29/11/2024

Tiêu diệt IS: chẳng đi đến đâu

Cuộc chiến chống IS do Mỹ chính thức phát động từ tháng 8-2014, với một liên minh quốc tế có 60 quốc gia góp mặt.

 KHỦNG BỐ IS – HỌ LÀ AI VÀ MUỐN GÌ? – KỲ CUỐI:

Tiêu diệt IS: chẳng đi đến đâu

 

Cuộc chiến chống IS do Mỹ chính thức phát động từ tháng 8-2014, với một liên minh quốc tế có 60 quốc gia góp mặt. 




Quân IS phô trương thanh thế trên đường phố - Ảnh: Reuters
Quân IS phô trương thanh thế trên đường phố – Ảnh: Reuters

Ngoài việc dùng không quân đánh phá, Liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu còn hợp lực nhằm “bóp chết IS” bằng những biện pháp chiến lược khác nhau. Từ cuối tháng 9 năm nay, Nga cũng chính thức dùng không quân đánh phá tại Syria…

Những nỗ lực to lớn và rất tốn kém ấy đương nhiên có hiệu quả nhất định, nhưng xem ra còn lâu mới đạt được mục tiêu. Tại sao?

Thực lực đáng kể của IS

Trước hết phải nói rằng việc Obama quyết định mở cuộc chiến “tiêu diệt IS” là quá muộn, sau khi IS đã trở thành một thực thể – tự xưng là “Nhà nước Hồi giáo” vào ngày 29-6-2014. Thực thể này có “lãnh thổ” rộng lớn tương đương diện tích nước Anh; bao gồm khu vực xuyên biên giới Syria – Iraq, trong đó có những thành phố rất quan trọng như Raqqa (ở bắc Syria), Mosul và Tikrit (ở miền bắc Iraq).

Trong khu vực do IS làm chủ, có những khu mỏ dầu lửa và khí đốt quan trọng. Đặc biệt, IS chiếm được khối lượng vũ khí khổng lồ gồm cả xe tăng, máy bay, đại bác hạng nặng… mà quân đội Iraq và Syria bỏ lại khi rút chạy.

Về mặt tài lực như đã đề cập ở số báo trước, IS được coi là “giàu có nhất” trong các tổ chức khủng bố hiện hữu. Chúng có nhiều trăm triệu đôla chiếm được trong các ngân hàng của Iraq tại Mosul, Tikrit… Sau đó, chúng tổ chức khai thác dầu thô và bán ra thị trường chợ đen.

Khi bị Mỹ đánh phá các khu vực dầu lửa, IS lại có nguồn thu khổng lồ nhờ bán các cổ vật vô giá lấy từ các khu vực di sản thế giới thuộc quyền kiểm soát của chúng.

Một nguồn bổ sung tài chính quan trọng cho IS là từ các quỹ từ thiện và quyên góp trong cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới, IS còn nhận được tài trợ “ngầm” từ một số “nguồn” Ả Rập – Sunni muốn mượn tay IS và al-Qaeda để chống lại thế lực Iran tại Iraq, Syria, Yemen, Libăng…

Về nhân lực, IS và Mặt trận Nusra không đơn thuần chỉ là tập hợp các nhân vật “thánh chiến” kiểu al-Qaeda của Bin Laden trước đây hay Taliban ở Afghanistan. IS còn là bến đậu để nhiều nhân vật không nặng tư tưởng “thánh chiến” nương nhờ, nhằm phục thù cho chế độ Saddam Hussein ở Iraq và chế độ Muammar Gaddafi tại Libya.

Nhiều cựu sĩ quan được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm chỉ huy của chế độ cũ ở Iraq và Libya đã đầu quân cho IS. Điều này lý giải cho tính “chuyên nghiệp” trong các hoạt động chiến trường của IS suốt một năm qua.

Về vũ khí, ngoài khối lượng khổng lồ đạn dược, quân cụ chiếm được từ tay quân đội Iraq, Syria, IS còn có nhiều nguồn cung cấp từ bên ngoài qua đường “chợ đen”. Một nguồn có thể nói là “dồi dào” đến từ Libya, bởi số vũ khí khổng lồ không được quản lý sau khi chế độ Gaddafi bị lật đổ đang tuồn vào Syria một cách bất hợp pháp qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ và Libăng.

Hơn nữa, với thắng lợi “như chẻ tre” mà IS giành được tại Iraq, tổ chức của chúng trở thành “niềm tự hào” của một bộ phận quan trọng tín đồ ngoan đạo dòng Hồi giáo Sunni! Nhờ “uy danh” này, IS có sức hút đáng kể đối với nhiều tín đồ Hồi giáo Sunni trẻ tuổi từ các quốc gia Ả Rập và cả từ phương Tây.

IS “ăn theo” xung đột

Trong xu thế ngày càng nóng bỏng của cuộc tranh chấp giữa một bên là Iran với bên kia là Ả Rập, nhiều thế lực cầm quyền Ả Rập ngầm tận dụng sự tồn tại của IS và al-Qaeda để đối đầu với Iran.

Ai cũng dễ dàng lên án IS là khủng bố, cần phải ngăn chặn và tiêu diệt. Nhưng mọi việc lại không đơn giản như vậy. Như Mặt trận Nusra là nhóm al-Qaeda ở Syria bị Mỹ xếp vào loại “khủng bố”, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar lại ngấm ngầm bảo trợ cho nhóm cực đoan này.

