17/01/2025

Biến đá suối thành nhạc cụ

Phải mất ba năm lặn lội ngoài suối ông mới nhặt đủ 12 viên đá và tổ chức sắp đặt chúng theo những âm thanh khác nhau để hình thành nên một cây đàn đá ưng ý.

Biến đá suối thành nhạc cụ

 

Phải mất ba năm lặn lội ngoài suối ông mới nhặt đủ 12 viên đá và tổ chức sắp đặt chúng theo những âm thanh khác nhau để hình thành nên một cây đàn đá ưng ý. 




Ông Hồ Văn Thập lặn lội tìm đá để làm đàn...
Ông Hồ Văn Thập lặn lội tìm đá để làm đàn…

Tiếng nhạc từ những phiến đá này rung lên, giật vào tiềm thức của người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh chót vót.

Người ta đang lo lắng rằng ông Hồ Văn Thập (50 tuổi, ở làng Măng Tó, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam), nghệ nhân cuối cùng có thể chế tác đàn đá tự nhiên, sẽ không còn hậu duệ.

Và tiếng đàn đá ngàn đời trầm bổng trên đỉnh núi cao nhất của dãy Trường Sơn này sẽ tan biến như sương mai.

Từ dụng cụ đuổi thú rừng

Phải mất hơn ba giờ đi xe máy và thêm một giờ đi bộ từ trung tâm huyện Nam Trà My về phía đỉnh Ngọc Linh, chúng tôi mới đến được làng Măng Tó của xã Trà Cang.

Nhà của ông Hồ Văn Thập nằm trên ngọn đồi cao nhất làng. Xa xa là dãy núi Con No, bên cạnh dãy Ngọc Di với những mảng rừng già xen kẽ giữa các dãy ruộng bậc thang đang mùa cấy.

Ông Thập đón đãi khách bằng món sắn nướng dưới bếp than đỏ rực giữa nhà. Ché rượu cần làm bằng thứ lúa sáu mùa trăng, ủ được hai tuần, được ông Thập khệ nệ mang ra giữa nhà.

Mưa lất phất ngoài hiên, sau chén rượu nồng, ông kéo cây đàn T’rưng do tự tay ông chế tác đánh một bài nhạc của Lào. Sau bài hát đó ông tiếp tục đánh thêm một bài của dân tộc Chăm và hàng loạt bài ca truyền thống của người Xê Đăng.

Ông Thập kể rằng mình không biết nhạc lý, cũng chẳng được học nhạc ngày nào, tất cả do ông “ham chơi” mà ra. Lúc 6 tuổi đã theo cha lên nương trồng lúa, tỉa ngô, ký ức của ông về tuổi thơ là những ngày mỏi mòn canh giữ thú rừng phá ruộng, rẫy.

“Hồi đó heo, nai từng đàn xuống ăn hoa màu. Nó chẳng sợ người và ngược lại mình rất sợ nó. Những con heo rừng có nanh dài rất hung hãn…” – ông Thập nhớ lại.

Thương con trai ngày ngày đối mặt với thú dữ, cha của ông nghĩ ra cách kết những phiến đá mỏng với nhau treo quanh rẫy để làm dụng cụ đuổi thú. Một đài nước được đặt dưới suối, khi nước đổ đầy rồi tràn qua đài nước, một con trỏ sẽ đánh bật tay quay và va vào các phiến đá.

Theo hiệu ứng dây chuyền, các phiến đá đánh vào nhau leng keng tạo ra một điệu nhạc lan tỏa qua các cánh rừng. “Con thú nghe thấy tưởng rằng có người xua đuổi và nó sẽ hoảng hốt chạy vào rừng” – ông Thập kể lại.

Không biết bao nhiêu mùa rẫy, bao nhiêu con trăng đã qua đi, người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh quen dần với tiếng leng keng của các viên đá xua đuổi thú rừng.

Người đàn ông “ham chơi” và đầy lãng mạn này quyết định “nâng tầm” các dụng cụ đuổi thú này thành cây đàn, rồi ông lui cui tháng ngày với ý tưởng đó, lang thang qua các cánh rừng để tìm đá. Mỗi một nhát cuốc xuống sườn đồi nếu có viên đá bung ra ông đều nhặt lấy và thử âm.

Những viên đá có âm thanh ưng ý, ông gom lại cẩn thận trong gùi để mang về nhà. Những ngày rảnh rỗi, cứ sau mỗi trận mưa rừng, ông Thập lại lội ngược dòng suối Tắc Poóc để tìm những phiến đá trôi. Và thành quả của mấy năm lặn lội là một cây đàn đá xinh xắn ra đời.

“Những viên đá chưa ưng ý thì mình phải chỉnh âm bằng cách làm cho nó mỏng ra hoặc gọt nhỏ kích thước nó lại. Nói chung trong hàng trăm viên đá, may ra chỉ có một viên đá cho âm chính xác thứ mình cần tìm” – ông Thập chia sẻ.

