“Mót gỗ” trong Vườn quốc gia Yok Đôn
Mỗi ngày, tại đây có hàng trăm lượt người vào “mót gỗ”. Gọi là mót nhưng thật ra họ chặt cây trái phép để lấy gỗ.
“Mót gỗ” trong Vườn quốc gia Yok Đôn
Mỗi ngày, tại đây có hàng trăm lượt người vào “mót gỗ”. Gọi là mót nhưng thật ra họ chặt cây trái phép để lấy gỗ.
Ngày 20-11, chúng tôi theo chân một nhóm sáu người, trong đó có cả học sinh lớp 7 và 8 sống tại buôn Trí B (xã Krông Na), vượt sông Sêrêpôk vào Vườn quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) “mót gỗ”.
Đủ cách vào rừng
Từ bến Tha Luống của khu du lịch Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn), nhóm chia làm hai tốp để tránh kiểm lâm: tốp đầu giả làm người chăn bò chèo thuyền qua sông, tốp còn lại mang theo thước, dây thừng bơi qua sông.
Qua bên kia sông, nhóm này tập hợp trong một căn chòi nhỏ và bắt đầu bàn kế hoạch vận chuyển gỗ.
Mất hai giờ lội bộ trong cái nắng thiêu đốt của rừng khộp, chúng tôi đến điểm tập kết đầu tiên – nơi một cây căm xe đã bị đốn hạ. Y.C. (18 tuổi, trưởng nhóm) nháy mắt cho các thành viên lấy cưa và rìu đã được giấu sẵn trong bụi cỏ và phân công mọi người cưa, đẽo gỗ thành hộp vuông.
Y.C. nhẩm tính khúc gỗ căm xe dài 1,2m, đường kính 30cm này sẽ bán được 240.000 đồng. Gỗ được cắt xong, những thanh niên dùng dây thừng buộc vào khúc gỗ đã được nẹp bởi hai thanh tre rồi một thanh niên ghé vai gùi gỗ đi.
Y.C. (thôi học từ hai năm nay) cho biết gỗ “mót” được nhiều nhất là cà chít, căm xe, thỉnh thoảng có gỗ hương. Thân hình gầy gò, đen nhẻm nhưng “có lúc mình gùi được 80kg gỗ, vừa gùi vừa chạy”.
Theo Y.C., để kiếm được nhiều gỗ có khi phải ở trong rừng 2 – 3 ngày. Khi lấy được gỗ sẽ gọi điện cho các tay buôn trước và họ chỉ đường an toàn cho nhóm mang gỗ ra.
“Tùy theo đường kính của khúc gỗ mà các tay buôn mua với giá 200.000 – 900.0000 đồng/khúc. Hôm qua, bọn mình vừa bán 1m3 gỗ được 6 triệu đồng, chia cho bảy người” – Y.C. nói.
Còn Y.T. – cao to nhất trong nhóm – nói thêm trước đây việc gùi gỗ lậu gặp rất nhiều khó khăn vì phải luồn lách, vừa gùi vừa chạy trong rừng để tránh kiểm lâm.
“Bị kiểm lâm tóm là gỗ sẽ bị thu hết. Nhưng giờ nhóm mình chẳng sợ. Nếu gặp cứ cho hai ba đứa vào đánh. Bọn mình cũng từng đánh lại kiểm lâm rồi” – Y.T. tiết lộ.
Ngoài nhóm thanh niên này, chúng tôi cũng bắt gặp ba người cả đàn ông lẫn phụ nữ sống ở buôn Trí A đang gùi gỗ băng rừng, vượt sông về nhà. Để che mắt kiểm lâm, những người này cho gỗ vào bao tải, sau đó quẳng gỗ xuống thuyền chở sang bờ.
“Nếu bị kiểm lâm phát hiện và đuổi theo, mình sẽ quẳng gỗ xuống sông rồi chạy” – một người dân nói.
Địa phương “đau đầu”
Ông Đỗ Quang Tùng – giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn – cho biết tính từ đầu năm đến nay đã có trên 900 cây gỗ bị đốn hạ, trung bình mỗi ngày vườn mất ba cây, đường kính dưới 30cm.
“Người vi phạm chủ yếu là dân sinh sống quanh vườn, lợi dụng việc vào rừng chăn thả trâu bò, thu hái lâm sản hoặc làm rẫy để cắt trộm gỗ rồi gùi ra khỏi vườn nên rất khó phát hiện, bắt giữ” – ông Tùng nói.
Lý giải việc vào rừng đốn gỗ, người dân cho rằng do hoàn cảnh khó khăn, không có đất canh tác và việc gùi gỗ không phải phá rừng, chỉ là “mót” các gốc, cành cây còn sót lại, phần thân cây đã bị lâm tặc lấy.
Bà H’Nhen (34 tuổi), ở buôn Ea Rông thường xuyên đi mót gỗ, cho hay: “Nhà mình có mấy sào đất làm ruộng, tranh thủ mùa khô mình mới vào rừng kiếm gỗ thừa về bán lấy tiền mua phân cho lúa. Cây gỗ không lấy cũng mục, không gùi cũng cháy”.