Việc chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan mãi đến tháng 7-2015 mới chịu tham gia Liên minh quốc tế chống khủng bố chính vì Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn ngầm tiếp tay cho các nhóm cực đoan trong thành phần “đối lập” ở Syria nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.

Bởi thế, người ta thấy dòng người nước ngoài cứ liên tục băng qua Thổ Nhĩ Kỳ để vào Syria, gia nhập các nhóm thánh chiến. Rồi rất nhiều vũ khí, đạn dược, quân cụ… được tuồn từ bên ngoài vào Syria, băng qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Không ít “văn phòng bí mật” của IS và các nhóm thánh chiến vẫn tồn tại ở Thổ Nhĩ Kỳ để điều hành các hoạt động cung cấp tài chính, nhân lực và vũ khí vào cho các nhóm cực đoan ở Syria.

Tại Iraq, việc IS chiếm được vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền bắc Iraq chỉ trong vài ngày hồi tháng 6-2014 nhờ sự “nương tay” không nhỏ của các tướng lĩnh dòng Sunni trong quân đội Iraq có trách nhiệm bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Chiến dịch giải phóng tỉnh Al-Anbar (miền tây Iraq) đang tiến triển rất chậm chạp cũng có lực cản không nhỏ của mâu thuẫn Sunni – Shiite. Tại nhiều địa bàn của tỉnh này, thế lực dòng tộc Sunni không chấp nhận lực lượng do chính phủ Baghdad phái đến, bởi họ cho rằng lực lượng ấy là “của dòng Shiite”.

Họ thà tiếp tục “chung sống tạm thời” với IS còn hơn là cho Shiite đến, mượn cớ đánh IS để chiếm đóng!

Syria đổ nát vì IS và nội chiến. Dòng người ồ ạt rời khỏi đất nước này và tìm cách nhập cư vào châu Âu - Ảnh: Reuters
Syria đổ nát vì IS và nội chiến. Dòng người ồ ạt rời khỏi đất nước này và tìm cách nhập cư vào châu Âu – Ảnh: Reuters

Liên minh quốc tế: hết sức lừng khừng

Đa số quốc gia thành viên trong Liên minh quốc tế chống IS do Mỹ thành lập hồi tháng 8-2014 chỉ góp mặt “cho có”. Bởi thế sau này họp hành, bàn bạc chủ yếu giữa 12 quốc gia, gọi là “nhóm bạn hữu của Syria”, chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp, khối các nước Ả Rập vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thật sự “tham chiến thường xuyên” thì chỉ có Mỹ.

Chính quyền Obama hoàn toàn bị động khi quyết định trở lại Iraq chống IS, bởi thế họ vừa đánh vừa điều chỉnh. Chính phủ Baghdad đã có chủ quyền đầy đủ từ cuối năm 2011 mà chính phủ này lại chịu chi phối mạnh mẽ từ phía Iran.

Mỹ muốn tập trung chống IS nhưng vấp phải mớ bòng bong tranh giành phức tạp giữa Sunni với Shiite ở Iraq, và bị chi phối bởi không khí đối đầu rất căng thẳng mang tính khu vực giữa Ả Rập với Iran.

Phe Sunni Iraq và Ả Rập nói chung không hài lòng nếu Mỹ đánh IS mà mở đường cho Shiite và Iran lấn tới. Sunni có bằng chứng cho rằng Iran luôn tận dụng mọi thời cơ đánh IS để mở rộng ảnh hưởng của dòng Shiite vào các khu vực vốn là lãnh địa truyền thống của Sunni.

Cuộc chiến chống IS tại phần lãnh thổ thuộc Syria còn phức tạp hơn nữa. Mỹ và phương Tây vừa muốn đánh IS, vừa muốn loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ thì chủ đích lật đổ chế độ Al-Assad, thậm chí bằng cả cách hợp tác với các lực lượng thánh chiến.

Việc Nga trực tiếp không kích “chống khủng bố” tại Syria từ ngày 30-9 đến nay dường như đang làm rối rắm thêm cho cuộc chiến chống IS. Mỹ, phương Tây và Ả Rập cho rằng Nga chỉ dành khoảng 10% các cuộc không kích nhắm vào IS; còn lại là đánh các nhóm đối lập khác để “cứu chế độ Al-Assad”(?).

Tình thế lừng khừng, lập lờ, rối ren như thế diễn ra suốt từ tháng 8-2014 đến nay khiến cuộc chiến chống IS thực chất rất ì ạch và hiệu quả không tương xứng với nhiều nỗ lực ồn ào đã thấy.

Theo RT, mới đây Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định các chính sách “vô trách nhiệm” của Mỹ ở Trung Đông đã tăng cường sức mạnh cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông Medvedev mô tả Mỹ đã phớt lờ sự trỗi dậy của IS, thay vào đó chỉ tập trung lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, qua đó “mở cánh cửa” để IS chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Syria và Iraq.

“Thay vì nỗ lực chống khủng bố, Mỹ và các nước đồng minh chỉ chống tổng thống được bầu cử hợp pháp của Syria” – ông Medvedev nói.

H.TRUNG

 


NGUYỄN NGỌC HÙNG