thiết bị vào não
Thời nào cũng có một số nhà khoa học hết sức liều lĩnh khi tự biến mình thành vật thí nghiệm nhân danh khoa học, và Phil Kennedy là một trong số đó.
Tự cấy thiết bị vào não
Thời nào cũng có một số nhà khoa học hết sức liều lĩnh khi tự biến mình thành vật thí nghiệm nhân danh khoa học, và Phil Kennedy là một trong số đó.
Theo trang tin MIT Technology Review, nhà khoa học thần kinh tiên phong trong lĩnh vực công nghệ kết nối não người với máy tính vừa quyết định cấy thiết bị vào não của chính mình.
Người tiên phong
Các giao diện máy tính não (BCI) là những thiết bị ghi lại hoạt động điện tử của hàng trăm tế bào não và diễn dịch chúng thành tín hiệu có thể sử dụng để điều khiển các vật thể như máy tính và chi robot. Một số BCI thuộc dạng không xâm nhập, giống như điện cực EEG đặt lên da đầu, còn một số cần phải thông qua phẫu thuật để đặt chúng vào bên trong não, cho phép bắt những tín hiệu từ các dây thần kinh cụ thể.
Kennedy là người phát triển BCI đầu tiên cho phép một bệnh nhân bị liệt hoàn toàn do mắc hội chứng “nhốt trong” có thể di chuyển con trỏ trên màn hình máy tính. Kể từ đó, mục tiêu của ông là phát triển một dạng máy giải mã ngôn ngữ, và đã sáng lập Công ty Neural Signals để theo đuổi mục đích. Vào năm 2008, một người đàn ông không thể di chuyển hoặc nói chuyện đã nhận được thiết bị ghép não của Kennedy và sau đó có thể trao đổi bằng cách phát ra nguyên âm thông qua thiết bị tạo ra lời nói. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nguồn quỹ cho nỗ lực nghiên cứu này đã cạn kiệt, và Kennedy nhận ra rằng để có thể tiếp tục dự án, ông phải tự thí nghiệm lên bản thân mình.
Quy trình nguy hiểm
Vào tháng 6.2014, Kennedy bay đến Belize ở Trung Mỹ và trả 25.000 USD cho một đội ngũ phẫu thuật gia để cấy điện cực vào vỏ não vận động, chịu trách nhiệm kiểm soát khả năng cử động và di chuyển ở người. Tuy nhiên, cuộc phẫu thuật kéo dài 12 giờ đã không diễn ra suôn sẻ. Khi tỉnh dậy, Kennedy phát hiện mình mất khả năng nói. Huyết áp gia tăng trong lúc phẫu thuật đã khiến não bị sưng, khiến ông rơi vào tình trạng bị liệt tạm thời.
Thế nhưng, Kennedy gần như không bỏ cuộc. Trong vòng vài tháng, ông hồi phục và quay lại làm phẫu thuật đợt hai để cấy thiết bị điện tử ghi nhận các tín hiệu từ não. Khi trở về phòng thí nghiệm ở TP.Duluth (bang Georgia, Mỹ), Kennedy bắt đầu ghi âm các tín hiệu não trong lúc thốt ra hoặc nghĩ về những âm tiết hoặc từ cơ bản, như “mận” hoặc “xin chào thế giới”. Dự án của Kennedy có cơ may hồi sinh, theo như trình bày của chuyên gia Mỹ trước hội nghị về khoa học thần kinh tại Chicago vào tháng 10.
Hạo Nhiên