Cũng theo bà H’Nhen, việc mót gỗ này đã có 4 – 5 năm nay và hầu hết người dân trong buôn đều đi làm để có thêm thu nhập.
Bà H’On Kẹo H’Wing, trưởng buôn Trí B, cho biết cả buôn có 183 hộ thì hơn 50% là hộ nghèo. Không có đất canh tác nên người dân trong buôn chủ yếu đi làm thuê và vào rừng hái lượm.
“Buôn có tham gia chương trình khoán bảo vệ rừng, mỗi hộ nhận được 2 triệu đồng/năm. Vì vậy hộ nào vào rừng lấy gỗ bị kiểm lâm bắt được sẽ bị trừ tiền, nhưng việc vào rừng lấy gỗ vẫn tiếp diễn” – bà H’On Kẹo giải thích.
Ông Y Thông Khăm Niê K’Dăm – chủ tịch UBND xã Krông Na – xác nhận từ nhiều năm nay người dân ở chín thôn, buôn quanh Vườn quốc gia Yok Đôn vẫn vào rừng kiếm gỗ bán.
Người dân thường lấy từng khúc gỗ dài hơn 1m, gùi trên lưng rồi luồn lách trong rừng mang về nhà. Chính quyền địa phương cũng “đau đầu” trong việc ngăn chặn tình trạng này.
“Nguyên nhân là do người dân không có việc làm, rảnh rỗi suốt sáu tháng mùa khô, vì thế họ vào rừng lấy gỗ, kiếm thêm thu nhập. Xã cũng thường xuyên vận động bà con không vào rừng lấy gỗ, kể cả cây khô và mục. Những hộ dân vi phạm còn bị nêu tên trên đài phát thanh xã, nhưng việc khai thác gỗ trái phép vẫn tiếp diễn” – ông Y Thông Khăm buồn bã.
Trong khi đó qua kiểm tra tại Đrăng Phốk (xã Krông Na) nằm giữa vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, hiện có 60ha đất canh tác nhưng có hơn 10ha đất bị người dân bỏ hoang để vào rừng khai thác gỗ lậu.
Vườn quốc gia đã làm đầy đủ hệ thống kênh mương, hồ thuỷ lợi để cung cấp nước tưới tiêu nhưng bà con vẫn không chịu làm rẫy. Chưa kể mỗi năm vườn cũng hỗ trợ 40 triệu đồng cho mỗi buôn để phát triển nguồn lực kinh tế.
Cũng theo ông Đỗ Quang Tùng, “cứ nói về tình trạng rừng Yok Đôn bị tàn phá, tất cả các bên đều đổ lỗi cho chủ rừng, trong khi các đối tượng khai thác gỗ trái phép lại từ bên ngoài, do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý”.
Ông Tùng than thở hiện vườn quốc gia đang quản lý trên 115.000 ha rừng nhưng chỉ có 180 cán bộ, kiểm lâm viên trực tiếp tuần tra, bảo vệ.
Thực tế khi người dân vào rừng cắt và gùi vác gỗ nếu bị phát hiện thì họ bỏ của chạy lấy người vì không mất vốn và cũng không có phương tiện gì, chỉ mất công, còn nếu bị bắt thì mức xử phạt khoảng 3 triệu đồng nhưng rất nhiều người không có khả năng đóng tiền phạt.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đi vay tiền của đầu nậu để đóng tiền phạt, sau đó lại vào rừng kiếm gỗ trả nợ.
Các kiểu “mót gỗ” từ vườn quốc gia – Ảnh: Tiến Thành – Huyền Trang |
Kiểm lâm bó tay Theo thống kê của Vườn quốc gia Yok Đôn, trong 10 tháng đầu năm 2015 đã có 470 vụ vi phạm lâm luật (chủ yếu khai thác gỗ trái phép), tịch thu gần 200m3 gỗ, thu 560 phương tiện phá rừng các loại. Theo những người dân “mót gỗ” tại các buôn Ea Rông, Trí B, gỗ lấy được sẽ bán cho những đầu nậu ở TP Buôn Ma Thuột. “Họ thường gọi điện đặt gỗ trước hoặc cho người xuống mua trực tiếp tại các “bến”, mình chỉ biết lấy gỗ và nhận tiền” – bà H’Nhen, người gùi gỗ ở buôn Ea Rông, nói. Ông Bùi Văn Khang, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Buôn Đôn, xác nhận có chuyện đầu nậu chuyên mua gỗ “mót” của người dân sống ở các buôn quanh Vườn quốc gia Yok Đôn. “Vài năm nay, hạt kiểm lâm đã nắm được thông tin các đầu nậu chuyên mua gỗ nhưng rất khó xử lý, vì có trường hợp đã bắt được xe chở gỗ nhưng lại do người khác đứng tên, còn đầu nậu đứng sau” – ông Khang nói. |