Ngày ông Thập khai trương cây đàn, bản làng Măng Tó vui như hội. Tiếng đàn T’rưng vang lên hoà trong tiếng đàn đá, tiếng sáo bên bếp lửa bập bùng, rượu cần cạn chén rót đầy lại vơi…

...và thử một phiến đá để thẩm âm và chế tác đàn đá - Ảnh: Tấn Vũ
…và thử một phiến đá để thẩm âm và chế tác đàn đá – Ảnh: Tấn Vũ

Lưu diễn khắp nước

Ông Thập nói rằng loại nhạc ông chế tác là do nghe được trên đài. Các âm thanh bài hát ông học được, đánh được các nhịp điệu cũng từ cái rađio mà ra.

Trời cho ông đôi tai có khả năng thẩm âm kỳ lạ, vì vậy tất cả các cây đàn ông chế tác đều được người vùng xuôi say mê và lùng sục tìm mua nó.

Năm 2011, một nữ doanh nhân xây resort ở Hội An phải lặn lội đến nhà ông nhờ ông xuống ở lại khu nghỉ dưỡng này để chế tác nguyên một bộ đàn đá và một bộ đàn nước trang trí.

Từ đó, rất nhiều khu nghỉ dưỡng cử người tìm đến ông đặt hàng nhưng ông từ chối. Ông bảo sức khoẻ ông đã yếu, mắt cũng không còn tỏ để đi xa hàng trăm cây số làm đàn nữa.

“Mình lặn lội đi làm cả tháng trời, mang cả 70 ống tre nứa, cả đá suối xuống miền xuôi để làm mà họ trả công rẻ quá nên thôi. Cây đàn là cái thứ của núi rừng, vậy nên cứ để tiếng đàn đó hoà vào rừng xanh…” – ông Thập nói như tủi hờn.

Không làm đàn để bán, nhưng mỗi lần biểu diễn hoặc thi các nhạc cụ dân gian miền núi ông Thập đều là người đại diện của huyện Nam Trà My, của Quảng Nam đi biểu diễn khắp cả nước. Ông Thập khoe rằng ông đã đi đến Hà Nội, TP.HCM, Kon Tum, Bình Định, Đà Nẵng…

“Có cô gái ở Hà Nội còn chụp hình chung với mình đấy. Mình có đi thăm lăng Bác, uống bia Hà Nội và đánh đàn rồi về thôi. Hà Nội người đông như nước suối chảy, không ở được đâu” – ông Thập đánh giá.

Trên mái nhà sàn của ông Thập chi chít các loại giấy khen từ trung ương đến địa phương để ghi nhận sự đóng góp của ông về âm nhạc dân gian miền núi.

Nhìn đống giấy khen, ông bảo: “Giấy khen cũng vui đấy, nhưng thứ mình cần là một hậu duệ say mê với các loại nhạc cụ này để mình chỉ cho cách làm đàn đá, đàn nước từ tre trúc. Lỡ mình có việc gì, con mình còn nhỏ quá, nghiệp đàn này mất đi thì tiếc lắm…”.

Con người khổ đau

Nhạc sĩ Dương Trinh, trưởng Phòng văn hoá – thông tin huyện Nam Trà My, kể rằng nhạc cụ của ông Thập độc đáo ở chỗ 100% là nguyên liệu từ tự nhiên nên cho một âm thanh rất khác.

Âm thanh từ chiếc đàn đá này rất “mộc”, không qua xử lý như những chiếc đàn đá được cưa từ máy cắt đá công nghiệp.

Ông Trinh bảo năn nỉ mãi và thân tình lắm, ông Thập mới chịu để lại cho ông một chiếc đàn đá để trong nhà như một bảo vật. Trên mỗi phiến đá, ông đều dùng sơn ghi vào đó những âm thanh riêng như La, Si, Đô, Rê, Mi, Fa, Sol… làm ký hiệu.

Ông Trinh kể rằng cuộc đời của ông Thập cũng ai oán và trầm bổng như cây đàn ông chế tác. Ba lần cưới vợ, hai bà vợ đầu của ông đều chết sớm, bà thứ ba bỏ nhà ra đi.

Đứa con trai vừa lọt lòng 5 tháng tuổi khi vợ ông qua đời, con khát sữa, người dân làng Măng Tó thường thấy ông Thập ôm bó mía xuống suối gọt, đập lấy nước, rồi nấu thành thứ nước đường cho con uống.

Chưa hết, khi vợ mất, một mình ông nuôi bốn người con nheo nhóc, nuôi luôn cả con riêng của vợ mình…

Cầm chén rượu đưa ngang mũi, ông Thập cười tươi với đôi mắt sáng, rồi thì thầm rằng: “Nếu không có tình yêu với âm nhạc giải thoát mọi khổ đau có lẽ mình đã chết cùng hai bà vợ bởi sự cơ cực triền miên. Âm nhạc làm tâm hồn mình dịu lại, bình yên”.

HỒ TẤN VŨ